Phật giáo và vấn đề tác hại của thuốc lá

Chủ nhật - 21/03/2010 14:41
Ngày 31 tháng 5 là ngày thế giới không hút thuốc lá, vì thuốc lá được coi là chất độc hại cho bản thân người hút thuốc và tác hại cho cả những người xung quanh. Trong xã hội văn minh ngày nay, người ta đã nhận ra điều này, cho nên các tổ chức thế giới đã cảnh báo mọi người nên giảm bớt việc hút thuốc, cho đến bỏ hẳn thuốc lá.

Đạo Phật lấy trí tuệ làm đầu, tất nhiên biết rõ sự tác hại của thuốc lá, cho nên vấn đề này được đặt ra để mọi người thấy trách nhiệm đối với bản thân, đối với gia đình và đối với cộng đồng.

Đức Phật hiện hữu trên cuộc đời, Ngài tùy thuận chúng Tăng mà thuyết pháp. Vì vậy, có việc xảy ra trong hàng Bồ tát, Ngài mới dạy Bồ tát; có việc xảy ra trong loài người thì Ngài dạy cho loài người. Và trước khi Phật Niết bàn, Ngài cũng dặn rằng nếu có những điều xảy ra sau khi Phật vắng bóng trên cuộc đời, chư Tăng nên tập họp lại để giải quyết những vấn nạn cho mọi người và đóng góp cho xã hội văn minh lành mạnh.

Trong kinh điển, chúng ta không thấy đề cập đến vấn đề tác hại của thuốc lá; vì ngày nay mới có thuốc lá và người ta đã nhận thấy sự tác hại của nó, thì đương nhiên, giới Phật giáo phải lưu tâm đến việc xa rời chất gây độc hại này. Mặc dù Đức Phật không dạy trực tiếp về thuốc lá, nhưng Ngài đã dạy chúng ta những gì làm chướng ngăn Thánh đạo, tức trở ngại cho con đường tâm linh của chúng ta thì nên loại bỏ.

Sự chướng ngăn Thánh đạo có nhiều thứ, chủ yếu về mặt vật chất và về mặt tinh thần. Về vật chất, sự chướng ngăn lớn của chúng ta là gì ? Trong đời sống con người, việc ăn uống, ngủ nghỉ, bệnh tật thường làm chướng ngại cho việc thăng hoa tâm linh. Thật vậy, sự phát triển ba việc ăn, mặc, ở là cội nguồn của tâm tham. Vì vậy, Đức Phật dạy nên ăn ít, đối với việc mặc và ở cũng nên giảm thiểu, giúp chúng ta giảm chi phí cho những thứ này, nhờ đó đỡ phải lao động để đáp ứng yêu cầu ấy.

Thiết nghĩ ngay cả ba việc ăn, mặc, ở được coi là cần thiết trong cuộc sống mà Đức Phật còn dạy phải hạn chế, cho thiếu hụt một chút càng tốt, đừng để dư. Người ta khổ vì cứ thích có dư thừa ba thứ này. Riêng tôi, khi còn đi học, luôn cố gắng giảm thiểu chi phí vật chất tối đa để còn thì giờ học và tu. Tôi được học bổng 150 USD một tháng, nhưng không dùng quá 80 USD, để phần tiền còn lại dù ít ỏi cũng giúp ích được cho người khác. Theo Phật, bản thân chúng ta thúc liễm, ít tiêu dùng chừng nào tốt chừng đó, nên luôn thấy đủ, còn tham cầu thì bao nhiêu cũng không đủ.

Để tích lũy công đức, tôi luôn giảm thiểu chi phí cho ăn, mặc, ở. Vì vậy, suốt mùa nghỉ hè, tôi thường về chùa ở, cũng đỡ tiền phòng trọ và còn sức khỏe để tụng kinh, tham Thiền, công quả cho chùa. Nhờ vậy, tích lũy được công đức từng chút một. Khi chúng ta còn thì giờ và sức khỏe, nên làm việc gì có ích, đừng để lãng phí thời gian.

Ba việc ăn, mặc, ở cần cho cuộc sống mà chúng ta còn hạn chế, đương nhiên cái không cần là thuốc lá thì phải bỏ. Bạn tôi nói rằng hút một điếu thuốc lá làm cho tỉnh ra, nhất là quý Thầy ở vùng khí hậu lạnh thường hút thuốc cho ấm. Nghe nói như vậy, chúng ta thấy cũng phải, nhưng thực tế cho thấy hút thuốc có hại nhiều hơn.

Một lần tôi sang Mỹ ngồi cạnh một người nghiện thuốc lá nặng, nhưng trên máy bay cấm hút thuốc. Suốt 24 tiếng đồng hồ, tôi cảm thấy bình thường, trong khi ông này quá khổ sở vì không được phép hút thuốc. Tôi nói rằng anh hút thuốc làm chi cho khổ vậy, hãy tập bỏ thuốc lá. Sau gặp lại, anh nói nhờ nghe lời tôi, không hút thuốc nữa, bây giờ mập và khỏe ra.

Nếu thuốc lá giúp người ta không buồn ngủ và ấm ra, thì thay vì hút thuốc, có thể tìm cách khác để ấm và không buồn ngủ. Khi cảm thấy lạnh vì trong người thiếu chất cung cấp nhiệt lượng, có thể ăn một miếng chocolat hay một miếng bánh là những thực phẩm cho chúng ta năng lượng, sẽ cảm thấy ấm liền.

Tuy nhiên, đối với Phật tử tu hành, phải biết rằng tình trạng buồn ngủ hay lạnh là nghiệp buồn ngủ, nghiệp lạnh sinh khởi, cần khắc phục.

Theo suy nghĩ bình thường, mình lạnh vì đói, thì ăn no để không lạnh. Nhưng nếu nhìn kỹ, chúng ta thấy các Thiền sư không ăn, chỉ còn da bộc xương, mà điển hình là Đức Phật của chúng ta nhập định dưới cội Bồ đề, Ngài đã khắc phục được nghiệp bằng cách không áp dụng phương tiện bên ngoài là thức ăn, mà Ngài dùng nội lực để không bị cái đói, cái lạnh chi phối.

Tôi đã thử tập pháp này và gặp Hòa thượng Thanh Kiểm nói rằng Ngài cũng có kinh nghiệm về việc khắc phục cái đói. Thời kỳ mà Hòa thượng học ở Nhật Bản là lúc nền kinh tế nước này thấp nhất, vì bị bại trận.

Hòa thượng cho biết vì thiếu ăn trầm trọng, nên nghe tiếng gõ của người bán khoai lang, cảm thấy vừa đói vừa thèm. Nhưng càng thèm thì càng đói, vì dịch vị trong bao tử tiết ra nhiều hơn và càng đói thì lại càng thèm, nghĩa là yếu tố tâm lý và vật lý tác động hỗ tương lẫn nhau.

Khi tâm lý chúng ta nghĩ đói và thèm, dịch vị trong bao tử sẽ nhiều thêm, thay vì dịch vị để tiêu hóa thức ăn, nhưng không có thức ăn, thì dịch vị làm cho bao tử bị loét. Nhiều Thầy tu không hiểu điều này, cố gắng nhịn ăn nên bị loét bao tử. Bản thân tôi cũng có một khoảng thời gian rơi vô bệnh này, vì nhịn ăn.

Tu pháp Phật, khắc phục nghiệp ăn bằng cách nào ? Hòa thượng Thanh Kiểm dạy rằng khi Ngài ý thức được đó là nghiệp, Ngài nảy sinh ý nghĩ phải vượt qua cái đói và thèm ăn. Ngài mới uống nước lạnh và ngồi Thiền, đi vào Thiền định trước tiên là diệt tận định; nghĩa là cắt đứt mọi suy nghĩ trong đầu, trước nhất là cắt đứt ý tưởng về thức ăn và tai không nghe tiếng gõ khoai lang nữa, mắt không thấy khoai lang.

Trong tâm thay vào hình ảnh Phật một cách miên mật, thì sẽ không thấy đói, không thèm ăn nữa. Vì vậy, chúng ta không phải đói thật, nhưng đói con mắt và thèm ăn là do nghiệp tạo ra. Cơ thể chưa thiếu thức ăn, nhưng tâm cảm thấy thiếu. Cơ thể chưa thiếu, vì thân còn mập mạp, nhưng vẫn thích ăn.

Có một Phật tử thưa rằng trọng lượng cơ thể của bà nặng quá, đến 110 kg, nhưng sao cứ thèm ăn, lúc nào cũng đói. Đây chính là nghiệp ăn, mà đã là nghiệp thì khắc phục được. 110kg thì nhịn một tháng cũng không chết, vì có thể sử dụng mỡ dự trữ quá nhiều. Nghiệp này có thể khắc phục bằng cách lạy Phật, tụng kinh, tham Thiền, sẽ quên đói, quên ăn, mà sức khỏe vẫn tốt với trữ lượng dư thừa như vậy.

Có thể khẳng định rằng chúng ta sử dụng phương pháp tu sẽ khắc phục được nghiệp ham ăn. Sau tôi gặp lại bà này, nhờ áp dụng pháp tu mà giảm xuống còn 90kg và bà cho biết không còn thích ăn nữa. Như vậy là tu được.

Tu hành có trí tuệ thấy được nghiệp nên đoạn và dinh dưỡng thiếu nên bổ sung; không cố chấp mà nhịn ăn khiến cơ thể bị kiệt quệ cho đến chết. Đó cũng chính là kinh nghiệm của Đức Phật khi tu khổ hạnh, Ngài đã nhịn ăn đến mức da bụng dính với xương sống, sắp chết. Nhờ có trí tuệ, Ngài trở lại cách sống Trung đạo, không ăn nhiều, không ăn ít. An vừa đủ, hay thiếu một chút, thì dục không sinh.

Trên bước đường tu, cứ một ngày trôi qua, mạng sống của chúng ta giảm dần và điều đáng sợ nhất là chưa diệt được nghiệp và chưa đắc đạo mà chết, chưa biết sau khi chết sẽ về đâu, thì chúng ta chưa yên tâm được. Nếu biết rõ rằng sau khi chết, sẽ về Cực lạc, Niết bàn, mới tính kế hoạch tiếp theo. Còn chưa biết thì phải tiết kiệm thời gian và quỹ sinh lực của chúng ta.

Như vậy, những gì cần cho cuộc sống mà còn phải tiết giảm, huống chi là thuốc lá không cần thiết lại còn tác hại cho sức khỏe và tuổi thọ, tất nhiên cần phải dứt bỏ. Người hút thuốc lá, quần áo hôi dơ, rất bất lợi khi đứng gần người khác.

Điều thứ hai là hút thuốc lá phải tốn tiền. Một ngày tốn tiền mua một gói thuốc lá, nếu để dành số tiền này từ một năm cho đến một đời, thì cũng mua được một con trâu dùng để thay sức người kéo cày.

Vì vậy, nếu cứ tiêu xài tiền bạc cho việc hút thuốc lá là chúng ta đã làm cho phước báu của mình cạn dần, mà còn tạo nghiệp nữa, thì chắc chắn phải khổ. Cái khổ trước nhất là không có tiền hút thuốc sẽ khổ, người khác không chấp nhận mùi hôi dơ cũng khổ và xa hơn, hút thuốc lá sẽ bị bệnh tim mạch, ung thư phổi thì càng khổ thêm.

Tôi quen những người bạn hút thuốc lá đều bị ung thư phổi và đã chết, hoặc có người không hút thuốc lá cũng bị ung thư phổi, vì chồng của họ và người sống chung, người làm việc chung đều hút thuốc.

Thiết nghĩ hút thuốc lá không có lợi cho mình, mà toàn là hại, thì sử dụng làm gì. Nếu cho rằng cái lợi của hút thuốc là làm ấm cơ thể và không buồn ngủ, dễ tập trung, thì có thể sử dụng cách khác cũng được như vậy mà không làm hại đến sức khỏe.

Giả sử bị lạnh vì cơ thể thiếu chất dinh dưỡng, chúng ta có thể ăn thêm chất bột, hay chất đường, chất béo, như ăn một miếng bánh quy, uống một tách trà là giải quyết được cái lạnh và hết buồn ngủ. Khuya thức dậy sớm, tôi thường uống trà, tỉnh táo thì tụng kinh và ngồi Thiền được; nhưng sau này, nếu khoa học phát hiện ra trà độc thì tôi cũng bỏ.

Trí Giả đại sư khuyên chúng ta tu theo Phật, không ăn quá nhiều, không ăn quá ít và không ăn những chất không thích hợp với cơ thể, hay thức ăn có chất độc hại. Khi loại trừ được những chất độc hại cho cơ thể, chúng ta sẽ được giải thoát ngay trong cuộc sống này; vì vật chất tác động đến tinh thần và tinh thần cũng ảnh hưởng đến vật chất, cả hai tác động hỗ tương tạo ra vô số nghiệp trong cuộc sống chúng ta.

Vì vậy, chúng ta giảm được nghiệp thì tinh thần chúng ta sẽ nhẹ và cuộc sống vật chất cũng nhẹ theo, giúp cho việc tu hành dễ đắc đạo. Trước nhất là cơ thể mình không bệnh hoạn, thứ hai là chúng ta không có đòi hỏi nào, cho nên tâm rất tự tại, có thể thâm nhập pháp Phật một cách tự nhiên. Còn đòi hỏi phải ăn cái này, phải mặc cái kia, phải ở chỗ nọ, thì càng đòi hỏi càng khổ và đòi hỏi không được lại khổ nhiều hơn nữa.

Làm sao chúng ta không lệ thuộc đời sống vật chất này càng nhiều càng tốt và không lệ thuộc vật chất thì sẽ được thặng dư, đó là phước báu. Đức Phật dạy rằng người có phước báu sinh ra đời này sẽ ở trong dòng họ cao quý, có sức khỏe tốt và thông minh. Nếu biết sử dụng tài sản thặng dư này để bố thí, cúng dường, phước của chúng ta tăng thêm nữa, nghĩa là chúng ta sẽ giàu có hơn, sức khỏe tốt hơn.

Thực tế như chúng ta không tiêu xài cho việc hút thuốc, có tiền dư để giúp người, thì sức khỏe chúng ta cũng tốt mà người được giúp sẽ nhớ ơn ta, trở thành người bạn tốt của ta trên bước đường đạo. Làm như vậy, chúng ta đã tăng thêm phước thứ ba là có quyến thuộc Bồ đề. Và chúng ta vận dụng quyến thuộc Bồ đề này để làm những việc lớn hơn; nghĩa là nhân rộng phước báu này lớn hơn nữa.

Nhưng nếu không biết, thì sử dụng hết phước mà nghiệp lại sinh ra. Thực tế cuộc sống cho thấy có người sinh trong gia đình giàu có và được sức khỏe tốt; nhưng họ không biết sử dụng phước này trong việc tu hành, lại dùng để cung phụng bản thân họ, tăng thêm nghiệp, cho đến rơi vào cuộc sống khốn đốn. Như vậy, họ đã dùng phước để tạo nghiệp, nghiệp nghiện ngập. Nếu biết tạo phước thì tiền bạc, sức khỏe và bạn bè tốt sẽ nhiều hơn.

Đức Phật dạy người có phước nếu tu Bồ tát đạo, sẽ tạo thêm được phước nữa. Ý này được kinh Hoa Nghiêm nói rằng chúng ta có bao nhiêu phước báu, thì nên hồi hướng cho Pháp giới chúng sinh, nghĩa là trang trải cho mọi người phát triển hạt giống Bồ đề. Các Phật tử tu hành nên cân nhắc để phát triển hạt giống Bồ đề, đừng phát triển nghiệp.

Phát triển nghiệp là gì ? Ví dụ cho dễ hiểu, ta không biết hút thuốc, nhưng luôn có sẵn bao thuốc lá trong túi áo để bạn tới, mời họ hút. Làm như vậy, chúng ta đã đầu độc người khác, làm họ khổ và tương lai chúng ta sẽ có thêm một người bạn nghiện thuốc. Hoặc người nghiện rượu thấy ai cũng mời uống rượu, thì sẽ có thêm người bạn nghiện rượu.

Có tiền, chúng ta làm việc công đức bằng cách nào ? Thực tế như chúng ta đến đạo tràng này tu học và cúng dường 100.000đ, trong đó khẩu phần ăn của ta tốn 10.000đ, còn lại 90.000đ để dùng cho chín người khác tu.

Kỳ sau chúng ta cũng cúng cho chín người tu nữa. Nhờ âm thầm đóng góp cho Phật pháp như vậy, công đức chúng ta tự sinh ra ra và sau này tái sinh ở đâu, chúng ta cũng có bạn đồng tu. Theo kinh nghiệm của tôi, có nhiều bạn tu đồng hành, vì nhiều kiếp trước và trong kiếp này, tôi thường phát tâm giúp đỡ người tu.

Trái lại, đem bố thí tràn lan, họ sử dụng tiền của chúng ta để tạo ác nghiệp, tất nhiên chúng ta phải chia sẻ ác nghiệp với họ. Có thể nhìn lại những người mà chúng ta cúng dường, bố thí, giúp đỡ, sẽ thấy được cái quả của chúng ta như thế nào. Nếu cúng dường cho một thầy tu hoàn tục, chúng ta đã mất trắng, còn hại họ nữa; vì tại chúng ta cúng nhiều mà họ sinh ra nghiệp, không tu thì làm sao mình có phước.

Nhưng nếu ta giúp đỡ học trò khó khăn, họ tốt nghiệp và có danh phận trong xã hội, họ lại giúp đỡ người khác. Làm như vậy, là đã đầu tư đúng chỗ, công đức chúng ta sinh ra nhờ việc làm có trí tuệ. Nếu tạo điều kiện cho cho người nghiện ngập, ăn chơi, không tu hành, hoặc bố thí cho người ăn hại, chắc chắn không có phước, công đức không sinh ra.

Làm sao biết được công đức sinh ra. Quan sát cuộc sống của mình thì sẽ biết. Nếu có phước, lòng chúng ta sẽ hoan hỷ; vì người được ta bố thí, cúng dường có cuộc sống đi lên, điều đó sẽ tác động khiến chúng ta vui.

Người làm phước, tu phước đúng, họ ngồi Thiền định và nghĩ đến người nào đó đang ở thiên đường, hay Cực lạc, hoặc ở nhân gian giàu có, thì trong Thiền định họ cũng cảm thấy vui, mặc dù có thể cuộc sống vật chất không cao, nhưng họ luôn được an lạc.

Còn cúng dường sai pháp thì luôn bực bội, buồn phiền. Có một Phật tử nói rằng bà cho tiền người ăn xin ở chùa, nhưng sau thấy họ cờ bạc và ăn sung sướng, nên bà rất bực tức. Đó là bố thí không đúng đối tượng, nên sinh phiền não.

Người này giả làm ăn mày, lợi dụng lòng tốt của người khác để có tiền sống sung sướng, mà lười biếng, không chịu làm việc. Như vậy, họ đã tạo nghiệp và bố thí cho họ là nuôi lớn cái nghiệp ỷ lại, cái nghiệp lười biếng, cái nghiệp lợi dụng của họ, đến lúc mình không cho nữa, họ sẽ quậy phá.

Trái lại, chúng ta giúp đỡ người vượt khó và có được cuộc sống tốt đẹp, làm lợi ích cho xã hội, thì họ nhớ ơn ta, nên họ cũng làm tốt như ta, dìu dắt lại người khác. Tôi đóng học phí cho một sinh viên nghèo, sau này anh ta đậu Bác sĩ và từ Nhật về thăm tôi. Thấy anh thành đạt, tôi vui. Việc giúp đỡ của chúng ta đối với người khác có được kết quả tốt đẹp, đó là phước.

Chúng ta cúng dường người tu, sau họ về Niết bàn, Cực lạc, thì chúng ta cũng sẽ nhận được tín hiệu vui của họ gởi về. Còn cúng dường thầy tu hình thức, hoặc bố thí người ăn hại, sau này chúng ta sẽ có quyến thuộc như vậy.

Cúng dường thầy tu đắc đạo, giảng kinh thuyết pháp, chúng ta được chia phần công đức này. Công đức chúng ta sinh lớn nhất là quyến thuộc Bồ đề, nếu tạo được nhân duyên như vậy thì sau này, thầy trò sinh chung một cõi, cùng làm Phật sự và cứ tiến mãi trên con đường Vô thượng Đẳng giác.

Đối với những người tu giả, tu không tốt, chúng ta không dám xem thường, nhưng để họ một bên, không dám nhìn cái dở cái xấu của họ để không bị quả báo. Ta gác một bên, bao giờ đủ sức độ họ, ta sẽ giúp. Còn con đường mà chúng ta đang đi, nếu cưu mang nhiều, sức chúng ta sẽ không thể lo nổi.

Vì vậy, trên bước đường tu, tôi thường tự nhủ đường còn dài, việc còn nhiều, phải buông bớt; nếu gánh nặng nữa, không thể đi tới được. Đành phải ép tâm đại bi lại, an trụ trong cuộc sống Thanh văn, lo tự mình tiến tu cho thanh tịnh, giải thoát. Nếu không như vậy, chẳng những không cứu được mình, mà cũng không cứu được người khác./.

Tác giả bài viết: HT Thích Trí Quảng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây