Vượt qua cô đơn bằng bốn tâm vô lượng

Thứ sáu - 21/02/2014 15:27
Trong xã hội hiện đại, sự quan tâm chia sẻ giữa mọi người ngày càng ít đi, thay vào đó là nhịp sống hối hả với bao nhiêu toan tính.

Mọi người, nhất là các bạn trẻ phải đối mặt với sự cô đơn, khi nó đủ lớn thì ta trở nên trầm cảm hay tự kỷ. Nó gặm nhấm đi những khoảng thời gian quý báu của đời người, để lại trong tâm hồn những khoảng trống, sự cô đơn buồn tẻ.

Vậy cô đơn thực ra là gì? Đó chính sự lẻ loi, buồn chán khi cảm giác rằng chỉ có một mình đối mặt với những khó khăn, biến cố trong cuộc đời mà không ai có thể hiểu và chia sẻ. Cô đơn không phải là khi ở một mình, có những lúc ở giữa đám đông hay cuộc vui ồn ào ta vẫn thấy như đang ở trên một ốc đảo hoang vu. Khi đó ta thấy lo lắng, bất an vì đã đánh mất sự an bình tĩnh lặng vốn có của tâm. Nếu ví tâm như ly nước trong thì ta đã khuấy động và hòa vào nó bao nhiêu những bùn đất, ly nước ấy sẽ luôn bị vẩn đục và dao động.

Ngay từ khi sinh ra ta đã bắt đầu nhìn vào thế giới bên ngoài, thói quen đó ngày càng ăn sâu. Những cảm xúc buồn vui cũng như thủy triều cứ từng đợt lên xuống theo những tác động của ngoại cảnh. Trước đây tôi cứ nghĩ một người hạnh phúc hay cô đơn là do hoàn cảnh thuận lợi, sự quan tâm chia sẻ của mọi người xung quanh.

Cái nhìn phiến diện đó làm tôi luôn chạy theo và muốn sửa đổi hoàn cảnh bên ngoài để tìm sự an vui cũng như trốn chạy cô đơn. Mỗi lúc thấy lẻ loi thì tôi cũng như mọi người thường tìm niềm vui qua phim ảnh, ca nhạc hay các trò chơi. Những thứ này chỉ như ly nước ta uống khi đang đi trên sa mạc, chỉ giúp ta tạm quên cơn khát trong chốc lát mà thôi.

Như khi ta đi nhổ cỏ trong vườn mà chỉ cắt được phần ngọn của nó. Người thông minh không chỉ cắt mà còn đào tận gốc rễ của cây cỏ, nếu không thì nó đâm chồi nảy lộc lại nhanh chóng và có khi còn mạnh mẽ hơn khi chưa cắt. Cho nên ta không thể tìm niềm vui từ người khác khi mà họ cũng đang chìm đắm trong cô đơn như mình. Ta chỉ có thể loại trừ nó khi chính ta hiểu rõ tận nguồn gốc và quyết tâm từ bỏ nó.

Nếu để ý quan sát sẽ nhận thấy trong những khoảnh khắc của đời người, ta thường phải trải qua một mình, khi sinh ra và khi mất đi không ai đi cùng ta. Nhưng ta lại không muốn chấp nhận sự thực đó mà luôn đi tìm kiếm sự an bình bên ngoài. Ta không dám thừa nhận rằng ngoại cảnh có ảnh hưởng nhất định đến cảm xúc của ta nhưng không phải là điều quyết định.

Khi ngắm cảnh đẹp hay tham gia một cuộc vui thì ta sẽ có cảm giác vui vẻ nhưng nó sẽ trôi qua như cơn gió.

Có lúc tôi nghĩ rằng phải có nhiều bạn bè hay tri kỷ thì sẽ hết cô đơn. Cứ mải mê kiếm tìm rồi cuối cùng cũng nhận ra, thực chất chỉ khi tâm ta bình an thì ta mới bình an, trong khi cuộc đời thì luôn vô thường với đầy những điều bất như ý.

Trước hết ta phải chấp nhận thực tại rằng cô đơn là một cảm giác tồn tại trong tâm ta. Có chấp nhận điều đó ta mới có thể bình tĩnh quan sát và nhận biết được nguyên nhân của nó. Điều này cần một tâm định tĩnh và sáng suốt. Một người nhìn vào một ly nước bị vẩn đục và đang dao động thì không thể thấy rõ khuôn mặt mình. Chỉ khi ly nước đó trở nên yên lặng và trong sáng ta mới thấy rõ. Khi ta giữ cố định ly nước và để yên một thời gian thì tự nó sẽ lắng các vẩn đục vì bản chất của nước là sạch.

Tâm ta cũng như vậy, nó vốn dĩ bình an nhưng do ta tự làm ô nhiễm nó và cô đơn cũng là một trong những vẩn đục đó. Khi đã nhận ra được bản chất thực sự của nó thì việc vượt qua cô đơn chỉ là vấn đề thời gian.

Công trình vượt qua của ta chỉ thuận lợi khi có những công cụ sắc bén phù hợp, nó sẽ giúp ta đào tận gốc rễ của sự cô đơn. Có những pháp khi tu tập sung mãn thì cho ta an lạc bền vững nhờ đó sự cô đơn sẽ được loại bỏ như khi thắp sáng ngọn đèn trong căn phòng tối thì bóng tối sẽ tự biến mất. Đó chính là Bốn tâm vô lượng Từ, Bi, Hỷ, Xả.

Tâm từ (Metta) là lòng thương tất cả mọi chúng sanh như bà mẹ thương đứa con duy nhất của mình. Như dòng nước mát tưới cho tất cả mọi loại cỏ cây, khi tâm hồn ta được nuôi dưỡng sẽ tươi mát mà không vướng bận các nỗi buồn hay giận dữ. Nếu với ai ta cũng có tình cảm thương yêu như chính những người thân trong gia đình mình thì hẳn sẽ hết những cảm giác trống trải. Lúc đó ta sẽ luôn mong sự an lạc và hạnh phúc cho mọi người mà không còn phân biệt, tâm không phân biệt sẽ thuần khiết như giọt sương mai.

Bản chất của nước là luôn trong sạch và tươi mát, nó chỉ ô nhiễm khi bị pha trộn những chất bẩn. Hãy để tâm yên bình và tĩnh lặng thì dòng nước mát ấy lại tuôn chảy không những tưới mát tâm hồn mình mà còn lan tỏa tới những người xung quanh. Tâm từ trải rộng khiến ta hiểu hơn về cuộc sống, phát triển trí tuệ để xây dựng một cuộc sống an lành hạnh phúc dựa trên hạnh phúc của tất cả mọi người.

Tâm bi (Karuna) là lòng thương xót trước những đau khổ của tất cả chúng sanh. Thường ta chỉ cảm thông hay chia sẻ với những người hay con vật mà ta quen biết hay yêu mến. Khi đó, sự sẻ chia và những giúp đỡ nhằm giảm đi những khổ đau mà ta cảm nhận. Nếu trải tấm lòng đó rộng ra sẽ thấy cuộc sống ý nghĩa nhường nào, ta sẽ cảm nhận mình còn may mắn hơn rất nhiều người. Thay bằng sự cô đơn ta sẽ cố gắng để giúp mang lại hạnh phúc cho mình và mọi người.

Tâm bi nhiều khi mang theo sự quyết tâm dũng mãnh, như khi thấy người khác gặp khó khăn hay đau khổ thì sẵn sàng giúp đỡ, thậm chí hy sinh những thứ mình đang có. Nên để tâm bi phát khởi với tâm từ và sự bình an của tâm, vì sự giúp đỡ thực sự ý nghĩa khi nó phù hợp hoàn cảnh và thời điểm. Vì thế, những người con Phật nên trau dồi tâm bi để cuộc sống luôn tràn đầy những niềm vui.

Tâm hỷ (Mudita) là niềm vui trước hạnh phúc của người khác. Điều này nhiều lúc khó thực hiện vì ta thường cảm thấy đố kỵ vì lòng tham và bản ngã. Lòng tham ái ấy có khi không biểu hiện thô thiển mà hết sức vi tế khiến ta không thể nhận ra nếu không có sự quán xét những suy nghĩ phát khởi trong tâm. Bản ngã dựng nên một hàng rào ngăn cách giữa ta và mọi người.

Nếu dẹp được điều đó mà hòa mình vào niềm vui của mọi người thì ta sẽ tràn ngập trong từ trường của hạnh phúc. Ta không còn thấy mình cô đơn, bơ vơ lạc lõng nữa mà luôn sống và hưởng những niềm vui của cuộc sống.

Tâm xả (Upekkha) là sự bình tâm trước mọi biến cố của cuộc đời. Nó khác hoàn toàn với thái độ dửng dưng hay chạy trốn khỏi thực tại. Ta bình tĩnh đón nhận những khó khăn và thử thách của cuộc sống mà không phán xét hay phản kháng. Tuy nhiên để phát triển tâm xả thì cần một sự sáng suốt và quyết tâm lớn.

Một em bé nếu được khuyên bỏ những thứ đồ chơi vì nó không có hữu ích thì em sẽ không chấp nhận, nhưng khi em lớn lên thì tự nhiên sẽ bỏ đi những thứ đồ chơi ấy mà không cần ai khuyên bảo. Chúng ta cũng vậy khi phát triển được trí tuệ để nhận ra những thứ không có ích cho cuộc sống của mình thì tự khắc mình sẽ từ bỏ nó.

Tuy nhiên con người thì luôn thích bám giữ vào những thứ như “tôi và của tôi”, coi đó là hạnh phúc. Để thay đổi thói quen ăn sâu đó cần động lực mạnh mẽ. Ví như một người biết rằng cái răng sâu là nguyên nhân gây đau đớn và phiền phức nhưng vì sợ đau lại không dám nhổ nó đi. Chính vì vậy khi ta có được sự bình tâm và sáng suốt, ta sẽ vững chãi đối diện và vượt qua các chướng ngại trong cuộc sống.

Cuộc sống và mọi người xung quanh, có thể nói, luôn tạo những điều không tốt cho ta, đó là quyền của họ nhưng lựa chọn cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc lại là quyền của ta. Vượt qua sự cô đơn để tìm niềm vui và an lạc như hoa sen khoe sắc và tỏa hương thơm giữa bùn nhơ. Mong rằng, mỗi người hãy là hòn đảo bình an tự thân cho chính mình.

Tác giả bài viết: Nguyễn Ngọc Hưng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây