Bảo vệ môi trường vật chất chỉ có thể giải quyết phần ngọn, căn bản chưa giải quyết được tận gốc rễ vấn đề; giữ cho tâm linh trong sạch xuất phát từ việc tịnh hóa gốc rễ nội tâm, duy chỉ có vậy mới cải thiện tận gốc được. Bắt đầu từ giữ cho tâm linh trong sáng của chúng ta mới có thể cam tâm tình nguyện giảm bớt thói quen lãng phí nguồn tài nguyên, đó không chỉ là việc yêu cầu người khác thực hiện mà đó cũng là một cảm giác hưởng thụ chứ không phải là sự hy sinh, như vậy mới được gọi là “tri phúc tích phúc”!
Cái gọi là “giữ sạch tâm linh trong sáng” ý nói do cái tâm chúng ta bị “ô nhiễm”, dẫn đến môi trường cũng bị ô nhiễm theo. Giả như cái tâm không bị “làm bẩn”, thì môi trường cũng không thể bị nhiễm bẩn theo. Bởi tâm linh điều khiển thân thể, hành vi của chúng ta được kết nối chặt chẽ với cái tâm, sự thay đổi tâm niệm của mỗi chúng ta có thể làm thay đổi cả một con người, một gia đình thậm chí cả một xã hội, do vậy mà tâm niệm thay đổi là nhân tố quan trọng nhất có tác động mạnh mẽ đến những điều xung quanh.
Môi trường – tự bản thân nó không thể tự tạo ra sự bẩn thỉu lộn xộn, thực vật hay khoáng chất không thể gây ô nhiễm cho môi trường sống của con người, còn động vật cũng chỉ là thứ cân bằng sinh thái trong thế giới tự nhiên, chỉ có con người mới có thể tạo ra sự bẩn thỉu lộn xộn đó. Không những con người gây ô nhiễm cho môi trường sống mà còn gây ô nhiễm cho môi trường tinh thần, từ việc “ô nhiễm” ngôn ngữ, văn tự, ký hiệu, các lọai hình khác nhau cho đến tư tưởng, quan niệm… tất cả đều đem lại cho loài người những vết thương mới và sự ô nhiễm mới cho tâm linh. Sự ô nhiễm môi trường vật chất đều do con người gây nên, mà những hành động gây ô nhiễm đó không thể tách rời cái tâm trong mỗi chúng ta, cái “tâm” điều khiển tất cả mọi hành vi và suy nghĩ.
Môi trường quanh ta sẽ không bị ô nhiễm nếu cái tâm trong mỗi cá nhân trong sạch. Vì vậy khi bàn luận đến ô nhiễm môi trường nhất thiết phải bắt đầu từ gốc rễ, cần nhấn mạnh và khơi mào cho việc “giữ cho tâm linh trong sạch”.