Vào năm Gia Tĩnh nhà Minh, tại Giang Tây có một ngư dân tên là Trương Đức Viêm. Ngày nào ông cũng dậy sớm kéo lưới đánh bắt tại ghềnh cá chép, ăn gió nằm sương trên thuyền, chăm chỉ là vậy nhưng ông cũng chỉ đủ sống qua ngày vì quan phủ địa phương thu thuế cá quá nặng.
Vào ngày rằm tháng 4 năm đó, Trương Đức Viêm cắm cọc tre và giăng lưới trên ghềnh cá chép, dự định tranh thủ mùa cá đánh bắt thêm vào buối tối. Sau khi chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, Trương Đức Viêm thấy thời gian còn sớm bèn chợp mắt nghỉ ngơi trên thuyền.
Thế nhưng mới nhắm mắt được một lát, Trương Đức Viêm lại mơ thấy một ông lão, hai bên mép mọc hai chòm râu dài. Ông lão đứng trong nước nói: “Ta là cá chép vương, đêm nay muốn dẫn con cháu đi hồ Bà Dương đẻ trứng, giờ Tý sẽ đi qua nơi này, xin ông thu lưới lại.”
Nghe vậy, Trương Đức Viêm lo lắng trả lời: “Cá chép vương, tôi cũng muốn đáp ứng yêu cầu của ông nhưng đầu tháng sau quan phủ đến thu thuế cá, nếu không nộp đủ thì quan phủ sẽ tịch thu thuyền đánh cá của tôi, vậy thì kế sinh nhai của tôi cũng bị mất.”
Cá chép vương nghe xong nói: “Ngươi nói cũng đúng, vậy ta đưa cho ngươi một con cá chép bạc để làm tiền mãi lộ.”
Nói xong, ông lão lấy một con cá chép bác từ trong tay áo ra đưa cho Trương Đức Viêm, Trương Đức Viêm vội vàng vươn tay nhận lấy, nhưng không ngờ con cá chép bạc rơi xuống sông.
Trương Đức Viêm hoảng sợ tỉnh dậy thì thấy thời gian thu lưới đã tới rồi bèn đốt đuốc, chèo thuyền đi kiểm tra lưới, kết quả không có một con cá nào mắc lưới nhưng lại phát hiện một vật trang sức bạc hình cá chép.
Trương Đức Viêm xem xét tỉ mỉ thì thấy con cá chép này được khắc vảy như thật, đôi mắt rất sống động, giống như một con cá sống hóa thành, cầm ở trong tay ước chừng nặng khoảng một cân (0,5kg). Ông nhớ lại cảnh tượng trong mơ, rất lấy làm lạ, nghĩ thầm: “Xem ra chuyện cá chép vương mua đường là thật.”
Trương Đức Viêm nhìn lên trời thì thấy Mặt Trăng cũng sắp lên đỉnh, không bao lâu nữa sẽ tới giờ Tý, bèn tranh thủ thời gian thu lưới lại.
Sau khi thu thập xong, Trương Đức Viêm ngồi chờ trên mũi thuyền. Một lúc sau, một con cá chép lớn dẫn hàng ngàn con cá chép bơi từ sông xuống ghềnh, bọt nước văng khắp nơi. Nhìn thấy cảnh tượng kinh tâm động phách này, Trương Đức Viêm lập tức quỳ xuống dập đầu bái lạy con cá lớn trong sông.
Ngày hôm sau khi Mặt Trời vừa ló dạng, Trương Đức Viêm vội vàng gói kỹ con cá chép bạc lại rồi vào thị trấn, tìm đến một tiệm cầm đồ. Ông chủ cửa hiệu này tên Triệu Hưng là một người thông minh, thấy con cá chép bạc được chế tác vô cùng tinh xảo, trị giá 100 lượng bạc, trong khi Trương Đức Viêm mặc quần áo chắp vá nhiều chỗ, ông ta cảm thấy người này không hiểu biết gì nên nói: “Tôi thấy con cá chép bạc này được chế tác sơ sài, bạc cũng kém chất lượng, chỉ trị giá 10 lượng bạc thôi. Nếu ông đồng ý giá này thì tôi sẽ thu giùm.”
Quả nhiên Trương Đức Viêm không hiểu giá cả thị trường của đồ trang sức, vừa nghe bán được 10 lượng bạc đã lập tức vui như mở cờ trong bụng, liên tục nói: “Đồng ý, đồng ý! Tôi cầm giá này.”
Triệu Hưng liền phân phó chưởng quầy lấy bạc cho Trương Đức Viêm. Đợi Trương Đức Viêm rời đi, Triệu Hưng lại cầm con cá chép bạc ngắm nghía kỹ càng, cảm thấy vật như vậy chỉ có những gia đình lớn mới có thể sở hữu, không biết làm sao nó lại nằm trong tay người nghèo khó như Trương Đức Viêm. Nhưng hiếu kỳ thì hiếu kỳ, ông ta cũng không xem con cá chép bạc này là kỳ trân dị bảo hiếm có khó tìm, nên không suy nghĩ sâu xa.
Về phần Trương Đức Viêm, sau khi nộp thuế cá, ông dùng số tiền còn lại vào sinh hoạt hàng ngày, nhìn chung cuộc sống đã khá giả hơn trước. Chớp mắt đã đến ngày rằm tháng 4 năm sau, cá chép vương lại hiện thân mua đường, tiếp tục đưa một con cá chép bạc cho Trương Đức Viêm, ông lại đến hiệu cầm đồ của Triệu Hưng đổi bạc.
Triệu Hưng thấy Trương Đức Viêm lại có được cá chép bạc thì nổi lòng hiếu kỳ, liền kiếm cớ mời Trương Đức Viêm đi uống rượu rồi hỏi khéo về nguồn gốc của cá chép bạc. Trương Đức Viêm vốn là làm người thành thật chất phác, cộng thêm uống rượu khơi dậy sự đắc ý, nói chuyện một hồi liền khai ra nguồn gốc của cá chép bạc.
Triệu Hưng biết được mọi chuyện liền nổi lên ý xấu. Ngày hôm sau, ông ta mang tiền đi đút lót tên ác bá chuyên ức hiếp ngư dân trong vùng, yêu cầu đuổi Trương Đức Viêm đi. Còn chính Triệu Hưng thì mua một chiếc thuyền đánh cá chiếm đóng ghềnh cá chép.
Đến ngày rằm tháng 4 tiếp theo, Triệu Hưng thuê người giăng lưới trên ghềnh cá chép. Đợi đến khi hoàng hôn sắp buống xuống, ông ta lại làm theo lời kể của Trương Đức Viêm, nằm ngủ ở đầu thuyền. Quả nhiên Triệu Hưng nằm mơ gặp được cá chép vương đến mua đường, ông ta hưng phấn nói với cá chép vương: “Hiện tại bãi sông này là của tôi, ông phải đưa cá chép vàng thì tôi mới nhường đường cho các ông.”
Cá chép vương suy nghĩ một lúc rồi nói: “Cũng được, lần này ta không những sẽ cho ông một con cá chép vàng, mà đó còn là một con cá sống“. Triệu Hưng nghe xong rất đỗi vui mừng, lập tức đồng ý thu lưới nhường đường cho cá chép vương.
Lúc này, cá chép vương lại nói tiếp: “Có điều cần phải cho cá ăn vụn vàng, nếu không sẽ chết đói“. Nhưng Triệu Hưng lại không quan tâm lời này mà chỉ thúc giục muốn lấy con cá chép vàng kia.
Sau khi tỉnh dậy, Triệu Hưng nhanh chóng đốt đuốc đi kiểm tra lưới thì quả thật có một con cá chép vàng. Ông ta lập tức cho con cá vào chậu nước, mang về nhà, còn đặc biệt mua một chiếc vại tuyệt đẹp để nuôi cá chép vàng.
Nhìn con cá chép bơi qua bơi lại trong vại, Triệu Hưng bỗng nhiên nghĩ ra một chủ ý. Vào những năm Gia Tĩnh, Nghiêm Tung chuyên quyền, bán quan bán tước, việc hối lộ trở thành phong trào. Vì thế Triệu Hưng muốn dùng con cá chép vàng này để nịnh bợ quan viên địa phương, mưu cầu chức quan nhỏ.
Nghĩ đến tương lai làm quan tươi sáng, Triệu Hưng không khỏi đắc ý. Nhưng đột nhiên ông ta phát hiện con cá chép vàng chìm xuống đáy bể, bụng ngửa lên như đang hấp hối.
Việc này khiến Triệu Hưng sợ hãi, nhất thời ông ta cũng không biết nên làm gì, gấp đến mức đi xung quanh vại cá. Bỗng Triệu Hưng nhớ cá chép vương đã từng nói phải nuôi cá bằng vụn vàng, liền chạy vội đi lấy một đĩnh vàng, dùng dao cạo ra mảnh vụn cho vào vại nước.
Kể đến cũng lạ, vụn vàng vừa rơi vào nước thì con cá chép đang hấp hối lập tức xoay người ăn hết sạch không còn một mảnh, sau khi ăn xong liền khôi phục sức sống.
Thấy vụn vàng có hiệu quả, Triệu Hưng mới nhẹ nhàng thở ra, nhưng một lát sau con cá chép lại bắt đầu nửa chết nửa sống, chỉ khi cho ăn vụn vàng mới khôi phục như thường. Cứ như thế, Triệu Hưng không ngừng cho ăn, qua một ngày đã hết sạch một thỏi vàng.
Triệu Hưng vốn định nuôi con cá vàng này một thời gian, chờ đến thời cơ tốt nhất mới tặng quan trên, nhưng tình trạng mỗi ngày hao hết một thỏi vàng khiến ông ta không thể chờ đợi lâu hơn nữa. Vì vậy ngày hôm sau Triệu Hưng liền mang con cá chép đi dâng tặng tri phủ.
Tri phủ xem con cá chép vàng có thể bơi lội, có thể chuyển động, lại nghĩ đến Nghiêm Tung sẽ đi qua khu vực quản lý của mình khi về thăm nhà vào ba tháng sau, đến lúc đó nếu tặng nó cho Nghiêm Tung thì nhất định có thể lấy lòng ông ta, nói không chừng có thể thăng quan tiến chức, một bước lên mây. Tri phủ càng nghĩ càng vui mừng, liền trực tiếp khen ngợi Triệu Hưng, muốn giữ lại con cá chép vàng.
Triệu Hưng sợ cá chép chết đói mà lỡ việc, liền nói ra chuyện phải cho ăn bằng vụn vàng, mỗi ngày cần một thỏi vàng. Tri phủ xảo quyệt nghe vậy thì mắt đảo một vòng rồi nói: “Con cá chép vàng này tạm thời gởi nuôi ở chỗ ngươi, 3 tháng sau ta lại đến lấy, trong thời gian đó ngươi cứ nuôi như bình thường, nếu ngươi dám vứt nó đi, để nó chết hay tróc một miếng vảy nào thì ta đều sẽ hỏi tội ngươi.”
Triệu Hưng nghe xong liền trợn tròn mắt, “bịch” một tiếng quỳ xuống khẩn cầu: “Đại nhân, nhà con tài sản ít ỏi, làm sao nuôi nổi con cá chép này!”
Thế nhưng tri phủ lại không có hành động gì mà chỉ nói: “Nuôi con cá vàng này tuy hao tiền tốn của nhưng đợi đến khi ta dâng tặng nó cho vị đại nhân kia thì nhất định có thể khiến ông ấy vui lòng, cho ta thăng quan, lúc đó chẳng lẽ ta lại bạc đãi ngươi? Ngươi cứ yên tâm thay ta nuôi con cá chép vàng này cho tốt, ta chắc chắn sẽ đền bù tổn thất cho ngươi!“
Triệu Hưng vốn còn muốn nói thêm nhưng thấy tri phủ có vẻ mặt cứng rắn, hạ lệnh đuổi khách, thì chỉ có thể hậm hực mang con cá chép về.
Tuy nhà Triệu Hưng giàu có nhưng để có đủ vàng nuôi con cá chép thì cũng chỉ có thể hôm nay bán nhà, ngày mai bán quán, những vật có giá trị trong nhà cũng từ từ bị bán đi.
Sau 3 tháng nuôi con cá chép vàng khiến Triệu Hưng rơi vào cảnh tán gia bại sản, rốt cục cũng đến lúc Nghiêm Tung đến Giang Tây. Triệu Hưng nhanh chóng dựa theo lời tri phủ, cẩn thận từng li từng tí giao con cá chép cho tri phủ. Tri phủ lại hối lộ những quan lại khác, qua bao nhiêu người mới đưa được con cá chép vàng đến trước mặt Nghiêm Tung.
Nghiêm Tung nghe nói có con cá chép toàn thân là vàng có thể bơi lội, trong lòng cũng cảm thấy thần kỳ, liền dẫn thủ hạ phụ tá đi xem. Nhưng khi mở nắp vại thì lại không thấy con cá chép vàng nào đang bơi lội, mà chỉ thấy một khối đá được tạc thành hình cá chép nằm bất động dưới đáy. Nghiêm Tung giận tím mặt, cho rằng tri phủ tặng lễ là có chủ tâm trêu đùa mình, lập tức sai tuần phủ Giang Tây trừng trị hắn. Tuần phủ Giang Tây nào dám thờ ơ, cùng ngày liền phái người thêu dệt tội danh bắt giam tri phủ.
Đáng thương cho Triệu Hưng, mặc quần áo vải thô rách rưới, bụng đói kêu cồn cào, trông mong tri phủ thăng chức để đền bù tổn thất cho mình, nào ngờ nửa quan nửa chức không thấy, vàng bạc cũng chẳng có mà chỉ có tin tri phủ bị tống giam. Triệu Hưng đã hai bàn tay trắng giờ lại càng tuyệt vọng, chỉ có thể làm ăn xin bên đường mà sống qua ngày.
Chuyện của Triệu Hưng và tri phủ lan truyền đến chỗ các ngư dân, Trương Đức Viêm biết được thì trở lại ghềnh cá chép trên bãi đánh cá. Còn tên ác bá nghe thấy chuyện cá chép vương thì cảm thấy Trương Đức Viêm được thần tiên bảo hộ, cũng không dám làm càn, ngay cả quan phủ cũng không dám trưng thu thuế cá của ông.
Tuy nhiên, sau này Trương Đức Viêm không còn mơ thấy cá chép vương nữa, song cứ đến ngày rằm tháng 4 hàng năm ông vẫn thu lưới cá trên ghềnh. Lâu ngày ngư dân địa phương cũng hình thành phong tục không đánh cá vào ngày rằm tháng 4.
Trương Đức Viêm tuy bị lừa bán rẻ cá chép bạc, bị đuổi khỏi ghềnh cá chép mất kế sinh nhai, nhưng đó chỉ là nhất thời. Người lương thiện sẽ không thiệt thòi bởi lương thiện là bản tính của sinh mệnh con người, chúng ta làm người lương thiện thì bao giờ cũng được Thần linh bảo hộ tránh khỏi tai ương.
Còn Triệu Hưng dù chiếm lợi khi mua lại cá chép bạc của Trương Đức Viêm với giá thấp và đòi được cá vàng từ cá chép vương, nhưng kết cục lại bi thảm. Người tham lam gian xảo thì sẽ tự rước lấy tai họa bởi lòng tham chính là thứ độc dược đáng sợ nhất, nó có thể hủy hoại một cá nhân chỉ trong nháy mắt. Người tham lam muốn mọi thứ, nhưng cuối cùng họ sẽ mất tất cả.
Kỳ thực, người sống trên đời, hãy làm việc mình nên làm, đừng làm việc không nên làm. Hãy học cách thuận theo tự nhiên, buông bỏ chấp nhất của bản thân.
Theo Tinhhoa.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự