Nghĩ về chữ Lễ

Thứ bảy - 15/10/2022 17:53
Lễ trong giáo dục nói riêng và xã hội nói chung không phải là một thứ xiềng xích cần phải phá bỏ. Trái lại, đấy có thể là lời nhắc nhở, thậm chí là ranh giới kẻ giữa sự dung tục và tinh thần cao quý, cũng như nói lên bản sắc của nền văn hóa chúng ta đang sống.
Giơ tay xin phép trước khi trả lời câu hỏi cũng là một biểu hiện nhỏ của chữ Lễ trong lớp học
Giơ tay xin phép trước khi trả lời câu hỏi cũng là một biểu hiện nhỏ của chữ Lễ trong lớp học

Canang sari ở Bali
Nếu ai đã từng đến Bali (Indonesia), ta sẽ phải ngạc nhiên với sự phổ biến của các nghi lễ: bên bất kỳ ô cửa nhỏ nào cũng có một lễ vật và điện thờ có thể được dựng ngay trong một... trạm xăng. Các lễ vật nhỏ, thường được gọi là canang sari, được kết lại hằng ngày từ rất nhiều loại hoa, thường là hoa râm bụt, cẩm tú cầu và cúc vạn thọ, đặt trên một khay nhỏ làm từ lá cọ. Người Indonesia có thể đặt lên nó vài tín vật mang theo lời cầu nguyện: một chiếc vé xe bus để cầu cho chặng đường bình an hoặc một số tiền lẻ tượng trưng cho khát vọng thịnh vượng.

Canang sari thường được đặt ngay ở cửa ra vào, một sự hiếu khách không phô trương, ban phước cho người bước vào, mang ý nghĩa tinh thần tựa như vòng nguyệt quế treo trước cửa những người theo Ki-tô giáo vào dịp Giáng sinh hay chanh và ớt tết thành dây ở cửa ra vào của người Ấn Độ. Ở Bali, việc đặt canang sari sớm trước cửa nhà có ý nghĩa rất lớn: “Nếu tôi không làm canang sari, tôi cảm thấy hơi lạc lõng và u ám. Tôi thấy bước đi của mình không còn vững chắc” - Kadek, một phụ nữ ở Bali, nói với trang Aeon.co, khi được hỏi về cách cô cảm nhận nghi lễ thường nhật này.

 

Chúng thực sự là những vật che chở cho tâm trí của người Bali, hằng ngày hằng giờ.Dù như bạn đã thấy, kết một chiếc canang sari phức tạp, đòi hỏi sự tỉ mẩn và thời gian như thế nào. Đấy thực sự là một kết cấu giàu tính biểu tượng: khung của nó kết từ lá dừa với diện tích khoảng 6 inch vuông, với một lá trầu được đặt ở gốc để tôn vinh vị thần Bali Sang Hyang Widhi. Các thần Brahma, Vishnu và Shiva gắn với các loại hoa có màu sắc khác nhau: Brahma, thần lửa, biểu thị bằng hoa màu đỏ đặt ở góc phía Nam; Vishnu, nước, là hoa màu xanh đặt ở hướng Bắc; Shiva, vị thần của cả năm nguyên tố đất, nước, không khí, lửa và bầu trời, có hiện thân là hoa màu trắng quay về hướng Đông và hoa màu cam hoặc vàng ở góc phía Tây.

Điều đáng nói là dù quá trình làm ra cầu kỳ như vậy, canang sari chỉ tồn tại trong đúng một ngày, như một biểu hiện phù phiếm. Ngày nay, trong làn sóng của chủ nghĩa tân tự do, thứ lễ vật cầu kỳ này có thể bị xét lại, như bao biểu tượng và nghi thức khác, nó có thể bị xem như một kiểu lễ nghi rườm rà, hình thức, trong xã hội Âu tâm ngày một đề cao sự giản tiện và “thực chất”, một cụm từ đang bị lạm dụng hòng rút gọn các nghi thức đã thành bản sắc của nhiều dân tộc.

Ta đã thấy các cuộc tranh cãi diễn ra ở khắp nơi, bao gồm cả Việt Nam, nơi mà làn sóng xét lại đã đặt ra chuyện bỏ Tết ta, chuyện có nên hỏi những câu “tế nhị” ngày Tết, rồi “giải thiêng” bánh chưng và gần đây, muốn bỏ luôn cách xưng hô “con - thầy” nơi học đường và thậm chí là mong gỡ cả khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” trong giáo dục. Dù dưới hình hài nào thì ý tưởng của việc xét lại này chỉ có một: cần phải giảm “liều lượng” của chữ Lễ xuống. Trong xã hội hiện đại, các lễ nghi có thể bị xem như một trở ngại của quá trình đổi mới mọi thứ: chẳng hạn như với giáo dục, việc xưng hô “con - thầy” được lập luận là có thể khiến học trò thụ động và thiếu sáng tạo khi tiếp thu bài giảng, do không có văn hóa tranh luận với thầy.

Nhưng, các nghi lễ luôn có hiệu quả, ngay cả đối với những người không tin vào chúng. Khoa học thậm chí khẳng định rằng chúng làm giảm bớt đau buồn, lo lắng, tăng cường sự tự tin và thậm chí giúp chúng ta tự kiểm soát bản thân, theo nghiên cứu của tờ Scientific American. Tâm lý học nói rằng chúng ta suy ra hình ảnh bản thân từ hành vi của chính mình và bởi mọi nghi lễ đều đòi hỏi sự tự kỷ luật, những người thực hiện nghi lễ một cách tận tâm sẽ thấy mình có năng lực tự chủ tốt hơn.

Và, thực tế thì không có nền văn hóa hay cá nhân nào sống mà không dựa vào lễ nghi, dù là phương Đông hay phương Tây.Chúng ta có lễ nhậm chức của tổng thống, lễ tốt nghiệp của học sinh, nghi lễ của các chùa, đền thờ Phật, nhà thờ Hồi giáo và lễ Giáng sinh.Mặc dù các nghi lễ đôi khi bị thương mại hóa hoặc tẻ nhạt nhưng chúng là một phần của thực hành văn hóa tập thể, với tầm vóc vượt qua bất kỳ cá nhân nào. Nghi lễ thậm chí trở nên sống động trong những cụm từ nhỏ nhất như “cảm ơn” giúp đề cao lòng biết ơn, hay từ goodbye (tạm biệt) trong tiếng Anh đơn giản được rút gọn từ “god be with you” (Chúa luôn ở bên bạn), như một lá bùa nhỏ bé gửi gắm cho người đối diện.

Nghi thức và niềm tin
Chúng ta không can thiệp thực sự vào các vấn đề mang tính nghi lễ một cách thô bạo: nếu nền giáo dục chưa thực sự có tính khai phóng, hay thiếu tính tư biện, thì việc giảm bớt chữ Lễ không phải là chìa khóa vạn năng để giải quyết vấn đề. Sự can thiệp thô bạo, bằng một lời kêu gọi hời hợt hay một bài xã luận chỉ trích lề thói cũ, thậm chí làm nảy sinh các vấn đề vượt ngoài nghi lễ: những ai theo chủ nghĩa dân tộc và truyền thống có thể cảm thấy bị xúc phạm, vì niềm tin của họ bị coi nhẹ. Tôi đã gọi các thầy xưng con trong nhiều chục năm và chẳng sao cả, vì sao tôi phải thay đổi? Truyền thống đã sống hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm, làm nên bản sắc của chúng ta, vậy thì lý do gì phải gạt bỏ chúng chỉ trong ngày một ngày hai?

Thậm chí, chính các học giả phương Tây cho rằng thông qua việc sử dụng tài nguyên không công bằng, thiếu kiểm soát, chúng ta đã cùng nhau tạo ra một xã hội rối loạn và mất tư duy về nghi lễ là một phần nguyên nhân.Vào những năm 1990, nhà nhân chủng học Roy Rappaport thậm chí từng kêu gọi trách nhiệm tập thể đối với trật tự sinh thái thông qua việc đề cao các nghi lễ đối với tự nhiên. Ông cho rằng việc thiếu vắng chúng khiến con người phá hoại bừa bãi hơn. Nếu chúng ta chỉ coi cái cây là một sinh vật vô tri thôi, ta có thể chặt chúng xuống không đắn đo. Nhưng, việc duy trì các nghi thức tôn trọng thiên nhiên giúp các tiều phu phải suy nghĩ lại: mỗi cánh rừng là một thực thể siêu việt có một phần nào đó cao hơn con người.

1\
Nghi thức ghi lại hiện tượng mặt hồ đóng băng của các nhà sư Thần đạo tại hồ Suwa vô tình trở thành một biên bản khí tượng hoàn hảo về sự nóng lên của Trái đất. Nguồn ảnh: Getty.

 

Ví dụ hùng hồn nhất về chuyện này là nghi thức ghi lại hiện tượng mặt hồ đóng băng của các nhà sư Thần đạo ở hồ Suwa. Kể từ năm 1443 đến nay, họ đã duy trì nghi lễ này đều đặn, tin rằng mỗi lần các đồi băng được hình thành trên mặt hồ chính là “dấu vết của các vị thần”. Thật ngẫu nhiên, họ đã thực hiện một quá trình quan sát và ghi chép khoa học bền bỉ: trong suốt 255 năm đầu, chỉ có 3 lần mặt hồ không đóng băng. Sau đó từ năm 2005 đến 2014, có 5 lần hiện tượng này không xảy ra. Từ năm 2013 đến nay, mặt hồ chỉ đóng băng đúng 1 lần, cho thấy Trái đất đang nóng lên trầm trọng như thế nào. Nghi lễ này đã trở thành biên bản khí tượng ấn tượng nhất từng có và cho thấy mối quan hệ giữa các nghi thức với số phận loài người, thứ đang bị cho là ngày càng xa đời đời sống chúng ta. Trái lại là đằng khác: nền văn minh của chúng ta tồn tại dựa trên nhận thức về sự tôn trọng này.

Tương tự, chữ Lễ trong giáo dục nói riêng và xã hội nói chung không phải là một thứ xiềng xích cần phải phá bỏ. Trái lại, đấy có thể là lời nhắc nhở, thậm chí là ranh giới kẻ giữa sự dung tục và tinh thần cao quý, cũng như bản sắc của nền văn hóa chúng ta đang sống. Khi chúng ta xưng con và gọi người dạy mình là thầy, chúng ta không coi đây là một mối quan hệ hợp tác công việc thuần túy, giữa một người cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ: đây có thể là mối quan hệ giàu ý nghĩa hơn và đòi hỏi nhiều sự quan tâm hơn. Trong các nền văn hóa khác nhau, chúng ta sẽ nâng một điều bình thường đối với nơi này thành một thứ thiêng liêng ở nơi khác và không cái nào phải bài trừ cái nào.

Bạn có thể nghĩ về các ý tưởng ưu tiên bỏ cái này, lấy cái kia, tư duy về nó như một món đồ thuần túy. Nhưng, điều này lúc nào cũng là vô nghĩa. Mỗi lần như thế, tôi luôn nhớ lại câu chuyện về những chiếc canang sari ở Bali: ngày nào người ta cũng bỏ chúng đi, sau khi đã mất công kết lại. Nhưng, mỗi lần như thế, đức tin của họ dường như lại càng mạnh mẽ hơn. Phủ nhận một ý niệm kiểu thế là một việc bế tắc ngay từ đầu.

Theo cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây