Cách đây rất lâu, có một vị vua già quyết định chọn một trong ba người con trai của mình để thừa kế ngai vàng. Một hôm, nhà vua gọi ba người con trai của mình đến và bảo: "Ta đã lớn tuổi nên quyết định truyền ngôi cho một trong ba anh em các con. Thế nhưng, cả ba người các con đều sẽ phải đi ra ngoài chu du trong vòng 1 năm. 1 năm sau quay lại, các con hãy nói cho ta biết điều cao quý nhất mà các con đã làm được trong năm đó là gì. Chỉ có người thực sự đã làm được việc cao quý mới có thể thừa kế ngai vàng của ta".
Ba anh em theo lời vua cha lên đường. Một năm trôi qua, họ quay lại cung điện và đến gặp đức vua, nói cho ông nghe những gì họ đã đạt được trong một năm vừa rồi.
Người con trai cả nói: "Trong chuyến chu du của mình, có lần con đã gặp một người lạ rất tin tưởng con. Ông ấy nhờ con đưa túi tiền vàng của ông ấy cho cậu con trai sống ở một thị trấn khác. Khi con đến thị trấn đó, con đã đưa lại toàn bộ số tiền vàng vẫn còn nguyên vẹn cho cậu ta".
Nhà vua nghe xong, bảo: "Con đã làm một điều đúng đắn, nhưng thành thật là đức tính mà mỗi người đều cần phải có, thế nên không thể gọi nó là cao thượng được".
Kế tiếp, người con trai thứ hai kể: "Con đi du lịch đến một ngôi làng và tình cờ bắt gặp một toán cướp. Con đã lao vào giúp dân làng xua đuổi bọn cướp và bảo vệ tài sản của họ".
Nhà vua nghe xong lại nói: "Con đã làm rất tốt, nhưng cứu người là trách nhiệm của con. Thế nên, nó vẫn không thể gọi là việc cao thượng được".
Đến lượt mình, người con thứ ba ngập ngừng nói: "Con có một kẻ thù, hắn ta thường tìm mọi cách để hãm hại con. Mấy lần con đã suýt chết dưới tay hắn. Trong chuyến du hành vừa rồi, vào một đêm nọ, con đang cưỡi ngựa một mình bên vách núi thì thấy kẻ đó ngủ dưới gốc cây to. Khi ấy, con chỉ cần đẩy nhẹ một cái, hắn ta sẽ lập tức ngã xuống vách núi và chết. Thế nhưng, con đã không làm như vậy. Ngược lại, con gọi anh ta dậy, nói với anh ta rằng ngủ ở chỗ này rất nguy hiểm và khuyên anh ta nên tiếp tục lên đường.
Sau đó có một lần, con vừa xuống ngựa chuẩn bị băng qua sông thì một con hổ đột nhiên nhảy ra từ rừng cây bên cạnh và lao về phía con. Đúng lúc con tuyệt vọng nghĩ rằng phen này không thể thoát được, thì kẻ thù của con từ đằng sau lao tới, một đao kết liễu con hổ. Quá bất ngờ, con hỏi anh ta tại sao lại cứu con. Anh ta nói: ‘Chính anh là người đã cứu tôi trước, lòng tốt của anh đã làm tan biến sự thù hận của tôi’. Đây… đây quả thực cũng chẳng tính là việc lớn gì".
Nhà vua nghe xong liền lập tức nói: "Không, con trai, thiện lương hóa giải thù hận là một việc làm cao thượng và thần thánh. Con trai của ta, con đã làm một việc cao thượng. Vậy nên, từ hôm nay trở đi, ta sẽ truyền lại ngôi vị của mình cho con".
Thiện lương chân chính không nằm ở hình thức bề ngoài mà là thể hiện của nội tâm. Thiện lương không phải là vẻ thành kính nơi chùa chiền, miếu mạo mà chính là sự quan tâm, tôn trọng xã hội từ những điều rất nhỏ trong cuộc sống. Thiện lương là lương tri, là bản tính, là lựa chọn và là một đức hạnh tốt đẹp của con người.
Người càng lương thiện thì nhân cách càng lớn lao. Họ làm việc có thủy có chung, xem trọng trách nhiệm của mình, vô tư không vụ lợi. Họ không để yêu ghét che mờ thiện ác, không khiến lợi ích phủ khuất lương tri, họ coi trọng những giá trị phổ quát. Bởi vậy đối với việc còn thiếu sót thì họ chung tay làm cho tốt đẹp, đối với tội ác thì họ lên tiếng hay hành động bảo vệ kẻ thế cô.
Người ta bảo họ "hay lo chuyện bao đồng", nhưng họ mới là người duy trì ngọn lửa chính nghĩa cho nhân quần, ấp ủ niềm tin và hy vọng vào tương lai cho xã hội. Lương thiện không phải mềm yếu hay khờ khạo, nó chính là bản tính nguyên sơ của sinh mệnh con người. Giữa lúc hoạn nạn, nước sôi lửa bỏng, người nào còn giữ được thiện lương, người ấy ắt tiến xa vạn dặm.
Theo Songdep.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự