1.
Mái ấm tình thương chùa Diệu Pháp (188 Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh,
TP HCM) là nơi nương tựa lúc xế chiều của hơn 60 cụ già neo đơn, tàn tật. Các
cụ đến từ khắp ba miền Bắc,
Chùa
Diệu Pháp được xây dựng từ năm 1964, một trong số ít những ngôi chùa nằm ven
sông Sài Gòn, chùa do Đại đức Thích Tâm Khai, một nhà hoạt động cách mạng khai
mở. Sau ngày thống nhất đất nước, thầy Tâm Khai mới rũ bụi trần, chính thức quy
y cửa Phật, trở thành trụ trì chùa Diệu Pháp. Từ đây, mái ấm tình thương của
chùa bắt đầu hình thành.
Theo
lời của các sư chùa Diệu Pháp kể lại rằng, thời gian thầy Khai còn theo cách
mạng, nằm vùng, thầy thường được các má vùng Bà Điểm, Hóc Môn chở che, đùm bọc.
Nhớ cái ơn ấy, sau này, mỗi khi thấy các cụ già neo đơn, không nơi nương tựa,
ăn xin, bán vé số, thầy Tâm Khai lại năn nỉ, đưa các cụ về chùa phụng dưỡng.
Không ai nhớ hết đã có bao nhiêu cụ đến rồi đi, sống những ngày cuối đời rồi
nhắm mắt yên giấc ngủ ngàn thu...
Nguyễn
Thị Mỹ Loan sinh năm 1983, con một gia đình phật tử, từ nhỏ, Loan thường theo
cha mẹ vào chùa tụng kinh, niệm Phật. Tâm Phật và triết lý nhà Phật thấm vào
Loan từ khi cô bé còn rất nhỏ. 19 tuổi, Loan cũng trở thành một phật tử. Loan
biết chùa Diệu Pháp vào những năm 1990, khi ấy, cô bé thường theo cha vào chùa
làm công quả.
Cũng
là lúc, Mỹ Loan bắt đầu gặp các cụ già ở mái ấm. Những ông bà già buồn rượi,
lặng lẽ, vật vờ như cái bóng, lắt lay như khói. Có lần đến mái ấm trong một
ngày mưa tầm tã, khi ấy, mái ấm vẫn còn là nhà lá, thấy các cụ ngồi co ro trên
chõng tre, dưới nền thì nước ngập phải xắn quần lội, trên mái dột khắp nơi.
Người
chăm sóc các cụ khi ấy là một người phụ nữ trung niên vừa phải vật lộn với nước
vừa phải lo cho từng cụ, nhiều cụ phải tự chăm lo cho mình, cụ nào cũng ướt đầm
đìa. Có cụ nằm liệt giường cũng cố gắng ngọ nguậy tự chăm sóc mình. Cảnh tượng
ấy khiến cô bé cay cay khóe mắt.
Thấy
thương quá, Mỹ Loan quyết định xắn tay áo vào phụ vừa lau nước cho các cụ, vừa
ẵm các cụ đến nơi không dột nước. Trở về, Mỹ Loan suy nghĩ dữ lắm, hình ảnh mái
ấm dột nước cứ trở đi trở lại trong suy nghĩ của cô, Loan biết chắc chắn rằng,
cuộc đời của các cụ già ở mái ấm đã chịu nhiều cơ khổ, đến cuối đời, không lẽ
các cụ không có lấy một ngày vui vẻ, hạnh phúc, được chăm lo chu đáo.
Cái
suy nghĩ vào chùa chăm lo cho các cụ già lóe lên. Thế là cô gái ấy quyết định
xin bố mẹ cho vào chùa. Vốn nhân từ và thương người, cha mẹ Mỹ Loan đã đồng ý cho
Loan vào sống trong chùa Diệu Pháp.
Một
buổi sáng, Mỹ Loan đến gặp sư thầy phụ trách mái ấm, đề đạt nguyện vọng xin
được vào mái ấm phụ trông nom các cụ già yếu. Bất ngờ trước nguyện vọng của một
cô gái xinh xắn, mới 19 tuổi lại muốn vào ở trong... chùa, chăm lo cho người
già yếu, sư thầy hỏi rõ căn nguyên. Loan trả lời rành rọt: "Nhìn các cụ,
con thương lắm...". Năm 2002, Mỹ Loan chính thức trở thành một trong những
thành viên của mái ấm tình thương chùa Diệu Pháp...
2.
Nhớ những ngày mới đến, chưa quen việc, chăm sóc mấy chục cụ già làm Loan cứ
bấn cả lên, hết tắm cho cụ nọ, lại lo cho cụ kia ăn, giặt đồ, lau nhà, đấm bóp
cho các cụ, Loan cứ quay như chong chóng. Chỉ đến khi mái ấm chìm vào giấc ngủ,
Loan mới bắt đầu lo riêng cho mình, cô quyết định không trở về nhà vào mỗi ngày
mà dọn vào ở luôn trong mái ấm để tiện cho công việc.
2 năm
trước, nhờ tiền công đức bá tánh, chùa đã dành dụm xây được một ngôi nhà 3
tầng. 3 tầng cũng chia làm 3 khu vực, một khu dành cho cụ ông, một khu dành cho
những cụ bà còn khỏe mạnh, một khu dành cho những cụ già yếu, không thể tự chăm
sóc mình. Mỹ Loan phụ trách hai phòng dành cho các cụ không thể tự chăm sóc
mình ấy, hầu hết các cụ già yếu, tâm thần, lẩn thẩn...
Chăm
sóc các cụ già nào có giản đơn, người già thường trái tính, mà mỗi người lại
một tính, Loan phải cố gắng thuộc từng tâm tính các cụ. Các cụ già ở mái ấm
phần lớn đã 70, 80 tuổi, có người bị lẫn, bị tâm thần, bị liệt, đau ốm liên
miên. Nếu không chú ý, những cụ bị lẫn hay tâm thần có thể đi lung tung, dễ bị
té nguy hiểm nên dù làm gì Loan cũng phải để mắt canh các cụ.
Nhiều
khi trái gió trở trời, ban đêm các cụ không ngủ được, cứ lục đục làm hết chuyện
nọ đến chuyện kia, làm cho giấc ngủ ngắn ngủi của Mỹ Loan chỉ chập chờn. Chỉ
vài tháng chăm sóc các cụ, Loan gầy rộc đi.
Một
ngày của Mỹ Loan bắt đầu từ 4 giờ sáng và làm liên tục không ngơi tay, chuẩn bị
bữa sáng, làm vệ sinh cho các cụ rồi cho các cụ ăn uống. Đến bữa ăn, Mỹ Loan ân
cần đút cho các cụ từng muỗng cơm, dỗ dành các cụ ăn vì nhiều cụ hay làm nũng
như... trẻ con! Có khi, để dỗ các cụ ăn, Loan phải làm đủ trò, từ làm con chó
con, mèo con đến hát ca, lại phải luôn miệng cười. Nhiều cụ bị mất trí, ốm yếu,
những lúc trái tính trái nết nói huyên thuyên suốt ngày không biết mệt.
Chăm
sóc hàng chục cụ già, tâm thần có, lần thẩn có, không ít chuyện khiến Mỹ Loan
cười ra nước mắt. Loan cho biết, những ngày mới vào chùa, cô thường xuyên không
ăn được cơm sau mỗi lần dọn dẹp đồ thải của các cụ già bị liệt, không tự chủ
sinh hoạt cá nhân. Cô đặc biệt ấn tượng về một cụ mất trí nhớ, thường bốc chất
thải ăn, nên bị các bạn già đặt cho biệt danh "bà ăn phân".
Rồi
có đêm, đang ngủ (Loan thường phải ngủ ngoài hành lang để tiện trông nom các
cụ), Loan giật mình như có nước mưa hắt vào mặt, tỉnh dậy thì thấy cụ Ba đang
đổ bô... ngay trên đầu mình. “Lúc đầu em hơi nản, song lại nghĩ người nào cũng đến
rồi bỏ đi thì ai chăm sóc các cụ, thế là em ở lại. Có người không nói được,
nhưng qua ánh mắt em biết họ rất thương em. Nhiều cụ đến khi nhắm mắt vẫn không
có người thân đến nhận, tội nghiệp lắm", Loan tâm sự, đôi mắt xa xăm buồn.
Chuyện
Loan và các điều dưỡng viên bị các cụ la mắng, dọa đánh, xảy ra như cơm bữa.
Thế nhưng, bao nhiêu người là bấy nhiêu cảnh đời thương tâm, khiến cô chẳng
lòng nào mà trách giận. Chị Gái, người cùng chăm sóc các cụ bệnh nặng với chị
Lượm nói: "Nhiều lúc, khách đến thăm ngay lúc các cụ đi vệ sinh, nhiều
người không dám nhìn cảnh đó. Vậy mà Mỹ Loan đã làm công việc ấy bao nhiêu năm
rồi, trong đó có chăm sóc cho cả những cụ bị bệnh tả nữa".
Ở trong
mái ấm này, người ta như tránh gọi tên các cụ, bởi ai vào đây cũng đều có một
quá khứ không lấy gì vui, theo thứ tự mà người Nam Bộ hay gọi là cụ Hai, cụ Ba,
cụ Tư để xưng danh. Nhiều cụ ngày nào cũng khóc lóc, ngóng ra cửa đòi về, nhưng
con cháu không ai đoái hoài.
Có
bà quê ngoài Bắc, không rõ tên tuổi, do phật tử đưa vào. Đến bữa ăn, bà năn nỉ
cho mang cơm về chia cho con cháu ăn cùng. Hồi đầu, Loan chưa biết cụ bị lẫn
nên đồng ý, không ngờ cụ bỏ đi lang thang, khiến cả chùa tá hỏa đi tìm.
Tất
cả những cụ già sống trong mái ấm đều xem Mỹ Loan và các chị như con gái mình,
mà các chị đối xử với các cụ còn tốt hơn cả con gái. "Mỹ Loan hiền và ngọt
lắm, nhẫn nại lắm, rất biết cách dỗ dành người già! Nó chăm sóc tụi tui còn hơn
cả con cái trong nhà. Như một vài người cũng có con cái đó nhưng tụi nó đâu có nuôi,
để các bà ấy phải vô ở trong mái ấm", cụ Tư nói.
Các
cụ già yếu nên hay ốm đau, ban ngày đưa đi bệnh viện hay gọi bác sĩ tới còn dễ
nhưng ban đêm đau ốm thì rất khó. Tính thế, Mỹ Loan mới đi học thêm lớp trung
cấp y để có thể chăm sóc cho các cụ tốt hơn. Hiện nay, Loan đang theo học ngành
điều dưỡng, Trường trung cấp Dạy nghề Phương Nam, TP HCM. Cuộc sống, tâm tư của
Loan bây giờ dành cho các cụ hết rồi...
3.
Mỹ Loan kể cho tôi nghe về những câu chuyện rất đáng buồn đã từng diễn ra ở nơi
này, như chuyện cụ Ba "Gò Vấp", cụ có một người con trai cũng khá
giả, một hôm con cụ giả làm người hàng xóm đem gửi cụ vào chùa, những tưởng cụ
neo đơn, chùa dang tay đón nhận, cụ Ba cũng chấp nhận cuộc sống cuối đời chốn
tu hành.
Sau
khi gửi cụ vô chùa, người con chỉ thăm mẹ vào những ngày tết, rồi một hôm, hàng
xóm của cụ vào chùa, bất ngờ khi gặp cụ, họ nói với chùa rằng cụ cũng có con
cái đàng hoàng, chùa mới vỡ lẽ. Đến khi con cụ đến, chùa mới vặn hỏi căn
nguyên, ai ngờ, người con nọ bỏ đi một nước. Cho đến ngày cụ Ba vĩnh viễn ra
đi, cũng không ai thấy con của cụ xuất hiện ở chùa.
Cụ
chết mà không nhắm được mắt! Hay như chuyện cụ Sáu "quận Nhất", nhà vương
giả, cụ có đến 2 người con sinh sống bên Pháp, họ từng kêu cụ qua Pháp, nhưng
cụ bảo muốn sống ở Việt Nam, cả đời cụ chỉ mê cải lương, mê danh ca Lệ Thủy.
Mâu thuẫn của gia đình bắt đầu nảy sinh, hai người con không đoái hoài gì đến
mẹ.
Bà
ở lại Việt Nam vò võ một mình, đến già, bà tình nguyện vô chùa gõ mõ, tụng
kinh. Những ngày cuối đời, bà bị lẫn nhưng lúc nào cũng nhớ con khôn nguôi. Có
lần đang ăn cơm, bà buông đũa, Loan hỏi chuyện, bà bật khóc rồi bảo, con bà sắp
về, bà phải dành cơm cho chúng.
Thế
là bà kiên quyết không ăn cơm nữa, kêu Loan bỏ cơm vào camen cho bà, rồi bà ra cổng
chùa, ngồi dưới nắng từ trưa tới đêm. Ngày bà mất, chùa có liên lạc sang bên
Pháp, nhưng chờ đến mấy ngày cũng không thấy tăm hơi hai người con trở về chịu
tang bà. Đám tang nào ở chùa Diệu Pháp cũng rất thê lương...
Mái
ấm buồn nhất là những ngày... tết đến, dường như đến ngày này, các cụ minh mẫn
hẳn ra, nhiều cụ thường ngồi ôn lại chuyện xưa rồi khóc với nhau. Không ít cụ
ra cổng chùa ngồi chờ con cháu, mà có bao giờ có người đến, nhiều cụ vẫn khắc
khoải chờ.
Và
cũng đã hơn 7 năm qua, chưa có cái tết nào Mỹ Loan về nhà để chung vui với gia
đình. Hiểu tấm lòng, tình thương của cô con gái với mái ấm, cha mẹ cô không
những không hề quở trách mà còn thường xuyên đem quà bánh tới thăm cô, động
viên các cụ già nơi đây.
Bà
Bảy, đến với mái ấm cách đây 2 năm, bà cũng là một trong số ít cụ còn minh mẫn.
Bà kể rằng, bà không có chồng, hồi trẻ có nhận đứa cháu về nuôi, dựng vợ gả
chồng, ai ngờ, khi bà già yếu, người cháu lại rắp tâm đuổi bà ra khỏi nhà, cướp
tài sản của bà. Trước khi vào đây, bà phải lang thang đầu đường xó chợ, xin
từng miếng cơm. Vào đây, gặp Loan, thấy cô gái đối với mình và các cụ quá tốt,
lấy làm cảm động lắm.
Bà
kể: "Đâu phải cha mẹ nó không bắt về lo chuyện chồng con, tương lai. Nhưng
nó quyết tâm lắm. Tụi tui ở đây đều nhờ bàn tay cô bé này, thương nó như con.
Nó ở đây nào sung sướng gì. Thương mà xót lắm. Nhiều lần khuyên nhủ, đời con
gái có thì, không lo sớm, vài năm nữa có tuổi, rồi sao!? Vậy mà nó chỉ cười,
rồi bảo, con ở với các cụ cả đời mà. Có lẽ, con bé này do Bồ Tát phái xuống để
chăm lo cho những người già, neo đơn, cơ khổ như chúng tôi"!
Cho
đến tận bây giờ, Loan cũng chẳng hiểu vì sao, mái ấm đơn sơ - nơi phụng dưỡng
65 ông, bà cụ tuổi ngoài 70, không họ hàng bà con, không nơi nương tựa - lại
trở thành gia đình thứ hai của mình. Nhiều năm ở mái ấm, Mỹ Loan đã chứng kiến
cảnh đến rồi "đi" của rất nhiều cụ và chính vì thế, tình cảm của cô
với những cụ già gần đất xa trời này lại càng sâu đậm...
Hỏi
Mỹ Loan về tương lai, cô chỉ cười, vẫn nụ cười nhân hậu ấy: "Em sẽ gắn bó
với mái ấm cả đời". Tôi hiểu, từ cái ngày mà cô gái nhìn thấy các cụ trong
gian nhà lá, tình yêu lớn nhất của Mỹ Loan đã dành cho nơi này...
Tận
mắt thấy Mỹ Loan ân cần, âu yếm chăm lo cho từng người già, có lẽ, ai cũng sẽ
tin cô gái này là "Bồ Tát sứ" hiện thân. Không ít cụ ông, cụ bà ở đây
là nạn nhân của một lối sống hiện đại, bạc bẽo, bị chính con cái mình bỏ rơi,
ngược đãi. Nước mắt có bao giờ chảy ngược. Cô gái nhân hậu này lại thay con
cháu họ làm những công việc hiếu đễ ấy.
Thương
yêu họ như chính người thân của mình. Rời mái ấm, đôi mắt biết nói của cô gái
cứ mãi đeo đẳng chúng tôi về một câu chuyện cổ tích thời hiện đại ở mái ấm tình
thương chùa Diệu Pháp, mà cũng phải, cửa Phật thường từ bi…
Nguồn tin: CAND
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự