Nhớ cái ơn ấy của người đã cưu mang mình trong những lúc khó khăn thời sinh viên, mười mấy gương mặt xưa giờ đã trưởng thành sau mười năm, không giàu có nhưng ai cũng có việc làm, tự nuôi sống mình được nên đã họp nhau lại, cùng làm việc ngày xưa đã hứa: giúp đỡ thế hệ đàn em, khó khăn như mình.
Buổi họp đầu tiên hồi Tết vừa rồi đến buổi trao học bổng lần đầu tiên từ chính những số tiền góp nhặt bởi các thành viên trong nhóm tới năm em sinh viên khó khăn hôm 20-4 vừa qua tại nhà riêng của cô ở Thủ Đức (TP.HCM) là cả một niềm vui, xúc động. Nhóm gặp lại cô - giờ đã nghỉ kinh doanh, ở nhà chăm sóc mẹ già, ăn chay, niệm Phật, giúp người trong khả năng có thể, và luôn khuyến khích các thành viên trong nhóm học bổng ngày xưa nhớ sẻ chia nhiều nhiều.
Cô nói trong niềm xúc động, rằng, cô xem mấy đứa như con của mình, nên lo cho mấy đứa như con vậy đó. Mà người làm mẹ như cô chỉ có lo cho mấy đứa tiền học không thì thật lòng thấy đã không tròn trách nhiệm. “Cô còn muốn quan tâm tụi con nhiều hơn nữa kìa”, nghe mà rưng rưng.
Cô lúc nào cũng vậy, nên lúc nào cũng đi vào lòng người, nhất là những ai có duyên thọ ơn cô, để rồi trở trăn cùng lập nên quỹ học bổng Thiện Nguyện, để đáp đền tiếp nối, làm cho tinh thần hỗ trợ người khác học tập mà cô thao thức được kéo dài thêm ra.
Viết đến đây, chợt nhớ bài báo cũng đã lâu, từng đọc, có tựa đề là “Người tôi cưu mang”, với gợi ý rằng, hãy giúp một ai đó và trao cho họ bài pháp: nếu muốn cám ơn, đừng cần tìm tôi, mà hãy đi giúp ít nhất một ai đó… Cứ thế, người tôi cưu mang sẽ dài ra trong ý nghĩa một người tốt sẽ nhân bản thành nhiều người tốt, bắt đầu bằng nhớ ơn, báo ơn trong tư thế “đáp đền tiếp nối” như thế!
Tác giả bài viết: Lưu Đình Long
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự