Phụ nữ Gia Lai tận tâm đỡ đầu trẻ mồ côi và dạy chữ vùng dân tộc thiểu số

Thứ bảy - 29/06/2024 03:10
Thời gian qua các cấp hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều mô hình như: đỡ đầu trẻ mồ côi, mở lớp xóa mù chữ. Nhờ đó nhiều phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số vơi bớt khó khăn, tự tin vươn lên trong cuộc sống.
Các mẹ là Công an tỉnh và các con nuôi
Các mẹ là Công an tỉnh và các con nuôi
Hôm nay, ngôi nhà nhỏ của 3 chị em Rah Lan H’Kưm ở làng Chúet Ngol, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai rộn rã hơn mọi ngày. Các mẹ, các chị là công an thuộc Hội Phụ nữ Công an tỉnh Gia Lai đến thăm và vui đùa với các con. Chị cả của 2 đứa em thơ dại là H’Kưm năm nay mới 15 tuổi cho biết: cha và mẹ của 3 chị em đã qua đời cách đây 6 năm. Từ đó tới nay, Hội Phụ nữ Công an tỉnh nhận đỡ đầu, chăm sóc từ chuyện ăn ở, đến việc học hành cho 3 chị em. Các em luôn được các mẹ, các cô công an động viên, đỡ đần mọi chuyện: khi thì tặng quần áo mới, lúc cho thêm sách vở và các dụng cụ học tập.

“Hàng ngày, nếu có vấn đề gì thì em có thể gọi nhờ các chị giúp đỡ. Các chị cũng động viên chúng em không được bỏ học, phải đoàn kết yêu thương nhau. Em cảm thấy được vơi bớt khó khăn và được an ủi. Em cũng cố gắng chăm ngoan để xứng đáng với sự quan tâm của các chị đỡ đầu”, H'Kưm nói.

Không riêng gì chị em Rah Lan H’Kưm, tại tỉnh Gia Lai còn có 31 trẻ em mồ côi, phần lớn là người dân tộc thiểu số được các cấp hội phụ nữ Công an tỉnh Gia Lai nhận đỡ đầu. Với nguồn kinh phí huy động được từ cán bộ, chiến sĩ trong các đơn vị và vận động xã hội hóa, hội phụ nữ đảm bảo chi phí cho mỗi cháu từ 4 - 5 triệu đồng/năm. Số tiền này giúp trẻ mồ côi có thêm điều kiện để chi phí học hành và trang trải các nhu cầu cần thiết.

Thượng tá Nguyễn Thị Ngọc Thúy - Hội Phụ nữ Công an tỉnh Gia Lai cho biết, nhiều cháu được nhận đỡ đầu, chăm sóc này mà đạt học lực khá, giỏi, ngày thêm gắn bó với các mẹ đỡ đầu.

“Ngoài việc quan tâm thăm hỏi kết quả học hành, sức khỏe của các con, thời gian rảnh rỗi tôi đến nhà thăm, đưa các con đi chơi. Tôi cũng đưa các cháu về gia đình riêng của mình để cháu có mối quan hệ qua lại với con gái của tôi. Khi nào học hành, mọi việc các cháu đều phản ánh, gọi điện hoặc nhắn tin cho mẹ và mong mẹ tháo gỡ, chia sẻ. Đó là điều rất mừng”, Thượng tá Nguyễn Thị Ngọc Thúy cho hay.

d
Mẹ đỡ đầu Nguyễn Thị Ngọc Thúy (Công an tỉnh Gia Lai) đưa các con ra Hà Nội, vào Lăng viếng Bác Hồ.

Cũng với sự quan tâm của các cấp hội phụ nữ, năm 2022 xã Phú An, huyện Đăk Pơ đã có lớp xóa mù chữ dành cho chị em người dân tộc Bahnar. Nhờ đó, từ chỗ không biết chữ, nhiều chị em đã biết đọc, biết viết, biết tính toán trong mua bán. Chị Bùi Thị Minh Dương - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phú An, huyện Đăk Pơ cho biết, từ hiệu quả này, mô hình mở lớp xóa mù chữ đã được nhân rộng ra các xã khác. Năm nay, hội liên hiệp phụ nữ các xã Yang Bắc, Yang Hội cũng mở thêm 2 lớp dạy chữ, thu hút được 160 chị em tham gia.

“Chị em còn nhiều bỡ ngỡ, đi học còn ngại ngùng, không dám đọc sợ sai cô giáo cười hoặc là nhiều chị giao bài về nhà không viết bài. Hỏi lý do thì các chị nói là cầm bút còn khó hơn là cầm cuốc làm rẫy. Khi viết được chữ đầu tiên thì đó là động lực cho các chị em hăng hái hơn. Đến nay, các chị đã biết đọc, biết viết, có thể học bài cùng con và có thể tìm hiểu trên mạng ineternet để ứng dụng vào trong sản xuất, xóa đói giảm nghèo”, chị Bùi Thị Minh Dương nói.

d
Lớp dạy chữ cho chị em phụ nữ xã Phú An, huyện Đăk Pơ được mở vào các buổi tối trong tuần. (Ảnh: Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Gia Lai).

Bà Rơ Chăm H’Hồng- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai cho biết, bên cạnh nhận đỡ đầu trẻ mồ côi và mở lớp dạy chữ cho chị em người dân tộc thiểu số, các cấp hội phụ nữ tại tỉnh còn có quỹ học bổng cho học trò nghèo học giỏi, vượt khó, xây dựng mái ấm tình thương, hỗ trợ vốn chính sách cho phụ nữ, tặng cây giống vật nuôi. Qua đó, hàng nghìn trẻ em và phụ nữ được hỗ trợ.

“Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được; chỉ đạo các cấp hội học tập kinh nghiệm các mô hình ở địa phương và toàn tỉnh để áp dụng trong quá trình phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời triển khai các mô hình, câu lạc bộ và các mô hình thu hút sự tham gia của lực lượng hội viên; khen thưởng động viên, biểu dương kịp thời những cá nhân, mô hình điển hình để nhân rộng trong các cấp hội”, bà Rơ Chăm H’Hồng cho biết.

Với những mô hình nhân văn và thiết thực, hội phụ nữ các cấp tại tỉnh Gia Lai đang giúp cho trẻ em mồ côi và phụ nữ người dân tộc thiểu số vơi bớt khó khăn, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương.

Nguồn Vov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây