Ám ảnh câu nói của cậu bé 13 tuổi, 8X làm điều đặc biệt giúp trẻ bụi đời

Thứ tư - 12/06/2024 14:26
Sau khi nghe những lời kể khiến bản thân phải rùng mình từ tên cướp nhí, anh nhân viên xã hội quyết định tình nguyện tiếp cận để hỗ trợ, chăm lo cho trẻ em đường phố.
Anh Hòa chia sẻ lời kể của cậu bé 13 tuổi nhưng đã có 2 năm trộm, cướp tài sản.
Anh Hòa chia sẻ lời kể của cậu bé 13 tuổi nhưng đã có 2 năm trộm, cướp tài sản.

Lời kể rùng mình

Hiện nay, công tác hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị tác động bởi dịch Covid-19, phòng chống đuối nước, xâm hại và bạo lực trẻ em ngày càng được quan tâm. Sự tham gia của trẻ vào các vấn đề liên quan đến trẻ em và hoạt động xã hội cũng được tăng cường.

Ngoài ra, sự phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, đoàn thể, giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.

Nhiều cá nhân, tổ chức tình nguyện dấn thân trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Một trong số này là anh Trần Duy Hòa, nhân viên xã hội thuộc tổ chức Planète Enfants & Développement Vietnam (PE&D).

Anh Hòa vốn là nhân viên của dự án Phòng chống buôn bán trẻ em của PE&D. Nhiệm vụ của anh là đồng hành, hỗ trợ những đứa trẻ đang học tập tại Trung tâm Công tác xã hội, Giáo dục và Dạy nghề TPHCM.

Trong quá trình tiếp xúc với những đứa trẻ tại trung tâm, anh nhận thấy nếu không được chăm sóc, đồng hành, trẻ em đường phố có thể gây nguy hại cho bản thân, xã hội. Nhận định này đến với anh sau khi nghe lời kể từ cậu bé 13 tuổi nhưng đã có 2 năm "kinh nghiệm" trộm, cướp tài sản.

Cậu bé tên H.K. (13 tuổi) sinh ra lớn lên trong gia đình không hạnh phúc tại tỉnh Bình Dương. Sau khi ly hôn, mẹ K. đi thêm nhiều bước nữa. Nhà có thêm em cùng mẹ khác cha, K. dần trở thành người thừa.

Không thể chịu đựng cảnh thường xuyên bị xua đuổi, ghẻ lạnh, K. bỏ nhà, đến ở với bà ngoại và người dì cũng tại Bình Dương. Sau lần ăn trộm tiền của dì, em bị đuổi khỏi nhà.

Không còn chốn để về, K. lang thang lên TPHCM sống ngoài đường phố. Tại đây, K. bị những đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo đi trộm bình ắc quy xe tải, container ở Thủ Đức để mưu sinh. Sau đó, em cùng một người lớn tuổi hơn đi cướp giật tài sản. Ít lâu sau, K. được một “anh lớn” “truyền nghề” trộm xe máy.

Chỉ sau 2 năm, K. có thể tự tạo ra loại chìa khóa vạn năng để mở, phá các loại ổ khóa thông thường. Bằng cách này, K. thường phá khóa, lẻn vào các khu nhà trọ sinh viên để dắt trộm xe máy.

Trong quá trình giao du với những đối tượng xấu, K. bị dụ dỗ hút thuốc, uống rượu, sử dụng chất kích thích. Khi đã thông thuộc đường sá, hẻm nhỏ tại TPHCM, K. được giao nhiệm vụ “giao kẹo” (ma túy đá - PV).

K. thường đi trộm cắp vào lúc 21-22h. Em và “anh lớn” của mình tổ chức cướp giật trên cung đường từ Lê Văn Duyệt đến Dương Đình Hội (TP Thủ Đức, TPHCM). K. khẳng định "khi đã đi ăn hàng, gặp ai em cũng cướp".

Mỗi khi đi, em luôn thủ sẵn trong người con dao bấm sắc nhọn. K. cũng thành thật thú nhận mình đã đâm vào đùi một người bằng con dao này.

8X chia sẻ: “Khi trò chuyện, K. vô tư kể với tôi những hành vi vi phạm pháp luật. K. nhiều lần bị bắt nhưng được mẹ đến bảo lãnh, đưa về nhà. Song, về được ít ngày, em lại bỏ đi.

Đặc biệt, lời khẳng định “gặp ai em cũng cướp” của cậu bé mới 13 tuổi khiến tôi sợ hãi. Tôi nghĩ rằng, nếu không được chăm lo, giáo dục, trẻ em đường phố không chỉ khiến bản thân gặp tổn thương mà còn gây hại cho xã hội.

Từ suy nghĩ trên, tôi quyết định tình nguyện hỗ trợ, đồng hành với trẻ em đường phố dù dự án không yêu cầu và tôi cũng không bị bất cứ cá nhân, tổ chức nào đề nghị, bắt ép làm việc này”.

Đồng hành cùng trẻ em đường phố

Suốt nhiều năm qua, mỗi khi có thời gian, anh Hòa đều cố gắng tiếp xúc trực tiếp với trẻ em đường phố. Mục đích là để tìm hiểu, khảo sát, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các em.

Dựa vào kinh nghiệm lâu năm tiếp xúc, đồng hành với nạn nhân của nạn buôn bán trẻ, anh Hòa thường đến chia sẻ, trò chuyện với các em sống ở bãi rác, lề đường, trẻ đánh giày, mưu sinh bằng việc ngậm xăng, dầu phun lửa, bán vé số, ăn xin...

Tại đây, khi được các em tin tưởng, mở lòng, anh lắng nghe, chia sẻ những mong ước của các em. Sau đó, anh Hòa sẽ phân tích, định hướng những mong ước ấy trên tinh thần tôn trọng quyền tự quyết của các em.

Anh thường phân tích cho các em thấy được mong muốn của mình gặp những thuận lợi hay trắc trở, thách thức gì. Từ đó, anh hướng các em đến những kế hoạch cụ thể. Nếu các em đồng thuận, anh sẽ lên kế hoạch hỗ trợ, thực hiện.

s
Anh Hòa trong lần tuyên truyền cho trẻ em đường phố nhận diện, phòng ngừa nạn bóc lột sức lao động, bóc lột tình dục, buôn bán trẻ em.

Anh nói: “Ví dụ, nếu những em sinh sống ở bãi rác thường mong ước có nơi ở ổn định, an toàn, được chăm sóc tốt… tôi sẽ kết nối với các mái ấm, nhà mở để các em đến ở.

Nếu các em mong muốn được học nghề, có công việc tạo thu nhập, tôi sẽ kết nối với các trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm… cho các em đi học miễn phí, có việc làm.

Còn các em có bệnh, mong được khám chữa, tôi sẽ liên hệ, tạo điều kiện cho các em được thăm khám, điều trị”.

Song song với các việc làm trên, mỗi khi tiếp cận trẻ em đường phố, anh Hòa cũng lồng ghép tuyên truyền cho các em nhận diện, phòng ngừa tệ nạn bóc lột sức lao động, bóc lột tình dục, buôn bán trẻ em.

Anh thường giới thiệu sách, ảnh, tài liệu, đoạn phim ngắn… về những vấn đề trên và giải thích cặn kẽ cho các em hiểu.

Ngoài ra, anh cũng tuyên truyền việc hỗ trợ, đồng hành cùng trẻ em đường phố đúng cách đến cộng đồng. Theo anh, xã hội có nhiều người hảo tâm, sẵn sàng hỗ trợ trẻ em lang thang bằng cách cho các em thức ăn, tiền bạc...

Anh Hòa cho rằng, việc làm này dẫu xuất phát từ lòng hảo tâm nhưng không đem lại hiệu quả như mong đợi. Bởi, việc giúp đỡ các em một cách manh mún, riêng lẻ sẽ chỉ giúp được một cá nhân, một nhóm trẻ lang thang.

Anh tâm sự: “Nếu bạn nâng cao năng lực, đồng hành cùng một đứa trẻ hoặc một nhóm trẻ em đường phố thì tác động đầu ra sẽ chỉ là một đứa trẻ, một nhóm trẻ có cuộc sống theo hướng tích cực hơn.

Nhưng nếu bạn hỗ trợ, đồng hành cùng một nhân viên xã hội đang làm việc với trẻ em, người có hoàn cảnh dễ bị tổn thương thì các bạn có thể tạo ra tác động đến hàng trăm trẻ em lang thang, hàng trăm gia đình có hoàn cảnh nghèo khó.

Hơn thế, nếu bạn hỗ trợ, đồng hành cùng một tổ chức, trung tâm đang làm việc với các em, các gia đình dễ bị tổn thương, các bạn có thể chăm lo, hỗ trợ cho hàng nghìn, trăm nghìn đứa trẻ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn khác. Như vậy, hiệu quả của việc hỗ trợ, đồng hành mới thực sự hiệu quả”.

Nguồn Vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây