Cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh (SN 1985) đứng trên bục giảng 17 năm thì có 15 năm ôn thi học sinh giỏi môn Địa lý cấp tỉnh. Gắn bó với học trò, đa số là người dân tộc thiểu số, đã mang lại cho cô nhiều kỷ niệm vui, buồn...
17 năm giảng dạy thì cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh có 15 năm ôn thi học sinh giỏi môn Địa lý cấp tỉnh.
Một buổi chiều khi chuẩn bị tan trường, cô Ánh thấy Phú ngồi một mình trên ghế đá ở sân trường, hình như đang suy nghĩ rất đăm chiêu. Cô ngồi lại và hỏi Phú về những tâm tư đang giấu kín. Sau một hồi ấp úng Phú đã chia sẻ với cô về những băn khoăn của mình.
"Em nói em muốn xin vào đội tuyển của tôi nhưng lại tự nhận thấy khả năng ở môn Địa lí hạn chế hơn các bạn. Em lo lắng không dám xin vào đội tuyển nhưng em muốn học để thỏa niềm đam mê môn Địa lí, thực hiện ước mơ trở thành học viên trường Sĩ quan chính trị, được trở thành chiến sĩ. Hơn nữa, gia đình em khó khăn, nếu đỗ vào trường này, bố mẹ sẽ không phải lo nuôi em học đại học, không phải lo đầu ra sau khi tốt nghiệp, đỡ gánh nặng rất nhiều cho gia đình. Nghe em chia sẻ, tôi rất xúc động và đồng ý nhận em vào đội tuyển của mình. Thời gian đầu em Phú có đuối hơn các bạn nhưng bằng sự nỗ lực không ngừng em Phú đã đạt giải Ba trong trong kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm ấy", cô Ánh kể.
Nhận được kết quả, Phú đã khóc và cô cũng rất xúc động, bởi đó là kết quả của ý chí, sự cố gắng, quyết tâm trong học tập của Phú. Kết quả học sinh giỏi năm đó đã giúp em tự tin, mạnh dạn hơn. Từ đó, Phú tích cực tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, dẫn chương trình, văn nghệ của trường. Năm đó em đã thực hiện được ước mơ của mình, đỗ vào Học viện chính trị với số điểm cao. Hiện tại Phú đang là sinh viên năm thứ 3.
Từ khi ra trường đến nay, Phú vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm sức khỏe, công việc của cô Ánh. Đạt được thành tích gì, hay có khó khăn gì trong cuộc sống Phú vẫn thường chia sẻ với cô. "Đó là món quà vô giá hơn tất cả những giải thưởng mà cô và trò đạt được"- cô Ánh trải lòng.
Cô Ánh thường động viên để các em tiếp tục cố gắng, nỗ lực hơn trong học tập và cuộc sống.
"Khi nói đến việc ôn luyện cho học sinh giỏi, mọi người thường nghĩ đến giải cao nhưng với tôi, mục tiêu ôn thi học sinh giỏi là phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu với môn Địa lý. Truyền cho các em tình yêu, sự say mê đối với môn học nói riêng và việc học tập nói chung, giúp các em nuôi dưỡng lý tưởng, hoài bão, ước mơ trong cuộc sống", cô Ánh chia sẻ.
Theo cô Ánh, mỗi kỳ thi là một trải nghiệm, giúp học sinh đúc rút kinh nghiệm cho các kỳ thi cũng như kinh nghiệm học tập. Cô thường động viên để các em tiếp tục cố gắng, nỗ lực hơn trong học tập và cuộc sống. Cô cũng lấy đó làm những bài học kinh nghiệm để tiếp tục trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cho bản thân.
Cô Ánh cũng chia sẻ, học sinh vùng cao có rất nhiều thiệt thòi vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. Cô nhớ mãi câu chuyện về một cô học trò nhỏ tên Hà Thảo Linh ở xã Trung Sơn. Thảo Linh là một học sinh hiền lành, chăm chỉ nhưng có phần nhút nhát. Dù là học sinh giỏi của lớp nhưng chưa bao giờ em chia sẻ về ước mơ học đại học của mình.
Là giáo viên chủ nhiệm, cô hiểu hoàn cảnh gia đình Linh, thường xuyên động viên em nhưng khi trò chuyện với cô trong buổi họp phụ huynh, mẹ của Linh cho biết gia đình không thể cho con đi học đại học vì bố Linh đã mất, mẹ già yếu nên không thể nuôi em học đại học được.
Dù biết không thể đi học đại học Linh vẫn đăng ký thi đại học, vẫn nỗ lực học tập. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 Linh đạt 27 điểm khối C. Em đăng ký nguyện vọng vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội với ước mơ trở thành cô giáo dạy Địa lí. Nhưng vì hoàn cảnh, em đã lập gia đình sau đó. Ước mơ của Linh không thành, và đó cũng trở thành một kỷ niệm buồn với cô Ánh, khiến cô càng thấy thương hơn những học sinh vùng cao.
Từ khi về công tác tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS &THPT Yên Lập, với đặc thù của học sinh là ăn ở, sinh hoạt tại trường, các em đều xa nhà, xa bố mẹ, người thân nên cô cũng như nhiều đồng nghiệp khác đều coi các em như con em của mình. Ngoài giờ dạy cô giúp các em ôn bài củng cố kiến thức, chia sẻ những tâm tư nguyện vọng, hướng dẫn các em các kĩ năng trong cuộc sống như một người mẹ...
Cô Ánh sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn (bố cô là một người lính, mẹ làm nông) trên địa bàn một xã miền núi của huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Ngay từ khi còn nhỏ cô đã thấu hiểu sự vất vả của cha mẹ và thiệt thòi của trẻ vùng cao, đặc biệt là trong việc học tập. Cô tự nhủ phải cố gắng học tập thật tốt để làm một điều gì đó có ý nghĩa cho trẻ vùng cao. Quyết định học sư phạm và trở thành một giáo viên vùng cao có lẽ chính là cách để cô thực hiện tâm nguyện đó của mình, giúp học trò dám ước mơ và biến nó thành hiện thực...
Nguồn Phụ nữ Việt Nam
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự