Đạo Phật Là Một Lý Thuyết Hay Một Triết Lý

Thứ sáu - 23/01/2009 06:42
Sự giác ngộ của Đức Phật không phải là một sản phẩm của trí năng đơn thuần.

Trong thời Đức Phật tại Ấn, có rất nhiều học giả theo đuổi kiến thức chỉ để nhằm lợi ích cho bản thân. Những người này đầy ắp hiểu biết về lý thuyết. Thật vậy, một số đi từ tỉnh, thành thị này đến phố thị khác để tranh luận so tài và nỗi vui mừng rộn ràng của họ là đánh bại được địch thủ trong các trận khẩu chiến này. Đức Phật nói những người như vậy chưa gần được sự chứng ngộ chân lý vì mặc dù tài giỏi và kiến thức cao, nhưng họ vẫn chưa có trí tuệ thực sự để vượt khỏi tham, sân, si. Quả vậy, những người như thế thường tự đắc và khoa trương. Quan niệm ích kỷ của họ làm xáo động bầu không khí đạo giáo.

 

Theo Đức Phật, trước nhất ta phải tìm hiểu chính tâm ta. Phải làm công việc này bằng cách tập trung tâm định để đạt được trí tuệ thâm sâu hay sự thấu suốt. Tuệ giác này đạt được không phải bằng lý luận triết lý hay kiến thức thế gian nhưng bởi sự âm thầm quán chiếu cái "ta" ảo tưởng.

 

Phật giáo là lối sống đứng đắn đem bình an và hạnh phúc cho mỗi chúng sanh. Phật Giáo là một phương pháp loại bỏ lầm than tìm cầu giải thoát. Giáo lý của Đức Phật không giới hạn cho một quốc gia hay một chủng tộc nào. Giáo lý đó cũng chẳng phải là tín điều hay đức tin suông. Đó là giáo lý cho cả vũ trụ. Đó là giáo lý muôn thuở. Mục tiêu của giáo lý ấy là phục vụ bất vụ lợi, thiện chí, hòa bình, giải thoát và loại bỏ khổ đau.

 

Giải thoát trong Phật Giáo là một vấn đề cá nhân. Bạn phải tự cứu bạn cũng như bạn phải ăn, uống, ngủ nghỉ. Lời khuyên dạy của Đức Phật nhắm vào đường lối giải thoát, nhưng Ngài không bao giờ muốn những lời khuyên dạy ấy được tiếp nhận như một lý thuyết hay một triết lý. Khi người ta hỏi Ngài là Ngài chủ trương lý thuyết gì, Ngài trả lời Ngài không thuyết giảng lý thuyết nào, và những gì Ngài thuyết giảng đều là kết quả của chính kinh nghiệm bản thân Ngài. Cho nên giáo lý của Ngài không cống hiến một lý thuyết nào. Lý thuyết không thể mang con người đến mức toàn hảo về tâm linh. Lý thuyết chính là cùm xích trói buộc tâm thức, cản trở bức tiến của tinh thần. Đức Phật dạy: "Người trí không đặt niềm tin vào những lý thuyết suông. Họ khó tin vào những gì họ chỉ thấy và nghe".

 

Lý thuyết là sản phẩm của trí năng, và Đức Phật hiểu rằng trí thức của con người có giới hạn. Ngài dạy rằng giác ngộ không chỉ do trí năng mà đạt được. Ta không thể hoàn tất được cuộc giải phóng bằng một lớp đào tạo trí năng. Câu trên đây có vẻ như không hợp lý nhưng đó là sự thật. Những nhà trí thức dành quá nhiều thì giờ quý báu vào việc nghiên cứu, phân tích để phê phán và tranh luận. Họ thường bỏ rất ít thì giờ hay không có thì giờ cho việc tu tập.

 

Một tư tưởng gia uyên bác (nhà triết lý, khoa học, siêu hình học vân vân...) cũng có thể biến thành một nhà trí thức điên khùng. ông ta có thể là một nhà trí thức siêu việt với thiên phú lãnh hội ý kiến rất nhanh và có thể diễn tả tư tưởng rất rõ ràng. Nhưng ông ta không chú ý đến hành động của chính ông ta và những hậu quả của nó, và nếu ông cứ miệt mài hoàn thành ước vọng và sở thích của mình bằng mọi giá, theo Đức Phật, ông là nhà trí thúc điên khùng, một người trí thức hạ đẳng. Một người như vậy sẽ tự ngăn chặn mức tiến bộ tâm linh của mình.

 

Giáo lý của Đức Phật chứa đựng việc thực hành trí tuệ không bị giới hạn vào lý thuyết hay triết lý vì triết lý chỉ đề cập đến kiến thức mà không chú trọng đến việc áp dụng kiến thức vào việc tu tập hàng ngày.

 

Phật Giáo đặt trọng tâm vào việc tu tập và chứng ngộ. Triết lý gia thấy những lầm than và thất vọng của đời sống, nhưng không giống như Đức Phật, họ không đưa ra giải pháp thực tiễn để vượt qua những khủng hoảng là một phần bản chất bất-toại-nguyện của đời sống. Nhà triết lý chỉ đẩy tư tưởng của họ vào đường cùng. Triết lý hữu ích vì làm phong phú tinh thần và giảm thiểu những tín điều không cho mở mang tâm trí. Về mặt trên đây, Phật Giáo công nhận giá trị của triết lý, nhưng triết lý không thỏa mãn được sự khao khát về tâm linh.

 

Xin hãy nhớ mục tiêu chủ yếu của người Phật Tử là đạt thanh tịnh và giác ngộ. Giác ngộ đánh bại vô minh là gốc rễ của sanh tử. Tuy nhiên sự đánh bại vô minh đó không thể hoàn tất ngoại trừ bằng sự huân tập, lòng tin tưởng vào chính mình. Tất cả những nỗ lực khác - nhất là chỉ có tính cách học thức suông đều không hữu hiệu. Vì thế Đức Phật kết luận: "Những câu hỏi siêu hình không đem lợi ích, không liên quan gì đến Pháp, không đưa đến giới hạnh, đến buông bỏ, đến chuyển hóa tham dục, hay đưa đến trầm lặng, an lạc, đến hiểu biết thực sự hay tuệ giác cao thâm hay đến Niết Bàn. (Kinh Malunkyaputta Sutta - Majjhima Nikaya). Thay vào việc luận đoán siêu hình, Đức Phật chú tâm chỉ dạy một hiểu biết thực tiễn về Tứ Diệu Đế mà Ngài khám phá ra: Cái Gì là Khổ, Cái Gì là Nguyên nhân của Khổ, Cái Gì là Dứt Khổ, và Làm Sao Diệt Khổ để giác ngộ được sự giải thoát cuối cùng. Tất cả những Chân lý ấy toàn là những vấn đề mà bất cứ ai cũng có thể thực hành được, chứng nghiệm được và nhận định được nếu người đó thực sự muốn giải thoát.

 

Giác ngộ xua tan vô minh, đó là lý tưởng của đời sống người Phật Tử. Bây giờ chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng giác ngộ không phải là một hành động của trí thức. Luận đoán suông sẽ đi ngược lại giác ngộ và không đi đến sự tiếp xúc gắn bó với cuộc sống. Cho nên tại sao Đức Phật đặt trọng tâm vào kinh nghiệm bản thân. Thiền định là một hệ thống khoa học thực tiễn để kiểm soát Chân Lý đến từ kinh nghiệm bản thân. Qua thiền định, ý chí cố gắng vượt lên khỏi điều kiện mà chính ý chí đã đặt lên chính nó, đó là sự tỉnh thức của tâm thức. Siêu hình học chỉ cột chúng ta xuống một khối tư tưởng và lời nói rối ren, mờ mịt.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây