Học được gì qua hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm

Thứ năm - 22/01/2009 22:31
Tình thương của Bồ tát Quán Thế Âm - một tình thương yêu rộng lớn bao trùm khắp tam thiên đại thiên như cả ngàn cánh tay có ngàn con mắt trong lòng bàn tay ấy. Linh thông nghìn mắt nghìn tay, Cũng trong mọt điểm linh đài hoá ra, Rằng trong bể nước Nam ta, Chùa Hương có Đức Phật bà Quan âm. Bồ tát Quán Thế Âm xuất hiện trong kinh điển Phật giáo dưới hình tướng của một trang nam tử, một vị Tăng. Thế nhưng ở Việt Nam ta, Ngài lại xuất hiện dưới hình tướng của người phụ nữ. Tại sao vậy?

Tình thương của Bồ tát Quán Thế Âm - một tình thương yêu rộng lớn bao trùm khắp tam thiên đại thiên như cả ngàn cánh tay có ngàn con mắt trong lòng bàn tay ấy. Linh thông nghìn mắt nghìn tay, Cũng trong mọt điểm linh đài hoá ra, Rằng trong bể nước Nam ta, Chùa Hương có Đức Phật bà Quan âm. Bồ tát Quán Thế Âm xuất hiện trong kinh điển Phật giáo dưới hình tướng của một trang nam tử, một vị Tăng. Thế nhưng ở Việt Nam ta, Ngài lại xuất hiện dưới hình tướng của người phụ nữ. Tại sao vậy?

 

Thực ra điều này cũng dễ hiểu, vì người Phụ nữ có thể biểu hiện cho tình thương một cách tự nhiên hơn người Nam giới. Hơn nữa trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn có nói rằng Bồ Tát Quán Thế Âm là biểu hiện của tình thương và Ngài có thể thực hành hạnh thương yêu đó dưới rất nhiều hình tướng khác nhau. Vì vậy ở VN tôn thờ Bồ tát Quán Thế Âm dưới hình thức người phụ nữ (người mẹ) là điều rất tự nhiên và hoàn toàn hợp lý.

 

Ở VN có nhìều ngôi chùa còn thờ  tượng Quan Âm Bồ Tát có nghìn mắt nghìn tay rất đẹp. Ngài có nhiều tay, nhiều mắt quá không? Nhiều tay có nghĩa là cùng một lúc ta có thể hoạt động theo nhiều cách. Khi ta thương ai, muốn nâng đỡ, muốn giúp ai đó giải quyết đau buồn và khi có quá nhiều người đau khổ thì ta phải có mặt cùng một lúc ở nhiều nơi và lúc này ta cần phải có nhiều cánh tay để làm việc này.

 

Yêu thương phải được thể hiện bằng việc làm thật sự. Nếu chỉ nói chót lưỡi đầu môi là tôi thương anh, thương chị, thương mọi người lắm thì cũng chẳng giúp được gì mà chúng ta cần phải có nhiều cánh tay để vươn ra mà giúp đỡ.

 

Thành ra trong Bồ tát Quán Thế Âm có cả Bồ tát Phổ hiền. Phổ hiền là đại hạnh - hành động lớn nên khi thờ tương Bồ tát Quán Thế Âm có ngàn tay có nghĩa là ta đang thờ cả Bồ tát Phổ Hiền và ta đang thấm nhuần cả tư tưởng kinh Hoa Nghiêm “Bồ tát Quán Thế Âm mang cánh tay của Bồ tát Phổ Hiền”.

 

Có nghìn cánh tay thì cũng chưa đủ. Nghìn mắt thì lại cần thiết cho nghìn tay. Bởi mắt cần thiết để nhìn thấy để tìm hiểu và nhận thức. Từ nhận thức mà dẫn đến hành động thì mới có kết quả, do đó Bồ tát Quán Thế Âm phải xuất hiện với hình dáng Nghìn tay nghìn mắt mới thể hiện hết cái ý nghĩa Ngài là hiện thân của vị Phật đại diện hiểu và thương.

 

Con mắt là để nhìn sâu. Con mắt lại tượng trưng cho Bồ tát Văn Thù- vị Bồ tát của Đại trí có con mắt thiền. Ngài đã nhìn sâu vào lòng sự vật để tìm hiểu. Lúc này nếu nhìn kỹ Bồ tát Quán Thế Âm ta lại thấy Ngài có cả con mắt của Bồ tát Văn Thù và cánh tay Phổ hiền. Hay nói cách khác, nhìn vào Bồ tát Văn Thù ta thấy Ngài có cả trái tim của Bồ tát Quán Thế Âm và cánh tay của Bồ tát Phổ Hiền. Cho nên một vị Bồ tát chứa đựng tất cả các vị Bồ tát khác.

 

Hình tượng đã vậy thì hành động và sự hành trì cũng như vậy. Tại sao lại có một nghìn mà không nhiều hơn hay ít hơn. Thiên thủ thiên nhãn. Một ngàn là con số tượng trưng, một ý niệm nhiều lắm. Hình tượng Nghìn tay  nói lên một thứ tình thương yêu chân thật.

 

Tình thương chân thật ấy được xây dựng bằng sự quán chiếu, bằng sự hiểu biết do biết nhìn sâu- nghìn mắt. Đây là tình thương đích thực, không phải tình thương nói suông bởi vì nó được thực hiện bằng cả nghìn cánh tay. Nếu có khách đến chùa mà họ thắc mắc ta phải giải thích như vậy để họ có thể hiểu được những hình ảnh ẩn dụ trong Phật giáo.

 

Nói nghìn tay, nghìn mắt mà sao khi mới nhìn qua các tôn tượng ta chỉ thấy có nghìn tay mà không có nghìn mắt. Nhưng nếu nhìn cho kỹ, ta sẽ thấy trong mỗi bàn tay Ngài có cả nghìn con mắt. Bàn tay mà có con mắt là quan trọng lắm, nếu như không có thì nguy hiểm vô cùng. Tình thương mà không có sự hiểu biết thì sẽ đem đến sự đau khổ cho người mình thương.

 

Ai cũng muốn đem tình thương yêu đến với mọi người, nhưng cái tình thương mà không có sự hiểu biết thì chưa hẳn đã là tình thương mà có khi còn gây ra sự đổ vỡ cho dù mình có tràn đầy thiện chí. Thiện chí chưa phải là tình thương, ý thức muốn thương chưa chắc đã phải là tình thương. Tình thương phải là cái thấy và hiểu biết để thể hiện tình thương ấy.

 

Tình thương của Bồ tát Quán Thế Âm - một tình thương yêu rộng lớn bao trùm khắp tam thiên đại thiên như cả ngàn cánh tay có ngàn con mắt trong lòng bàn tay ấy.

 

Học hạnh Bồ tát Quán Thế Âm, qua sự tu tập của bản thân mỗi người chúng ta phải làm sao để có thể đặt được vào lòng bàn tay mình một con mắt – con mắt của tình thương, để bàn tay ấy trải rộng khắp tam thiên đại thiên- trở thành hoá thân Bồ tát Quán Thế Âm.

 

Khi nào đặt được vào lòng bàn tay mình con mắt trí tuệ của tâm thương yêu  thì bất cứ hành động nào của chúng ta cũng đều đem lại hạnh phúc và dứt trừ khổ đau cho mọi người. Còn nếu chư trong lòng bàn tay của ta chưa có con mắt ấy thì khi làm việc gì cho ai ta cũng phải cẩn thận.

 

Con mắt ở đây là con mắt tuệ. Có mắt tuệ thì dù muốn dù không ta cũng sẽ có từ bi. Bởi có mắt tuệ là ta có cái nhìn sâu cái thấy sâu. Có cái thấy sâu thì chắc chắn ta có tình thương đích thực. Lúc này ta mới thể hiện được tình thương ấy bằng hành động qua bàn tay của Bồ tát Phổ Hiền. Phải làm như thế nào đó để cho trái tim của mình có thể mở ra và cho tình thương, sự hiểu biết và cánh tay từ bi của đức Quán Thế Âm có thể có mặt trong ta.

 

Trong mỗi chúng ta, ai là người không đã từng có những giây phút hiểu và thương và một ước muốn hành động nào đó. Khi trong tim ta có hiểu có thương và muốn hành động thì ngay giờ phút ấy chúng ta đã có Bồ tát Quán Thế Âm hoá thân vào.

 

Mỗi con mắt hoá ra ngàn con mắt, mỗi cánh tay hoá ra ngàn cánh tay của Ngài. Nếu chúng ta giữ được tâm thanh tịnh, tâm hiểu và thương thì năng lượng của Bồ tát Quán Thế Âm luôn tràn vào trong ta.

 

Bởi vì Quán Thế Âm là đại diện, là hiện thân của hiểu biết và thương yêu. Cho nên khi niệm danh hiệu Ngài cũng vậy. Ta phải niệm một cách trí tuệ, phải biết niệm theo phương pháp nào thì mới có kết quả. Nếu niệm Quán Thế Âm như một vị thần linh chỉ biết ăn hối lộ, cúng xôi cúng chè và mong Ngài đứng về phía mình để hại người, thì ngàn đời Ngài cũng không ứng hiện trong tim ta.

 

Đừng bao giờ nghĩ Bồ tát Quán Thế Âm là một thực thể ngoài mình. Khi chắp tay lậy Ngài phải thấy rằng Ngài có trong ta và ta có trong Ngài. Ta và Ngài luôn cảm ứng đạo giao...

 

Năng lễ sở lễ tính không tịch
Cảm ứng đạo giao nan tư nghị...

 

Trong mỗi chúng ta đều có tiềm ẩn hạt giống một vị Bồ tát Quán Thế Âm. Ta phải làm thế nào đó để tạo điều kiện cho Hạt giống ấy được tưới tẩm, có không gian và thời gian để phát triển. Ngài không chỉ ở bên trong hay bên ngoài ta. Nói Ngài ở bên ngoài cũng không đúng mà nói ngài ở bên trong cũng không đúng luôn. Ngài ở trong ta hay ngoài ta la do ta.

 

Khi ta học theo Ngài, thực hành theo hạnh Ngài khi đó Ngài đã hoá hiện trong ta và chung quanh ta. Phật tính có ở khắp nơi. Phật ở mười phương và Bồ tát Quán Thế Âm cũng ở mười phương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây