Nhân quả là một trong những giáo lý căn bản của đạo Phật. Nhân quả theo Phật giáo, nói một cách chính xác là nhân-duyên-quả. Nhân quả là một quy luật có tính khách quan, Đức Phật bằng tuệ giác vô thượng đã phát hiện ra quy luật này: “Nhân như vậy, duyên như vậy, quả như vậy”.
Trước khi Đức Phật ra đời, sau khi Ngài nhập diệt thì tiến trình nhân-duyên-quả của vạn pháp vẫn như vậy - tùy duyên mà sanh, trụ, dị, diệt. Đức Phật không can thiệp, tác động hay chi phối vào tiến trình nhân-duyên-quả này. Ngài là Thầy chỉ đường, bậc Đạo sư chỉ cho chúng ta cách tạo ra những nhân, duyên mới tốt đẹp để hưởng thành quả an vui mà thôi. Nói cách khác, mỗi người tự quyết định nhân quả khổ vui cho mình thông qua chính nhân và duyên mà mình đã tác tạo.
Muốn chia sẻ giáo lý nhân quả đến với mọi người, điều quan trọng nhất, bạn cần hiểu chính xác về giáo lý nhân-duyên-quả và trình bày nó một cách khoa học, khách quan, tùy căn cơ mà nói, có ví dụ cụ thể, rõ ràng nhằm giúp người nghe nhận thức đúng, tự chiêm nghiệm để thấy rõ và tin nhận. Trong thực tế, có một số người vốn chưa hiểu hết giáo lý nhân quả mà lại quá hăm hở, nhiệt tình chia sẻ nên khó thuyết phục người nghe, thậm chí đôi khi tác dụng ngược lại.
Đối với vấn đề “kiếp trước thì mình không biết, và kiếp sau biết có hay không”, trừ các bậc Thánh biết quá khứ-hiện tại-vị lai, hiện chúng ta là người phàm thì không thể xác chứng cụ thể được. Tuy vậy, có nhiều dấu hiệu cho thấy có kiếp trước như các hiện tượng thần đồng, các công trình nghiên cứu khoa học về thôi miên; có nhiều dấu hiệu cho thấy có kiếp sau như các công trình nghiên cứu về cận tử, chết lâm sàng rồi sống lại… đã từng bước xác chứng về luân hồi.
Và cho dù, người nghe chưa tin hoặc không tin có kiếp trước và kiếp sau đi nữa thì việc tin nhân quả trong kiếp này vốn rất cần thiết để sống đạo đức, thiện lành. Tin nhân quả trong đời hiện tại, sống với các nhân lành (có đạo đức) chính là hạt giống tốt giúp phát khởi thiện tâm, sẽ tin tưởng sâu hơn về nhân quả trong ba thời quá khứ-hiện tại-vị lai.
Chúc bạn tinh tấn!
Nguồn tin: Giác Ngộ
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự