Thông thường con người ta có ba loại sinh mệnh: thứ nhất là sinh mệnh về mặt thể xác, do mẫu thân cưu mang thai nghén chín tháng mười ngày mà thành, thứ hai là sinh mệnh lịch sử, và thứ ba là sinh mệnh về trí tuệ, về sự sáng suốt.
Sau sinh mệnh thể xác ngắn ngủi vài chục năm, còn có sinh mệnh lịch sử, nhưng chỉ có thiểu số một vài người có thể lưu danh thiên sử. Vì thế, trên lập trường Phật pháp, ngoài sinh mệnh xác thịt và sinh mệnh lịch sử, chúng ta còn có sinh mệnh trí tuệ vĩnh hằng, vô hạn, xuyên thời gian không gian, mà chúng ta gọi đó là pháp thân tuệ mệnh.
Khi mẹ sinh ra chúng ta, thân thể xác thịt chúng ta như những viên đá chưa được mài giũa, cần phải gọt giũa nhiều mới có thể trở thành viên đá quý óng ánh lung linh. Cho nên, sau khi cha mẹ sinh ra, chúng ta cần phải trải qua việc học hành và luyện tập, dần dần hình thành trí tuệ trong quá trình trưởng thành đó.
Từ bi và trí tuệ được coi là hai mặt của một hợp thể, không thể tách rời nhau.
Càng từ bi càng sáng suốt, trí tuệ.
Những người có trí tuệ mới giải quyết được khó khăn của bản thân mình và người khác, nếu không, anh ta sẽ có một cuộc sống vô vị không ý nghĩa,
không những đem lại đau khổ cho bản thân mà còn gây ra nhiều phiền não cho những người xung quanh. Có người khi sinh ra vốn rất thông minh, nhưng không có nghĩa là có trí tuệ, sáng suốt. Trên thực tế, người thông minh có thể là người có rất nhiều phiền não; nếu thông minh mà có ít điều phiền não hoặc thậm chí là không có phiền não thì đó mới được gọi là trí tuệ thanh tịnh.
Trí tuệ có thể bồi dưỡng dần được, còn trí tuệ trong Phật giáo lại được sinh ra từ lòng từ bi, lòng từ bi càng lớn thì trí tuệ càng cao, phiền não theo đó mà cũng càng ít đi. Cái gọi là “từ bi” chỉ việc nghĩ cho người khác, thường giúp người khác giải quyết khó khăn, đổi lại là những việc làm phiền bản thân mình cũng ngày càng ít đi, và càng có “trí tuệ” hơn.
Vậy ta dùng lòng từ bi giúp đỡ mọi người như thế nào đây? Điều quan trọng là phải thực hiện thông qua quan niệm và phương pháp, vật chất chỉ có thể giải quyết một phần nhỏ của vấn đề mà thôi. Nhất thiết phải giúp đỡ họ giải quyết lo lắng từ trong tâm, từ quan niệm và có phương pháp thích hợp, như vậy mới là điều gốc rễ căn bản và bền lâu được.
Người có trí tuệ dù ở bất cứ nơi đâu bất cứ khi nào, bất cứ lập trường hay tình hình nào thì trong tâm luôn thẳng thắn quang minh chính đại, tự tại vô tư vô lo, không gì có thể làm khó họ được.
Từng có một cặp vợ chồng bác sĩ đến thăm tôi; người vợ hết lòng ca ngợi, thông cảm người chồng, còn người chồng cũng rất yêu thương, chăm sóc cô. Chính sự quan tâm thông cảm, cùng tán thưởng ca ngợi nhau khiến họ trở thành những người bạn tri âm, tri tâm, tri kỷ thực sự, cùng hiểu rõ thế giới nội tâm của đối phương.
Trên thế giới này, rất nhiều người quan niệm tình yêu là sự chiếm hữu, là sự chinh phục, hy vọng đối phương thông cảm cho mình và coi họ thuộc quyền sở hữu của mình. Họ không hề muốn thâm nhập vào thế giới nội tâm của đối phương, nhưng lại ép buộc người khác phải chấp nhận cách suy nghĩ của mình, đó không phải là trí tuệ, không phải là từ bi.
Lập trường hay thân phận khác nhau sẽ có những biểu hiện thể nghiệm khác nhau, việc có thể khiến bản thân không xảy ra mâu thuẫn, xung đột hay buồn rầu được gọi là trí tuệ, là sự sáng suốt.
Có trí tuệ chắc chắn có lòng từ bi.
Có trí tuệ chắc chắn có lòng từ bi. Ví như thân làm cha làm mẹ nếu có thể hiểu rõ được thế giới nội tâm của con cái thì ắt hẳn chúng sẽ hiếu thuận cảm ơn với mình, ngược lại thì khoảng cách giữa hai thế hệ sẽ ngày càng sâu ngày càng xa hơn nếu cha mẹ yêu cầu con cái thông cảm, tiếp nhận bạn một cách miễn cưỡng, ép chúng phải hiểu rõ mình. Còn phận làm con, không phải cấp cho cha mẹ quần áo thực phẩm là được gọi là có hiếu, điều quan trọng là cần biết thể nghiệm, thông cảm và quan sát hiểu rõ nội tâm của họ.