Tập nghe, nhìn như Bồ-tát để bình an

Chủ nhật - 02/05/2021 21:45
Dư luận, ý kiến nhận xét, khen chê của số đông, về mặt tích cực, có thể giúp một cá nhân hay tập thể nhìn lại bản thân hoặc sự việc để đánh giá đúng hơn và có sự điều chỉnh, sửa đổi nếu cần.
Bồ-tát Quán Thế Âm
Bồ-tát Quán Thế Âm

Tuy nhiên, ở phương diện tiêu cực, điều này có thể gây tổn thương và làm hại đối tượng bị đem ra bình phẩm, phê phán nếu như việc sử dụng ngôn từ và cách hành xử không được khéo léo, nặng về cảm tính, thiếu lý trí, mang tính chủ quan, hoặc người bình phẩm có dụng ý xấu, có ác tâm. Dư luận xã hội như một khí cụ sắc bén, một con dao hai lưỡi, nếu sử dụng vào việc tích cực thì lợi ích rất lớn, nhưng sử dụng vào việc tiêu cực thì tác hại khôn lường.

Ngày nay, với mạng internet, truyền thông đa phương tiện, dư luận, công chúng có thể tạo ra sức ép chết người, gây khủng hoảng, suy sụp tinh thần cho đối tượng bị đồn đoán, bị đem ra bình phẩm, lên án, kết tội dù đôi khi con người và sự việc đó chưa được tìm hiểu kỹ, chưa được làm rõ, hoặc xác định thực hư, đúng sai. Xã hội bất an chỉ vì những tin đồn không rõ nguồn gốc, không có cơ sở căn cứ, chỉ vì những suy đoán hàm hồ hoặc dụng tâm xấu của một vài cá nhân tác động lên số đông quần chúng, tạo nên làn sóng ảnh hưởng bởi tâm thức cộng đồng. Người không chịu nổi dư luận, không vượt qua được khủng hoảng có thể rơi vào tình trạng suy sụp tinh thần, trầm cảm hoặc tự tử.

Đạo Phật dạy chúng ta phải luôn chánh niệm tỉnh giác, không chỉ thấy biết rõ, nhận thức đúng về con người và sự vật, sự việc bên ngoài, mà còn biết rõ tâm mình có tham, sân, si hay không; phải nhận ra suy nghĩ, lời nói và hành động của mình có định tĩnh sáng suốt, có cơ sở hiểu biết chơn chánh, đúng đắn hay không (chánh kiến); những ý muốn, ý định của mình có bị tham, sân, si chi phối hay không. Chỉ như thế thì những gì chúng ta làm mới có ý nghĩa thiết thực, có giá trị lợi lạc cho mình, cho mọi người, không phạm phải lỗi lầm và không mang lại tác hại do lời nói và hành động gây ra. Khi tâm có các phiền não (tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến) thì lời nói và hành động, cách ứng xử sẽ tạo nghiệp bất thiện ảnh hưởng xấu đến người khác và cả chính mình, gây ra khổ đau trong hiện tại và tương lai. Không có chánh niệm tỉnh giác thì chúng ta bị tham, sân, si sai sử, dẫn dắt; suy nghĩ, lời nói và hành động bị tham, sân, si chi phối.

Một đời sống lành mạnh, an vui và hạnh phúc nhất định phải được xây dựng bằng những chất liệu tốt, bằng năng lượng tích cực từ tâm ý, lời nói và hành động của con người. Chính vì thế, trong mọi trường hợp, ngoài hành động, việc làm chân chính, thiện lành, con người cần tránh những lời nói bất thiện như nói dối (nói lời không thật), nói lưỡi hai chiều, nói lời thêu dệt, nói lời hung ác (nhục mạ, chửi bới mắng nhiếc, đe dọa khủng bố, xúc phạm làm tổn thương người khác). Dùng ngôn từ để chuyển tải tâm ý, truyền đạt thông tin, ý kiến đầy thiện chí nhằm đóng góp xây dựng, giúp nhau tiến bộ là điều cần thiết, nhưng cách thể hiện và cách sử dụng ngôn từ vô cùng quan trọng, cần phải được quan tâm.

Thời đại chúng ta đang khai thác sự tiện lợi, những công năng thần kỳ, đa dụng của công nghệ thông tin, internet, mạng xã hội, phương tiện truyền thông để phục vụ cho đời sống, mang lại lợi ích cho con người, tuy nhiên việc sử dụng chúng vào những mục đích xấu hoặc sử dụng thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm đã làm cho xã hội xảy ra nhiều bất ổn, đời sống thêm phức tạp. Thông tin trên báo chí, trên các kênh truyền hình, các mạng xã hội được truyền đi khắp nơi với tốc độ và số lượng khủng khiếp, trong đó có tin thật, tin giả, tin đúng, tin sai, tin mới, tin cũ, hễ bật truyền hình là thấy, bật máy tính, điện thoại là thấy, nó đến dồn dập, quá nhiều có thể khiến cho người ta bị stress, khủng hoảng, hoang mang, lo sợ,… thường đối mặt với những nỗi bất an. Đó là chưa kể đến các trạng thái tâm lý tiêu cực có hại cho sức khỏe con người và làm giảm chất lượng sống, như tức giận, buồn bực, căng thẳng tinh thần, bất mãn, lo sợ, mất niềm tin v.v...

Nghe và thấy nhiều quá, nhất là những điều không hay không đẹp, những điều khiến cho người ta sinh hoang mang, lo lắng, bán tín bán nghi hoặc buồn phiền, tức giận, tâm trí luôn bị các thông tin tiêu cực chi phối, phiền nhiễu nhiều quá cũng có hại; mà không thấy, không nghe cũng không được. Người ta không thể không đọc báo, xem đài, không lên mạng internet. Sống trong cộng đồng, xã hội với nhiều mối liên hệ có sự tác động, ảnh hưởng qua lại với nhau, không ai có thể tách mình khỏi dòng chảy cuộc sống, vì thế có nhiều điều cần phải quan tâm, phải thường xuyên cập nhật kiến thức, phải nắm bắt những thông tin cần thiết để thích nghi hoàn cảnh, thời đại, để tự điều chỉnh, cải thiện những gì chưa tốt hoặc không còn phù hợp. Vì thế, điều cốt lõi là làm sao đủ khả năng sàng lọc thông tin, tiếp nhận và xử lý thông tin một cách tích cực, làm sao giữ được tâm lý bình ổn và sự sáng suốt để không đánh mất sự bình an trong lòng và cuộc sống không bị những tác động xấu.

Trong đạo Phật, hình ảnh Bồ-tát Quán Thế Âm có nhiều đầu, nhiều tay, nhiều mắt mang ý nghĩa giáo dục rất lớn. Hình tượng đó nhắc nhở chúng ta phải có nhận thức sáng suốt, nhìn thấy con người và vấn đề ở nhiều phương diện, nhiều góc độ, tránh cái nhìn thiên kiến, cục bộ, phiến diện, cần nhìn con người và sự việc một cách trung thực, khách quan. Tai nghe, mắt thấy tường tận để có hành vi ứng xử hợp lý, tích cực. Hình ảnh biểu tượng nhiều tay, mỗi tay cầm một pháp khí của Bồ-tát mang ý nghĩa tùy nghi diệu dụng, hành vi ứng xử và phương tiện phù hợp với từng trường hợp, từng hoàn cảnh, đối tượng. Một người có tâm thương người thương vật, có thiện chí làm lợi lạc số đông, nhưng nếu không có trí tuệ, không có nhận thức đúng đắn, sáng suốt, không có hành động tích cực phù hợp thì mọi việc làm sẽ không thật sự có giá trị lợi lạc cho mình và mọi người. Không có trí tuệ thì không có từ bi đích thực. Ba mươi hai ứng hóa thân của Bồ-tát Quán Thế Âm cũng chuyển tải đến chúng ta thông điệp: Muốn giúp, muốn độ người nào, chúng ta phải hiểu biết về con người đó, về căn cơ trình độ, tâm tư tình cảm, hoàn cảnh sống... của người đó. Đều là con người nhưng nhân duyên, nghiệp báo của mỗi người mỗi khác, căn tính không giống nhau, muôn màu muôn vẻ, vì thế không có một khuôn mẫu nhất định cho tất cả mọi người. Chúng ta nên đứng ở vị trí người khác, thử đặt mình vào hoàn cảnh của họ để hiểu hơn, để có sự cảm thông, tha thứ và giúp đỡ một cách thích hợp.

Trong kinh Diệu pháp Liên hoa, phẩm Phổ môn, Bồ-tát Quán Thế Âm là bậc “nhĩ căn viên thông” (tánh nghe viên mãn dung thông), có năng lực nghe, nhìn, quan sát tuyệt diệu, đó là “chân quán” (thấy, nghe đúng sự thật), “thanh tịnh quán” (thấy, nghe thanh tịnh, không chấp, không bị phiền não kiết sử chi phối), “trí tuệ quán” (thấy, nghe với chánh kiến, trí tuệ), “từ bi quán” (thấy, nghe với tâm từ bi cứu khổ ban vui). Bồ-tát không nghe, nhìn, xem xét với tâm chấp trước nhân-ngã, thị-phi, với tâm thành kiến, nghi ngờ, sân giận, phân biệt kỳ thị v.v… Nếu chúng ta cũng nghe, nhìn như Bồ-tát thì không có khổ não, bất an, và cũng không gây khổ não, bất an cho người khác.

Chúng ta phải học và thực hành theo Bồ-tát Quán Thế Âm. Tâm phải bình lặng, mát dịu như nước cam lộ tịnh thủy của Bồ-tát thì mới nghe rõ, thấy nghe trung thực, chuẩn xác. Còn nếu nghe nhìn với tâm có sẵn thành kiến, định kiến, với tâm có phiền não thương - ghét, giận hờn, đố kỵ, ích kỷ nhỏ nhen, phân biệt kỳ thị thì sự thấy nghe ấy không sáng suốt, chỗ thấy nghe (con người, sự vật, sự việc) bị làm mờ, bị bóp méo hoặc bị tô vẽ lên.

Theo Giacngo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây