Học cách chia sẻ yêu thương

Thứ hai - 10/05/2021 16:31
Từ xưa tới nay, chia sẻ, yêu thương luôn là truyền thống nhân đạo tốt đẹp của người Việt Nam, được nhân dân gìn giữ và không ngừng phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, không phải ai cũng thể hiện đúng ý nghĩa tốt đẹp đó. Do vậy, chúng ta phải học cách chia sẻ yêu thương để thực sự lan tỏa, làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp.
Học cách chia sẻ yêu thương

Cuộc sống vốn muôn màu, bên cạnh những con người có cuộc sống may mắn, hạnh phúc thì vẫn còn đó những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn vì bệnh tật, vì bị thiên tai, lũ lụt… nên họ rất cần sự đồng cảm, sẻ chia. Hơn nữa giúp đỡ, mang lại niềm vui và sự hy vọng cho người khác, tức là cũng giúp mình sống thanh thản. Học cách chia sẻ, yêu thương là học phép lịch sự, học cách đối nhân xử thế, có văn hóa để giúp người vơi đi nỗi buồn phiền, tiếp thêm năng lượng tinh thần để họ sống tốt đẹp hơn.

Nếu ta không biết cách chia sẻ, yêu thương, mặc dầu cái tâm của ta rất tốt, vô tình ta làm cho người bị tổn thương. Họ cảm thấy mất niềm tin, thậm chí mặc cảm, tự ti vì sự vô giá trị, ý thức mình trở thành gánh nặng cho cộng đồng, xã hội… Làm thế nào để người nhận được sự chia sẻ, yêu thương mà không cảm thấy đó là sự thương hại, sự bố thí của người đời, truyền cho họ cảm hứng vượt qua nghịch cảnh để sống tốt đẹp hơn mới là sứ mệnh của chúng ta…

Trong đợt bão lũ miền Trung vừa qua, rất nhiều tổ chức chính phủ, công ty, doanh nghiệp, nhà chùa, cá nhân… đã hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng cùng nhiều nhu yếu phẩm khác. Nổi bật có ca sĩ Thủy Tiên đã kêu gọi quyên góp được 150 tỷ giúp đỡ đồng bào vượt qua hoạn nạn. Cũng trong bão lũ, phong trào nấu bánh chưng, hông xôi, làm mắm, gom quần áo cũ, sách vở… sôi nổi trên toàn quốc làm ấm lòng người. Nhìn cảnh người người, nhà nhà tự tổ chức gom góp tiền bạc hoặc phẩm vật mà lòng ta xúc động, xốn xang. Tấm lòng tương thân, tương ái, chia ngọt sẻ bùi ngời ngời trên khuôn mặt, trong từng công việc của mỗi người.

anh cuutro.JPG
Đoàn Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM tặng quà người dân miền Trung sau bão lụt

Chia sẻ, yêu thương là một trong những yếu tố tạo nên nhân cách con người. Nó xuất phát từ cái tâm trong sáng cùng với cách thức làm việc khoa học, để phát huy tác dụng và đến nhanh nhất với những người đang cần được sự giúp đỡ. Trước hết ta phải có sự trải nghiệm, đặt mình trong từng cảnh ngộ, số phận cụ thể để thấu cảm, thương yêu. Hiểu rồi, biết người đang cần gì nhất mới hành động, chia sẻ thì rất có giá trị và ý nghĩa. Ví như trong đợt lũ lụt vừa rồi tùy vùng, miền, thôn xóm: nơi thì cần cứu trợ khẩn cấp lương thực, nước uống,  quần áo, thuốc men, nơi thì rất cần chăn, mền, tôn lợp, gạch ngói, các loại giống cây trồng, phân bón…

Mặt khác, việc cứu trợ phải thật sự bài bản, có tổ chức, đặc biệt phải công khai minh bạch, rõ ràng. Suy cho cùng ai trong chúng ta cũng thương người như thể thương thân, giàu lòng trắc ẩn, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, sẻ chia khó khăn hoạn nạn. Ai cũng ý thức một miếng khi đói bằng một gói khi no. Cái quan trọng, băn khoăn của mỗi chúng ta là liệu đã đặt niềm tin đúng chỗ? Rất đáng tiếc, một số tổ chức cá nhân, khi đi làm từ thiện không khoa học dẫn đến việc gây ra những hiểu lầm, mất sự đoàn kết ở địa phương, những sự cố không mong muốn, hoặc không minh bạch, thậm chí lợi dụng việc làm từ thiện để tư lợi cá nhân.

Tôi rất tâm đắc với nhìn nhận của đại biểu Xuân Thu: “Của cho không bằng cách cho, cả văn hóa cho và nhận cũng cần phải học. Cho làm sao để người nhận không bị cảm giác ban ơn, bố thí. Nhận làm sao để người cho cảm thấy vui và hạnh phúc”. Thiết nghĩ, chia sẻ yêu thương là đáng quý, đáng trân trọng, đáng được đề cao nhưng chia sẻ, yêu thương như thế nào cho có văn hóa để tiếp thêm năng lượng tinh thần vượt khó, củng cố niềm tin yêu cuộc đời cho người mới càng quan trọng hơn.

Theo Giacngo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây