Các tôn giáo ở Việt Nam được tôn trọng

Thứ sáu - 23/01/2009 04:47
Ngoài 6 tôn giáo chính là: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, Cao Đài, Hòa Hảo..., việc nhiều tôn giáo mới du nhập vào Việt Nam đã được pháp luật công nhận thời gian gần đây, cùng những chính sách cởi mở của Nhà nước về tôn giáo đã chứng minh một thực tiễn sống động rằng: Các tôn giáo ở Việt Nam được Nhà nước tôn trọng và tạo điều kiện. Chùa Trúc Lâm (Nha Trang) vừa mới được khánh thành trên khuôn viên rộng hơn 3ha tại đảo Hòn Tre, tỉnh Khánh Hòa. Chùa được khởi công xây dựng tháng 4/2007, sau gần một năm rưỡi thi công, chùa đã hoàn thành với tổng chi phí ước tính lên đến hàng chục tỉ đồng.

Một ngôi chùa trên đảo mang đậm phong cách kiến trúc chùa chiền miền Bắc - nơi ảnh hưởng rất đậm nét của văn hóa Phật giáo với những bức tượng các vị La Hán, các bức hoành phi, câu đối… Có chăng, nét khác biệt ở đây là bức tượng Phật Quan âm Nam Hải nặng 10 tấn được ví như "ngọn hải đăng" về tâm linh mà những ngư dân ở khu vực vịnh Nha Trang hướng tới trước mỗi chuyến ra khơi.

Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: "Ngoài sự quan tâm của Nhà nước cho tất cả các tôn giáo, thì đồng bào Phật giáo có tâm đạo rất lớn, dám hy sinh cả tài sản của mình để cống hiến cho Phật giáo để xây dựng một xã hội an lạc trong tình thương của Đức Phật, đây mới là vấn đề quan trọng. Nhà nước có quan tâm đặc biệt, cho nên không những cho xây cất, mà còn tập hợp quần chúng đông đảo để làm lễ, để tu hành, không cản trở. Đây là điều quan tâm của Nhà nước đối với Phật giáo. Chẳng những đối với Phật giáo, các tôn giáo khác cũng được Nhà nước quan tâm, giúp đỡ".

Sau khi khánh thành, chùa Trúc Lâm được bàn giao cho Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa quản lý. Việc có thêm một ngôi chùa mới tại Khánh Hòa đã làm phong phú thêm những cơ sở thờ tự của Phật giáo đã lên tới 15 ngàn cơ sở cùng khoảng 40 ngàn chức sắc và nhà tu hành.
Ông Bùi Hữu Thành, Phó giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Khánh Hoà: "Chúng tôi đã đang và tiếp tục thực hiện việc cấp sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo. Ở những vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế mới trước đây, đồng bào nói chung và đồng bào các tôn giáo nói riêng đã có cuộc sống ổn định và có nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo, chúng tôi sẵn sàng cấp đất cho đồng bào xây dựng cơ sở thờ tự".

Ngay sát Quốc lộ 1A, thuộc địa phận xã Vĩnh Lương, thành phố Nha Trang, Thánh thất Vĩnh Lương cũng sắp hoàn tất trên diện tích đất được Nhà nước cấp phép xây dựng. Đây là công trình do các tín đồ thuộc họ đạo Cao Đài thành phố Nha Trang góp công, của xây dựng. Việc mở rộng Thánh thất giúp cho sinh hoạt tôn giáo của tín đồ đạo Cao Đài được thuận lợi hơn.

Nhà khoa học Đỗ Quang Hưng - người nhiều năm gắn bó với công tác nghiên cứu về tôn giáo cho rằng: "Chưa bao giờ các tôn giáo ở Việt Nam được tạo điều kiện như hiện nay, khi mà chính sách cởi mở của Nhà nước về tôn giáo đã tạo điều kiện cho người dân có đạo thể hiện đức tin của mình".
Việt Nam - một quốc gia đa tôn giáo. Tuy mỗi tôn giáo có các sắc thái khác nhau, song đều có chung đường hướng đồng hành cùng dân tộc. Việc chung sống hòa bình, bao dung giữa các tôn giáo cùng với tinh thần nhân bản của xã hội và con người Việt Nam, đã tạo nên bức tranh sinh động về tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam - văn hóa Việt Nam: Thuần túy nhưng phong phú, đan xen nhưng không mâu thuẫn. Và thực tiễn đã chứng minh rằng, "Nước vinh - Đạo sáng".

Nguồn tin: Ngọc Hà - Tấn Quýnh (Theo VTV)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây