Ngày giáp Tết với Đức Pháp chủ GHPG Việt Nam

Chủ nhật - 25/01/2009 07:20
Tháng Chạp này, Hà Nội thật lạnh. Hôm nay trời lại mưa gió. Mưa phùn gió bấc, bầu trời xám xịt, mù mịt hơi nước, thật não nùng và thê lương. Thiên nhiên là vậy mà dường như mọi người cũng chẳng để tâm đến. Gần Tết ai cũng bận tíu tít, còn tâm trí đâu để mà vương chút buồn mơ mộng, lãng mạn.



Rời Hà Nội, tinh mơ sáng nay, BTV trang tin điện tử Phật tử Việt Nam xuôi về chùa Ráng. Phải mất hơn một giờ đồng hồ luồn lách bằng xe máy mới vượt qua quãng đường từ Cầu Giấy lên đến đê Pháp Vân – Thanh Trì. Sự ồn ào náo nhiệt đã lùi lại phía sau. Đường đê thật vắng vẻ và trơn trượt. Chạy xe cả cây số mà chẳng thấy bóng dáng một người. Mặt sông Hồng mù mịt sương toả và khói bụi từ hàng trăm chiếc lò gạch trải dọc theo triền sông.

Tháng Chạp này, Hà Nội thật lạnh. Hôm nay trời lại mưa gió. Mưa phùn gió bấc, bầu trời xám xịt, mù mịt hơi nước, thật não nùng và thê lương. Thiên nhiên là vậy mà dường như mọi người cũng chẳng để tâm đến. Gần Tết ai cũng bận tíu tít, còn tâm trí đâu để mà vương chút buồn mơ mộng, lãng mạn.


Rời Hà Nội, tinh mơ sáng nay, BTV trang tin điện tử Phật tử Việt Nam xuôi về chùa Ráng. Phải mất hơn một giờ đồng hồ luồn lách bằng xe máy mới vượt qua quãng đường từ Cầu Giấy lên đến đê Pháp Vân – Thanh Trì. Sự ồn ào náo nhiệt đã lùi lại phía sau. Đường đê thật vắng vẻ và trơn trượt. Chạy xe cả cây số mà chẳng thấy bóng dáng một người. Mặt sông Hồng mù mịt sương toả và khói bụi từ hàng trăm chiếc lò gạch trải dọc theo triền sông.

Chạy dọc đê các huyện Thanh Trì, Thường Tín và Phú Xuyên, chừng 50 cây số thì về đến chùa Ráng – Viên Minh tự, nơi Đức Đệ tam Pháp chủ GHPGVN - Đại Trưởng lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ đang tu hành.

Chùa Ráng nằm ven đê thuộc xã Quang Lãng huyện Phú Xuyên – Hà Tây (cũ) nay thuộc Hà Nội. là nơi hẻo lánh nhất Thủ đô. Nơi đây một tiếng gà gáy thì cả ba tỉnh Hà Tây, Hà Nam và Hưng Yên đều nghe rõ.

8 giờ 30, về đến chùa Ráng. Nơi đây thời tiết lại khô ráo, tuy không có nắng nhưng bầu trời khá quang quẻ. Dắt xe vào đến sân chùa thấy vắng hoe. Công trường trùng tu chùa được thu nép gọn gàng, các cánh thợ đã nghỉ Tết. Có lẽ các đoàn viếng thăm cũng đã vãn. Hôm nay đã 28 Tết rồi còn gì.

Nhà chùa vẫn như ngày thường, không thấy sự nhộn nhịp tíu tít của ngày Tết. Có chăng là ở bên dàn giáo trước sân thấy có cây quất, cây đào ai cúng còn nằm đó chưa cho vào chậu.

Đức Pháp chủ - Tổ Ráng từ trên nhà Tổ nhanh nhẹn đi xuống nhà Khách, trên tay bưng 1 mâm lớn hoa quả, rồi đi lên chùa. Dáng đi vẫn nhẹ nhàng, thanh thoát, vững chãi. Trừ những lúc ngồi đọc sách, làm bàn giấy và trì tĩnh, còn lại Tổ làm việc, vận động liên tục không ngừng nghỉ. Tâm thế ấy, tư thế, tác phong ấy dường như quên rằng, chỉ 2 hôm nữa thôi, khi năm mới về là Tổ sẽ tròn 93 tuổi, bước sang tuổi 94.

9 giờ đến 11 giờ 30, trừ thời gian tiếp 2 đoàn khách đến từ Phúc Yên và Sơn La, Tổ vẫn thung dung ngồi xem sách báo, nhất là các báo và tạp chí Phật giáo số Tết.

Được biết, từ đầu tháng chạp đến nay, đã có hàng chục đoàn Tăng Ni, Phật tử và các cơ quan đoàn thể đến lễ Phật, lễ Tổ và cung chúc khánh tuế Đức Pháp chủ. Được gặp Ngài, được đến chùa Ráng, cho dù xa xôi khuất nẻo nhưng ai nấy đều vô cùng hoan hỉ và an lạc, đều cảm thấy thật hạnh phúc và cảm động.

11 giờ 30, tất cả xuống ăn trưa ở Trai đường. Có lẽ chẳng có ở chùa nào có 1 trai đường bình dị, đơn bạc và tuềnh toàng đến thế. Gọi là tất cả nhưng có ai đâu, 5 người cả thảy: Tổ, sư ông Hưởng mới ở Trường Trung cấp về thị giả Tổ, Sư già Lượng sang đỡ đần tiếp khách, một chú tiểu 10 tuổi và tôi. Bàn ghế thì đều là đồ tự đóng lấy bằng mấu thanh gỗ đẽo tay; thức ăn thì có chút cơm, với rau cần luộc hái từ ao chùa và mấy miếng đậu phụ kho.

Tổ ngồi riêng 1 bàn kê tựa vào tường cạnh của sổ. Đồ ăn không bao giờ có chút gì phân biệt. Nhìn Tổ ăn thật ngon miệng, chất phác, dứt khoát. Thế mới hay miếng ăn ở thế gian là quý biết chừng nào. Tôi mới ăn chừng hơn 1 bát thì Tổ đã xong bữa. Ngài nhanh nhẹn đứng dậy mang đồ ăn còn lại sang san sẻ cho chúng tôi, thật thân tình, gần gũi và hết mực từ bi.

Rồi Tổ đi kiểm tra xem mấy con chó và mẹ con nhà mèo ăn uống ra sao. Nhiều lúc tôi cảm tưởng là Tổ coi chúng như người vậy. Chăm sóc mà không thiên vị, yêu thương mà không quyến luyến là điều không phải ai cũng làm được dễ dàng.

Sau bữa trưa, cùng Tổ bách bộ ra trước chùa. Trời vẫn rét căm căm, cánh đồng trước mặt mênh mông loáng nước chuẩn bị cho vụ cấy chiêm. Ven lũy tre chùa, các luống mạ đều phải che ni lông bịt bùng để chống rét, vài người nông dân đang dầm chân thăm mạ.

Tổ bảo: “Rét mãi thế này, làm chiêm là vất vả đây. Nhưng năm ngoái rét vậy, mạ phải gieo đi gieo lại mà rồi vụ chiêm được mùa lớn. Lúa xuông thôi mà chắc mẩy lắm. Mạ bằng kim mà lúa bằng đầu cũng là sự thường.”

Ngước nhìn lên mái chùa, thấy 8 chữ Hán mà Tổ đã viết: “Thế giới hoà bình, dân sinh an lạc”, lại nhớ về trang bìa 4 của cuốn “Phật Tổ tam kinh” do Tổ dịch có in tấm hình cánh đồng lúa chín vàng ngập bờ đang mùa gặt.

Cây đào bích trong vườn chùa bên tháp Tổ đã lác đác khoe xuân. Một tiếng gà gáy trưa  từ làng bên lảnh lót vọng tới. Tết đang đến, xuân đang về và lòng người đang bừng ấm./.















 

Huệ Minh

Tác giả bài viết: Huệ Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây