Diễn đàn: Phật tử không hẳn là người đã quy y Tam bảo

Thứ sáu - 10/04/2009 07:39
Ngày 20-3-2009, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương đã có thông báo (Thông tư số 123/TB/HĐTS/BHDPT) thực hiện chương trình thống kê số lượng Phật tử chính thức trong nước dựa trên cơ sở người Phật tử đã quy y Tam bảo. Mục đích là, đánh giá tình hình sinh hoạt tín ngưỡng, biết rõ số lượng tín đồ hiện tại và đề ra các chủ trương thích hợp trong việc hướng dẫn Phật tử tu học. Đồng thời thông báo cũng yêu cầu thống kê để lấy số liệu những Phật tử chưa quy y Tam bảo.

Trong phần thực hiện có khuyến khích các Phật tử mạnh dạn kê khai rõ tôn giáo của mình khi Nhà nước tiến hành tổng điều tra dân số sắp tới (từ ngày 1 đến ngày 20-4-2009)... Tuy nhiên, tiêu chuẩn và điều kiện về Phật tử vốn rất đa dạng. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết “Phật tử không hẳn là người đã quy y Tam bảo” của tác giả Thích Viên Giác như một sự sẻ chia, định hướng về ý nghĩa Phật tử.

 

Trong đông đảo người đến chiêm bái Phật Ngọc,

chưa hẳn ai cũng đã quy y Tam bảo - Ảnh: Bảo Thiên

Đức Phật dạy trong kinh Trung Bô rằng: “Ai nguyện nương tựa Phật Pháp Tăng, người ấy là người Phật tử”, chữ “nguyện” trong đạo Phật mang tính tự giác, là một thái độ nhận ra chân lý và ước muốn thực hiện chân lý trong đời sống của mình. Điều này, tương tự như định hướng cho mình một lý tưởng sống và được thể hiện qua một hình thức nghi lễ như lễ phát nguyện thọ giới, phát nguyện quy y Tam bảo… Mặt khác, “nguyện” là tâm nguyện, là  ước vọng nội tâm của một cá nhân, mang tính cách tự nguyện mà không cần một hình thức nghi lễ nào. Một người Phật tử có thể xin thọ Tam quy để trở thành người Phật tử và họ cũng có thể tự mình trở thành người Phật tử khi tự đặt mình vào trong giới pháp mà Phật đã dạy, tức là họ chọn cho mình một lối sống theo đường lối Phật giáo (qua Bát chánh đạo). Phần lớn các nhà trí thức xã hội trở thành người Phật tử bằng cách tự mình phát nguyện, chính họ đã đóng góp rất nhiều vào công cuộc hoằng pháp độ sinh, đôi khi hiệu quả nhiều hơn những người Phật tử thực thụ.

Phật tử cần phải quy y Tam bảo để trở thành một người Phật tử thực thụ, tuy nhiên có người không nhất thiết phải có tham dự lễ quy y Tam bảo, Phật tử cũng không nhất thiết phải có pháp danh, họ cũng vẫn là Phật tử. Vì vậy, vấn đề thống kê số lượng Phật tử luôn thiếu chính xác. Theo tôi, Phật tử bao gồm nhiều thành phần: Một là, những Phật tử thuần thành thường xuyên đi chùa có quy y Tam bảo, có pháp danh, có tham dự sinh hoạt Phật sự, có tu có học giáo lý. Dĩ nhiên dạng này có danh sách lưu trữ tại chùa. Hai là, Phật tử chưa quy y Tam bảo, chưa có pháp danh nhưng vẫn thực hiện các nghĩa vụ của một người Phật tử khi cần thiết như đóng góp xây dựng chùa, tham dự những ngày lễ lớn. Ba là, Phật tử là người có thiện cảm và thực hành đạo lý của Phật nhưng không có mối quan hệ sinh hoạt với chùa chiền. Thành phần này hoàn toàn không có tên tuổi gì hết ở trong sổ bộ của chùa. Ngoài ra, còn có thành phần sống và sinh hoạt trên nền tảng truyền thống văn hóa dân tộc thờ cúng ông bà tổ tiên trong đó văn hóa Phật giáo là chủ đạo nên đời sống của họ rất thân thiện và gần gũi với chùa chiền như là một người Phật tử, nhất là vùng nông thôn.

Giáo phẩm trụ trì chùa chiền cũng như chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội các cấp luôn mong muốn quản lý được số lượng tín đồ của mình nhưng gặp nhiều khó khăn khách quan lẫn chủ quan. Bởi lẽ Giáo hội không bắt buộc tín đồ phải kê khai tôn giáo của mình cho các cơ quan chức năng.

Trước đây, mỗi khi điều tra dân số, một số lượng lớn Phật tử không kê khai phần tôn giáo là Phật giáo, hoặc không kê khai vào phiếu lý lịch là theo đạo Phật. Họ cho rằng không cần thiết kê khai. Đạo lý của Phật vốn coi trọng sự vô danh, vô tướng, vô chấp, nên việc kê khai danh tánh là không cần thiết. Mặt khác, họ chưa thấy được tầm quan trọng của vấn đề hình thức, tướng trạng và số liệu có tác dụng như thế nào đối với đời sống của con người và xã hội.

Cho nên trong vấn đề kê khai tín đồ, trách nhiệm của người Phật tử là hoàn thiện tự thân nhờ nương vào pháp Phật, đồng thời quảng bá giá trị đạo lý hiền thiện ấy cho tha nhân mà ta quen gọi là tự độ và độ tha. Muốn độ tha phải thể hiện cho được giá trị của Phật ở nơi mình. Người Phật tử không tự hào về đạo của mình, không hân hoan giới thiệu đạo mình cho tha nhân, không tự hào về bậc thầy mà mình tôn thờ, thì ngay trong bản thân của mình cần phải xét lại chất liệu Phật tử có hay không, nhiều hay ít?! Năm 2008, Liên Hiệp Quốc tổ chức Lễ Phật đản tại Việt Nam đã khẳng định giá trị văn hóa hòa bình của đạo Phật đối với nhân loại, Nhà nước đã đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản cũng đã khẳng định giá trị to lớn của đạo Phật trong dòng lịch sử xây dựng và phát triển dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước. Chúng ta có quyền tự hào khi kê khai về tôn giáo Phật giáo của mình. Bởi qua đó sẽ quảng bá tuyên dương đạo lý của Phật và tuyên dương Đức Phật, vị giáo chủ của mình, một bậc vĩ nhân của muôn đời và muôn loài.

Tóm lại, để đáp ứng nhu cầu phát triển đạo Phật trong thế kỷ XXI, trong bối cảnh xã hội hiện đại đa văn hóa, người con Phật cần nhận rõ vai trò của mình, khẳng định giá trị của tôn giáo mình bằng cách kê khai rõ ràng trong dịp điều tra dân số lần này. Trụ trì các chùa cần động viên đạo tràng của mình, giảng giải sâu rộng để mọi người Phật tử hiểu về ý nghĩa của sự thống kê tín đồ liên quan đến đường hướng phát triển và sự hưng thịnh của đạo pháp. Khẳng định mình là người Phật tử cũng là một công đức lớn.

Tác giả bài viết: Thích Viên Giác

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây