Đông đảo người dân đến chiêm bái tôn tượng Phật Ngọc
Trước
hết, người ta muốn biết bằng cách nào để cưa xẻ tảng ngọc Polar Jade cứng chắc
và nặng nhất thế giới (18 tấn), để dùng tạc pho tượng Phật Ngọc cao 3,5m,
nặng đến hơn 4 tấn như thế? Ông Ian Green đến từ Úc, Chủ tịch Đại tháp Từ Bi ở
Bendigo - người đưa Phật Ngọc vòng quanh thế giới - cho biết, việc xẻ ngọc
trước khi tạc tượng phải thực hiện công phu, kiên nhẫn, chầm chậm từng chút một
bằng lưỡi cưa kim cương trong ngót hơn 20 ngày.
Mỗi
chi tiết mỹ thuật cần thể hiện sức diệu dụng và thần sắc của Phật (phần lộ ra
bên ngoài) sao cho đúng với mô tả về 32 tướng tuyệt hảo trong kinh Đại Bát Nhã
Ba-la-mật-đa. Nghĩa là từ tóc (vòng xoắn ốc) tới tai, mũi, cổ, và nhất là đôi
mắt, miệng, hai vai, đỉnh đầu, vốn là những nơi Phật bất ngờ phóng hào quang để
xoa dịu những bất hạnh của chúng sanh trên cõi đời và soi sáng những góc tối
buồn thương nhất dưới địa ngục A-tỳ.
Cứ
thế, qua 18 tháng ròng rã, tượng hoàn tất toát lên màu ngọc xanh và bóng sáng
từ bi hiếm thấy: "Toàn thân đức Phật ngồi trên tòa sen trong tư thế Padmasana
nghĩa là Liên hoa tọa, như các bạn thấy đó" - ông Ian Green nói. Riêng hai
bàn tay tượng Phật Ngọc được tạo hình mỹ thuật, với bàn tay phải (thòng xuống
chấm đất), các ngón tay sít sao úp vào phía trong, gần đầu gối bên phải, còn bàn
tay trái (ngửa ra với các ngón hơi cong lên) đặt giữa hai đùi. Thủ ấn này gọi
là Xúc địa ấn - theo nghĩa đen là "thủ ấn chạm mặt đất", tiếng
Sanskrit: Bhumisparsa Mudra - ông Ian Green giải thích nhanh.
Nhưng
Xúc địa ấn vẫn rất lạ đối với nhiều người, vì họ thường quen chiêm ngưỡng các
tượng Phật trong tư thế Ấn đại định (hai bàn tay đặt lên nhau và hai ngón cái
chạm nhau, đặt giữa hai đùi), hoặc Ấn thiền định (tay trái chồng lên tay mặt,
mười ngón đều duỗi thẳng). Ấn đại định, thiền định như trên thường thấy thể
hiện qua nghệ thuật tạo hình ở các tượng Phật đang thờ trong nhiều ngôi chùa
lớn của TP.HCM, biểu thị sức tự tại vô lượng của chư Phật, còn gọi: "tướng
Định pháp giới". Còn ấn Xúc địa của tượng Phật Ngọc biểu thị điều gì?
Để
tìm câu trả lời, chúng tôi tiếp xúc với hòa thượng Thích Quảng Hiển, Hiệu
trưởng trường Cao trung Phật học kiêm Trưởng ban kiến thiết Đại Tùng Lâm Bà Rịa
- Vũng Tàu - nơi vừa tôn trí tượng Phật Ngọc trong suốt tuần qua (21 - 26.3)
trước khi cung nghinh về TP.HCM, và được biết: Tượng Phật Ngọc điêu khắc theo
mẫu tượng Phật đặt trong Bảo tháp Đại Bồ Đề (Mahabodhi Stupa) ở Bồ Đề Đạo Tràng
tại Ấn Độ.
Sở
dĩ chọn mẫu tượng này vì đây là hình ảnh quen thuộc với phật tử khắp nơi trên
thế giới và là tượng Phật nổi tiếng nhất vì hai điều: Thứ nhất, nơi đặt tượng
(Bồ Đề Đạo Tràng - Bodh Gaya) là Phật tích quan trọng hàng đầu của Phật giáo - nơi
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành tựu đạo quả. Điều thứ hai, khi Đức Thích Ca Mâu
Ni thành đạo, thiên ma kéo đến quấy nhiễu, Phật đã dùng Xúc địa ấn để ấn lên
mặt đất, khiến vị Địa thần dưới lòng đất vọt lên.
Ác ma và quỷ thần trông thấy liền sợ hãi, tan biến, nên Xúc địa ấn còn có nghĩa là Ấn hàng ma phục quỷ. Ấn này biểu thị công năng khuất phục, làm cho các thế lực độc ác ma quái phải đầu hàng. Với ấn hàng ma ấy, tượng Phật Ngọc cho hòa bình thế giới (tên do Lạt-ma Zopa Rinpoche đặt) sẽ được chuyển đến khắp các quốc gia với mong muốn hàng phục ma chướng, ngăn chặn chiến tranh và những cuộc hủy hoại tàn phá chưa lường trước được.
Có
người còn nói theo hình ảnh trên mạng và trên các tài liệu đang phổ biến hiện
nay, thì hào quang của Phật Ngọc khi màu xanh biếc, khi màu vàng là sao? Chúng
tôi đã gặp thượng tọa Thích Nhuận Trí, Chánh thư ký - kiêm Trưởng ban Phật giáo
quốc tế của Giáo hội PGVN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và nghe giải thích: "Cùng
với tượng là 3 vòng hào quang được thiết kế mỹ thuật kèm theo và rời ra. Một vòng
màu xanh bằng ngọc thạch Nephrite.
Hai
vòng còn lại màu vàng bằng chất liệu khác. Đến nơi đâu thấy bối cảnh thích hợp
với màu hào quang nào sẽ đính hào quang màu ấy. Vì thế trong hình chụp khi màu
vàng, lúc màu xanh khác nhau. Nhưng kỳ thực đều quy vào một mục đích giống nhau
là tôn vẻ trang nghiêm của Phật Ngọc tùy theo quang cảnh và màu sắc chung quanh
nơi đặt tượng".
Một
tạo hình mỹ thuật quan trọng khác, cũng được tách ra, là phần đỉnh đầu của
tượng Phật Ngọc, gọi là phần thể hiện tướng Nhục kế. Tướng này lộ ra phần thịt
(nhục) nổi cao lên như búi tóc (kế), được kinh Đại Bát Nhã Ba-la-mật-đa mô tả
"cao và rộng như vòm trời", còn theo kinh Quán Vô Lượng Thọ thì:
"Nhục kế trên đỉnh đầu của Phật đẹp như hoa, trên đỉnh ấy có một bình báu
chứa các loại ánh sáng màu xanh trắng đỏ vàng mềm mại, nhu nhuyến và có diệu
dụng thấm đến trái tim của mọi sinh linh, kể cả cỏ cây và đất đá vô tình".
Để
tạo hình nhục kế, các nhà điêu khắc hàng đầu đã lấy một khối ngọc nhỏ hơn nắm
tay, cẩn trọng miệt mài thực hiện kỹ thuật điêu khắc tinh tế nhất, cho thành
một khối riêng ngoài tượng. Khối này được trân trọng đặt lên đỉnh đầu tượng
Phật Ngọc trước giờ chiêm bái.
Theo
chương trình, sau chùa Phổ Quang, tượng Phật Ngọc với các biểu tượng nêu trên,
sẽ được cung nghinh đến chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn) vào ngày 9.4 tới đây.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự