Hải Phòng: Hơn 50.000 người dự lễ rước và đêm hội hoa mừng 1000 năm TL - HN

Thứ hai - 09/08/2010 05:09
Như tin đã đưa, sau đại lễ tại chùa Nam Hải - Trụ sở THPGHP, nghi thức chuyền đăng, rước tôn tượng Phật, Tổ và long vị Lý Bát Đế đã được tổ chức.

Từ hàng tháng trước, nhất là sau thành công rực rỡ của tuần lễ Phật giáo Thủ đô chào mừng 1.000 năm TL - HN, Tăng Ni Phật Tử Hải Phòng được sự quan tâm, ủng hộ tạo điều kiện của đảng bộ, chính quyền, nhân dân, các ban ngành: Nội vụ - tôn giáo, công an, văn hóa - thông tin, giao thông công chính, công viên cây xanh...  đã xây dựng kế hoạch tổ chức đại lễ với quy mô, chất lượng vượt trội hơn hẳn so với các Phật sự trước.

Tín đồ Phật tử và nhân dân Hải Phòng đang sinh sống tại địa bàn cũng như đi làm ăn nơi xa đều nắm bắt được thông tin và chương trình của đại lễ, có thể chủ động sắp xếp công việc và thời gian để trở về quê hương tham dự Phật sự hiếm có này.

Cờ phướn, panô, áp phích, thông báo... được quảng bá trên khắp các tuyến đường tổng cộng tới hàng chục km. Các quận, huyện và các chùa đều có chuẩn bị xe hoa, lễ vật và đoàn đại biểu Phật tử tham dự đại lễ. Các quý thầy lãnh đạo Phật giáo, các Phật tử - các nhà tài chủ và các chùa lớn có điều kiện đều hoan hỉ phát tâm tự nguyện cúng dàng tịnh tài, cơ sở vật chất cho đại lễ.

Đúng 20h 30, đoàn rước khởi hành từ chùa Nam Hải với đội hình:

- Đi đầu là xe cảnh sát dẹp đường với hàng trăm CSGT, CSCĐ, dân phòng được chính quyền hỗ trợ để giữ gìn trật tự và hướng dẫn giao thông.

- Tiếp theo là mười cỗ xe hoa được trang hoàng lộng lẫy rước Tôn tượng Phật, Tôn tượng Quốc Sư Vạn Hạnh, Tôn tượng vua Lý Thái Tổ và long vị của bảy vị vua triều Lý.

- Đoàn kim nhạc kèn đồng với hơn 100 nhạc công trong y phục màu trắng trang nghiêm.

- Tiếp theo là đoàn nữ Phật tử hơn 100 người rước hoa cúng Phật, nghi trượng dẫn Tăng tán lọng uy nghi với đoàn Tăng Ni ngót 500 vị, dẫn đầu là chư vị thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Thích Quảng Tùng... và chư vị khách quý.

- Nối tiếp đoàn chư Tăng là đoàn Phật tử trên 1 vạn người trong y áo trang nghiêm, đèn hoa sen trên tay, tề chỉnh hàng lối, niệm Phật.

Và nối theo, đứng chật 2 bên đường, hết phố này đến phố khác trên vỉ hè, trong cửa nhà, trên cửa sổ, ban công, sân thượng tầng cao... Chật cứng các đường phố dài mấy km mà đoàn rước đi qua.

Phật tử và nhân dân tập trung đông nhất là xung quanh Hồ Tam Bạc (có thể coi là hồ Gươm của Hải Phòng). Hồ nằm ở trung tâm khu phố cổ kính, sầm uất nhất của Hải Phòng với diện tích hồ ngót 10 hecta (70 x 1300 mét), xung quanh là thảm cỏ cây xanh công viên và đường phố bao quanh. Đoàn rước tới hồ, diễu hành trọn 1 vòng tới sân khấu chính, người đông đặc.

Có lẽ ở Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung chưa từng có sự kiện Phật giáo nào thu hút được số lượng Phật tử và nhân dân đông đến vậy.

Các phóng viên báo chí có mặt tại buổi lễ trao đổi, nhận định: Tính số người trên diện tích của không gian thì có thể mường tượng được khoảng số lượng người tham dự khoảng trên 50 ngàn người. Trong đó có thể chia làm 3 nhóm: Tăng Ni Phật tử tham dự các hoạt động của đại lễ: 10 ngàn; quần chúng nhân dân sắp xếp thời gian đi dự đại lễ: 20 ngàn; khách bộ hành quá giang ngóng xem đại lễ: 20 ngàn.

Lễ đài bên hồ là một sân khấu trang nghiêm với hai cổng chào đỏ cách nhau vài trăm mét uốn cong trên đường phố lớn. Trước khi đoàn rước đến lễ đài, nơi đây đã được tổ chức văn nghệ đặc sắc để thu hút quần chúng giảm áp lực đông người cho đoàn rước.

Nghi lễ thả hoa đăng đêm hội được cử hành trọng thể: Quốc ca, đạo ca, trầm hùng vang lên trong đêm.

Diễn văn đại lễ và văn cầu quốc thái dân an, cầu cho Thăng Long vững bền, thành phố Cảng bình an, phát triển, cầu cho Phật pháp xương minh, nhà nhà no ấm... được tuyên đọc. Âm hưởng, hồn văn lan tỏa trên mặt hồ, thẩm thấu vào không gian, thanh lọc và di dưỡng hồn người...

Tam Bạc trong đêm lung linh đèn hoa trên sóng nước, lộng lẫy chưa từng có. Mô hình chùa Một Cột bằng kích thước nguyên bản tỏa sáng giữa hồ. Hai bên là sáu thuyền rồng vàng chầu về. Xuôi xuống hai phía hồ là tám bông sen vàng khổng lồ và một dãy hoa sen nhỏ...

Khi trên sân khấu dư âm hồi hướng công đức kết thúc đã lâu, hoa đăng được thả đang nhạt dần, chuông đồng hồ điểm 00 giờ... mà bên hồ vẫn còn hàng nghìn Phật tử chắp tay hướng về mô hình ngôi chùa của Thăng Long 1.000 năm trước đang lung linh tỏa sáng giữa lòng Tam Bạc - Hải Phòng.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây