Pháp hội do Tịnh độ đạo tràng, chính quyền cơ sở, cựu quân nhân đồng tổ chức.
Dẫu thời tiết nóng bức nhưng số lượng Phật tử tham dự khóa tu vẫn không giảm. Mỗi bữa ăn, bộ phận nhà bếp phải làm trên 5000 xuất cơm hộp.
Thời khóa tu tập trong hai ngày 12 và 13/04/2014 bao gồm:
Từ 7h50-9h45: Thượng tọa Thích Tiến Đạt giảng pháp, quy y Tam Bảo cho Phật tử và vong linh.
Từ 10h20-11h35 là nghi thức thượng cúng. Đạo tràng đã thực hành theo pháp “Trung Phong tam thời hệ niệm”, tức 1 ngày tu tập, tụng niệm, hành trì 3 thời: Tụng kinh Di Đà, Niệm danh hiệu Phật, sám hối, phát nguyện vãng sinh, khai thị... Thời gian hành trì như sau: Từ 13h30-15h45 thời công phu thứ nhất. Từ 16h-18h: Thời công phu thứ 2. Từ 18h45-20h45 thời công phu thứ 3. Trong ngày cuối có thêm phần nghi thức hóa sớ.
Ngày giảng pháp thứ nhất, Thượng tọa Thích Tiến Đạt đã giảng về ý nghĩa việc siêu độ. Thượng tọa nhấn mạnh: Muốn cầu siêu độ cho vong linh trước hết người đến đây tu tập cần phải có công đức, muốn có công đức cần phải nhiếp tâm niệm Phật. Nếu loạn tâm niệm Phật hoặc trễ nãi thì công đức sẽ giảm, thiếu. Do đó việc hồi hướng sẽ không trọn vẹn. Nếu không có công đức mà hồi hướng cho chúng sinh sẽ thành nợ chúng sinh.
Trong ngày giảng pháp thứ hai, thượng tọa tóm tắt sơ lược tác phẩm Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm. Đây là tác phẩm của quốc sư Trung Phong Tông Bản (1263-1323) thời Tống biên soạn. Nội dung tác phẩm chia thành ba thời khóa. Trong mỗi thời đều có tán lô hương, tụng kinh Di Đà, niệm Phật, chú vãng sinh, khai thị, sám hối, phát nguyện. Điểm khác trong tác phẩm là: Quyển 1 tán Phật bảo, quyển hai tán Pháp bảo, quyển ba tán Tăng bảo. Trong mỗi quyển, lời khai thị nội dung có sự khác biệt. Lời khai thị bao hàm triết lý thiền tịnh viên dung.
Do hành trì có cả tụng, tán, lễ, nguyện… nên đại chúng thực hành không cảm thấy mệt bởi sự thay đổi các động tác, lúc đứng, lúc ngồi.
Tiếng niệm Phật của hơn 5000 người hòa vào nhau tạo thành âm thanh trầm hùng, lúc nhanh, lúc chậm dễ làm đánh tan vọng tưởng của người cộng tu.
Cuối thời giảng, Thượng tọa thực hiện nghi thức quy y cho Phật tử bằng hình thức: Chủ sám xướng trước, đại chúng đồng đứng dậy, họa theo. Nội dung có đoạn: “Đệ tử chúng con tên là:…. Xin nguyện suốt đời quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Thế Tôn của chúng con, đức Phật A Di Đà là đạo sư của chúng con. (3 lần). Đệ tử chúng con tên là:…. Đã nguyện suốt đời quy y Phật rồi, quy y Pháp rồi, quy y Tăng rồi. (3 lần)”.
Trong lời pháp nhũ của Thượng tọa, Người đã nhấn mạnh:
Bởi quên tự tính Di Đà nên cần niệm trong mọi lúc: Đi, đứng, nằm, ngồi. Nhớ đến Phật Di Đà tức là đang ở Tịnh độ, nếu khởi tạp niệm tức là nghiệp ở Sa Bà. Vì vậy có thể tìm được an vui ngay trong cuộc đời này, biến nhân gian thành Tịnh độ.
Tại sao tán Phật không tán ở ban Tam bảo mà lại tán tụng ở ban vong? Bởi Phật là giác, chúng sinh mê tính giác nên cần tán tụng khiến chúng sinh bỏ mê về giác, khiến mọi người khởi phát lòng thành kính, quy hướng về Tam bảo. Không biết quay về tự tính thì mãi mê lầm, không thể cứu được.
Mặc dù chúng tôi đem công đức hồi hướng cho vong linh, nhưng vong linh nên nhớ: Các chân linh do trái chân tính mà chạy theo vọng tưởng, làm những tội trái đạo đức. Thân, khẩu, ý tạo nên mười điều tội lỗi nên bị chìm đắm trong khổ đau, bị giam hãm trong biển khổ trần lao, trôi lăn trong các ngả, nếu các vong linh muốn ra khỏi cảnh đó cần nhờ pháp sám hối, huân tu.
Tội như băng đóng dầy, sám hối như nước sôi dội vào sẽ làm băng tan. Không ai là người xấu cả, chỉ có điều biết sám hối để trở thành người tốt hay không mà thôi. Ương Quật Ma La là người phạm tội, do biết sám hối để trở thành thánh hiền.
Nên vong linh cần phải tự sám hối, huân tu. Có các lực sau lực để làm động lực vãng sinh: Phật lực, pháp lực, hiền thánh tăng lực, đại chúng lực và tự lực của vong linh. Phật, pháp, thánh tăng lực vốn tự có, hồi hướng lực phụ thuộc vào công phu đại chúng, vong linh cần phát huy tự lực. Đủ các lực này không ai không vãng sinh.
Người niệm Phật cần Tin có tịnh độ tây phương, tin có Đức Đà tiếp dẫn vãng sinh. Phật Di Đà tay trái cầm đài sen tiếp dẫn chúng sinh, tay phải đưa tay ra đón chúng sinh, nhưng chúng sinh có đưa tay ra đón Phật để về Tây phương hay không là do chúng ta. Phật luôn đón nhớ chúng sinh như trong Kinh lăng nghiêm nói: “Phật thương chúng sinh như mẹ nhớ con”.
Chúng ta cần tin là thành viên của Tây phương, nay như đứa trẻ bụi đời bỏ quê hương mà đi, quay về Tây phương là trở về quê hương. Muốn vãng sinh cần xuất phát từ tín tâm, thâm tâm, phát nguyện tâm. Điều này như kinh nói: “tin phật, niệm Phật, đời này đời sau nhất định thấy Phật”.
Tin rồi cần phải hành mới được vãng sinh, như người đói chỉ nhìn sẽ không no, người ngứa gãi ngoài dày sẽ chẳng tác dụng. Nên cần phải niệm, nhưng niệm cần dụng công, nếu không sẽ: “niệm có tâm không, dẫu hét vỡ cổ họng cũng luống không”. Niệm xong phải nguyện. Tín hạnh nguyện như đỉnh 3 chân, thiếu một không được.
Cuối pháp thoại, với tư cách Trưởng ban tổ chức Đại pháp hội, Thượng tọa đã có lời sám hối: “Dập đầu sám tạ mười phương tam bảo, sám hối tăng và đại chúng vì e còn sơ suất nên chưa như pháp như nghi.”
Thượng tọa tán dương ban tổ chức vì: thời gian ngắn, người có hạn, thời tiết khắc nghiệt… nhưng vẫn cố gắng lo cho đại chúng. Ghi nhân các ban như: Trang trí, ẩm thực, đi lại, đón tiếp, ghi sớ, ban kháp khí… đã làm việc hết mình. Đặc biệt tuyên dương Phật tử Minh Châu là hạt nhân của sự thành công trên.
Thượng tọa đã nói lời tri ân tới lãnh đạo Đảng, nhà nước, bộ quốc phòng, tỉnh, huyện, địa phương đã ủng hộ rất lớn vật chất, tinh thần cho pháp hội.
Thượng tọa Thành kính tri ân HT Thích Bảo Nghiêm, chứng minh Tịnh độ đạo tràng, chẳng quản đường xá, bệnh duyên mà vẫn đến chứng minh, chỉ đạo đại lễ.
Thượng tọa tri ân công đức của chư tăng ni tại tỉnh quảng trị, các tướng lĩnh, thân nhân, gia đình đình liệt sĩ cũng như các Phật tử đến từ 3 miền đất nước chẳng quản gối đất, nằm sương đến đây cộng tu để hồi hướng công đức cộng tu cho chúng sinh vãng sinh.
Thượng tọa nguyện cầu đem tất cả công đức lành này hồi hướng đúng như tên của pháp hội: “Hộ quốc, tiêu tai, cầu siêu”.
Cuối ngày, sau khi diễn ra ba thời khóa Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm, Phật tử Đặng Thị Minh Châu đã có đôi lời bế mạc Đại Pháp Hội Hộ Quốc tiêu tai và cầu siêu lần này. Qua đó, Phật tử Minh Châu đã nói lời tri ân tới quý chư tôn đức, các vị tướng lĩnh và nhân dân tín đồ Phật tử thập phương. Đồng thời xin sám hối tới đại chúng vì những sai sót khó tránh trong quá trình tổ chức và diễn ra Đại pháp hội.