Giai thoại cùng với những lời sấm tiên tri của ông vẫn còn được truyền tụng tận đến ngày hôm nay và nhiều khi ứng nghiệm đến bất ngờ, chẳng hạn như hai câu “Bao giờ Tiên Lãng xẻ đôi/Sông Hàn nối lại thì tôi lại về”…
Học được nhiều điều từ mẹ
Tương truyền, thuở nhỏ Nguyễn Bỉnh Khiêm có tên là Nguyễn Văn Đạt, với ý là sẽ thành đạt. Mẹ ông là Nhữ Thị Thục, con gái Hộ bộ Thượng thư Nhữ Văn Lân, là bậc nữ lưu tài hoa vào bậc nhất chốn kinh kỳ thời bấy giờ. Bà giỏi văn chương và tài học về lý, số., tử vi, toán học và phong thủy. Biết trước những gì có thể xảy ra và có ước vọng là lấy chồng làm vua hoặc có con làm vua.
Do đó trong quá trình dạy dỗ, bà đã truyền cho Đạt ước vọng ấy. Một hôm khi bà đi vắng, ông Định ở nhà với con và tình cờ hát: “Nguyệt treo cung, nguyệt treo cung”. Không ngờ Đạt nhanh nhảu ứng đối lại ngay: “Vịn tay tiên, nhè nhẹ rung”. Khi bà về đến nhà, ông rất tâm đắc kể lại chuyện ấy thì bị bà trách: “Nuôi con mong làm vua làm chúa, cớ sao lại mong làm bầy tôi “ (Nguyệt chỉ bầy tôi).
Lại một lần khác, bà dạy cậu bé Đạt câu hát: “Bống bống bang bang, ngày sau con lớn con tựa ngai vàng”. Ông Định hoảng sợ vì nếu triều đình hay được sẽ mất đầu về tội khi quân, nên sửa lại: “Bống bống bang bang, ngày sau con lớn con vịn ngai vàng”. Nhiều lần như vậy, bà rất bất bình nên bỏ đi khiến Văn Đạt lớn lên chỉ được ở cạnh bố.
Đến tuổi trưởng thành, Văn Đạt đã cất công vào tận xứ Thanh để học Bảng nhãn Lương Đắc Bằng, một quan đại thần hồi hưu sớm. Vốn sáng dạ lại chăm chỉ nên chẳng bao lâu Đạt đã trở thành học trò xuất sắc nhất của người thầy họ Lương. Bởi vậy mà trước khi qua đời, Lương Đắc Bằng đã trao lại cho Nguyễn Bỉnh Khiêm bộ sách quý về Dịch học là “Thái Ất thần kinh”. Gặp thời đại loạn, trông gương thầy mình, lại biết “bấm độn” nên Văn Đạt đã bỏ qua tới 9 kỳ đại khoa (trong đó có 6 khoa thi dưới triều Lê sơ và 2 khoa thi đầu tiên dưới triều Mạc).
Tới năm 1534, dưới thời Mạc Thái Tông, ông mới quyết định đi thi. Trước khi đi thi, ông đổi tên khai sinh Nguyễn Văn Đạt thành Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nghĩa của hai chữ “Bỉnh Khiêm” được hiểu là “giữ trọn tính khiêm nhường”. Khoa thi Hương năm 1534 ông đỗ đầu, sau đó ông đỗ đầu hai kỳ thi Hội, thi Đình năm 1535, đoạt danh hiệu Trạng nguyên nhà Mạc.
Thầy địa lý phương Bắc cũng bái phục
Đồn rằng, do được thầy Lương Ðắc Bằng truyền cho quyển “Thái ất thần kinh” nên Nguyễn Bỉnh Khiêm tinh thông về lý học, tướng số, có thể tiên đoán được biến cố trước và sau 500 năm. Chẳng thế mà có đôi câu đối ở đền thờ Bạch Vân am “Kế tuyệt, phù suy Chư Cát Lượng/ Tri lai, tàng vãng Thiệu Nghiên Phu” (Nối được cái đã đứt, đỡ được cái đã suy như Chư Cát Lượng/Tìm hiểu việc đã qua, dự đoán việc mai sau như Thiệu Nghiên Phu). Tiếng tăm của ông không chỉ nổi ở trong nước mà còn vang đến tận Trung Hoa, khiến giới học giả ở đó cũng ngưỡng mộ xưng tụng: “An Nam lý số hữu Trình Tuyền”.
Sau khi Trạng Trình mất, có thầy địa lý nổi tiếng ở Trung Quốc muốn xem thực, hư chuyện Trạng thế nào đã lặn lội sang tận mộ cụ. Đến nơi, thấy ngôi mộ đặt đúng vào huyệt đất tốt nhưng huyệt phát ở đằng chân mà mộ lại đặt ngược, ông thầy Tàu cho là Trạng Trình cũng chỉ có danh mà không có thực, mới tự đắc bảo: “Cái huyệt ở đàng chân sờ sờ thế kia mà không biết lại tự đem để mả thế này. Có thánh nhân cái gì đâu, hay là thánh nhân mắt mù đó”.
Con cháu cụ Trạng nghe thấy vậy liền khẩn khoản nhờ thầy đặt lại mộ cho. Ông thầy Tàu đồng ý và bảo: “Không cần phải đem đâu xa cả, chỉ cần đào lên rồi xoay lại quan tài và nhích lên một chút là được”. Y lời, con cháu cụ Trạng đào mộ lên, đến gần quan tài thì thấy có tấm bia. Ông thầy mới bảo rửa sạch đi để xem bia viết gì. Thì ra tấm bia có khắc một bài thơ: “Ngũ thập niên tiền mạch tại đầu/ Ngũ thập niên hậu mạch quy túc/ Hậu sinh nhĩ bối ná năng tri/ Hà vị thánh nhân vô nhỉ mục?” (Nghĩa là: Ngày nay mạch lộn xuống chân/Năm mươi năm trước mạch dâng đằng đầu/ Biết gì những kẻ sinh sau/ Thánh nhân mắt có mù đâu bao giờ?). Đọc xong tấm bia, ông thầy Tàu kinh hãi, toát cả mồ hôi hột, thì ra Trạng đã tiên liệu mọi việc.
“Tư vấn” cho nhiều anh hùng, chính khách
Vào thời Lê – Mạc, giữa Trịnh Kiểm (con rể Nguyễn Kim) và Nguyễn Hoàng (con Nguyễn Kim) có cơ xảy ra mâu thuẫn một mất, một còn. Khi Nguyễn Hoàng xin ý kiến Trạng về đường đi nước bước, ông đã tặng cho hai câu: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, với ý bảo rằng hãy tìm đường vào phía Nam dựa vào dãy Trường Sơn mà tồn tại. Nguyễn Hoàng nghe theo, nên xin Trịnh Kiểm vào trấn giữ từ Đèo Ngang trở vào. Nhờ thế Nguyễn Hoàng chẳng những bảo toàn được tính mạng mà còn lập nên cơ nghiệp của họ Nguyễn ở Đàng Trong, truyền nối lâu dài đến mấy trăm năm.
Năm Mậu Thân (1548) Vua Lê Trang Tông mất, Trịnh Kiểm lập Thái tử tên Duy Huyên lên ngôi, tức Lê Trung Tông, được 8 năm thì mất, không có con nối nghiệp. Trịnh Kiểm muốn làm vua nhưng còn sợ dư luận nên sai người đến hỏi ý khiến Trạng Trình. Ông chỉ bảo: “Chịu khó mà thắp nhang, thờ Phật thì ăn oản” (có nghĩa rằng, phải thờ nhà Lê thì có lộc). Hiểu ý Trạng, sau đó Trịnh Kiểm tìm con cháu họ Lê, đưa lên làm vua, tức là Lê Anh Tông.
Nhà Mạc suy vong, trước khi Trạng mất đã đến xin ý kiến nên tồn tại thế nào, ông đã đọc hai câu: “Cao Bằng tàng tại, Tam đại tồn cô” (nghĩa rằng rút về đất Cao Bằng thì sẽ kéo dài thêm được ba đời nữa). Con cháu nhà Mạc đã theo kế ấy, thu về đất Cao Bằng và đã tồn tại được thêm ba đời là Mạc Kính Cung, Mạc Kính Khoan và Mạc Kính Vũ.
Ứng nghiệm cả ở đời sau
Trước lúc mất, Trạng có giao cho con cháu một ống tre sơn son thếp vàng, bịt kín hai đầu và dặn đúng năm tháng ấy, ngày giờ ấy, phải để cái ống ấy vào kiệu rước lên dinh Thống đốc Hải Dương, trao cái ống này cho quan. Trạng còn dặn thêm là tuyệt đối không được mở ống ra xem trước thời hạn và trừ quan Tổng đốc ra, không ai được mở ống.
Sau khi Trạng mất, con cháu Trạng lâm vào cảnh đói nghèo, sa sút. Nhưng phải đến đời thứ bảy, cái ống tre ấy mới được rước lên dinh quan Tổng đốc, đúng ngày giờ đã ghi trong gia phả. Đang nằm nghỉ, nghe tin con cháu cụ Trạng mang thư đến gặp, quan Tổng đốc rất ngạc nhiên, không biết vì cớ gì, nên truyền cho vào, đồng thời quan ngồi dậy để đi ra cửa. Quan Tổng đốc vừa bước khỏi giường nằm được mấy bước thì bỗng “rầm” một cái, chiếc xà nhà bằng gỗ nặng không biết bị mọt ăn hỏng từ bao giờ, rơi ngay xuống chỗ giường vừa nằm.
Thật là một phen hú vía! Quan Tổng đốc mở ống tre ra xem, thấy bên trong có một cuộn giấy, đề hai câu thơ:”Ngã giải nhĩ thượng lương chi ách/ Nhĩ cứu ngã tử tôn chi bần” (Nghĩa là: Cứu ngươi thoát nạn đổ nhà/ Ngươi nên cứu cháu con ta khỏi nghèo). Quan Tổng đốc biết rằng Trạng Trình đã cứu mạng, nên ông ta đã giúp con cháu cụ Trạng nhiều tiền của để đền ơn.
Năm Minh Mạng thứ 14, Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ được Vua điều đi khẩn hoang ở vùng Hải Dương. Vấn đề là cần phải đào con sông, mà đào sông thì phải phá đền thờ Trạng Trình. Ông bèn ra lệnh cho dân phu phá đền để đào sông.
Trước khi phá, sai người đào vào đền mang bát hương ra, Nguyễn Công Trứ chợt thấy dưới bát hương có một tấm bia đá nhỏ phủ vải điều. Sau khi lau sạch, tấm bia lộ ra dòng chữ: “Minh Mạng Thập tứ/ Thằng Trứ phá đền/ Phá đền phải làm đền/ Nào ai đụng đến doanh điền nhà bay”. Thất kinh, Nguyễn Công Trứ chẳng những bãi bỏ lệnh phá đền mà còn cho sửa sang lại khang trang hơn.
Nguồn tin: Sưu tầm
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự