Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Thi, Trưởng bản Chũm thì đã có nhiều đoàn khảo cổ vào hang để khảo sát thực địa và những lời đồn thổi ma mị là do một số người sợ hãi thêu dệt nên.
Những lời đồn thổi
Đường lên hang Trâu.
Đến xã Trung Sơn của huyện Lương Sơn, hỏi về hang hiến tế ở bản Chũm gần như ai cũng biết. Tuy nhiên, ở đây người ta quen gọi là hang Trâu và khi nói về nó, gần như ai cũng phảng phất nỗi sợ hãi, e ngại. Họ nói rằng, thời gian trước đây, ở khu vực này vào những ngày mưa phùn, gió bấc âm u, bỗng nhiên xuất hiện những luồng ánh sáng phát ra từ đỉnh núi.
Bà Nguyễn Thị Dầu, một người dân sống lâu năm ở đây kể lại rằng, những luồng sáng đó mờ ảo hình người, thoắt ẩn, thoắt hiện. Khi những con “ma” hình người này bay đến nơi ngọn núi gần khu vực miệng hang Trâu thì những luồng sáng vụt tắt.
Một câu chuyện được rỉ tai nhau ở bản Chũm nữa là chuyện một cặp vợ chồng nhà nọ đi phát nương, khi đi ngang qua khu rừng, bỗng thấy toàn thân lạnh và ngửi thấy mùi tử khí khiến họ sợ hãi phải vứt lại gùi chạy một mạch về nhà kêu không thành tiếng. Còn những người già ở bản Chũm kể lại một câu chuyện xảy ra cách đây chưa lâu về một anh chàng thanh niên đi kiếm củi gần miệng hang rồi mất tích. Mặc dù gia đình đã huy động toàn bộ thanh niên trai tráng trong làng đi tìm nhưng không thấy. Cho đến nhiều năm sau, một số người lại phát hiện một bộ xương đã khô nằm ngay ở miệng hang. Nhiều người ở bản Chũm cho rằng, chàng trai kia đã bị thần linh bắt đi hiến tế cho nên từ đó, hang Trâu còn được người dân gọi thêm cái tên khác là hang hiến tế.
Bên trong hang Trâu với những cột nhũ đá đẹp mê hồn. Ảnh: P.B
Từ việc mất tích trước đó của một số người cho đến cái chết của chàng trai, người ta truyền tai nhau, nỗi sợ hãi của nhiều người ở bản Chũm cứ lớn dần. Thậm chí, một thời gian dài, vào những ngày mưa gió, khi mặt trời mới khuất núi, tất cả mọi nhà đều tắt đèn đóng cửa đi ngủ và không ai dám bước ra ngoài.
Để mọi lời đồn đoán ma mị, huyễn hoặc về hang Trâu được loại bỏ, chúng tôi quyết định tìm đường vào bên trong hang. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề, thì nhiều người tỏ ra e dè khuyên chúng tôi không nên lại gần. Thuyết phục mãi, cuối cùng chúng tôi cũng được ông Bùi Quốc Phòng (65 tuổi), một người dân lớn lên ở bản Chũm hứa dẫn đi nhưng không quên căn dặn là chỉ đưa đến phía dưới chân núi có hang Trâu chứ bản thân ông cũng chưa từng vào đó bao giờ. “Dân chúng tôi ở đây hiếm khi vào khu vực ấy, phần vì rậm rạp, phần vì nhiều người sợ rước họa vào thân”, ông Phòng lưỡng lự.
Hang Trâu nhìn từ xa.
Giải mã sự thật ở hang Trâu
Con đường mòn dẫn đến hang Trâu khá lầy lội và hiểm trở với hai bên đường cây cối mọc um tùm. Suốt dọc đường đi, ông Phòng luôn cảnh báo: “Tốt nhất là các anh không nên vào trong hang đó mà chuốc lấy nguy hiểm”. Tuy nhiên, vì muốn làm rõ sự thật đằng sau những lời đồn thổi vô căn cứ, chúng tôi vẫn động viên ông Phòng giúp đỡ.
Sau gần một giờ đồng hồ băng đường rừng, cuối cùng chúng tôi đã đặt chân đến ngọn núi nơi có hang Trâu. Nhìn từ xa, hang Trâu nằm ở lưng chừng một ngọn núi được bao quanh bởi cây cối khá rậm rạp. Và đúng như lời hứa ban đầu, khi đến đây, ông Phòng dừng lại, mọi việc tự chúng tôi lo. Tuy nhiên, điều may mắn là tại đây chúng tôi gặp được anh Bùi Văn Khánh (32 tuổi), một người dân đi làm nương rẫy về hứa sẽ giúp đỡ. “Các anh làm báo nên đã nhờ thì tôi giúp ngay, ngày xưa tôi cũng một lần tò mò vào đây nhưng có thấy ma mị gì đâu. Đúng là trước đây có nhiều lời đồn thật, nhưng tôi thì chẳng tin. Vì ngày nào tôi chả đi qua đây để làm rẫy, nương ngô của tôi cũng nằm cách miệng hang không xa. Nếu không thông thạo đường thì khi vào hang lạc là chuyện bình thường. Chỉ có đám đào vàng và một số người lạ tò mò mới hay vào đó thôi chứ dân cũng ít người dám lui tới”. Khi nghe anh Khánh kể, ông Phòng cũng thấy tò mò nên lại đồng ý đi cùng với đoàn vào khám phá hang Trâu. Được sự trợ giúp nhiệt tình của hai người dân địa phương, chúng tôi bám trên những cạnh đá tai mèo nhọn hoắt và phát cây lấy đường để lên miệng hang nằm cách chân núi chừng 20m.
Sau chừng 20 phút chúng tôi cũng tiếp cận được hang Trâu. Trước mắt là miệng hang có đường kính chừng 50cm với mấy cây dại mọc lên che khuất một phần. Theo anh Khánh, sở dĩ miệng hang hẹp vì có rất nhiều người vào đây khai thác nhũ đá nên chính quyền đã phải bịt lại để ngăn chặn họ phá hoại cảnh quan bên trong hang. Do vậy, để vào được bên trong không còn cách nào khác là trườn mình lách qua cửa hang hẹp dài chừng 3m. Vượt qua cửa hang để vào được bên trong quả thật rất khó khăn. Chúng tôi phải men theo đá và luôn cúi đầu để tránh đụng phải đá ở lối vào. “Phía bên trong hang rất tối nên cần phải bật đèn pin trên điện thoại và mọi người bám lấy nhau để tránh trượt chân cũng như tránh chạm vào nhũ đá làm nó rơi vỡ”, anh Khánh dặn dò.
Trái ngược với mọi lời đồn đoán ma mị trước đó, khi chúng tôi đặt chân tới đáy hang, trước mắt chúng tôi như một bức tranh thủy mặc với nhiều màu sắc với những hình thù đẹp mắt. Những nhũ đá tua tủa gặp ánh đèn trở nên long lanh sống động đến kì lạ. Tận mắt nhìn thấy vẻ đẹp kì vĩ của hang Trâu với nhiều hình thù như tượng phật, hoa quả… đua nhau mọc ra tua tủa, ông Phòng đã không giấu được vẻ hồ hởi: “Quả thật không tiếc cái công đi đến đây, xem đã cái con mắt quá”. “Nếu chẳng may vào đây bị lạc thì chỉ còn nước đợi người vào đưa ra chứ không thể liên lạc bằng điện thoại được vì không có sóng. Chính vì thế ít ai dám đi một mình vào bên trong”, anh Khánh nói.
Ông Bùi Văn Thi, Trưởng bản Chũm chia sẻ với phóng viên.
Sau khi được “mục sở thị” để giải mã những lời đồn thổi ma mị, anh Khánh chỉ cho chúng tôi biết những dấu sơn đỏ mà cơ quan chức năng đã đánh dấu mốc giới về khu quần thể hang động này. Đứng trên miệng hang, ông Phòng cho biết, trước đây, ở quanh khu vực này cây cối rậm rạp nên có nhiều thú dữ trú ẩn, thậm chí hổ, báo có rất nhiều nên việc mất trâu, bò hay người vào đây rồi mất tích có thể do bị thú dữ giết hại. Câu chuyện người thanh niên bị mất tích, không tìm thấy xác nhưng sau lại thấy bộ xương cũng có thể do thú dữ tha đi đâu đó, sau mang trở lại đây để ăn thịt và để lại bộ xương. Đồng quan điểm với ông Phòng, anh Khánh cũng cho biết, “tôi thường xuyên làm nương rẫy ở đây nên mấy cái ánh sáng lập lòe là không có hoặc có thể ngày xưa miệng hang rộng, vào ngày nắng, các nhũ đã bên trong phản chiếu ánh sáng ra ngoài thôi. Còn về tiếng động lạ mà họ bảo như tiếng người nguyên thủy là do tiếng nước chảy róc rách hoặc tiếng của mấy con khỉ vào đây ăn trộm ngô, sắn của người dân”.
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng bản Chũm, ông Bùi Văn Thi nói rằng, liên quan đến hang Trâu, đã có nhiều đoàn khảo cổ vào hang để khảo sát thực địa và phát hiện ra hộp sọ người có niên đại khoảng 3.000 năm trước. “Tôi khẳng định, chuyện ma mị, hiến tế, bóng ma, tiếng người nguyên thủy chỉ là lời đồn thổi từ ngày xưa và hiện nay một số người sợ hãi thêu dệt nên”, ông Thi nói.
Nói về những câu chuyện đồn thổi ở hang Trâu, ông Bùi Văn Thi, Trưởng bản Chũm cho biết: “Những câu chuyện mà người dân thường truyền tai nhau về sự rùng rợn, ma quỷ của hang Trâu thực chất chỉ là những câu chuyện viển vông được đồn thổi. Những người ở đây chưa có ai tận mắt nhìn thấy những đốm trắng hay bị ma ám cả. Hiện nay, hang Trâu đang được chính quyền địa phương ưu tiên định hướng phát triển du lịch. Tuy nhiên, do địa thế hiểm trở nên nhiều doanh nghiệp đang ngại đầu tư”.
Nguồn tin: Sưu tầm
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự