Đây là một ngôi chùa sư nữ do sư cô Thích Nữ Minh Tịnh trụ trì.
Đã 15 năm qua, ngôi chùa này là nơi che chở, cưu mang, nuôi dưỡng hơn 50 đứa bé bị bỏ rơi và những người già không nơi nương tựa. Năm 1996, sư cô Thích Nữ Minh Tịnh chính thức nhận nhiệm vụ trụ trì chùa và cũng chừng đó năm sư cô gắn cuộc đời mình với những tâm hồn bất hạnh.
Ngồi trò chuyện với chúng tôi dưới tán bồ đề tỏa xanh bóng mát, sư cô Minh Tịnh bảo rằng: Việc nuôi dưỡng những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi, những người già không nơi nương tựa dường như là một định mệnh mà Trời Phật đã ban cho bà, vì với bà việc phụng sự chúng sinh cũng như phụng sự đức Phật vậy.
Sư cô nhớ lại: Mới về chùa được mấy tháng, một ngày đầu năm 1997, có mấy người dân quê tận Quảng Trị dẫn đến 3 cháu gái còn rất nhỏ. Họ bảo rằng cha mẹ chúng đi làm ăn xa giờ không còn tung tích, điều kiện sống quá khó khăn nên xin được gửi các cháu vào chùa để nương nhờ cửa Phật…
Biết là sẽ rất khó khăn khi một kẻ xuất gia lại phải nuôi con trẻ, nhưng với tâm nguyện của mình, sư cô đã làm đúng những điều Phật dạy là sống trong cuộc đời phải có tình thương và lòng nhân ái đối với người khác, buồn vì cái buồn của người khác, khổ vì nỗi khổ của người khác… nên sư cô đã nhận các cháu ở lại chùa.
Từ đó đến nay, thỉnh thoảng chùa Quan Châu lại có thêm một đứa trẻ bất hạnh hay một người già cô đơn đến. Hiện tại, sư cô Minh Tịnh đang nuôi dưỡng 5 người già cô đơn, 10 bé trai dưới 3 tuổi và 40 bé gái từ sơ sinh cho đến học lớp 12.
Để lo chu tất cuộc sống cho chừng ấy con người, sư cô đã phải vô cùng cực nhọc vật lộn với 2 sào ruộng của chùa để có nguồn lương thực chính, bên cạnh đó, sư cô cùng các em lớn tuổi, đạo hữu thân thiết thường xuyên tổ chức bán mỳ Quảng chay vào dịp ngày rằm, mồng một và nhận nấu thức ăn chay cho những gia đình có nhu cầu với giá 300.000 đồng/mâm.
Ngoài ra, những đóng góp mang tính hảo tâm, từ thiện của nhiều tổ chức, cá nhân cũng đã góp một phần không nhỏ trong quá trình nuôi dạy các cháu trưởng thành.
Khi các cháu đến
tuổi đi học, chỉ có các cháu đang theo học mẫu giáo là được nhà trường miễn học
phí, nhà chùa phải lo cơm, cháo, chăn màn. Số còn lại đang theo học các bậc học
từ tiểu học trở lên đều phải đóng học phí như những học sinh bình thường
khác.
Sư cô Minh Tịnh với các con nhỏ ở chùa Quan Châu.
Ở chùa, hiện tại ngoài sư cô Minh Tịnh ra còn có 5 bảo mẫu khác hàng ngày cáng đáng việc chăm sóc các cháu, đặc biệt là các cháu chỉ mới vài tháng tuổi.
Cô Nhuận Nguyện - một người cháu của sư cô Minh Tịnh nay đã xuất gia kể rằng: Những bảo mẫu hiện nay đang sống tại chùa đều là những con người có số phận riêng rất đặc biệt, người thì luống tuổi, không lập gia đình nên tìm đến chùa để xin làm công quả bằng cách chăm sóc những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi. Người thì chồng chết do lũ cuốn, nhà cửa bị trôi, gia cảnh nghèo khó nên xin sư cô được theo về chùa để vừa tá túc vừa làm công quả…
Tất cả họ đều lao động một cách rất thiện nguyện mà không hề màng đến bất cứ chút danh lợi nào. Chị Phạm Thị Thu năm nay 42 tuổi, quê ở Lệ Trạch, huyện Hòa Vang (Tp Đà Nẵng) là người có thâm niên ở chùa lâu nhất trong số các bảo mẫu tâm sự rằng: các chị ở đây chia việc chăm sóc các cháu theo từng nhóm tuổi, ai cũng yêu thương các cháu như chính những đứa con do mình bách thịt sinh ra.
Sư cô Minh Tịnh kể rằng, chỉ một số rất ít các cháu được chùa nuôi dưỡng là biết được gốc gác, có cháu do gia đình mang đến chùa gửi để được xuất gia, có cháu do mẹ bị ung thư nên cha bỏ nhà đi theo người đàn bà khác, đến lúc mẹ sức cùng lực kiệt mới đem con gửi đến cửa chùa…
Số còn lại được sinh ra trên cõi đời này là kết quả từ những cuộc tình của những nam, nữ thanh niên có lối sống buông thả, những cuộc tình vụng trộm, lầm lỡ nhưng khi có thai lại không muốn phá bỏ cái bào thai ấy. Để đến lúc sinh con xong lại âm thầm mang con tìm đến cửa chùa rồi bỏ lại dưới gốc bồ đề hay ngay dưới chân chánh điện vào những đêm khuya.
Cứ mỗi lần chùa có thêm một đứa con là sư cô lại lặn lội đến báo cáo với chính quyền địa phương để làm thủ tục khai sinh. Tất cả những đứa trẻ ở chùa Quan Châu đều được sư cô lấy họ Nguyễn của mình để làm họ, tất cả các cháu đều được dùng chữ lót là Phước (nếu là bé gái thì có thêm chữ thị).
Sư cô Minh Tịnh giải thích rằng, các cháu được sống làm người trong tình cảnh nghiệt ngã, trớ trêu này là phải nhờ đến phước đức mới có, nên sư cô dùng chữ Phước để đặt cho các con. Vả lại, nhỡ sau này khi có đứa không xuất gia theo nghiệp tu hành mà về lại với đời để sống thì anh em chúng còn nhận ra nhau… Vì đây là chùa sư nữ nên các bé trai sau khi được sư cô nuôi đến 6 tuổi là sẽ được gửi đến một chùa khác do sư thầy làm trụ trì để tiếp tục học hành, tu tập.
Bên cạnh việc nuôi dưỡng những đứa trẻ bị bỏ rơi và những người già cô đơn, bất hạnh, sư cô Minh Tịnh còn là một nhân tố hết sức quan trọng trong các chương trình làm từ thiện của chùa Quan Châu và nhóm phật tử Tâm Thiện Phát đến những địa phương khó khăn bị thiên tai tàn phá.
Ngoài ra, với sự giúp sức của bá tánh phật tử, sư cô Minh Tịnh đã cùng những đứa con của mình hàng tuần đều đặn nấu những nồi cháo tình thương để chia sẻ với bệnh nhân nghèo đang điều trị tại các bệnh viện trong địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Nhìn những đứa trẻ được học hành, chăm sóc nô đùa vui vẻ trong sân chùa dưới tán bồ đề tỏa xanh bóng mát, nhìn những người già cô đơn được các chị bảo mẫu của chùa chăm sóc như chính những người thân của mình, chúng tôi thầm cảm phục trái tim nhân hậu của sư cô Minh Tịnh. Những tấm lòng ở chùa Quan Châu như những đóa sen thơm ngát, tỏa hương tô thắm cuộc đời…
Nguồn tin: Bảo Thy/CAND
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự