Chuyện về chiến sĩ "Biệt động Sài Gòn" khoác áo cà sa

Thứ hai - 19/09/2011 20:49
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngay tại nội thành Sài Gòn, Cơ quan tình báo CIA của Mỹ và Đặc uỷ Trung ương tình báo Nguỵ quyền Sài Gòn từng kinh hồn bạt vía bởi những trận đánh “xuất quỷ, nhập thần” của lực lượng Biệt động thành Sài Gòn do Chỉ huy trưởng Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu), Nguyễn Văn Tăng, Nguyễn Thanh Xuân (Bảy Bê)… chỉ huy.

Đây là lực lượng mang đến sự kinh hoàng và cay cú nhất với Mỹ, Nguỵ nhưng chúng lại không dễ dàng gì phát hiện ra được.

Trong số những chiến sỹ biệt động thành bị Mỹ, Nguỵ truy lùng ráo riết, thậm chí ra giá lấy đầu khắp nơi, có một nhà sư chính hiệu. Mãi sau này khi bộ phim “Biệt động Sài Gòn” khởi chiếu, người ta thường chỉ biết đến ni cô Huyền Trang, ít ai biết đến nhà sư biệt động: Hòa thượng Thích Viên Hảo.

Cũng cần nói thêm về nữ tu sĩ - chiến sĩ  Phạm Thị Bạch Liên, nguyên mẫu của nhân vật "Ni cô Huyền Trang" trong bộ phim nổi tiếng “Biệt động Sài Gòn”, tức ni cô Diệu Thông. Trong phim, “Ni cô Huyền Trang” đã hy sinh nhưng thực tế ngoài đời, bà Bạch Liên vẫn còn sống tại phường Hiệp Thành, quận 12, TP Hồ Chí Minh. 

Theo nhà báo Nguyễn Thanh, ni cô Huyền Trang (do nghệ sĩ Thanh Loan thủ vai) được tụ hội từ ba nguyên mẫu, nhưng có lẽ những tình tiết và số phận nhân vật giống với nữ chiến sĩ biệt động Phạm Thị Bạch Liên hơn cả. 

Trong những năm tháng tuổi cao sức yếu, bà sống lặng lẽ và phải chống chọi với nhiều bệnh tật hoành hành. Hai thứ tài sản quý giá nhất mà bà luôn trân trọng, giữ gìn như báu vật là chiếc xe gắn máy Cup 50 do cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trao tặng và căn nhà tình nghĩa do Trường THPT cấp II-III Nguyễn Thị Diệu (quận 3) ủng hộ xây tặng từ năm 2001.

Căn nhà này bà xem như ngôi chùa Tam Bảo thứ 2 và cũng là nơi gặp gỡ của nhiều đồng đội ngày xưa. Bà Liên nhớ lại quãng đời đã qua: “Sau ngày giải phóng, tôi tham gia công tác nhà nước được một thời gian thì nghỉ hưu, rồi cùng các tăng ni đi khai khẩn đất hoang ở tỉnh Đồng Tháp. 

Sau đó, tôi quay lại TP. HCM và tá túc ở chùa Trúc Lâm (Gò Vấp) rồi làm nhiều nghề như sản xuất tương hột, chao, ướp trà… để mưu sinh. Khi không còn sức lực, tôi về quận 12 và ở tạm nhà của cô Năm Điệp ở khu phố 1, phường Hiệp Thành”. Khoảng cuối năm 2000, Hiệu trưởng Trường cấp II-III Nguyễn Thị Diệu lúc bấy giờ là cô Nguyễn Thị Quý đã xuống phường Hiệp Thành để tìm gặp bà, cô Quý nói sẽ vận động cán bộ, thầy cô nhà trường để xây tặng bà căn nhà tình nghĩa. 

Chùa Tam Bảo - chùa của biệt động Sài Gòn 

Hoà thượng Thích Viên Hảo tên thật là Tô Thế Bình, sinh năm 1932 quê ở thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Từ nhỏ, cậu bé Bình sống với ông nội cho đến  năm 11 tuổi. Quê hương ông có dòng sông Sa Đéc nối từ nhánh sông Tiền chảy qua xóm chợ rất đẹp và thơ mộng. Đó cũng là nơi lưu dấu mối tình đầu rất đẹp của công tử Huỳnh Thủy Lê đất Sa Đéc với nữ văn sĩ Pháp Marguerite Duras, mà sau này được thể hiện thành tiểu thuyết và phim ảnh “Người tình” dịch ra vài chục thứ tiếng. 

Quê hương của Hòa thượng còn là vương quốc cây hoa kiểng với làng hoa Tân Quy Đông nổi tiếng thiên hạ từ xa xưa. Mỗi năm đến mùa Tết, hoa từ làng xuống ghe xuồng, lên xe tải để đi khắp nơi phục vụ mọi người đón xuân. Đây cũng là quê hương của nhà bác học, kỹ sư Lưu Văn Lang. 

Tu hành là do căn duyên, không phải ai trên đời xuất gia cũng thành hòa thượng. Mọi thứ không phải con người chọn lựa, mà do bổn tánh từng người thích hợp hay không thích hợp với căn tu. Vì thế mà nhà Phật khuyên con người, trước hãy lo tu tâm, sau mới nghĩ đến tu Phật. Có lời khuyên vàng ngọc rằng: “Buông hạ đồ đao, lập địa thành Phật”. Bất luận làm nghề gì, việc gì, chỉ cần có tâm thiện, hướng Phật là có Phật trong tâm.  

Nhắc lại chuyện, nếu không có sự kiện ông nội của Bình mất, chưa chắc Tô Thế Bình đã theo cửa Phật sau này, cũng như việc tham gia vào tổ chức biệt động thành.  Sau khi ông nội Bình qua đời, gia đình mai tang rồi gửi bài vị lên chùa thờ cúng để ông hưởng phần nhang khói quanh năm và sớm chiều nghe chuông mõ công phu đặng siêu thoát. Hàng ngày, cậu Bình lên chùa thắp nhang cho ông, nghe kinh kệ và quen dần với chuông mõ công phu. 

Dường như căn tu đã có nghiệp duyên cho đời cậu, nên Bình rất say mê cảnh chùa, việc chùa, không màng đến cõi phàm như đám bạn nhỏ suốt ngày kéo nhau hái trái trong vườn, bắt ốc mò cua, bắt chuột, bắt cá và nhảy tắm sông. Rồi một thời gian sau, cậu Bình xin gia đình xuất gia đi tu theo cõi Phật. 

Năm 21 tuổi, Bình được các sư thầy cho theo học kinh Phật ở chùa An Quang, Sài Gòn. Đúng 9 năm sau, vào lúc 30 tuổi, nhà sư Thích Viên Hảo (pháp danh của Tô Thế Bình) làm trụ trì tại một ngôi chùa nhỏ có tên là chùa Tam Bảo ở đường Dương Công Trường, Quận 10, TP. HCM ngày nay. Nhớ lại chuyện cũ của 27 nhà sư thành Nam Định đất Bắc năm xưa:

“Nghe theo tiếng gọi của núi sông
 Cà sa gửi lại chốn thư phòng” 

Chùa Tam Bảo nằm trong hẻm nhỏ, mới xây dựng nên ít người để ý tới. Hơn nữa, không một ai biết rằng, nhà sư trẻ pháp danh Thích Viên Hảo là một chiến sĩ biệt động. Trong lớp áo cà sa của nhà sư là một tinh thần cách mạng sôi sục, tiến công, đánh thẳng vào sào huyệt kẻ thù ngay giữa trung tâm thành phố Sài Gòn. Hàng ngày, sư Thích Viên Hảo đi đó đây làm phật sự, gặp các phật tử, cốt yếu là để dò la tình hình quân địch, nắm thông tin tình báo. 

Cũng từ ngôi chùa Tam Bảo này, nhà sư Thích Viên Hảo đã trở thành một chiến sĩ biệt động thành thuộc Phân khu 6. Đơn vị này do đồng chí Nguyễn Văn Tăng làm Chỉ huy trưởng và đồng chí Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) làm Chỉ huy phó. Chùa Tam Bảo đã trở thành nơi đi về, hội họp bí mật của đội biệt động trong một thời gian dài. 

Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, nhà sư Thích Viên Hảo đào hầm để anh em có nơi trú ẩn và chứa vũ khí. Nhiều đêm, nhà sư thức trắng một mình cặm cụi  đào hầm phía sau tượng Phật nơi chánh điện, rồi khuân từng thúng đất đổ nền, xóa lấp dấu vết, để có một căn hầm rộng rãi, không ngột ngạt cho anh em biệt động trú ẩn an toàn, bí mật và lâu dài khi bị địch truy đuổi. 

Nhà sư như một Ngưu Công đào núi, một Dã Tràng se cát để có căn hầm bí mật cho anh em biệt động Sài Gòn. Nhà sư Thích Viên Hảo còn có hai người em trai là Tô Chi Lư và Tô Ngọc Sử chí thú làm ăn, chưa tham gia cách mạng. Những việc làm của nhà sư đã thuyết phục và dần dà lôi kéo hai người em trai gia nhập tổ chức biệt động Sài Gòn trong vỏ bọc viên chức, giáo viên. 

Có lần, trong cuộc gặp mặt các tử tù, tù chính trị do thành phố tổ chức tại nhà thi đấu Phú Thọ, Quận 10, Hoà thượng Thích Viên Hảo, chiến sĩ biệt động Sài Gòn-Gia Định, bồi hồi nhớ lại chuyện cũ với lời kể trầm ấm như đang thuyết pháp: “Nhà chùa khi ấy mới chỉ có hai dãy nhà chạy xuôi tạm bợ và gian chính để thờ Phật đang trong giai đoạn xây dựng.

Lợi dụng vận chuyển vật liệu, xe cộ ra vào thường xuyên, tôi đào hầm trong chùa để giấu cán bộ và chứa vũ khí, đạn dược. Sau này tôi còn mở rộng hầm để hội họp, có thể tạm lánh lâu dài”. 

Với bề ngoài là nhà tu hành nên nhà sư Thích Viên Hảo khá thuận tiện trong việc thu thập tin tức, giao tiếp với các cơ sở bí mật của đội biệt động thành. Hoà thượng được tổ chức giao nhiệm vụ chính là đảm bảo cơ sở an toàn, hướng dẫn đường đi, vẽ sơ đồ, trinh sát các địa điểm mà người thường rất khó tiếp cận.  

Một buổi sáng trước năm Mậu Thân 1968, trong dòng người đông đúc theo các ngả đường hướng về nội đô, người ta thấy có bóng dáng một nhà sư với chiếc áo nâu sòng đi hành đạo. Khuôn mặt rất từ bi, điềm tĩnh, nhà sư chắp tay vái chào cảnh sát, mật thám với câu: “A di đà Phật!”. 

Địch dù kiểm tra gắt gao đến mấy vẫn không ngờ được rằng chính nhà sư đó lại là một chiến sĩ biệt động thành đang vận chuyển vũ khí, đạn dược về cho cơ sở nội thành để tập kết, chuẩn bị cho cuộc tấn công và nổi dậy vào Tết Mậu Thân. Đã có rất nhiều lần, nhà sư Thích Viên Hảo dùng xe gắn máy đi Củ Chi chở chất nổ, súng K54, thậm chí cả súng cối 81 ly về nơi tập kết an toàn bằng cách ngụy trang khéo léo như nhà chùa đang chở các vật dụng cúng bái.  

Hoà thượng Thích Viên Hảo từng kể lại : “Năm 1968, lúc này chủ trương của ta cần nhiều thuốc nổ để gây nhiều tiếng nổ trong nội thành Sài Gòn làm rối loạn, hoang mang quân địch nhưng địch kiểm soát, lục lọi rất gắt gao các ngả đường vào thành phố, đặc biệt là hướng Củ Chi, Hóc Môn. Tình thế rất cấp bách, khẩn trương, bằng mọi cách phải vận chuyển thuốc nỗ, súng đạn về nơi tập kết. Thấy vậy, tôi xung phong đi Củ Chi vận chuyển đạn dược, thuốc nổ… về nội thành.

Để vận chuyển an toàn súng cối 81 ly, tôi phải dùng xe ba gác chở những ống cống xi măng và giấu súng cối vào trong đó. Gặp lính kiểm soát tôi nói vận chuyển về xây dựng chùa. Thế là chúng cho qua. Cứ như vậy, tôi đã vận chuyển thuốc nổ, súng đạn vào nội thành và chuyển đi khắp nơi rất an toàn”. 

Ban ngày, Hoà thượng đi thực địa, vận chuyển vũ khí, còn tối lại vẽ sơ đồ các trận đánh cho đơn vị. Chùa Tam Bảo đã trở thành nơi xuất phát của các chiến sĩ biệt động thành Sài Gòn - Gia Định khiến địch khiếp vía, mất ăn mất ngủ. Chiến sĩ biệt động Tô Thế Bình đã cùng đồng đội đánh hàng chục trận như: cầu treo bến xe Sài Gòn, trạm điện ở Trường đua Phú Thọ, cabin điện Chợ Thiếc, đánh mìn Nhà Quốc Hội khu vực bến Chương Dương… 

Những trận đánh vang dội của biệt động Sài Gòn với súng đạn, thuốc nổ khối lượng lớn giữa nội đô đã khiến cho CIA và cơ quan Đặc phủ Tình báo Trung ương Sài Gòn điên tiết, gắt gao truy tìm khắp nơi. Chúng tăng cường mạng lưới tay sai, “chó săn” sục sạo. Vào cuối năm 1968, khi chuẩn bị cho chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân, Hoà thượng Thích Viên Hảo đã bị kẻ phản bội chỉ điểm và sa vào tay địch. 

Người tù Phú Quốc ăn chay, niệm Phật 

Hoà thượng nhớ lại: “Một lần đơn vị tôi đánh cư xá đường Nguyễn Văn Thoại (góc Ngã tư Bảy Hiền bây giờ), trận đánh diễn ra rất gay go, ác liệt. Ta đẩy lui nhiều đợt tấn công và tiêu diệt nhiều tên địch. Bọn địch lúc ấy được chi viện ùa ra bao vây cả khu vực đội biệt động thành đang chiếm giữ.  Hai chiến sĩ của ta rút ra sau cùng bảo vệ cho đồng đội nhưng xe bị hư, đạp mãi không nổ. 

Một anh ngồi sau xe thấy vậy nên sốt ruột, nhảy xuống lao vào hẻm. Anh còn lại vừa đạp vừa đẩy, thật may xe nổ máy được và chạy về an toàn. Do sơ hở đường thoát hiểm nên đã để lộ cơ sở, sau đó địch kéo rất đông cảnh sát dã chiến, quân cảnh đến bao vây toàn bộ khu vực chùa Tam Bảo. Tôi bị bắt tại chùa và bị kết án tù, sau đó bị đày ra nhà tù Phú Quốc”. Đến lúc này, người dân quanh khu vực chùa Tam Bảo mới biết nhà sư Thích Viên Hảo là chiến sĩ biệt động Sài Gòn. 

Chưa hết, bọn địch tức tối điên cuồng cho xe ủi tung cả khu chùa Tam Bảo lên để tìm vũ khí, đạn dược. Nhưng chúng chỉ thấy căn hầm bí mật chứ không tìm thấy gì. Chưa hả giận, chúng còn chia nhỏ nhà chùa ra để cho binh lính tới ở. Chùa Tam Bảo - căn cứ biệt động Sài Gòn, đã bị xóa tên từ đó. 

Trong nhà tù Phú Quốc, Hoà thượng sống rất điềm tĩnh và đem những hiểu biết về cách mạng để giáo dục những người sai đường lạc lối do không chịu được cực hình tra tấn, hành hạ dã man của kẻ thù. Hòa thượng ôn tồn giáo huấn, khuyên bảo anh em đoàn kết nhau một lòng, trung kiên, son sắt thuỷ chung theo cách mạng. Thà hy sinh chứ nhất quyết không khai tổ chức, đồng chí, đồng đội, không chào cờ địch, không phản bội cách mạng.

Mọi cực hình tra tấn của địch với những tội ác tàn bạo nhất nơi tù ngục Phú Quốc vẫn không làm lung lay ý chí chiến đấu và tinh thần yêu nước, cách mạng của nhà sư, chiến sỹ biệt động thành Sài Gòn - Gia Định. Bọn cai ngục  liệt nhà sư vào hạng đặc biệt, nhưng chúng cũng chùn bước khi đối xử với ông. Phong thái điềm tĩnh, hằng đêm vẫn niệm Phật, đọc kinh và chay tịnh của nhà sư đã làm khuất phục kẻ thù và là tấm gương cho nhiều bạn tù noi theo. 

Ở tù, Hoà thượng chỉ ăn cơm rau với muối trắng, tương chao nhưng lòng vẫn dào dạt niềm tin vào ngày cách mạng thành công. Nhà sư một lòng hướng về cách mạng và hướng về cõi Phật với tâm linh, tình cảm của một người yêu nước, hướng thiện. 

Nhà sư rất tự hào vì trong cuộc đấu tranh chống Mỹ và tay sai, ông đã góp một phần xương máu, công sức của mình vì đời, vì đạo. Nếu có một điều làm ông buồn thì đó là việc ngôi chùa Tam Bảo đã bị kẻ thù xóa sổ. Là người tu hành, nhưng vì cuộc đấu tranh chính nghĩa, vì lòng yêu nước, từ bi chống lại điều ác, nên sư đã tham gia cách mạng, sống chết với cách mạng. 

Năm 1973, Hoà thượng Thích Viên Hảo – tù nhân chính trị - được trao trả tù binh theo Hiệp Định Paris cùng với hàng trăm chiến sĩ cộng sản, tử tù khác ở Côn Đảo, Phú Quốc. Những tù binh chính trị đặc biệt trao trả lần này có những người như : Lê Hồng Tư, Nguyễn Thị Châu, linh mục Nguyễn Văn Mầu, bà Trương Mỹ Hoa, Trương Mỹ Lệ, Võ Thị Thắng, Nguyễn Thanh Xuân (Bảy Bê), Chín Nghĩa, Nguyễn Văn Mạnh (Ba Thọ), Nguyễn Thị Thu Trang… 

Một sáng đẹp trời bên bờ sông Thạch Hãn, ranh giới chia cắt đất nước ở Vĩ tuyến 17, Hoà thượng Thích Viên Hảo được trở về với cách mạng, với nhân dân. Trong vòng tay đồng đội, đồng chí, đồng bào, dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong bầu trời tự do, giây phút thiêng liêng ấy, vĩnh viễn không bao giờ phai nhòa trong ký ức nhà sư. Nhưng niềm vui bất tận cũng không làm cho lòng Hoà thượng bớt nỗi đau khi nhìn về bờ Nam, nơi quê nhà, đồng chí, đồng đội còn trong lửa khói chiến tranh. 

Hoà thượng sống trong hoà bình của miền Bắc, nhưng  ruột gan và trái tim người con miền Nam vẫn còn đau nhói, khi hàng ngày, hàng giờ miền Nam vẫn còn chiến tranh, lửa đạn.  Ngày 30/4/1975 lịch sử, Hoà thượng mừng vui khôn tả khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất. 

Cuộc hội ngộ 30 năm của những người về từ cõi chết 

Hoà thượng xin về an dưỡng tại TP. Hồ Chí Minh, rồi  sau đó tham gia công tác ở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố. Quá trình công tác, chiến đấu của chiến sỹ biệt động thành Tô Thế Bình - Hoà thượng Thích Viên Hảo, được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý như: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, cùng nhiều huy chương, bằng khen khác. 

Trở về miền Nam, việc làm đầu tiên của nhà sư Thích Viên Hảo là tìm về ngôi chùa Tam Bảo năm xưa. Hòa thượng đã đứng lặng hồi lâu niệm Phật, lòng xúc động dâng tràn khi không thể tìm thấy bóng dáng chùa xưa và căn hầm bí mật. 

Nhớ lại chuyện cũ, vào một ngày cuối tháng 4 của 30 năm sau ngày miền Nam giải phóng, chúng tôi tìm gặp lại Hoà thượng Thích Viên Hảo – chiến sĩ biệt động Sài Gòn Tô Thế Bình – tại Chùa Thiện Hạnh trong con hẻm nhỏ nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, Quận 1- TP. HCM. Dù đã qua tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng Hoà thượng vẫn khỏe mạnh, hoạt bát.

Kể về công việc hiện tại ở chùa, ông cười rất hiền từ : “Hiện nay, sức khỏe tôi còn tốt, vẫn tham gia công tác ở Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể khác”. Không ngờ sau đó không lâu ông ngã bệnh. Nhớ lần về dự cuộc hội ngộ với hơn 5.000 cựu tù chính trị, tù binh tại Nhà Thi đấu thể thao Phú Thọ, Quận 10 nhân dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, ông còn là “nhân vật” được mời lên sân khấu giao lưu. 

Hoà thượng ân cần cho biết: “Cựu tù chính trị, tù binh mình không chỉ có chiến sỹ cộng sản, hay nhà sư mà còn có cả linh mục nữa đó”. Hòa thượng chìa tay giới thiệu Linh mục Nguyễn Văn Màu. Cha Màu rất tôn trọng và dành nhiều tình cảm với các chiến sĩ cộng sản, cách mạng. Hễ có việc gì giúp được họ, Cha đều không từ nan. 

Đáp lại tình cảm của Cha, những người tù Côn Đảo đã tìm một đoạn gỗ quí đẽo tặng Cha một cây Thánh giá. Cha quý như báu vật, mang cây Thánh giá bằng gỗ của tù nhân Côn Đảo tặng đi bọc vàng, dành riêng cho những ngày lễ quan trọng. 

Linh mục Nguyễn Văn Màu giờ đã già yếu, cây Thánh giá được trưng bày trong Bảo tàng TP.HCM, những người cựu tù bâng khuâng nhớ lại những ngọt ngào sinh ra từ trong cay đắng, cơ cực ngày nào. Dòng hồi ức xúc động dâng trào trong lòng những người bạn tù sau 30 năm gặp lại nhau. Nước mắt, nụ cười như vỡ òa. 

Ở Côn Đảo ngày xưa còn một nhân vật nữa là Linh mục Phạm Gia Thụy (Chủ tịch Ủy ban Hòa giải - hòa hợp dân tộc Côn Đảo những ngày đầu giải phóng). Tuy không thể đến dự buổi hội ngộ, nhưng ông được rất nhiều người nhắc đến. Cha Thụy chính là người “đứng mũi chịu sào”, kiên quyết ở lại bảo vệ đảo khi những viên sĩ quan nhốn nháo di tản vào ngày 30/4/1975. Cha Thụy đã cho người đến từng trại tù thông báo chính thức tin giải phóng, mở cửa các xà lim, mời lực lượng tù chính trị ra lập Ban Quản lý đảo... 

Cuộc chia tay với Hoà thượng Thích Viên Hảo sau lần đó, thoắt cái đã 6 năm trôi qua và cũng là lần cuối cùng trong đời tôi được gặp Hòa thượng. Hòa thượng Thích Viên Hảo - Chiến sĩ biệt động Sài Gòn Tô Đức Bình đã viên tịch vào ngày 15/7/2005. Tôi ghé thăm chùa Thiện Hạnh, giữa buổi trưa thanh vắng, con hẻm nhỏ ngày thường rất đông người, nhưng Chủ nhật lại rất yên bình. 

Thành kính dâng mấy nén hương thơm lên Hòa thượng, chắc ngài sẽ nhận ra, tôi hy vọng là như vậy. Những người thuộc trẻ thế hệ chúng tôi càng khâm phục, kính nể thế hệ anh hùng, quả cảm của cha anh, càng thêm tự hào về những chiến công, kỳ tích của những người như Hoà thượng Thích Viên hảo, Linh mục Nguyễn Văn Mầu, tử tù Lê Hồng Tư, Nguyễn Thị Châu, Ba Thọ, Bảy Bê, Chín Nghĩa… Chính họ đã làm nên những trang sử hào hùng, vẻ vang, làm rạng danh cho dân tộc và non sông đất nước Việt Nam.

Nguồn tin: Nam Yên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây