Mặc dù vừa bước ra từ khóa lễ, vẫn đang nhập tâm với những câu kinh từ bi, bác ái, đậm chất nhân quả của đạo Phật, nhưng khi đề cập đến tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của Chùa Diên Hựu – Một Cột, Đại đức Thích Tâm Kiên, trụ trì chùa không khỏi bức xúc dẫn chúng tôi đi thực mục sở thị thay vì đưa ra những lời chỉ trích nặng nề. Đại đức đưa ngón trỏ quệt nhẹ thành một vệt ở những thanh rui mè nằm ngay trên lối nhỏ dẫn vào nhà thờ Tổ.
Theo ngón tay, gỗ mủn ra, rơi xuống đất. Đại đức lại chỉ tay ra sân chùa và nói: “Mấy trận mưa hôm vừa rồi làm cả cái sân và nhà thờ Tổ này thành một cái ao, nước ngập gần quá gối. Sợ nguy hiểm đến du khách và cả những Phật tử đang lễ trong chùa…”.
Đại đức Thích Tâm Kiên nói tiếp: “…Chùa phải tắt hết điện, mâm lễ bày trên sập trước ban thờ Tổ phải “sơ tán” sạch không thì chìm nghỉm xuống nước”. Mà đấy là hồ Linh Chiểu đã được nhà chùa thuê nạo hút lấy cả trăm khối bùn đất. Nếu không những ngày mưa, không chỉ sân trong chùa mà cả sân trước lẫn hồ Linh Chiểu nước ngập ngang nhau đến nỗi không biết đâu là hồ, đâu là sân. Đã có du khách không may hụt bước ướt như chuột lột vì điều này.
Nhưng có lẽ, “trần tục” nhất là chốn thâm nghiêm, linh thiêng như thế này lại phải lấy mũ lá đội cho Phật để tránh mưa. Lấy cả xô, chậu, bát to, nhỏ để bày từ trên ban thờ xuống dưới nền nhằm hứng… nước đang chảy “xuyên” từ trên trời qua lỗ thủng ở mái xuống.
Nước ngập đến nỗi chẳng biết đâu là hồ, đâu là sân.
Không biết bao lần, du khách tham quan, đặc biệt là du khách nước ngoài chứng kiến cảnh này phải lắc đầu kinh ngạc vì chốn linh thiêng có giá trị văn hóa, lịch sử nức tiếng thế giới lại phải chịu cảnh “đày đọa” như vậy.
Một Phật tử ở Chùa Diên Hựu nói vui: “Ở đây chỉ thiếu khoác áo mưa cho tượng Phật nữa thôi”. Còn trên tường, chỗ tượng Phật Tổ, tượng Thánh Hiền, nơi thờ mẫu, do dột, nước mưa chảy thành những vệt dài và đọng lại thành những vết bẩn nham nhở, đồng thời khiến cho vôi vữa tróc lở thành từng mảng, miếng, trông rất mất mỹ quan.
Trước tình trạng xuống cấp như vậy của Chùa Diên Hựu - Một Cột, được biết từ năm 2002, nhà chùa đã gửi công văn đến các cơ quan chức năng như UBND quận Ba Đình, Phòng Văn hóa - Thông tin… để đề nghị tu sửa, tôn tạo chùa.
Đại đức nói tiếp: “Nhưng đã trải qua đến mấy đời lãnh đạo quận rồi, vẫn chẳng có hồi âm gì”. Đến năm 2009, Đại đức Thích Tâm Kiên tiếp tục gửi đơn đến UBND TP Hà Nội, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội, UBND quận Ba Đình… song phải đến trước khi diễn ra Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội mấy tháng, Chùa mới được đảo ngói. Mà để được đảo ngói như vậy, phải trải qua hàng chục cơ quan chức năng thuộc chính quyền sở tại, ngành Văn hóa… Nhưng vẫn chỉ là được đảo ngói Chùa Một Cột thôi. Còn Chùa Diên Hựu tiếp tục phải… chờ!?
Đến gặp ông Vũ Kim Khánh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án quận Ba Đình, người trực tiếp lập Dự án trùng tu, tôn tạo chùa Diên Hựu - Một Cột, đồng thời cũng là người tham gia triển khai dự án.
Ông Khánh cho biết, sự chậm trễ trong việc tu bổ, tôn tạo chùa Diên Hựu - Một Cột trước thời điểm diễn ra sự kiện 1.000 năm Thăng Long thì ông không biết. Vì trách nhiệm đó không thuộc về ông, phải cấp quản lý cao hơn. Tuy nhiên, ông lại cho biết, để thực hiện được công việc này, phải mất rất nhiều thời gian vì phải trải qua nhiều khâu khảo sát, thẩm định quan trọng…
Ví như lần cải tạo năm ngoái nhân sự kiện Hà Nội 1.000 tuổi, chỉ mỗi việc đảo ngói thôi nhưng phải trải qua rất nhiều công việc như khảo sát, kiểm tra thực tế, xem loại ngói này được sản xuất như thế nào, nguyên liệu ra sao, tuổi tác đã được bao lâu v.v và v.v…
Sau đó đi tìm, xin lại của những chùa không dùng đến ngói cũ, rồi chọn cả ngói mới để lợp đan xen với nhau do không đủ ngói cũ để lợp. Trước đó, còn phải xin duyệt ở những cơ quan thuộc ngành văn hóa, di sản, kiến trúc, xây dựng… Nói chung trăm thứ bà rằn phải thực hiện và ông Khánh giải thích: “Vì đây là công trình mang giá trị lớn về văn hóa, lịch sử nên phải tuân thủ quy định khi tu bổ, tôn tạo”.
Đội mũ cho phật để tránh mưa.
Cũng với quan niệm như vậy nên nếu có tu bổ lần này, theo ông Khánh cũng phải trải qua các bước như vậy, không thể khác được. Ngay cả khi trong Đề cương đề xuất và chấp thuận điều kiện bố trí kế hoạch chuẩn bị đầu tư tu bổ, tôn tạo Chùa Diên Hựu - Một Cột do chính quận Ba Đình chỉ đạo xây dựng và Ban Quan lý dự án của ông Khánh là đơn vị thực hiện nhận định: “Tổng thể đang bị xuống cấp, gây ảnh hưởng đến cảnh quan chung của khu vực xung quanh là nơi được Nhà nước khoanh vùng cấp đặc biệt quan trọng (A1). Sân đường không đồng bộ, hệ thống thoát nước không bảo đảm, cảnh quan chung của di tích lộn xộn gây mất mỹ quan….”.
Ông Khánh cho biết, với đề cương nói trên, bây giờ đơn vị ông vẫn phải chờ quận nghiên cứu, xét duyệt. Sau đó phải thông qua các ban, ngành như Ban Quản lý danh thắng Hà Nội, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội, UNBDTP Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội, Sở Quy hoạch TP Hà Nội, Ban Tôn giáo, Cục Di sản… rồi mới thực hiện. Nhưng trước khi thực hiện lại còn phải tổ chức 3 cuộc hội thảo để lấy ý kiến của các nhà sử học, văn hóa, kiến trúc…
Và nhanh nhất theo ông Khánh cũng phải… 6 tháng nữa mới hoàn thành công việc này. Rồi từ khâu xét duyệt trên hồ sơ đến hiện thực hóa dự án là cả một quá trình nữa mà bản thân ông Khánh cũng không xác định được thời gian chờ đợi để tu bổ chùa Diên Hựu - Một Cột là bao lâu?
Cứ ngỡ rằng càng công trình có ý nghĩ lớn về văn hóa, lịch sử càng được quan tâm, nhanh chóng thực hiện tu bổ, tôn tạo khi bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhưng từ sự việc Chùa Diên Hựu - Một Cột mới thấy sự nhiêu khê, có phần trì trệ trong quá trình làm việc của cơ quan các cấp và chính sự nhiêu khê, trì trệ đó bên cạnh việc làm mất đi giá trị kinh tế, quan trọng hơn là còn làm mất đi giá trị tinh thần mà Chùa Diên Hựu đã mang lại cho vãn khách.
Thôi thì, đành chờ đợi vậy trong khi trời vẫn nắng, vẫn mưa và chùa Diên Hựu - Một Cột vì thế đã xuống cấp sẽ còn xuống cấp hơn nữa…
“Chùa Diên Hựu - Một Cột đã trải qua 3 lần tu bổ nhưng chỉ là những chỉnh trang đơn lẻ. Lần thứ nhất vào năm 1995, chính điện được trùng tu. Lần thứ hai vào năm 1997, tu sửa nhà thờ Tổ. Lần gần đây nhất là trước khi diễn ra 1.000 năm Thăng Long, Chùa được đảo ngói, cải tạo phần nào hệ thống thoát nước ở sân trước và cây xanh”.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự