Tương truyền vào năm 1927, sau mùa an cư kiết hạ, Hòa thượng Thiện Quang xin Tổ Phi Lai lên núi Cấm ẩn tu. Ngài lên núi dạo xem khắp nơi, cuối cùng chọn một chỗ gần chùa Phật lớn lập am tu hành. Ban đầu chùa chỉ là một am tranh, mái lá nằm ở độ cao 550m so với mực nước biển (ngọn núi Cấm cao 716m, dài 7.500m). Đối với tín ngưỡng dân gian, núi Cấm là một vùng đất linh thiêng huyền bí với những huyền thoại ly kỳ hấp dẫn, cảnh vật xinh tươi.
Trải qua sự biến thiên của thời gian cũng như do ảnh hưởng chiến tranh tàn khốc, chùa Vạn Linh đã hư hỏng nặng. Mãi đến năm 1994, Hòa thượng Thích Trí Tịnh đã tổ chức đại trùng tu ngôi chùa Vạn Linh trên núi Cấm như ngày nay.
Quần thể chùa Vạn Linh gồm ngôi chánh điện là nơi thờ chính. Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Chính giữa tôn trí bảo tượng Đức Phật Thích Ca thiền định. Tượng bằng đá nguyên khối, nặng hai tấn. Hai bên tượng Đức Phật đặt hai phù điêu bằng đá Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Địa Tạng. Phía trước điện Phật đặt hai phù điêu bằng đá Hộ Pháp và Tiêu Diện. Ở hậu điện, Tổ sư Đạt Ma cũng là phù điêu bằng đá.
Quan Âm các lung linh huyền ảo bên ánh đèn
Sân trước chùa có nhiều bảo tháp, bảo tháp Hòa thượng Thiện Quang khai sơn chùa chiếm lĩnh ba tầng và các tháp chuông, tháp thờ xá lợi Phật... Trong đó, Bảo các Quan Âm cao 40m, tháp lục giác bảy tầng bên trong đặt thờ nhiều vị Phật, Bồ tát được tạc bằng đá quý ở Thanh Hóa. Đặc biệt, tầng trệt tôn trí tượng Bồ tát Quán Thế Âm bằng đá tạc rất đẹp, thể hiện tính từ bi cứu độ của ngài, là nơi tập trung lễ bái và lưu ảnh kỷ niệm của nhiều du khách, phật tử. Quanh chùa, nhiều chậu hoa kiểng, giỏ lan với nhiều đóa đong đưa thơm lừng, nhiều cây tùng bách tán vươn cao tạo thành một hoa viên mang đậm chất thiền.
Trở thành một địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn, núi Cấm từ lâu được nhiều người gọi là “nóc nhà của vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Leo lên khoảng hơn 500m, khách hành hương đặt chân lên đất chùa Vạn Linh cảnh trí thơ mộng, u nhã. Nếp chùa rất phù hợp với khí hậu Nam bộ, thông thoáng. Chính vì vậy mà hiện nay chùa là điểm dừng chân thích hợp không những đối với du khách tâm linh mà còn với du khách thích loại hình du lịch sinh thái.
Nguồn tin: Giang Phong
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự