Mẹ vua Lý Thái Tổ là ni cô?

Thứ sáu - 09/09/2011 10:54
Trong số các truyện kể mờ ảo về người cha của vua Lý Thái Tổ, có thuyết cho hay ông vốn nhà nghèo phải đi làm thuê tại chùa Tiên Sơn, ở đây ông đã phải lòng một tiểu nữ và làm cô có thai, sau này sinh ra ông.

Giấc mơ của nhà chùa 

Câu chuyện cũng kể rằng, biết chuyện này, nhà chùa không cho họ ở đó nữa mà buộc phải đi chỗ khác, hai người đành dẫn nhau đến một khu rừng rậm gọi là rừng Báng, mệt quá bèn dừng lại nghỉ chân. Để vợ ngồi chờ, người chồng khi tìm nước uống để qua cơn khát, đến bên một bờ giếng giữa rừng, ông cúi xuống lấy nước, chẳng may sẩy chân, ngã xuống chết đuối. Người vợ đợi mãi mà chồng không quay về bèn đi tìm nhưng chẳng thấy; đến giếng xem thì đất đã đùn lấp kín cả giếng. Biết chuyện chẳng lành xảy ra với chồng, người phụ nữ khóc lóc một hồi, rồi xin vào nghỉ nhờ ở một ngôi chùa gần đó.


Một góc đền thờ Lý Bát Đế (tám vị vua nhà Lý) ở Bắc Ninh.

Đêm hôm trước, sư trụ trì của chùa nằm mơ thấy Long thần báo mộng rằng: "Hãy dọn chùa cho sạch, ngày mai có Hoàng đế đến". Tỉnh dậy, nhà sư sai người làm theo lời nói đó rồi chờ đợi, thế nhưng mãi chẳng có ai tới chùa ngoài một thiếu phụ có thai đến xin ngủ nhờ. 

Vài tháng sau, vào một đêm ở khu Tam quan của chùa bỗng rực sáng, hương thơm lan toả, người thiếu phụ kia chuyển dạ sinh một con trai trên hai bàn tay có 4 chữ “sơn hà xã tắc”, sau đó trời bỗng nổi gió lớn mưa to như trút nước, người mẹ sinh xong thì mất, mối đùn lên một đống lớn; từ đó người dân gọi chùa Ứng Tâm bằng một tên khác là chùa Rặn (gọi chệch là chùa Dận). Nghe tiếng khóc lớn của đứa trẻ, các nhà sư vội chạy ra đưa vào trong Phật điện dỗ dành nhưng ai bế cũng không nín. Khi sư trụ trì chùa là Lý Khánh Văn đưa tay bồng thì cậu bé im bặt và còn nhìn sư nhoẻn miệng cười. Biết đây là cơ duyên đưa tới, nhà sư liền nhận làm con nuôi, lấy theo họ Lý và đặt tên là Công Uẩn…

Tháng 2 năm Canh Tuất (1010), sau khi lên ngôi ít lâu, Lý Thái Tổ từ kinh đô Hoa Lư về thăm quê hương Cổ Pháp, khi đến khu rừng Báng, nơi cha mẹ mình từng nghỉ chân, ông “trông thấy cây cối xanh tốt, loài chim bay liệng, cảm động rớt nước mắt, sai đo mười dặm đất, chọn làm cấm địa Sơn Lăng” và lấy đây là nơi yên nghỉ của mình. Các vua Lý sau khi mất đều an táng ở đó, gọi là Thọ Lăng Thiên Đức, ngoài ra tại đây còn có lăng của một số bà hoàng triều Lý như lăng Phát Tích (Lý Thánh mẫu), lăng Nương Dâu (Ỷ Lan),.... Khu vực “sơn lăng cấm địa” này ngày nay thuộc thôn Cao Lâm, xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn (Bắc Ninh).


Tượng Lý Thái Tổ ở Hà Nội.

Bát Long, Bát Thủ, cùng chầu vào lăng Phát Tích 

Theo phong thủy, Thọ Lăng Thiên Đức có 8 đường cao và 8 dọc nước, từ trên cao nhìn xuống, tựa như những đầu rồng nên còn được gọi là Bát Long, Bát Thủ, cùng chầu vào lăng Phát Tích, nơi an nghỉ của Lý Thánh Mẫu Minh Đức Hoàng Thái Hậu Phạm Thị (tức bà Phạm Thị Ngà, mẹ vua Lý Thái Tổ). Trong tấm bia “Cổ Pháp điện tạo bi” dựng năm Giáp Thìn (1604) đời vua Lê Kính Tông có đoạn viết: “Vận trời sinh ra chúa sáng đều ứng vào người có đức, có tài. Mở đầu khi sinh ra chúa sáng tuy rằng mệnh trời hưng vượng, thực có nơi thắng địa; đất Cổ Pháp là nơi thắng địa bậc nhất Kinh Bắc. Lăng Phát Tích, đất gối đầu của tám con rồng, hình tượng đẹp muôn hình muôn vẻ, vượng khí tốt toát lên nơi này rất linh thiêng, cho nên nảy sinh tám vua triều Lý được lâu dầy độc đáo”.

Sách sử cho biết, ngày mồng 3 tháng 3 năm Mậu Thìn (1028), Lý Thái Tổ lâm bệnh mất, thọ 54 tuổi. Dã sử thì truyền rằng trước khi băng hà, vua đã căn dặn các quan: "Khi ta mất, không được xây lăng to đẹp bằng gạch đá mà mộ chỉ cần đắp bằng đất để đỡ tốn tiền bạc của dân. Quân lính và thường dân nếu có thương nhớ vua thì cứ lấy đất đắp lên, càng cao càng quý. Khi mộ cao, cỏ mọc nhiều thì trâu bò sẽ có thức ăn trở nên béo khoẻ, có sức để cày ruộng cho dân. Đây cũng là nơi vui chơi của trẻ mục đồng; càng gần với vua, các em càng nhớ tới công ơn của các vị tiền nhân, sẽ trở thành người tốt".

Theo lời truyền dặn của ông, chỗ an táng các đời vua Lý đều không xây lăng mà chỉ xây mộ nhỏ, sau đó phủ đất lên trên. Tuy chỉ là mộ nhưng vì là nơi yên nghỉ của các bậc đế vương nên các triều đại sau đó đều gọi là lăng, đặc biệt đến đời Hậu Lê ngoài việc trùng tu, mở rộng nơi thờ các Ngài là đền Lý Bát Đế (còn gọi là đền Đô, đền Cổ Pháp…) triều đình đã đắp đất lại và cho xây gạch tại các mộ vua Lý cho cao hơn mặt ruộng từ 15-20m, gọi khu vực đó là Lý triều lăng miếu, đồng thời cho biết tại Đống Cao xứ có 2 lăng, Đống Sáo xứ có 1 lăng, Vườn Vọng xứ có 1 lăng, Đường Muội xứ có 1 lăng, Đường Phong xứ có 2 lăng và Thổ Liệt xứ có 1 lăng. 

Tấm bia “Cổ Pháp điện tạo bi”còn có đoạn viết về lệnh cấm của triều Lê như sau: “Ruộng phụng sự cày cấy dùng vào việc thờ cúng, tế lễ đền Cổ Pháp không ai được chiếm đoạt. Các sơn lăng cấm địa ở khu Đường Thuẫn, Long Vĩ, Đống Sáo, Ngõ Lọ, Đồng Găng, đường Cây Găng, đường Ruột Bến đều là lăng nội cấm địa, mọi người không được khai phá, đẵn cây cối, nhà cửa của dân phải dời ra nơi khác”.

Sách “Đại Nam nhất thống chí” soạn vào đời Nguyễn cũng có đoạn viết: “Khu đất rộng chừng trăm mẫu, cây cổ thụ um tùm, là cấm địa và là thang mộc ấp của nhà Lý. Ruộng Sơn Lăng được coi là ruộng công vĩnh viễn, giao cho dân xã sở tại chia nhau cầy cấy, nộp một phần hoa lợi để chi phí vào việc thờ phụng các vua nhà Lý, sửa sang và bảo vệ lăng tẩm”.

Ngoài lăng Lý Thái Tổ hình lòng chảo (còn gọi là lăng Lòng Chảo), lăng các vua Lý khác đều xây hình chóp nón được gọi bằng các tên dân dã như lăng Cả (lăng Lý Thái Tông), lăng Hai (Lý Thánh Tông), lăng Ông Voi (Lý Nhân Tông), lăng Đường Gio (Lý Thần Tông), lăng Đường Thuẫn (Lý Anh Tông), lăng Thủ Sơn (Lý Cao Tông), lăng Long Trì (Lý Huệ Tông); riêng mộ Lý Chiêu Hoàng được đặt bên bìa rừng Báng được gọi là lăng Cửa Mả.

Nơi yên nghỉ của các vua triều Lý từ bao đời nay, trải qua bao mưa gió thời gian và những cơn binh lửa chiến tranh nhưng vẫn được người dân chăm sóc, bảo vệ, giữ gìn cẩn thận. Thời gian gần đây chính quyền và nhân dân địa phương đã xây dựng thêm trước mỗi mộ vua một gian thờ nhỏ và xây tường gạch bao quanh, trên mộ có dựng tấm bia hai mặt chữ Quốc ngữ và chữ Nho khắc chữ ghi miếu hiệu, tên húy, thời gian ở ngôi báu, tuổi thọ và ngày giỗ của các vua nhà Lý.

Nguồn tin: Lê Thái Dũng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây