Sự thật về vị hoàng đế thất tình đi tu

Thứ ba - 06/09/2011 04:24
Sau cái chết của ái phi – kỹ nữ Đổng Tiểu Uyển, vua Thuận Trị phẫn chí bỏ ngai vàng đi tu ở tuổi 24. Thực hư chuyện này ra sao? Thuận Trị là vị hoàng đế đầu tiên của nhà Thanh trị vì ở trung nguyên, lên ngôi khi mới 6 tuổi. 18 năm sau đó, triều đình ra thông báo, hoàng đế đã băng hà do bệnh đậu mùa.
Thế nhưng rất nhiều nguồn tin cho rằng, thông báo này không đúng, sự thật là vị vua trẻ vẫn còn sống rất nhiều năm sau đó, nhưng đã rời bỏ hoàng cung, xuất gia làm hòa thượng, tất cả chỉ vì quá đau buồn, uất ức trước cái chết của Đổng phi.

Mối tình si với nàng kỹ nữ

Bến sông Tần Hoài ở Giang Tô nổi tiếng về dịch vụ “phấn son”, nơi tập trung những kỹ nữ xinh đẹp, quyến rũ nhất Trung Quốc. Trong thời của Thuận Trị, nổi tiếng nhất là nàng Đổng Tiểu Uyển, một người con gái không chỉ xinh đẹp hơn người mà còn có đủ tài cầm kỳ thi họa.

Tiểu Uyển được một danh sĩ là Mạo Bích Cương mua về làm nàng hầu, sau đó khi quân Thanh vào chiếm đóng trung nguyên thì bị một vị thân vương cướp lấy, đem về dâng cho vua Thuận Trị. Nhà vua lập tức sủng ái, phong nàng là Đổng Ngạc phi. Nàng chết vì bạo bệnh chỉ mấy tháng trước khi có thông báo Thuận Trị băng hà.

Tuy nhiên, nhiều câu chuyện lại cho rằng, Đổng Phi bị mẹ của Thuận Trị là Hiếu Trang hoàng thái hậu bức tử. Theo giả thuyết này, thái hậu luôn ngăn cản con trai gần gũi, sủng ái Đổng phi vì nàng là một cô gái Hán tộc, trong khi quy định của triều Thanh là không được cho con gái Hán nhập cung.

Nhờ Thuận Trị cố bảo vệ nên nàng vẫn được ở trong cung nhưng luôn chịu sự đè nén của thái hậu. Tiểu Uyển tuy là ái phi của hoàng đế nhưng trong lòng vẫn canh cánh nhớ về người chồng thuở xưa. Rồi đến ngày chồng cũ của nàng, Mạo Bích Cương, biết được tung tích vợ liền tìm cách đút lót thái giám, trà trộn vào cung, vợ chồng gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Thái hậu biết được chuyện này liền nổi giận, ra lệnh thắt cổ Đổng phi đến chết. Hoàng đế vừa thương xót ái phi vừa giận mẹ, bỏ ngôi đi tu.

Cũng có câu chuyện nói rằng, thái hậu khi biết Đổng Tiểu Uyển là người Hán, lại xuất thân ca kỹ thì ra lệnh đánh cho đến chết, nhờ Thuận Trị hết lòng van xin mà tha mạng, nhưng đuổi ra khỏi cung, giam trong một ngôi chùa. Hoàng đế kể từ đó cũng không còn thiết gì cả hậu cung và chính sự, ít lâu sau hẹn với Tiểu Uyển cùng trốn lên Ngũ Đài Sơn, ẩn dật tu hành, để lại chiếu chỉ truyền ngôi cho thái tử khi đó mới lên 8 tuổi, chính là Khang Hy hoàng đế.

Khang Hy thời tuổi trẻ đã bốn lần lên Ngũ Đài Sơn. Người ta cho rằng đó là những lần nhà vua đến tìm gặp phụ hoàng cho thỏa lòng thương nhớ. Mỗi lần đến đây, nhà vua đều chuẩn bị rất nhiều lễ vật để dâng lên, thái độ vô cùng cung kính. Đến lần thứ tư, khi Khang Hy lên thăm thì phụ hoàng đã qua đời, nhà vua phải đau đớn ra về và sau đó không lần nào quay lại nữa.

Vua Thuận Trị có thực sự xuất gia?

Việc vua Thuận Trị bị cho là bỏ ngai vàng đi tu dù đã có thông báo chính thức rằng ông đã chết không phải là vô căn cứ. Sinh thời, Thuận Trị rất sùng đạo Phật. Trong cung điện của ông luôn có sự hiện diện của hai vị đại thiền sư. Và đã nhiều lần nhà vua bày tỏ ý muốn xuất gia. Thuận Trị từng tâm sự với thiền sư rằng: “Của cải, thê thiếp là thứ mà người đời thường khó dứt bỏ.

Nhưng với trẫm, vàng bạc châu báu trẫm không để ý tới, thê thiếp cũng chỉ như phù vân. Chẳng qua vì sự nhớ nhung lưu luyến của thái hậu mà trẫm chưa thể xuất gia mà thôi”. Nhà vua cũng từng sai viên thái giám được tin cẩn nhất là Ngô Lương Phụ xuống tóc đi tu ở chùa Mẫn Trung. Chính Thuận Trị cũng từng đích thân đến ngôi chùa này  để lễ Phật và xem xét mọi việc.

Các sử gia xác nhận, chuyện Thuận Trị sùng đạo, có ý định xuất gia và từng cho nội giám thân nhất của mình đi tu là có thật, tuy nhiên bản thân ông chưa từng thực sự xuất gia làm hòa thượng một ngày nào. Sự thật là vào năm 24 tuổi, nhà vua đã qua đời sau gần 18 năm trị vì.

Các tài liệu lịch sử đáng tin cậy nhất cho thấy, ba ngày trước khi Thuận Trị qua đời, triều đình đã thông báo với bá quan là hoàng đế mắc bệnh đậu mùa. Để cầu cho vua khỏi bệnh, triều đình ra lệnh cho toàn dân kiêng đốt đèn, té nước, rang nấu đỗ, đồng thời tha các tù phạm ra khỏi ngục thất, chỉ trừ những tử tù phạm tội đại ác.

Hai ngày sau, vào lúc nửa đêm, biết mình không qua khỏi, Thuận Trị triệu các đại thần đến để lập di chiếu truyền ngôi cho hoàng thái tử Huyền Diệp, và chính tay nhà vua sửa chữa tờ chiếu này ba lần cho đến sáng mới xong. Đến đêm, nhà vua qua đời.

Mặc dù sự thật là như vậy nhưng dường như người Trung Quốc vẫn thích giai thoại về chuyện ông vua Mãn Thanh vì một cô gái Hán mà bỏ cả triều đình, cả ngai vàng mà mấy đời cha ông mình phải lao tâm khổ tứ mới giành được. Vả lại, vì tình yêu mà từ bỏ vinh hoa phú quý là một trong những điều lãng mạn nhất mà nhân loại từng nghĩ ra.

Nguồn tin: Trung Thành

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây