Các loại binh khí cổ được nói đến ở đây là những loại như thương, trường đao, chuỳ, trường kích, búa… được đặt trên giá, thường thì theo hình rẽ quạt, có khi đặt song song thẳng đứng, diện tích trưng bày lớn hơn một bức bình phong.
Thuở nhỏ, đi chùa, tôi thấy không phải chỉ chùa xưa, mà cả những chùa mới xây, vẫn có những bộ sưu tầm “binh khí” như vậy.
Đặt ngoặc kép đối với từ “binh khí”, vì đặt trong chùa, nên nó không được sử dụng như binh khí. Thực ra, không đặt trong ngoặc kép mới đúng, vì nó là binh khí thực, bằng kim loại, với kích thước thật, chỉ có điều là cổ mà thôi.
Nếu được sử dụng, thì nó cũng có tác dụng gây nguy hiểm, không khác gì dạng, mà ngày nay người ta coi là vũ khí thô sơ, vũ khí tự tạo, hay “hung khí”. Tôi đã thử cầm, một cây thương trong bộ sưu tập như vậy. Với trọng lượng là một thứ vũ khí thực, nó có thể đâm thủng bụng người như chơi.
Đạo Phật là đạo từ bi tuyệt đối, nên việc trưng bày vũ khí trong chùa Phật chắc chắn không thể khởi nguyên từ Phật pháp.
Những bộ vũ khí trưng bày, dường như có cùng một kiểu (một bộ gồm những loại như nhau), mang đậm màu sắc Trung Quốc.
Có thể nó được du nhập vào chùa từ bên Trung Quốc.
Có lần tôi đánh bạo hỏi, thì được một vị cao niên trả lời là vũ khí của các vị thần. Của thần thì chắc là không phải của Phật rồi. Vấn đề là tại sao nó ở trong chùa?
Trong trí óc non nớt của một Phật tử nhỏ tuổi, tôi vẫn thấy kiểu trưng bày vũ khí như vậy không hợp với tinh thần nhà Phật. Là binh khí, dù cổ, thì đó vẫn là phương tiện chuyên để sát thương. Cung vua, nhà quan có thể trưng bày để lấy “uy vũ”, còn chùa thì để làm gì, trong khi nó có sát khí?
Cái cách trưng bày như vậy cũng ảnh hưởng đến Phật tử, cụ thể là ngay trong gia tộc tôi. Cậu mợ tôi có dựng một phòng thờ Phật nhỏ, cũng đặt một bộ binh khí như thế nhưng thu nhỏ, dưới bàn thờ Phật.
Tôi hỏi để làm gì, mợ tôi giải thích là để “ma quỷ sợ!”. Khi tôi hỏi lại là ảnh Phật và kinh Phật không đủ để ma quỷ sợ hay sao, mà cậy tới đao kiếm, thì bị rầy là con nít không biết chuyện đừng hỏi! Tôi vẫn ấm ức, nên còn nói với trước khi bỏ đi là, nếu trưng bày súng trường, hỏa tiễn, lựu đạn… thì ma quỷ ngày nay mới sợ!
Một điều nữa là những thứ binh khí trưng bày như thế rất đắt tiền, vì có lần tôi nghe nói một chùa bị mất trộm một đại đao bằng đồng, mà người thuật lại gọi một cách châm chọc là “mã”, tức “mã tấu”.
Tôi định viết một bài về vấn đề này khi được nghe một file giảng của Hòa thượng Thích Từ Thông, trong đó, Hòa thượng nói rằng bản tánh của Phật giáo từ bi, nên trên nền tảng đó, chúng ta có thể xem những giai thoại về những vị thần có vũ khí là không thích hợp với đạo Phật. Phật thuyết pháp cho chúng sinh trong tinh thần tiếp nhận tự nguyện, như một người thầy thuốc mang đến thuốc hay, mà người bệnh có thể tự dùng hay không. Giai thoại thần trong đạo Phật dùng vũ khí có thể là tư duy về sau…
Mới đây, đọc bản tin lễ Vu lan tại chùa Triêm Phước, TP.HCM, tôi thấy trong các hình ảnh, có ảnh, mà có lẽ, dường như là cách trưng bày vũ khí, mà chúng tôi đang nói đến ở đây.
Điều đó nhắc tôi viết bài này, để bày tỏ ý kiến rằng, hình thức trưng bày binh khí cổ trong chùa như vậy, thiết tưởng, không thích hợp với đạo Phật, và hơn nữa, đó lại là một cách trang trí đắt tiền, tốn kém.
Có thể, tôi còn chưa hiểu hết ý nghĩa việc trưng bày binh khí cổ trong chùa, vì chưa được giải thích tường tận. Mong bạn đọc có ý kiến đóng góp và giải thích, nếu có một lý do gì khác.
Nhưng dẫu sao, nghĩ kỹ, vì duyên cớ gì chăng nữa, thì đặt binh khí trong chùa, đều cũng không phù hợp với tinh thần cơ bản của đạo Phật là từ bi.
Nguồn tin: Minh Thạnh
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự