Chuyện lạ những cây gạo “nhả” ra cả tỷ đồng ở Phú Thọ

Thứ ba - 12/04/2011 13:15
Một người nông dân dù có làm lụng miệt mài đến đâu, mỗi năm cũng chưa chắc đã kiếm được 30 triệu đồng. Nhưng ở xã Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ), có gia đình chẳng cần làm gì vẫn hưởng trọn cả trăm triệu đồng.

Lộc trời cho

Hiếm có loài cây nào như cây gạo ở xã Hiền Quan, chẳng phải mất công chăm sóc, nhưng mỗi năm có cây “nhả” ra cả trăm triệu đồng nhờ hàng tạ tầm gửi mọc kín trên cây. Người Hiền Quan vẫn đùa vui với nhau, đó là những “cây ATM” đặc biệt, chẳng cần phải gửi tiền mà vẫn nhận được tiền, mà còn nhận được nhiều là đằng khác.

Nhiều người bảo những cây gạo ấy là lộc trời cho. Điều này cũng chẳng sai vì tầm gửi cây gạo là loại cây rất quý hiếm. Đi cả tỉnh Phú Thọ, thậm chí khắp các tỉnh thành phía Bắc, cây gạo thì ở đâu cũng có, nhưng số cây gạo có tầm gửi thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay.


Cây gạo này mỗi năm cho thu hoạch hơn 4 tạ tầm gửi tươi, với giá 250.000/kg thì nó cũng cho gia chủ tới 100 triệu đồng.

Xã Thanh Uyên giáp ranh với xã Hiền Quan, cây gạo cũng mọc nhan nhản nhưng chẳng cây nào có tầm gửi. Ấy vậy mà ở Hiền Quan, chẳng biết vì sao tầm gửi lại nhiều đến vậy. Trung bình cứ 10 cây gạo thì có đến 8 cây có tầm gửi. Tầm gửi nhiều đến nỗi gạo chẳng thể ra hoa, kết quả được. Thậm chí, có cây gạo còn bị chết khô vì tầm gửi mọc nhiều và hút hết chất dinh dưỡng.

“Nhả” tiền tỷ

Anh Lê Văn Long, Phó chủ tịch UBND xã Hiền Quan cho biết, xã có hàng trăm cây gạo cho tầm gửi. Gạo tập trung nhiều nhất ở dải đất ven bờ sông Hồng thuộc khu 1, khu 2 và khu 3, ngoài ra còn có ở các khu 5, 8, 9 của xã. Cây nhiều thì cho thu hoạch trên 100 triệu, cây ít thì cũng có 15 đến 20 triệu đồng, nhưng phổ biến là loại cậy gạo cho thu hoạch khoảng 40 đến 50 triệu mỗi năm. Tính sơ sơ thì số cây gạo đem lại cho người Hiền Quan hàng tỷ đồng mỗi năm.

Anh Long khiêm tốn: “Giàu thì chẳng dám nói, nhưng rõ ràng những cây gạo này đã làm cho đời sống của bà con trong xã khá hơn rất nhiều so với trước đây. Nhà nào có được một cây gạo tầm gửi thì coi như là có báu vật trong nhà”.

 

“Cây nhả tiền” mọc sau nhà bà Bùi Thị Đức.

Nhà anh Long cũng có một cây gạo cổ thụ mọc ở... bờ rào. Theo anh Long, cây gạo này đã có hàng trăm năm nay, từ ngày ông nội anh còn sống nó đã có rồi. Anh cho biết, mỗi năm anh thu được khoảng 4 tạ tầm gửi từ cây gạo này, tương đương với gần 100 triệu đồng. Đấy là anh chỉ thu những cành dài còn những cành non, cành ngắn hơn thì để lại để gối vụ. Nếu anh thu cả những cành tầm gửi loại nhỏ thì thừa sức trăm triệu đồng.

Theo sự giới thiệu của anh Long, chúng tôi tìm đến nhà chị Bùi Thị Tiến, người mà theo anh Long giới thiệu là một trong những hộ gia đình thoát nghèo nhờ gạo. Nhà chị Tiến cũng có một cây gạo cổ thụ, cho thu nhập mỗi năm trên 50 triệu đồng.

Chị Tiến cho biết, ngày gia đình chị mới ra ở riêng (1986) còn khó khăn lắm. Giờ đây, nhờ có cây gạo này mà chị nuôi được hai đứa con ăn học và có việc làm tử tế. Gia đình chị cũng mua được tivi, xe máy và nhiều tiện nghi hiện đại khác.


Xã Thanh Uyên nằm giáp ranh với xã Hiền Quan, cây gạo cũng mọc nhan nhản nhưng chẳng cây nào có tầm gửi.

Khi vào nhà chị Tiến, chúng tôi thấy ngoài sân nhà chị có 4 nong tầm gửi đang phơi vừa ráo nước. Chị Tiến cho biết, chị vừa nhặt số lá tầm gửi này hôm qua vì chúng bị gió thổi rụng xuống gốc gạo ngay sân nhà chị. Số tầm gửi này phơi khô cũng được khoảng 2 kg, tương đương với 1 triệu đồng.

Giờ đây, cứ sau mỗi cơn gió hay trận mưa rào nhẹ, xung quanh gốc những cây gạo cao vút của làng Hiền Quan lại thấy dáng người lom khom nhặt lá tầm gửi. Họ chỉ tranh thủ thời gian ít ỏi buổi sáng trước khi đi làm đồng để nhặt một vài cân lá tầm gửi, đem bán cũng được năm bảy trăm nghìn đồng.

Nhà lão nông Bùi Văn Thịnh lại có tới 2 “cây ATM” cứ nhả đều đặn hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Cũng nhờ hai “cây nhả tiền” này mà vợ chồng ông Thịnh đã nuôi được 3 đứa con học qua đại học. Giờ đây, khi các con ông đã có công ăn việc làm ổn định thì hai “cây ATM” này lại làm nhiệm vụ “nhả” tiền để giúp vợ chồng ông Thịnh có cuộc sống an nhàn khi về già.


Lá tầm gửi đang “thay” lá gạo.

Nhà ông Phan Văn Khoa, nhà bà Bùi Đức Thịnh và nhiều nhà khác còn có tới 3, thậm chí là 4, 5 cây gạo sinh tầm gửi.

Hiện tại, người Hiền Quan bán với giá 250.000 đồng/kg tầm gửi tươi. Tầm gửi khô thì có giá 500.000 đồng. Dù giá cả cao ngất ngưởng nhưng quanh năm suốt tháng lúc nào cũng có người đến Hiền Quan hỏi mua tầm gửi.

Đặc biệt, ngày 5-5 âm lịch (ngày Tết diệt sâu bọ) theo quan niệm của người mua là ngày tốt nhất để cắt thuốc nam. Vì vậy, đây cũng là ngày cao điểm thu hoạch tầm gửi ở Hiền Quan. Vào ngày này, người người hái tầm gửi, nhà nhà hái tầm gửi. Trên đường làng ôtô hàng chục chiếc từ khắp nơi kéo về mua tầm gửi. Họ mua về để gia đình mình uống, để làm quà cho họ hàng người thân, hoặc cũng có thể buôn bán lấy lãi.

Sau ngày 5-5 âm lịch thì 6 tháng sau người dân lại hoạch một đợt lớn nữa. Theo người dân thì cứ thu họạch 6 tháng một lần là tốt nhất. Nếu thu hoạch sớm hơn thì không đạt sản lượng. Còn nếu để lâu hơn thì tầm gửi sẽ mọc nhiều quá và cây gạo có thể bị chết.

 

Một cây gạo chết khô vì bị tầm gửi mọc nhiều và hút hết chất dĩnh dưỡng.

Khó trồng ghép

Như chúng tôi đã nói, cây gạo thì ở đâu cũng có nhưng cây gạo có tầm gửi thì rất hiếm. Chỉ ở Hiền Quan thì tầm gửi mới mọc khắp làng. Chính vì điều lạ thường này nên nhiều người cho rằng người dân nơi đây có bí quyết trồng ghép nào đó.

Tuy nhiên, anh Lê Văn Long khẳng định: “Người dân chúng tôi tuyệt đối không cấy ghép gì cả”. Theo tìm hiểu của phóng viên thì nhiều người dân cũng đã thử đem cành tầm gửi ở cây gạo này sang ghép vào thân cây gạo không có tầm gửi. Tuy nhiên chỉ 2, 3 hôm sau thì những cành tầm gửi này héo dần và chết. Nếu đem hạt tầm gửi cấy vào thân cây gạo thì cũng không thấy hạt nảy mầm.

Không chỉ tầm gửi không thể cấy ghép được, mà ngay cả cây gạo cũng rất khó trồng. Anh Bùi Văn Quý (khu 8) đã nhiều lần đem cây gạo con từ nơi khác về trồng trong vườn nhưng gạo cứ bị chết và cho tới bây giờ anh vẫn chưa trồng thành công cây gạo nào. Nói như chị Bùi Thị Tiến, nếu trồng gạo dễ dàng thì nhà nào cũng trồng 5, 10 cây mà thu tiền. Chẳng thế mà người ta coi đó là “lộc trời cho”.

Đối với một số cây gạo không có tầm gửi mọc (mặc dù nằm ngay cạnh một cây khác có tầm gửi phủ kín) thì người dân nơi đây cho rằng, vì đó là những cây gạo trắng. Tầm gửi chỉ mọc trên thân của cây gạo tía. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi thì những cây gạo này cũng chẳng khác gì những cây gạo có tầm gửi mọc um tùm.

Tại sao tầm gửi lại mọc trên cây gạo nhiều đến vậy? Tại sao lại khó nhân giống gạo và khó cấy ghép được tầm gửi? Đó vẫn là những câu hỏi mà ngay cả người Hiền Quan cũng chưa lý giải được. Họ chỉ biết, hàng chục năm nay những sợi tầm gửi nhỏ bé mọc trên những cây gạo xù xì cao vút kia đã và đang làm giàu cho quê hương của họ.

Nguồn tin: VTC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây