Truyền kỳ giếng Vua ở Lý Sơn

Chủ nhật - 10/04/2011 08:54
Một di tích, một nguồn tài nguyên, một điều diệu kỳ đã cứu khát người dân đảo Lớn hơn hàng ngàn năm qua có tên gọi là "Giếng Vua".

Nguồn gốc dòng nước ngọt

Hòn đảo Lý Sơn bao quanh là biển cả và sóng biển không thôi rì rào, thét gào. Dù đã kinh qua hàng ngàn năm lịch sử, nhưng giếng Vua vẫn kiên cường làm "phao cứu sinh" cho dân làng khi mùa nắng hạn đến.

Giếng Vua cách mép nước biển chưa đến 5m, miệng thành giếng có bán kính gần 1m, sâu khoảng 5m. Mỗi khi có sóng to gió lớn, sóng biển đập mạnh vào bờ, thì bọt biển sẽ vươn xuống giếng này. Thế nhưng, hàng ngàn năm qua, gió bão vẫn không làm hư hại đến nguồn nước ngọt "độc nhất vô nhị" của hòn đảo gần 12 triệu dân này.

 

Giếng Vua nằm cách mép nước biển gần 5m

Truyền thuyết của người dân trên đảo kể rằng, khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, ông chạy dạt ra Lý Sơn. Lúc này Lý Sơn đang bị nắng hạn, lương thảo và nguồn nước ngọt của quân sĩ đã cạn kiệt. Vua Gia Long liền cho quân sĩ đào giếng khắp đảo, nhưng không có nước.

Trong giấc mộng, ông mơ thấy có người mách cho nơi đào giếng. Như điềm chiêm bao, ông sai người đào đến đúng vị trí đó. Quả nhiên vừa đào xuống chừng vài mét đã có nước ngọt. Trước khi rời khỏi đảo, Nguyễn Ánh đã yêu cầu người dân phải giữ lại giếng này để dùng cho đến hôm nay.

Cũng có tương truyền rằng, trong chuyến vi hành dọc các hòn đảo miền Trung, vua Gia Long đã đến đảo Lý Sơn vào thời điểm người dân trên đảo đang gặp hạn hán. Sau đó, ông lập đàn tế trời cầu mưa. Trong giấc ngủ, ông nằm mộng thấy địa điểm đào giếng nước ngọt.

Ngay sáng hôm sau, vua Gia Long cho người đào giếng và tìm thấy nguồn nước ngọt. Từ đó, nhân dân trên đảo vượt qua hạn hán. Để nhớ ơn Vua, người dân đặt tên cho giếng là "Giếng Vua" hay còn gọi "Giếng Gia Long".

 

Nguồn nước ngọt quý giá dưới lòng giếng Vua

Ngoài ra, cũng có có giả thuyết khác. Người Chăm Pa vốn rất giỏi về thuật phong thuỷ nên việc tìm địa điểm đào giếng nước ngọt giữa bốn bề biển cả, cũng như việc chọn loại đá và xây hệ thống tường bao bọc nhằm chống lại sự xâm nhập mặn, là một khả năng bí ẩn của đồng bào Chăm Pa.

Dù truyền thuyết như thế nào, nhưng người dân Lý Sơn rất "cảm ơn" giếng Vua, bởi giếng đã cứu người dân nơi đây vượt qua cơn nắng hạn từ hàng ngàn năm qua.

Giếng nước mưu sinh

Người đời thường nghĩ công việc mưu sinh trên đảo Lý Sơn là nghề biển, trồng tỏi và hành. Thế nhưng, hiếm ai biết đến một nghề rất mới và lạ, đó là nghề "gánh nước thuê" ở giếng Vua.

Bắt đầu từ 5 - 7 giờ sáng, những "phu nước" đã có mặt tại giếng Vua, sẵn sàng đáp ứng tất cả nhu cầu của thượng đế. "Công việc thường nặng nhọc mỗi khi trời hạn hán, nắng nóng và tôi phải dậy từ lúc 1 giờ sáng. Họ muốn gánh bao nhiêu nước thì chúng tôi luôn đáp ứng, làm càng nhiều thì tiền càng nhiều chứ", anh Nguyễn Thành Tân (ngụ xã An Vĩnh) cho biết.


Khuôn viên tọa lạc của giếng Vua

Là giếng nước trời ban, nên nhu cầu sử dụng tùy mỗi gia đình. Nhiều gia đình cũng tự gánh nước nếu muốn tiết kiệm chi phí.

Việc gánh nước trên đoạn đường nhỏ hẹp, vận chuyển xa, sử dụng nhiều và mất nhiều thời gian,... nên phu nước phải rất có sức khỏe. Nhờ đó, thu nhập của phu nước ngày càng khá và lực lượng gia nhập đội quân này đông hơn.

Mỗi thùng nước có giá từ 4.000đ - 10.000đ tùy vào đoạn đường vận chuyển và phương tiện (xe máy hoặc xe đạp).

Trên đảo Lý Sơn có khoảng 4 cái giếng, thế nhưng chỉ có duy nhất giếng Vua không bị nhiễm mặn. Quanh năm, dù hạn hán và nắng ngắt, nguồn nước ngọt ở giếng Vua vẫn ngọt lịm, mát lạnh đã cứu khát cho hàng ngàn người dân Lý Sơn.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây