Sức sống bền bỉ
Khoảng hơn 700 năm trước, làng tạc tượng Bảo Hà nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn lan sang cả láng giềng Trung Quốc. Các vị cao niên trong làng kể lại rằng, nghề tạc tượng có từ lâu đời và nơi đây được coi là cái nôi của nghề tạc tượng cả nước. Theo thần phả làng Bảo Hà, ông tổ nghề tạc tượng Việt Nam là người dân ở làng này, cụ Nguyễn Công Huệ, danh tiếng “nổi như cồn” từ khoảng thế kỷ XV.
Những sản phẩm tượng đã được phủ màu
Nghề tạc tượng nơi đây còn gắn với tên tuổi của những nghệ nhân như Tô Phú Vượng với sự tích "hạt gạo thành voi". Tương truyền, ông được vua giao cho “sứ mệnh” đục ngai vàng nhưng chỉ vì “thử” ngồi lên sản phẩm của mình mà bị tống giam vì tội… phạm thượng.
Qua song sắt nhà giam, ông nhặt được vài hạt thóc từ chiếc chổi rơm; lần tách lớp vỏ thóc, ông đã tạo nên 7 chú voi khác nhau chỉ bằng bàn tay thô ráp của mình. Nhà vua cảm động và thán phục tài nghệ kỳ hoa của nghệ nhân nên tha tội và phong là “Kỳ tài hầu”. Hay nghệ nhân đã quá cố Đặng Trần Tâm, người được mệnh danh có "bàn tay vàng", với sản phẩm ấm trà bằng đất nung "độc nhất vô nhị", càng nung càng đỏ au, bóng loáng.
“Để ghi nhớ công ơn cụ tổ Nguyễn Công Huệ, phường thợ và nhân dân Bảo Hà đã lập lầu thờ, treo bức hoành phi với 3 chữ “Bách thế sư” - “Người thầy của muôn đời”, ông Đỗ Văn Bưởng (61 tuổi), một thợ tạc tượng mảng truyền thần ở Bảo Hà cho biết. Học hỏi, duy trì và phát huy những tinh hoa tổ nghề để lại, ngày nay hậu duệ của cụ vẫn ngày đêm “thổi hồn vào những pho tượng”, làm rạng danh làng nghề Bảo Hà.
Hồn “thiêng” trong mỗi pho tượng
Có đến cái nôi nghệ thuật Bảo Hà mới thấy hết những nét đặc trưng của các pho tượng, sản phẩm mang dấu ấn tài hoa rõ nét của các nghệ nhân nơi đây. Các pho tượng được phủ màu và vẽ trang trí đạt tới trình độ hoàn hảo trong nghệ thuật tạo hình. Mỗi bức mang một “hồn” riêng, một sắc thái riêng, rất sinh động và gần gũi với đời sống thực, thể hiện trình độ điêu luyện của những nghệ nhân.
Nghệ nhân Bảo Hà say mê tạc tượng
Tượng Linh Lang đặt thờ ở miếu Ba Xã, Vĩnh Bảo là nổi tiếng nhất, biểu hiện tài nghệ kiệt tác của nghệ nhân nơi đây về điêu khắc. Tượng tạc cao bằng người thực, nét mặt vẽ đẹp, khôi ngô, đầu đội vương miện, mình mang quần lụa, áo đào. Chân và tay pho tượng có nhiều khớp chốt đinh gỗ, nên có thể đứng lên ngồi xuống được.
Ngoài ra, làng còn nổi tiếng với những pho tượng tố nữ mang dáng dấp cô gái quê, môi chúm chím trái đào, tóc buông dài, vạt áo cài lệch, cố y lộ ra khoảng cổ cao; tượng quan văn, quan võ trầm tư, toan tính việc đời, việc nước...
Hiện nay, tại di tích lịch sử Miếu Cả, làng Bảo Hà, một địa điểm trong cụm di tích lịch sử văn hoá được Bộ Văn hoá - Thông tin quyết định công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia ngày 30/12/1991, vẫn còn lưu giữ tượng chân dung tổ nghề Nguyễn Công Huệ đầy vẻ hỷ hả thoát tục mà tương truyền do chính tay cụ tạc.
Truyền nghề cho đời sau
Trao đổi với phóng viên báo PLVN, ông Bùi Văn Nhâm, Chủ tịch UBND xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng cho biết:“ Hiện nay, xã vẫn đang tiến hành tổ chức lớp đào tạo nghề trong thời gian 3 tháng cho các thanh thiếu niên hoặc người có lòng đam mê tạc tượng.
Nhờ Nhà nước hỗ trợ một phần ngân sách theo Quyết định 1956 của Chính phủ về Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” nên lớp học nghề này thu hút khá đông thành viên tham dự để nâng cao tay nghề vốn có”. Ông cũng cho biết, UBND xã đã và đang cố gắng hết sức để kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của làng Bảo Hà ngày càng phát huy hiệu quả cao.
Từ năm 2005, làng nghề tạc tượng Bảo Hà đã trở thành một trong những điểm đến của Chương trình du khảo đồng quê. Không chỉ đón nhiều lượt du khách trong nước, chính quyền địa phương còn có cơ hội giới thiệu và truyền bá vẻ đẹp của làng nghề truyền thống tới du khách nước ngoài.
Ngày nay, có dịp về Bảo Hà, mọi người chắc chắn sẽ được nghe đến tên tuổi của người thầy, người cha Nguyễn Công Huệ, được nhắc tới với một lòng thành kính. Nhờ cụ, những “hậu duệ” tâm huyết đã xây dựng nên xưởng gỗ tạc tượng, thu lại nguồn kinh tế dồi dào. Những sản phẩm mà họ làm ra ngoài tượng còn cả những đồ thờ, tế, lễ.
Chính những xưởng gỗ này đã giải quyết khâu công ăn việc làm rất nhiều thanh niên có “hoa tay” trong làng. Điều đặc biệt, xưởng gỗ của ông Phạm Văn Quý (40 tuổi) ở ấp Quân Thiềng, làng Bảo Hà đã trở thành mái ấm thân thương của ba trẻ em câm điếc (nguyên quán tại Thái Bình).
Làng nghề Bảo Hà, nơi gìn giữ kế thừa và phát huy ngành nghề truyền thống tạc tượng quý báu sẽ còn mãi lưu truyền vì vẻ đẹp của sự hội tụ tài năng, trí tuệ, tâm tư, khát vọng từ người dân và nghệ nhân địa phương…
Nguồn tin: phapluatvn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự