Con sinh ra khoác trên mình bộ da rắn ngày đêm tróc vảy, tóe máu. Sự sống của đứa trẻ 11 tháng tuổi đang được duy trì bằng những liều thuốc kháng sinh và giảm đau. Bé khóc cả ngày lẫn đêm, trong sự day dứt và hoảng sợ của cha mẹ vì ngày xưa trót ăn phải thịt rắn thần. Khi chưa tìm ra nguyên nhân, thì lời đồn nghiệp chướng "rắn báo oán" đang dậy lên ở vùng quê được mệnh danh là "vương quốc hành".
Nỗi đau từ một "mầm sống"
Làng hành Vĩnh Hải nhuộm màu xanh ngát trải dài đến tận chân biển Vĩnh Châu. "Vương quốc của hành" tỏa mùi cay xè khiến mắt người rưng rưng quanh năm. Nơi đây, phần lớn đồng bào Khơme cư ngụ nhiều đời. Họ sống bằng nghề trồng hành tím, mù lòa cũng vì hành tím.
Nét nổi bật trong kiến trúc tín ngưỡng tôn giáo là những ngôi chùa đều thờ tượng rắn Naga 9 đầu. Rắn được xem là vị thần canh giữ chốn linh thiêng, một biểu tượng tôn kính tuyệt đối trong đời sống tâm linh của người dân. Chính vì thế mà câu chuyện đau thương về cặp vợ chồng Kim Sô Đa (SN 1986) và Lâm Thị Quan (SN 1988) sinh con trót mang bộ da rắn đang là đề tài độc đáo nhất gây bàng hoàng tại ấp Trà Sết (Vĩnh Hải - Vĩnh Châu - Sóc Trăng).
Từ thông tin ban đầu, chúng tôi dễ dàng tìm ra chốn "náu thân" của "người hóa rắn" tại một ngôi nhà toang hoác nằm giữa cánh đồng hành tím.
Hướng mắt theo tay của một bác nông dân, phía xa xa, chị Lâm Thị Quan đang địu thằng bé trên lưng, lom khom tưới ruộng hành. Từ ngày đứa trẻ được sinh ra, người dân nơi đây vẫn chưa hết ngỡ ngàng, lạ lẫm. Họ chưa tìm ra lời giải nào thỏa đáng nên cứ tò mò đồn đoán.
Anh Sô Đa mệt mỏi buông dây tưới, thẫn thờ kể về đứa con của mình: "Đi đâu làm gì vợ chồng tôi cũng ôm con theo. Cháu được 11 tháng tuổi rồi nhưng vẫn khóc nhiều lắm. Vì cháu đau đớn, lại không ăn uống gì được nên nuôi rất vất vả".
Lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt anh Sô Đa, còn chị Quan mắt lúc nào cũng ướt, không biết do hành làm hay do chị khóc. Thằng bé nằm rũ rượi trên lưng mẹ, nó ngủ mà nước mắt vẫn ướt. Chị Quan bảo: "Như bản năng, bé không dám cựa mình, vì sợ đau, sợ máu rỉ ra. Con nằm ngủ ngoan lắm, khóc cũng im lặng".
Hơn một năm trước, anh Sô Đa lấy chị Quan, cả hai sức khỏe hoàn toàn bình thường. Thời gian mang thai, chị Quan cũng không có biểu hiện gì lạ. Đi thăm khám ở Bệnh viện thị xã Vĩnh Châu, bác sĩ kết luận thai nhi phát triển bình thường. Ở xứ sở của hành, khi mang thai chị Quan vẫn đi làm hành bình thường. Có điều, do ảnh hưởng từ các chất xúc tác nên vùng này có rất nhiều người mù lòa.
Từ lâu, biệt danh “vương quốc mù" được người ta gọi như một thói quen có thật. Anh Sô Đa thì nghi ngờ có thể vợ mình bị nhiễm độc trong quá trình làm hành. Tuy nhiên, không ai khẳng định nguyên nhân đứa trẻ mang mầm bệnh lạ là do đâu. Bởi, từ bao năm nay có hàng trăm đứa trẻ cũng chào đời trên cánh đồng hành, ăn ngủ cùng hành mà chúng có sao đâu, vẫn khỏe mạnh, vẫn là người bình thường. Dư chấn của hành là những đôi mắt mù lòa, điều này ai cũng rõ, thì họ cũng đã chấp nhận kiếp mù rồi. Nên, đứa trẻ bất hạnh kia ắt có một lời nguyền oan nghiệt nào từ đời cha mẹ nó.
Đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ thì toàn thân đã thâm đen, tím tái, không giống với da của những bé sơ sinh khác. 3 ngày sau thì da bắt đầu khô và xuất hiện những vết nứt dài trên bụng, cổ, mặt và toàn thân, như vết nứt của những cánh đồng khô hạn đang khát cháy một cơn mưa. Những vết nứt ấy hở da lòi mỡ tóe máu làm bé đau đớn quấy khóc suốt ngày.
Cháu Kim Phúc Thịnh lột da như da rắn Vợ chồng anh Sô Đa đặt tên con là Kim Phúc Thịnh với mong ước con sẽ mang lại hạnh phúc, gia đình êm ấm thịnh vượng. Nhưng ước vọng bình dị ấy đã tan nát khi hình hài đứa con ngày một quái lạ, da dẻ bong tróc, nứt toác, máu rỉ ngày đêm. Xót xa, lo lắng bao trùm suy nghĩ của người làm cha làm mẹ.
Anh Sô Đa cho biết: "Để cháu không đau đớn, ngày nào chúng tôi cũng phải cho cháu uống thuốc, xức thuốc làm mềm da, nếu không nó sẽ khô, nứt ra từng mảng và tróc như vảy rắn.
Nhiều người đến xem, nhìn thấy hình thù đứa trẻ đều rất sợ hãi. Những mạch máu nhỏ li ti căng mọng chỉ chực vỡ tung chằng chịt, đan chéo trên khắp thân thể cháu bé. Nó khóc ngằn ngặt, ngất lịm đi rồi tỉnh, rồi khóc. Đó là điệp khúc hằng ngày hằng đêm của một sự sống chưa đầy mười hai tháng tuổi. Bằng mắt thường, có thể cảm nhận được nỗi đau mà cháu bé phải gánh chịu.
Hoang tin rắn báo oán
Một số đoàn từ thiện về xã Vĩnh Hải hỗ trợ cho người mù nghe được chuyện đứa bé da rắn đã lặn lội tìm đến chia sẻ và dang tay hỗ trợ chút quà cáp. Nhưng tai ác là họ đưa câu chuyện này đi thêu dệt và lan truyền khắp vùng. Rằng ở ấp Trà Sết ấy có một con rắn hóa kiếp người, rằng gia đình ấy là sự quả báo nghiệp chướng từ đời nọ đời kia khiến người hiếu kỳ tìm về nhộn nhịp khắp cánh đồng hành nhà anh Sô Đa, họ ném ánh nhìn đầy kỳ thị và ai oán về phía vợ chồng anh, về đứa con nhỏ. Bé Phúc Thịnh lột da như rắn, bong tróc hết lớp này đến lớp khác, tưởng như da thịt bé ngày càng nhỏ đi, mong manh hơn, yếu ớt hơn.
Anh Sô Đa thừa nhận thời điểm chị Quan đang mang thai, anh đi làm ruộng, trên đường về lúc nhập nhoạng tối thì thấy một con rắn màu đen, rất to mà anh không biết đó là rắn gì. Sẵn con dao trên tay, anh đuổi theo đập chết con rắn rồi xách về làm thịt cả nhà ăn. Con rắn nặng khoảng hơn một ký, thịt rắn luôn là món khoái khẩu với người nông dân chân lấm tay bùn. Giết rắn và ăn thịt rắn không còn là điều lạ lẫm ở đây nữa. Nghe người ta đồn rắn về báo oán, vợ chồng anh rất hoang mang. Nếu đứa con sinh ra khỏe mạnh thì sẽ chẳng có gì đáng nói, giờ cảm thấy hoảng hốt khi nguyên nhân chính xác vẫn chưa tìm ra mà lời đồn anh nghiệm thấy có phần đúng.
Nhìn thân thể non nớt của con ngày nào cũng lột da, rỉ máu, những người làm cha làm mẹ lòng đau như cắt. Vợ chồng anh Sô Đa bế con đi khám ở bệnh viện trên trung tâm TP. Sóc Trăng, nhưng bác sỹ chỉ cho thuốc uống và bôi ngoài da rồi bảo về tự điều trị. Rất nhiều bệnh án được đưa ra nhưng đến nay vẫn chưa xác định chính thức cháu bé mắc phải căn bệnh gì vì các kết luận mỗi nơi một khác.
Căn bệnh lạ này của cháu bé rất nhạy cảm với thời tiết, nếu trái gió trở trời, hoặc se lạnh sẽ bị nứt da ngay. Hiện tượng nứt bắt đầu tại vùng da mới, sau khi khô đi thì sẽ xuất hiện vết rạn, sau đó xé da ra, rồi tróc thành từng mảng. Khi vết thương chớm lành lại một đợt nứt khác chèn lên vết cũ. Cứ thế, không bao giờ lành.
Việc chăm sóc bé Phúc Thịnh chỉ có vợ chồng anh Sô Đa mới làm được. Bế ẵm bé phải hết sức nhẹ nhàng, như nâng một trái trứng non. Khi tắm cho bé cũng không dám dội nước mạnh, phải lấy khăn mặt mỏng lau nhè nhẹ phía ngoài. Như thế cũng gây bóc da và tóe máu. Đêm về, bé chỉ ngủ sau khi khóc mệt quá, và hầu như vợ chồng anh Sô Đa chưa bao giờ được tròn giấc từ ngày sinh con.
Theo quan sát của chúng tôi, hiện tại cháu bé đã bị nứt toàn thân, trong đó những nơi da non như cổ, háng, bụng nứt nhiều nhất. Đường nứt đan chéo, xếp lớp như vảy rắn, màu trắng bệch. Chỉ cần cháu bé cử động mạnh thì sẽ làm tổn thương bất cứ phần da nào của cơ thể.
Bé Phúc Thịnh không ăn được bất kỳ loại thức ăn nào, tất cả phải nhờ vào sữa mẹ. Nguyện vọng của anh Sô Đa muốn đưa con lên bệnh viện chuyên khoa da liễu ở Tp HCM để chẩn đoán chính xác về căn bệnh của bé, để xóa tan lời đồn quái ác đang đè nặng tâm lý, nhưng vẫn chưa kiếm đủ tiền để ôm con đi.
Mỗi tháng anh chị tốn từ một đến một triệu rưỡi tiền thuốc kháng sinh và giảm đau cho bé, ngày nào không bôi thuốc thì da tróc nhiều hơn, nghiêm trọng hơn và bé khóc rất nhiều.
Giới y khoa nhận định, ở Việt Nam đã có vài trường hợp mắc bệnh giống hoặc tương tự như bé Phúc Thịnh. Nguyên nhân do nhiễm ký sinh trùng qua đường ăn uống, qua da hoặc từ trong bụng mẹ. Loại bệnh này có thể chia làm ba mức độ khác nhau. Nặng nhất là ký sinh trùng xâm nhập hệ thần kinh trung ương như não, màng não gây tác động trực tiếp có thể dẫn đến tử vong.
Mức thứ hai là ký sinh trùng xâm nhập qua nội tạng làm hư tổn các bộ phận bài tiết như gan, thận, phổi. Trường hợp thứ ba là ký sinh trùng gây tổn thương ngoài da, ít nguy hiểm đến tính mạng nhưng bệnh tình kéo dài gây khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe. Các bác sĩ chuyên khoa khuyên con người nên sử dụng thức ăn nấu chín, không ăn tiết canh, hoặc ở dạng tái của những loài động vật sống.