Có hay không những giá hầu đồng lên đến… 1 tỷ đồng?

Chủ nhật - 20/08/2017 06:37
Thời gian gần đây, có một số thông tin cho rằng, có nhiều giá hầu đồng lớn được tổ chức, giá từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Vậy thực hư chuyện này thế nào?
Một khoá lễ hầu đồng ở Nam Định
Một khoá lễ hầu đồng ở Nam Định

Thủ nhang buồn…

Mới đây, một số ý kiến cho biết, giá hầu đồng tại các đền, phủ cạnh tranh nhau, theo nhu cầu thờ cúng của gia chủ. Nhất là các đền, phủ ở Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam,... Nhiều người cho rằng, hơn 3 tháng sau lễ đón bằng UNESCO ghi danh Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, có nhiều giá đồng được gia chủ “vung tay quá trán”, tiêu tốn nhiều thời gian và tiền bạc.

Văn hoá - Có hay không những giá hầu đồng lên đến… 1 tỷ đồng?
Bà Trần Kim Huệ - người chịu trách nhiệm trông coi mọi hoạt động chính tại Phủ Tiên Hương (Phủ Dầy, Nam Định)

Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, bà Trần Kim Huệ - người chịu trách nhiệm trông coi mọi hoạt động chính tại Phủ Tiên Hương (Phủ Dầy, Nam Định) cho biết: “Tôi rất buồn vì có nhiều thông tin trái chiều xung quanh việc cho rằng, từ khi UNESCO ghi danh Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì nhiều giá hầu đồng, mở phủ lên đến mấy trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng. Nhiều người còn nhắc đến địa chỉ cụ thể là ở Phủ Dầy, Nam Định. Là người làm việc lâu năm tại đây, tôi có thể nói, thông tin này không đúng, không có chuyện mỗi khoá lễ chúng tôi tung các tờ tiền mệnh giá từ 200.000 - 500.000 đồng.

Hằng tháng, tại Phủ Dầy cũng có những khoá lễ, nhưng chúng tôi thu nhiều nhất là 1 triệu đồng để mua sắm đèn nến, đồ thờ, tiền điện, tiền nước, tiền phục vụ,... Chưa bao giờ có chuyện người đến mở khóa đồng tại Phủ bị đưa ra mức giá phải thế này, thế kia. Mọi người đều tùy tâm, ngay bản thân tôi cũng muốn giữ gìn những giá trị cốt lõi của di sản văn hoá dân tộc...”.

Trước câu hỏi, có một số người cho rằng, khi làm khoá lễ, tung tiền mệnh giá càng cao thì Thánh càng... làm chứng, điều này có đúng không? Bà Huệ chia sẻ: “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được UNESCO ghi danh là điều rất trân trọng. Có được điều này, nhiều người, nhiều thế hệ đã phải góp sức làm dày dặn hồ sơ để các cơ quan có chức năng thẩm duyệt tín ngưỡng thờ Mẫu. Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn vận động người dân giữ gìn giá trị di sản theo ý nghĩa tích cực, không xuyên tạc, nói xấu tín ngưỡng, không mê tín, cuồng tín. Vì vậy, thông tin cho rằng, càng tung tiền mệnh giá cao, Thánh càng làm chứng là sai. Làm việc ở chùa chiền thì tâm càng tịnh càng tốt...”.

Nghệ nhân ưu tú Phạm Hải Hậu - Thủ nhang đền Lảnh Giang (Duy Tiên, Hà Nam) cho biết: “Đúng là những thông tin thất thiệt trên đã làm ảnh hưởng đến tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Các bạn thử nghĩ xem, nếu mỗi giá hầu đồng lên đến mấy trăm triệu hay tiền tỷ thì bằng gia sản của cả một gia đình sao? Không ai bỏ ra số tiền lớn như vậy đâu. Tôi khẳng định là không có chuyện “vung tay quá trán” này. Hơn nữa, không một thanh đồng nào đủ sức để hầu hết 36 giá đồng. Nhà đền như chúng tôi đều phải hướng dẫn người dân thực hiện việc hầu đồng một cách tiết kiệm, văn hoá. Thậm chí, nhiều người không đủ đồ lễ, nhà đền cũng cho luôn chứ không ai lấy tiền của người đi lễ nhiều như vậy cả”.

Văn hoá - Có hay không những giá hầu đồng lên đến… 1 tỷ đồng? (Hình 3).
Nghệ nhân ưu tú Phạm Hải Hậu - Thủ nhang đền Lảnh Giang (Duy Tiên, Hà Nam)

Nếu tung tiền khi hầu đồng là tắt điện, tắt quạt...

Nghệ nhân Ưu tú Phạm Hải Hậu chia sẻ thêm: “Nhiều người bây giờ đến đền, chùa nhưng chưa hiểu đúng cái tâm hướng về Phật. Họ cũng vào hầu đồng, hát văn nhưng lại dùng đàn ghi–ta, khi tôi hỏi thì họ bảo muốn thử nghiệm. Nếu cứ phá cách như thế sẽ làm mất hết giá trị của di sản. Tôi cũng hướng dẫn cho nhiều người và cũng giải thích cho họ hiểu, việc hầu đồng là cái tâm của mình chứ không phải là do giá trị đồng tiền. Ở đền Đông Cuông (Văn Yên, Yên Bái) có cách làm rất hay, đó là mỗi khi thấy người dân tung tiền ở các giá hầu, ngay lập tức thủ nhang ở đây sẽ tắt điện, tắt quạt để thể hiện sự phản đối. Theo tôi, nếu các đền, phủ kiên quyết làm được như thế là rất tốt, sẽ hạn chế được việc lãng phí trong hầu đồng”.

“Cách đây khoảng 30 năm, nếu có đi hầu đồng, chúng tôi chỉ cần một cái làn nhỏ, gồm những đồ lễ rất nhỏ và giản dị nhưng vẫn rất hoan hỉ, thoải mái. Bây giờ, mọi thứ đủ đầy hơn thì nhu cầu người dân cũng cao hơn, họ sắm đầy đủ lễ cho Thánh. Tuy nhiên, tôi tin không có chuyện người dân bỏ ra tiền trăm triệu để hầu đồng. Vì thế, thông tin các gói hầu đồng tốn nhiều tiền hay “vung tiền quá trán” là thiếu kiểm chứng” – nghệ nhân Phạm Hải Hậu bộc bạch. 

Văn hoá - Có hay không những giá hầu đồng lên đến… 1 tỷ đồng? (Hình 4).
Ông Lê Xuân Huy - Giám đốc sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nam

Ông Lê Xuân Huy – Giám đốc sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nam cho biết: “Các thông tin về việc có nhiều giá hầu đồng tiền trăm, tiền tỷ ở Hà Nam hay các tỉnh lân cận khiến cho nhiều Thủ nhang tại đây phản ứng. Bởi, thực tế không có chuyện đó. Sở kết hợp với các cơ quan chức năng như Thanh tra sở đi xác minh một số đền, phủ tại địa phương nhưng không có chứng cứ nào cả. Từ khi UNESCO ghi danh Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, chúng tôi cùng với những người đứng đầu các chùa, đền trong địa bàn đều hướng dẫn, phổ biến cho người dân để các gói hầu đồng được tiết kiệm nhất”.

Nghệ nhân Phạm Hải Hậu tâm sự thêm: “Đầu năm 2017 vừa rồi, tôi có vào Kiên Giang dự lễ hội tưởng nhớ Anh hùng Nguyễn Trung Trực, điều đặc biệt ở đây là người dân không bao giờ tung tiền ở các khoá lễ hay để trên ban thờ. Mỗi nhà chỉ đóng 50.000 đồng và viết giấy công đức, rất trật tự và quy củ. Đây là do ý thức của người dân, nếu ngoài miền Bắc mà làm được như thế thì quá tốt. Vì thế, chúng tôi cũng tuyên truyền cho người dân hiểu việc hầu đồng, tạ Mẫu sao cho tiết kiệm và vui vẻ nhất”.

Ông Khúc Mạnh Kiên - Giám đốc sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nam Định cũng bộc bạch: “Là cơ quan quản lý Nhà nước nên chúng tôi nhận được nhiều ý kiến, kể cả ý kiến trái chiều. Khi nhận được thông tin về việc có những gói hầu đồng tiền trăm, tiền tỷ ở Nam Định, chúng tôi đã xuống địa bàn kiểm tra nhưng không phát hiện gì cả. Nếu có, chúng tôi sẽ xử lý luôn”.

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây