Những người đến "tranh chấp” ngôi chùa có một số là cháu chắt của ông Tình cũng lên án hành động này là trái đạo lý, không tôn trọng di nguyện của người đã khuất.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguồn gốc đất ngôi chùa Tân Khánh là của ông Trần Hữu Tình (đã mất cách nay 85 năm). Năm 1885, trên phần đất này, ông Tình và vợ là bà Nguyễn Thị Dơn có lập ra một ngôi chùa 3 nóc lợp ngói, Phật hiệu: Tân Khánh. Trước khi qua đời, ông Tình và bà Dơn đã tình nguyện cúng đất cho chùa, có chúc ngôn và tờ cúng đất.
Sau khi ông Tình qua đời, vì không có con cái nên theo chúc ngôn của ông thì vợ chồng người con gái nuôi là bà Trần Thị Năm và ông Lê Văn Hinh có bổn phận quản thủ ngôi chùa. Cứ thế, từ đời này đến đời khác, con cháu của họ cùng góp công, góp của gìn giữ và nâng cấp ngôi chùa ngày càng khang trang, không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo trong gia tộc mà cho cả Phật tử và người dân thập phương.
Năm 2011, khi chùa Tân Khánh đã gia nhập Giáo hội Phật Giáo Việt Nam và trước ngày giáo hội bổ nhiệm Đại đức Thích Trí Huệ về trụ trì thì bắt đầu nảy sinh những ý kiến trái ngược trong gia tộc, rồi dẫn đến những tranh chấp không đáng có.
Cụ thể là bà Lê Thị Phụng Duy, ông Nguyễn Phước Hưng và bà Nguyễn Thanh Vân cùng một số người trong thân tộc đã đứng đơn khiếu nại gửi chính quyền các cấp tỉnh Bến Tre. Những người này cho rằng đây là nhà thờ gia tiên của dòng họ nên không chấp nhận việc "biến nhà thờ gia tộc thành ngôi chùa của tổ chức tôn giáo”, đồng thời đề nghị Sở TN&MT tỉnh Bến Tre dừng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho chùa Tân Khánh.
Bà Lê Thị Lục, 82 tuổi (con bà Năm) bức xúc cho biết: "Việc chùa Tân Khánh được vào Giáo hội phù hợp với di chúc của ông ngoại tôi (ông Tình) và được sự đồng thuận của nhiều người trong gia tộc. Một số con cháu đã hành động một cách thiếu suy nghĩ và trái đạo lý. Chúng xúc phạm tôi và còn dùng lời lẽ thô tục xúc phạm cả thầy Trí Huệ, còn hăm dọa kêu xã hội đen xử thầy làm thầy sợ không dám về. Thật qúa đáng”.
Đinh Minh Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Tân Thạch nhận định: "Chúng tôi rất lấy làm tiếc về sự việc tranh chấp trong gia tộc để giành quyền sở hữu ngôi chùa này. Nếu ai nói đây chỉ là nhà thờ gia tộc chứ không phải ngôi chùa là sai. Bởi ngôi chùa đã được vợ chồng ông Tình, bà Dơn xây dựng hàng trăm năm, là điểm sinh hoạt tôn giáo không chỉ của người dân địa phương mà cả khách thập phương. Các con cháu ông Tình cần ngồi lại với nhau, giải tỏa mọi hiềm khích, đoàn kết lại giúp ban trị sự nhà chùa phát triển danh tiếng ngôi chùa ngày một lớn hơn để làm nơi sinh hoạt tôn giáo cho cộng đồng thì tốt quá!”.
Theo quy định tại điều 16 chương V nội Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam: "Tất cả các tự viện là các cơ sở tín ngưỡng theo truyền thống của đạo Phật được kiến tạo từ ngày 7-11-1981 đều là đơn vị cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được các cấp giáo hội và Nhà nước bảo hộ theo quy định của hiến chương giáo hội, pháp luật nhà nước”. Do đó, chùa Tân Khánh được xây dựng từ năm 1885, là nơi sinh hoạt, tín ngưỡng đạo Phật của cộng đồng hàng trăm năm nay mặc nhiên phải được công nhận là đơn vị cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hơn nữa, căn cứ theo di chúc của người lập chùa là vợ chồng ông Tình thì không có cơ sở nào để các đời cháu chắt của ông Tình cho rằng đây là nhà thờ gia tiên và ngăn cản việc các ngành chức năng cấp GCNQSDĐ cho chùa Tân Khánh.
Ngày 20-9-2012, Sở TN&MT có công văn số 1332, trả lời đơn đề nghị dừng xét cấp GCNQSDĐ cho chùa Tân Khánh. Sở TN&MT nhận định: Chùa Tân Khánh là cơ sở thờ tự thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ cho chùa Tân Khánh là phù hợp pháp luật. Do đó, Sở TN&MT sẽ tiếp tục thực hiện thủ tục cấp GCNQSDĐ cho chùa Tân Khánh theo quy định của pháp luật.
Nguồn tin: Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự