Tự nhận mình là trụ trì "chùa Vọng Phu"

Thứ tư - 19/09/2012 19:52
Người dân trong vùng gọi ông Nguyễn Tường Phong là người "gàn dở". Họ gọi vậy bởi một mình ông gánh đá làm đường lên núi, rồi xây chùa và tự đặt tên là chùa Vọng Phu. Khi chùa đã hoàn thành, ông cũng tự nhận mình là trụ trì chùa Vọng Phu.

Một mình phá núi, mở đường, xây chùa 

"Năm 1994, tôi thấy mọi người trèo lên hòn Vọng Phu rất vất vả. Để lên được đỉnh núi phải đi mất vài tiếng đồng hồ, đường lên cây cối rậm rạp, vách đá cheo leo rất hiểm trở. Nhưng vì sự hiếu kỳ muốn được tận mắt ngắm nhìn hòn Vọng Phu, nhiều người vẫn cố gắng trèo lên đỉnh núi. Có người dân từng bị trượt chân xuống núi và thiệt mạng. Chính vì thế, tôi đã quyết tâm làm đường lên hòn Vọng Phu". 

Ban đầu, ông mất hàng tháng trời để phát quang cây cối, vác cuốc xẻng vạc bớt đất đá. Sau đó, ông tự bỏ tiền mua vật liệu xây dựng gánh lên núi làm đường. Mỗi ngày ông gánh hàng chục gánh vôi vữa lên núi. Những chỗ nào trơn trượt khó đi, ông gánh đất đá kè lại, dùng vữa để rải cho bằng phẳng. 

Ông Phong bảo: "Những hôm đầu đứng dưới chân núi, nhìn rừng cây hoang dại cũng nản lắm. Nhưng nghĩ nếu mình không làm thì mọi người đi lại rất vất vả. Biết bao giờ mới có đường để lên núi. Vì thế, tôi quyết tâm làm. Hằng ngày, cứ tờ mờ sáng tôi dậy cơm nước xong là vác cuốc, xẻng, đẩy xe thồ lên núi làm đường. Thấy tôi hăm hở làm đường, nhiều người trong làng bàn tán bảo tôi bị hâm, công việc của gia đình làm không hết, thừa sức mới làm như vậy. Nhưng tôi mặc kệ". 

Cũng phải mất nửa năm trời ròng rã nắng mưa, ông Phong mới làm xong con đường từ chân núi Nhồi lên đến đỉnh hòn Vọng Phu. Có đường, mọi người lên tham quan được thuận lợi. Thế nhưng có nhiều người lên hòn Vọng Phu chiêm bái phải những hôm mưa nắng thất thường rất mệt mỏi, vất vả, nhếch nhác. Thấy cảnh đó, ông lại nghĩ phải làm nhà để mọi người có chỗ làm lễ tử tế.

Thấy ông xây nhà để làm lễ trên hòn Vọng Phu, nhiều người dân ủng hộ. Ai có gạch thì hỗ trợ gạch, có tiền thì hỗ trợ tiền, có gì giúp đấy. Nhờ thế mà thời gian sau ông đã xây được mấy gian nhà, ngay bên cạnh hòn Vọng Phu.


Đường lên hòn Vọng Phu đã được ông Phong làm.

Hòn Vọng Phu là nơi cầu duyên? 

Trước khi đến viết bài về hòn Vọng Phu, tôi được nghe nhiều lời đồn đại rằng nơi đây cầu duyên rất linh thiêng. Ông Phong lật giở một cuốn sổ khá dày dùng để ghi chép những người đã đến nhờ ông cầu duyên. "Những năm qua, nhiều người đã tới nhờ tôi lên hòn Vọng Phu để làm lễ cầu duyên. Đa số là những trai gái quá lứa, lỡ thì. Trong số những người đến nhờ tôi cầu duyên, nhiều người một thời gian sau đã quay trở lại làm lễ tạ ơn vì đã lập gia đình", ông Phong  cho hay. 

Trong danh sách dài những người ông đã cầu thành duyên vợ chồng, ông Phong ấn tượng nhất cô gái Ngô Lan Phương (30 tuổi ở thị trấn Rừng Thông, Thanh Hóa) mà ông mới se duyên thành công vào cuối năm trước.

"Phương vốn là cô gái nhìn không xinh đẹp sắc sảo, bù lại cô có nét duyên thầm, khiến nhiều chàng trai yêu mến. Cô đã hẹn ước nên vợ nên chồng với một người. Gia đình nhà trai cũng đã đến đặt trầu, hẹn ngày ăn hỏi để làm lễ thành hôn. Nhưng lạ chỉ sau một tháng sau đó, gia đình nhà trai đến xin hoãn việc ăn hỏi. Từ sau đó có rất nhiều đám đến tìm hiểu nhưng đều không  thành", ông Phong cho biết. 

Ông Phong yêu cầu Phương chuẩn bị ít trầu cau, hoa qua, bánh kẹo để làm lễ. Sau khi lễ tại gia đình Phương, ông đưa cô lên hòn Vọng Phu để làm lễ. Cầu mong cho cô sẽ chọn được chàng trai phù hợp nhất. Và quả thực "cầu được ước thấy", một thời gian sau Phương đã yêu và lấy được người chồng hiền lành, chăm chỉ. 

Ông Phong bảo: "Những người đến cầu duyên tôi chỉ yêu cầu chuẩn bị đồ lễ đủ theo thủ tục, còn về thù lao là tùy tâm của mọi người. Tôi làm theo cái tâm là chính. Khi thành duyên, đa số họ đều đến tạ ơn, gia đình bình thường thì hậu tạ vài trăm, nhà giàu thì nhiều hơn".

Ông Phong tự làm nhà và đặt tên là “chùa” Vọng Phu.

Tự đặt tên chùa và làm giấy công đức 

Tôi đưa cho Ông Lê Xuân Hồng, Chủ tịch UBND phường An Hoạch (thị trấn Nhồi, TP Thanh Hóa) tờ giấy ghi nhận công đức. Phía trên là dòng chữ: Ban Quản lý khu Di tích lịch sử chùa Vọng Phu. Phía dưới giấy công đức ký tên trụ trì chùa Vọng Phu: Nguyễn Tường Phong. Ông Hồng hoảng hốt, gọi ông Nguyễn Đình Lợi, Phó Chủ tịch phụ trách văn hóa xuống để xem giấy. Tất cả đều tá hỏa, không hay biết về việc này. 

Ông Hồng bảo: "Chết thật, trên địa bàn chúng tôi chỉ có hòn Vọng Phu chứ làm gì có chùa Vọng Phu mà có tờ giấy công đức này. Ông Phong làm gì có chức vụ gì ở địa phương mà ghi trong giấy là Ban Quản lý di tích. Ở địa phương chúng tôi chỉ có 5 đình chùa: Đền Thượng, chùa Thánh Mẫu, chùa Quan Thánh, chùa Năm Cậu và chùa Hang.

Từ trước đến giờ, địa phương không có chùa Vọng Phu. Tờ giấy công đức đó là do ông Phong tự làm, hình ảnh trong tờ giấy công đức cũng tự ông ấy ghép giữa núi với sông nhà Lê. Ông ấy làm như vậy là sai hết lịch sử. Vì nơi đây năm 1992, Bộ Văn hóa đã trao bằng công nhận di tích văn hóa núi An Hoạch (trước đây là núi Nhồi)".


Giấy công đức về "chùa" Vọng Phu được ông Phong làm, chính quyền không hay biết.

"Ông Phong có công trong việc xây dựng đường lên núi, làm nơi thờ tự trên hòn Vọng Phu, nhưng tự ý đặt tên chùa như thế là sai. Về mặt quản lý, lỗi thuộc về chúng tôi. Do chúng tôi quản lý chưa chặt chẽ, nên mới để xảy ra như vậy. Chúng tôi sẽ mời ông Phong đến UBND thị trấn để giải trình, lập biên bản, tịch thu lại giấy công đức ông ấy đã làm", ông Hồng nhận trách nhiệm.

Ông Phong không phải là người gốc ở đây, nhưng ông ấy có công làm đường lên núi, làm nhà để thờ tự trên đó. Ông ấy xây dựng từ năm 1990. Khi chúng tôi lên kiểm tra nhà thờ tự mà ông Phong và đệ tử đến cầu cúng thường gọi là chùa Vọng Phu. Năm 2005, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự án quy hoạch danh thắng Nhồi, nhưng chưa thực hiện được vì còn thiếu kinh phí.
Ông Nguyễn Đình Lợi (Phó Chủ tịch phụ trách văn hóa thị trấn Nhồi)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây