Thẩm mỹ, làm đẹp dưới góc nhìn Phật giáo

Thứ hai - 24/09/2012 19:05
Mỗi người khi sinh ra đời đều mong muốn bản thân có được thân tướng đẹp. Tuy nhiên để có thân tướng đẹp thì phải làm như thế nào?

Có phải sắc đẹp là do đi thẩm mỹ viện?

Nhiều người khi được đặt câu hỏi nếu bạn xấu muốn đẹp phải làm sao đa số đều trả lời là đi thẩm mỹ viện. Tuy nhiên với người có tiền thì việc này rất dễ dàng, còn người không có tiền thì phải làm sao?


Có phải ai muốn đẹp thì cứ đi thẩm mỹ viện là sẽ được? (ảnh minh họa)

Chưa kể việc đi đến thẩm mỹ viện có nhiều tình huống dở khóc dở cười. Có người vì tin tưởng nộp tiền vào làm, đến khi được tháo băng thì đã xấu lại càng xấu hơn, tiền mất tật mang.

Chị Hoàng Thị Thuận (quận Bình Thạnh) tâm sự: “Trước đây, để được tuyển dụng vào một công ty nước ngoài, chị đã tìm đến Thẩm mỹ viện để chỉnh lại khuôn mặt cho khả ái một chút. Lần đó chị phải chi mất mấy chục triệu mới được ngoại hình như bây giờ. Tuy nhiên từ đó sức khỏe của chị không được như trước đây. Nhiều hôm chị cảm thấy cơ thể đau nhức…”

Không phải ai cũng được như chị Thuận, bạn Trịnh Thị Kim (sinh viên Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM) tâm sự: “Mình có người bạn, cái mũi hơi thấp nên tìm đến thẩm mỹ viện nhờ chỉnh lại để cho phù hợp với khuôn mặt. Có ai ngờ đâu, bạn ấy mất mấy chục triệu nhưng giờ khuôn mặt càng khó nhìn hơn.”

Đẹp phải xuất phát từ tâm mới lâu bền

Người đời cho rằng để có sắc đẹp người có hình tướng xấu phải đi thẩm mỹ viện để chỉnh sửa, tuy nhiên trong giáo lý nhà Phật, sắc đẹp là cái phước có được do một người nào đó chuyên tâm tu hành, biết sống vì người khác, làm nhiều việc thiện…

Một trích đoạn trong Đại tạng kinh Việt Nam, Trung Bộ III, kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt có viết: “Một thời, Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Jetavana, tinh xá ông Anathapindika. Có thanh niên Subha Todeyyaputta đi đến Thế Tôn, sau khi chào và hỏi thăm, liền ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn :

Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, duyên gì giữa loài người với nhau chúng tôi thấy có người xấu xí, có người đẹp đẽ.

Vậy, này Thanh niên, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói:

Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, phẫn nộ, nhiều phật ý, bị nói đến một chút thời bất bình, sân hận, chống đối và tỏ lộ bất mãn. Do nghiệp ấy, sau khi mạng chung bị sanh vào cõi dữ, ác thú. Nếu được tái sanh trong loài người, người ấy phải chịu xấu xí.

Nhưng ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, không phẫn nộ, không nhiều phật ý, dầu cho bị nói đến nhiều cũng không bất bình, không sân hận, chống đối và tỏ lộ bất mãn. Do nghiệp ấy, sau khi mạng chung được sanh vào thiện thú, thiên giới. Nếu tái sanh trong loài người, người ấy được đẹp đẽ.”


Người có tâm nhu hòa, nhẫn nhục sẽ được đẹp đẽ và kẻ có tâm sân hận ắt sẽ chịu hình tướng xấu xí (ảnh minh họa)

Qua đoạn kinh, chúng ta có thể hiểu người có tâm nhu hòa, nhẫn nhục sẽ được đẹp đẽ và kẻ có tâm sân hận ắt sẽ chịu hình tướng xấu xí.

Từ đó cho thấy, nét đẹp được tạo nên từ một tâm lý đạo đức có giá trị hơn những loại khác. Người ta có thể gây nhiều nghiệp nhân khác nhau để tạo ra quả báo xinh đẹp, nhưng nét đẹp tạo nên từ một đức tính tốt vẫn là nét đẹp chân thật. 

Làm thế nào để có được thân tướng đẹp?

Theo thầy Thích Minh Thiện (TP HCM), với người hiền lành từ ái, vẻ mặt hiện ra là đôi mắt ân cần, miệng cười vui vẻ, gương mặt bình thản nhẹ nhàng. Lâu dần, nét mặt dễ coi đó sẽ trở thành cố định ở kiếp sau.

Nếu người tạo nên nét đẹp từ nơi tâm lý đạo đức thuần thục, nét đẹp này sẽ toát ra vẻ thánh thiện, hiền lành, khả kính.

Vì thế nếu người nào thường hay mang hoa trang trí chùa chiền cho các chư Phật họ sẽ được cả hai quả báo. Một là sắc đẹp như ngàn đóa hoa kết tụ, hai là sẽ được các công hạnh như các Ngài. 


Nét đẹp nên xuất phát từ nơi tâm lý đạo đức (ảnh minh họa)

Nếu người ít có chê bai kẻ khác, thường hay khen ngợi điều tốt lành của mọi người, cũng sẽ thành tựu được quả báo có hình dáng đẹp đẽ. Họ ít chê bai ai nên không bị xấu xí để bị chê bai trở lại. Họ hay khen ngợi nên được vẻ đẹp để được khen ngợi trở lại.

Nếu người hay dùng tài năng để tô vẽ tranh tượng của các vị Thánh, làm tôn thêm vẻ khả kính của các Ngài, quả báo đẹp đẽ là điều hiển nhiên. 

Tuy nhiên đối với một số người, để cầu phước, đã đem tiền cất chùa, xây nhà thờ, tạo cảnh, đắp tượng, trang trí điện đài... Họ rất tốt với ngôi chùa, với nhà thờ, với tượng Phật nhưng không tốt với mọi người chung quanh. Quả báo trở lại là họ được diện mạo đẹp đẽ nhưng để lộ ra vài nét vị kỷ hẹp hòi.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây