“Chủ nhà chùa” trong thời hội nhập

Thứ hai - 24/09/2012 19:18
Nếu như ngôi chùa là linh hồn của Phật giáo thì sư trụ trì chính là linh hồn ngôi chùa. Ngôi chùa có mang tính nhập thế và hưng thịnh hay không là do đạo hạnh và tài năng lãnh đạo của vị trụ trì.

Phải có tầm nhìn và sự hiểu biết

Trong thời kỳ hội nhập, xã hội ngày càng có nhiều chuyển biến thì càng đòi hỏi các vị sư trụ trì các chùa, các tự viện phải thay đổi về tầm nhìn và sự hiểu biết sao cho phù hợp.

“Trước hết, người trụ trì phải nghiêm trì giới luật, giữ gìn đạo hạnh, đồng thời phải có quá trình học tập nghiêm túc, đối nhân xử thế sao cho hài hòa giữa các chúng (xuất gia, tại gia - PV)” - Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự TW GHPG Việt Nam chia sẻ.

Cũng theo HT Bảo Nghiêm thì bên cạnh đó, vị trụ trì cần tích cực trau dồi kiến thức, kỹ năng đời sống như: hiểu biết về xã hội, hiểu biết về pháp luật, chính sách của Nhà nước. Kỹ năng lãnh đạo, quản lý, tổ chức điều hành, quản lý thời gian, giải quyết vấn đề, kỹ năng thuyết trình, thuyết giảng... 


Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - trụ trì chùa Bằng A đồng thời là người lãnh đạo Phật giáo Thủ đô trong thời kỳ hội nhập.

Nhận thức được vai trò của mình trong cộng đồng và để đóng góp theo tinh thần tịnh hóa xã hội được lành mạnh. Người trụ trì cần phải có những điều chỉnh cho phù hợp như xã hội hóa, quần chúng hóa các nghi lễ, lễ hội Phật giáo. Đa dạng hóa hình thức, phương pháp, nội dung tu học Phật pháp phù hợp với các đối tượng khác nhau.

“Bên cạnh các hoạt động, sinh hoạt truyền thống của nhà chùa, vị trụ trì cũng cần tích cực tổ chức các hoạt động mang tính cộng đồng, thiết thực và gắn bó với đời sống xã hội. Đặc biệt là phải có quan hệ tốt, tranh thủ sự ủng hộ của các cấp chính quyền, đoàn thể đối với hoạt động của chùa” - HT Bảo Nghiêm nhấn mạnh.

Hiện nay, đã có nhiều vị trụ trì phát huy được vai trò của tứ chúng trong hoạt động của chùa như tổ chức hợp lý các đạo tràng, các hình thức tu học cho các đối tượng khác nhau.

Nâng cao vai trò truyền trao chính pháp

Người làm trụ trì trong thời kỳ hội nhập, ngoài công việc phục vụ tín ngưỡng thì phải có một đời sống tâm linh, để đưa chính pháp của đức Phật đi vào đời sống của con người.

Đồng thời giúp Phật tử không dừng lại ở niềm tin tín ngưỡng mà chuyển sang niềm tin có trí tuệ, hướng Phật tử dung hòa được pháp môn tu tập.

Theo Thượng tọa Thích Tấn Đạt - Ủy viên Thường trực HĐTS TƯ GHPG thì vị sư trụ trì phải làm sao để định hướng, vạch ra được một phương thức Hoằng pháp. Ngoài ra, phải có sự nhận thức sâu sắc về vai trò và nhiệm vụ của một vị trụ trì đối với hội chúng và sự tồn vong của Phật pháp.

Trong đó, vị trụ trì đóng vai trò rất quan trọng vào sứ mạng “Truyền trì mạng mạch Phật pháp” của đức Thế Tôn ở các trú xứ, cơ sở tự viện... của Giáo hội tại địa phương.

“Vị trụ trì là những người nhận lãnh sứ mạng tiếp tăng độ chúng, truyền trao giáo điển của đức Phật cho chúng hữu tình, làm sáng tỏ lời dạy của Ngài. Giúp cho tứ chúng nhận thức được đạo lý giác ngộ, giải thoát để chuyển hóa tâm thức, tạo dựng một đời sống an lạc và hạnh phúc ngay tại thế gian” - TT Tấn Đạt cho hay.

Hơn thế nữa, vị trụ trì còn là một bộ phận thừa hành Phật sự có nhiệm vụ giảng giải, đúc kết, truyền đạt những tinh hoa giáo điển của đức Phật đến các thế hệ nối tiếp. Tạo dựng mọi người có một tinh thần phấn khởi, một phong trào học Phật lớn mạnh, một sự phát tâm tu tập, một nhận thức sâu sắc trong cuộc sống và trên bước đường tiến tu đạo nghiệp.

“Từ đó chuyển hóa những tâm niệm hẹp hòi, ích kỷ lâu nay của mình, mở rộng lòng vị tha đến với mọi người. Nhờ vậy mà con người có điều kiện gần gũi nhau hơn, quan tâm đến đồng loại nhiều hơn, cuộc sống cảm thấy có ý nghĩa, an lạc và hạnh phúc hơn” - TT Tấn Đạt nhấn định.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây