Lý giải về phương pháp chữa tự kỷ bằng cách “lấy gió” của bà lang người Nùng

Thứ tư - 31/08/2016 06:20
Qua quan sát và thu thập dữ liệu một cách nghiêm túc về những trường hợp được bà lang Lục Thị Bích chữa tự kỷ, kết quả thu được khá bất ngờ.
Bà Bích lý giải về cách chữa chứng tự kỷ
Bà Bích lý giải về cách chữa chứng tự kỷ
Kỳ 1: Kỳ lạ: Bà lang Nùng chữa bệnh tự kỷ ở Hà Nội bằng bí quyết "lấy gió"

Sau khi bài báo đầu tiên phản ánh về việc bà lang Lục Thị Bích tự cho rằng có khả năng chữa hội chứng tự kỷ, tòa soạn đã nhận được rất nhiều phản hồi của độc giả.

Hàng loạt câu hỏi được đặt ra, ví như: Liệu bà Bích có thực sự đẩy lùi được chứng tự kỷ bằng phương pháp đặc biệt của mình? Liệu cách làm của bà Bích có cơ sở khoa học hay không? Để trả lời những thắc mắc này, PV đã dày công quan sát và thu thập tư liệu một cách nghiêm túc về những trường hợp đã được bà Bích chữa tự kỷ. Kết quả thu được khá bất ngờ.   

Xác suất chữa thành công tự kỷ của bà Bích là bao nhiêu?

Nằm cuối đường Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội), ngôi nhà cấp bốn của bà Lục Thị Bích đồng điệu với khung cảnh lổn nhổn và tiêu điều ở nơi tiến trình “đô thị hóa” vẫn đang diễn ra một cách gấp gáp, bộn bề. Sinh sống ở khu vực này hầu như là dân tứ chiếng, mỗi người mỗi quê.

Có người làm nghề bốc vác, có người buôn bán lặt vặt, có người cầm đồ, có cả dân anh chị. Trong khung cảnh nhộn nhạo ấy, sự xuất hiện của một bà mế người Nùng với khuôn mặt trắng tròn phúc hậu, hành nghề chữa bệnh cứu người là một điều rất khác lạ. 

Quê bà Bích ở bản Voi Xô (xã Hòa Thắng, Hữu Lũng, Lạng Sơn), một thôn bản nằm trên lưng núi với dân số 100% là người dân tộc Nùng. Từ lúc bé đến khi trở thành một thiếu nữ, bà Bích chẳng bao giờ nghĩ đến việc rời khỏi bản Voi Xô, rời khỏi những nếp nhà quanh năm vương vấn khói và sương.

Lý giải về phương pháp chữa tự kỷ bằng cách “lấy gió” của bà lang người Nùng

Hai đồng bạc được sử dụng để “lấy gió” ở phần đầu

Đấy là suy nghĩ của cô gái chưa trưởng thành. Khi đã lớn, đem trái tim trao cho một anh thanh niên người Hà Nội lên Lạng Sơn làm cầu đường, bà Bích lại suy nghĩ khác hẳn. Bà muốn về Thủ đô để thấy phố phường thẳng tắp, nhà tầng và xe hơi. Bà kết hôn với chàng trai Hà Nội, và chuyển về sống tại khu phố cổ. 

Thời cuộc chuyển dịch, bà và người chồng đầu đã ly hôn. Bà Bích lập gia đình với người chồng hiện nay (là một bệnh nhân từng được bà cứu sống). Bà chuyển về Thịnh Liệt đã hơn 10 năm và hành nghề thuốc. Bệnh nhân của bà có nhiều thành phần, song, đông đảo nhất là những cháu bé chẳng may mắc bệnh tự kỷ.

Người phụ nữ sinh năm 1961 thủng thẳng nói: “Là người phụ nữ, trông thấy các cháu bị tự kỷ, không nói được, không phát triển được, tôi rất đau lòng. Vì thế, trong những năm gần đây, tôi tập trung tìm hiểu, đúc kết kinh nghiệm và kết hợp với những kiến thức về chữa bệnh của người dân tộc Nùng để điều trị cho các cháu tự kỷ.

Nói thật, tôi không học qua trường lớp gì hết, hiểu biết của tôi về Đông y cũng chỉ ở mức làng nhàng, song, tôi được các mế ở quê truyền kinh nghiệm cho theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Đến nay, tôi đã chữa tự kỷ được hàng chục năm, và sự thật là phương pháp này có hiệu quả nhất định.

Tôi không dám khẳng định rằng có thể chữa khỏi cho 100% các cháu tự kỷ - nói như vậy là nói quá, không đúng sự thật. Bằng tất cả nỗ lực của mình và niềm yêu trẻ, tôi chỉ cố gắng làm hết khả năng để mang lại kết quả tích cực nhất, hòng giúp cho các gia đình có trẻ bị tự kỷ có thêm một tia hi vọng”.

Cơ sở lý luận lạ lùng cho cách chữa tự kỷ đặc biệt

Theo lý giải của bà Lục Thị Bích, nguyên nhân dẫn đến chứng tự kỷ ở trẻ nhỏ có thể là do khí hàn thâm nhập vào nội tạng của cháu bé, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể, đặc biệt là sự phát triển của não bộ. Bà Bích lý luận: “Khi dạy cho tôi về nghề y, các bà mế cũng nói kỹ về chứng tự kỷ của trẻ - chúng tôi gọi là chứng “trống đánh trong đầu”.

Ví dụ, có cháu chậm cắt rốn hoặc có cháu bị lạnh đột ngột, cái lạnh ăn vào phổi, rồi ảnh hưởng đến tim gan, xông lên não. Hoặc, cũng có thể do cháu bé uống kháng sinh quá sớm, dẫn đến sức đề kháng kém đi, làm khí lạnh dễ dàng thâm nhập.

Với chứng bệnh như vậy, lấy gió là phương pháp rất đúng đắn, có tác dụng giải trừ khí lạnh trong cơ thể đứa bé, giúp cháu phát triển bình thường”.

Dụng cụ để chữa tự kỷ của bà Lục Thị Bích khá đơn giản. Bà thuê thợ đánh 2 miếng bạc, kích thước bằng lòng bàn tay người lớn, bề dày chừng nửa phân. Đồng thời, bà chiết xuất nước từ một số loại rễ cây trên rừng và dùng để xoa bóp trong lúc cạo gió.

Lý giải về phương pháp chữa tự kỷ bằng cách “lấy gió” của bà lang người Nùng

Một trường hợp trẻ tự kỷ đang được bà Bích điều trị

Bà Bích giải thích: “Miếng bạc có tác dụng hút gió ở trong lục phủ ngũ tạng và nước từ rễ cây giúp quá trình hút gió nhanh hơn. Thông thường, mỗi đứa trẻ đến chữa ở chỗ tôi sẽ được lấy gió một lần/ngày. Việc lấy gió kéo dài trong khoảng 1 giờ đồng hồ và được thực hiện liên tục trong nhiều ngày.

Tháng đầu tiên, phải lấy gió hàng ngày, không nghỉ ngày nào. Tháng thứ 2 và tháng thứ 3, có thể cho bé nghỉ 2 hay 3 ngày, nhưng không được nghỉ quá lâu”.

Phóng viên đã chứng kiến bà Bích chữa tự kỷ cho một cháu bé ở Gia Lâm. Cháu bé mới 3 tuổi, tên Nguyễn Khắc T. Từ lúc 18 tháng tuổi, cháu T. đã có biểu hiện của chứng tự kỷ, cụ thể là không tập trung, không nói, thường la hét và thả người rơi tự do.

Gia đình đã đưa cháu T. đi học tại lớp dành cho trẻ đặc biệt, thậm chí cho cháu điều trị bằng phương pháp châm cứu, song không có tác dụng. Trong lần đầu tiên tìm đến nhà bà Bích, phóng viên ghi nhận cháu T. không biết nói chuyện, không nghe lời và chỉ biết biểu cảm bằng cách gào thét, khóc lóc. 

 Với sự trợ giúp của người mẹ, bà Bích giữ cháu T. nằm ngửa. Bà bôi thứ nước rễ cây vào bụng, vào mạn sườn của cháu bé, sau đó dùng tay miết vào da cháu bé. Những vết màu nâu dần dần xuất hiện ở mạn sườn, ở lưng, ở cổ cháu T. Sau đó, bà Bích tiếp tục dùng đồng bạc và lòng trắng trứng gà để “lấy gió” cho cháu T. ở phần đầu.

Toàn bộ công việc diễn ra trong khoảng một giờ đồng hồ. Kết thúc quá trình “lấy gió” lần đầu, cháu T. đã bật ra hai chữ: “Đi về” trước sự kinh ngạc của người mẹ và phóng viên. 

Lý giải về phương pháp chữa tự kỷ bằng cách “lấy gió” của bà lang người Nùng

Sau khi được “lấy gió”, trên cơ thể trẻ xuất hiện nhiều vết màu nâu

Phóng viên đã đặt câu hỏi cho bà Lục Thị Bích về xác suất thành công khi điều trị tự kỷ bằng phương pháp “lấy gió” mà bà đang áp dụng. Bà Bích thống kê: “Trong những năm qua, tôi đã điều trị trên dưới 100 trường hợp bị tự kỷ, có bệnh nhân chỉ hơn một tuổi, có bệnh nhân tầm tuổi sinh viên đại học .

Mẫu số chung đối với tình hình của họ đều là bị phong hàn ăn sâu vào tâm can, kìm kẹp não bộ. Đối với những bệnh nhân này, lấy gió là cách tốt nhất. Khi phong hàn được rút ra ngoài, não bộ sẽ dần dần được giải phóng khỏi sự ảnh hưởng xấu và từ từ phục hồi chức năng hoạt động, điều khiển khả năng ngôn ngữ, khả năng phản xạ, phát triển bình thường”.

Để chứng minh cho lời nói của mình, bà Bích cho phóng viên danh sách các trường hợp đã được bà chữa tự kỷ trong vài năm vừa qua. Phóng viên đã tiến hành kiểm chứng độc lập, lựa chọn ngẫu nhiên các bệnh nhân trong danh sách. Kết quả tương đối bất ngờ.

Các trường hợp được bà Bích chữa trị đều xác nhận là có tiến bộ, hoặc ít hoặc nhiều. Không dưới 30% bệnh nhân được khảo sát đã khỏi hoàn toàn – một tỷ lệ rất đáng nể. Trong số những bệnh nhân này, có nhiều cháu bé tưởng như không thể thoát ra khỏi chứng tự kỷ, song, hiện giờ lại vui vẻ hòa đồng như các bạn cùng trang lứa. Về những trường hợp này, phóng viên sẽ kể câu chuyện của các cháu ở kỳ tiếp theo.

Nguyên nhân của chứng tự kỷ
Kinh nghiệm của bà Lục Thị Bích cho rằng, trẻ mắc chứng tự kỷ là do “khí lạnh xâm nhập vào lục phủ ngũ tạng”. Tuy nhiên, y học hiện đại lại cho thấy 90% trẻ mắc bệnh tự kỷ là do di truyền, vì thế trong gia đình có người mắc bệnh tự kỷ thì con cháu họ sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh tự kỷ.

Một nguyên nhân khác, là trong quá trình mang thai người mẹ mắc bệnh cúm, sởi … điều này ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ, không những có nguy cơ cao khiến thai nhi bị dị dạng mà còn khiến trẻ có nguy cơ mắc căn bệnh này. Một số cuộc nghiên cứu gần đây cho biết, thai phụ bị căng thẳng, mệt mỏi, stress, u buồn… thì trẻ sinh ra dễ bị bệnh tự kỷ. Nhiều chứng minh cho thấy trẻ bị thiếu sự quan tâm của cha mẹ, hay có cảm giác cô đơn, hoặc hay nghe nhạc buồn u sầu ảo não thì dễ mắc bệnh tự kỷ.

Nguồn tin: Người giữ lửa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây