"Một xác nhiều hồn" - Căn bệnh kỳ lạ

Thứ tư - 12/05/2010 20:37
Khi điều trị cho Marnie, 33 tuổi, bị trầm uất nặng, các chuyên gia tại bệnh viện Massachusetts General (Boston, Mỹ) chứng kiến sự xuất hiện của những "linh hồn" lạ hoắc cùng cư trú trong thể xác cô.

Bản thân bác sĩ tâm lý trị liệu Don Condie thậm chí không thể tin vào mắt mình. Ông đã tiếp xúc với một trong những nhân vật lạ "sống" trong thể xác của Marnie. Sau cái chết của mẹ, càng nằm viện lâu, Marnie càng khiến cho bác sĩ Condie hoang mang.

Thay cho một phụ nữ khổ hạnh thường nhật, ông đã "gặp" một người tràn đầy khí thế lạc quan. Người đàn bà tự giới thiệu: "Tôi là Millie". Nhìn thấy sự ngỡ ngàng của bác sĩ, người phụ nữ giải thích: "Marnie không hề biết sự tồn tại của tôi". Đó là người phụ nữ hoàn toàn xa lạ, có cá tính khác hẳn cô Marnie mà bác sĩ Condie vẫn gặp.

Chỉ riêng tại nước Mỹ, tối thiểu cũng có 250.000 người là nạn nhân của hội chứng “một xác nhiều hồn” dị thường như thế. Cách đây không lâu, các bác sĩ tâm lý trị liệu và các nhà sinh học thần kinh vẫn chưa có phương tiện kỹ thuật thích hợp để xác định điều gì thực sự diễn ra trong não bộ những nạn nhân của hội chứng này.

Vĩnh biệt ký ức hôm qua

Một trong những trường hợp đầu tiên mắc hội chứng "một xác nhiều hồn" được ghi vào y văn thế giới là nhà thuyết giáo Anselm Bourne. Năm 1887, ông bước vào nhà băng ở Providence, rút từ tài khoản của mình 551 USD, thanh toán một số hóa đơn, leo lên xe ngựa và biến mất không để lại bất cứ dấu vết nào.

Thời gian ngắn sau đó, tại Noriston ở Pensylvan xuất hiện một công dân tự xưng là A.Brown, mở cửa hàng bán hoa quả. Vài ba tháng sau, một hôm ông Brown đột ngột thức dậy vào lúc nửa đêm, hô hoán hàng xóm láng giềng và tuyên bố xanh rờn: "Tôi là nhà thuyết giáo Anselm Bourne" và hoảng hồn không biết bản thân "đang làm gì trong thành phố và cái giường hoàn toàn xa lạ này".

Hội chứng “một xác nhiều hồn” hay còn gọi là bệnh đa nhân cách là một dạng rối loạn tâm lý. Nạn nhân có hai hoặc nhiều nhân cách hơn kiểm soát hành vi của mình. Những nhân cách khác nhau này tự lộ diện một cách bột phát và hoạt động không phụ thuộc vào những hiện thân đang tồn tại. Trong tình huống như thế, trí nhớ được phân chia ra nhiều phần mà mỗi phần chỉ mở cửa cho một nhân cách. 

Bệnh thường là hậu quả của sự chấn thương tâm lý trong quá khứ, tai nạn mà nạn nhân chỉ có thể tự giải phóng thông qua cuộc trốn chạy vào "linh hồn" khác. Chính vì thế, sự lãng quên, tức tự tách ra khỏi những ký ức chấn thương do gây ra, là thành phần chính trong quá trình tạo ra nhân cách khác.

Giáo sư Aleksander Araszkievicz, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ba Lan, kể lại: "Thời tôi còn công tác ở Học viện quân y, tôi đọc mẩu tin viết rằng, tại khu rừng ở ngoại ô thành phố Uadzi, người ta tìm thấy chàng trai ôm con gấu bông và đã đưa vào bệnh viện tâm thần. Tôi đáp xe tới địa chỉ đó.

Chàng trai 19 tuổi không biết mình là ai, tại sao lại có mặt tại bệnh viện. Thoạt đầu trong hồ sơ bệnh án của anh ta chỉ có hai chữ NN, tức không rõ lai lịch. Trên người anh ta có bộ đồ lót nhà binh đánh dấu số hiệu đơn vị. Lần theo những dấu hiệu đó, mọi người được biết, anh ta chính là kẻ đang bị quân Pháp truy tìm, bởi đã mất tích sau khi được phép về nhà cưới vợ.

Thực tế, đến khi nhập viện, anh ta không hề nhận ra cả mẹ cũng như cô vợ mới cưới của mình. Mãi đến khi tôi đưa anh ta vào trạng thái gọi là gây mê tâm lý trung gian giữa ngủ và mơ, khi một số rào cản tâm lý ngừng hoạt động, anh ta mới nhớ lại rằng, khi trở về đơn vị sau ngày cưới vợ, lúc bước lên tàu, anh mới phát hiện còn thiếu chiếc thắt lưng nhà binh. Anh nhảy xuống sân ga với ý định lấy lại nó ở nhà một người bạn.

Kể đến đây thì bệnh nhân quên hết những gì xảy ra tiếp theo. Có nhiều khả năng là tại đó, anh đã bị bạn bè chuốc rượu say và bị lạm dụng tình dục. Có thể sau sự kiện hãi hùng với những người bạn xấu, một cách hoàn toàn vô thức, anh lính đã cắt đứt mọi mối liên hệ với quá khứ, hóa thân thành con người hoàn toàn xa lạ".

"Người nhập hồn" kêu cứu

Đa số các trường hợp rối loạn nhân cách là hậu quả của việc bị đối xử tàn nhẫn từ tuổi ấu thơ, thời điểm não bộ vẫn chưa hoàn thiện. Một số trẻ em từng trải qua những hoàn cảnh kinh hoàng đến mức việc chúng còn sống khiến các chuyên gia ngạc nhiên hơn cả sự thật chúng đã "hóa thân" thành con người hoàn toàn xa lạ. 

Giáo sư Daniel Dennet, nhà triết học và tâm lý học Mỹ chuyên nghiên cứu về ý thức, khẳng định: Sau một thời gian nhất định, những ký ức từ sự kiện kinh hoàng sẽ bị xóa sạch trong bộ nhớ của nhân vật mới. Bằng cách đó, một nữ bệnh nhân của giáo sư  Araszkievicz đã cắt bỏ quá khứ đau buồn của mình.

Bị chồng đánh đập và hành hạ tàn nhẫn, người đàn bà đã bị câm và quên hết tất cả những gì liên quan đến tấn thảm kịch (kể cả cuộc hôn nhân cũng như ông chồng tàn bạo). Trái lại, chị vẫn tỉnh táo trong nhiều lĩnh vực khác, vẫn còn kiến thức địa lý sâu rộng và lối nói văn hoa ngay khi hết câm.

Cũng như nhiều phụ nữ đa nhân cách khác, chị cũng từng bị lạm dụng tình dục ở tuổi ấu thơ. Trốn khỏi địa ngục gia đình, người đàn bà xấu số lại rơi vào địa ngục khác. 

Những ốc đảo ý thức

Millie, một "linh hồn" cư trú trong bệnh nhân Marine, nhân vật đã nhắc tới ở đầu bài, đã kể cho bác sĩ nghe về quá khứ kinh hoàng của "con người thứ hai trong tôi", tức Marnie. Đây là cô thiếu nữ từng bị bà mẹ nát rượu đánh đập, hành hạ và lạm dụng tình dục.

Các nghiên cứu của bác sĩ Don Condie và nhà sinh học thần kinh Guochuan Tsai đối với trường hợp Millie "nhập vào thể xác" của Marnie cho thấy, vùng hải mã trong não của Marnie (bộ phận đảm nhận chức năng thu thập và tái hiện ký ức) chỉ nhỏ bằng một nửa bình thường. Biến dạng khủng khiếp như thế trong não thường xuất hiện ở những người có tình trạng stress kéo dài và khốc liệt.

Các nhà khoa học ở Đại học Yale (Mỹ) cũng khẳng định, những binh lính mắc hội chứng stress sau chấn thương thần kinh do tham gia một số hoạt động đặc biệt nguy hiểm cũng có vùng hải mã bị teo đáng kể.

Condie và Tsai đã ghi hình hoạt động não bộ của Marnie trong 90 phút. Trong thời gian đó, bệnh nhân "hóa thân" thành nhân vật thứ ba có tên là Gauardiana và sau đó lại trở về là Millie. Quá trình thay đổi nhân vật diễn ra không quá 30 giây.

Theo mô tả đăng trên tuần báo New Scientist của nhà sinh lý học thần kinh Rita Carter, những dao động lớn nhất trong thời gian "hóa thân" từ nhân vật này sang nhân vật khác diễn ra chính ở vùng hải mã. Khi Gauardiana "hóa thân" vào Marnie, hoạt động của vùng hải mã gần như ngưng lại và chỉ hồi tỉnh khi Marnie trở về.

Từ hiện tượng thay đổi trong vùng hải mã, có thể suy ra, "cái tôi" yếu ớt dễ bị cất vào kho lưu trữ trí nhớ nhỏ hơn so với cái tôi mạnh mẽ, và "linh hồn" này không thể khơi dậy những ý thức của "linh hồn" kia.

Một số nhà sinh học thần kinh khẳng định, dòng ý thức liên tục là "sáng chế" muộn hơn của quá trình tiến hóa. Trong những tình huống bi kịch, não bộ trở về cách ứng xử cổ xưa, tạo ra những "hòn đảo ý thức" tách biệt. Và thế là "những nhân vật lạ hoắc" có cơ hội "đầu thai" vào con người đã đánh mất mình. Đó là thời điểm nạn nhân bỗng nhiên "hóa thân" thành kẻ hoàn toàn xa lạ.

Nguồn tin: Sức Khỏe & Đời Sống

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây