Nếu hiểu như thế chứng tỏ vị “ngoại cảm” đó chẳng biết gì về giới âm, cũng có nghĩa khả năng “giao tiếp” với linh hồn là sự bịa đặt. Nên nhớ linh hồn chỉ liên thông với thế giới trần tục bằng một “kênh” duy nhất – đó là ý nghĩ...!"
4/ Linh hồn không thể làm gì ở thế giới trần tục
Sau những đám ma, nếu người nhà còn mơ thấy người chết, chứng tỏ khả năng pháp thuật của thầy Tào chưa cao. Hoặc, khi thực hiện các nghi lễ đã mắc những sai sót nào đó. Và việc người nhà thường nằm mơ thấy người đã chết hiện về là một điều không tốt.
Ông tôi vẫn nói, nếu người nhà còn mơ gặp người đã chết, cũng có nghĩa linh hồn
ấy chưa thực sự siêu thoát. Nhưng cũng không hẳn những giấc mơ kia đều do linh
hồn của người thân ám ảnh. Điều này phần nhiều phụ thuộc vào người còn sống. Tất
nhiên, trong giấc mơ, mọi “thông tin” mà người còn sống nhận được đều không rõ
ràng, thậm chí rất vô lý… Nhưng thế nào đi nữa, việc thường xuyên mơ thấy người
mới chết chẳng tốt lành gì, đặc biệt với người đang sống.Và việc cắt mộng cho họ
vừa đơn giản, vừa phức tạp.
Thông thường những người đến xin cắt mộng đều được
chấp nhận sau khi đã kể tất cả những giấc mơ thường thấy cho ông tôi nghe. Cũng
có trường hợp, sau khi kể lại sự mộng mị của mình, ông tôi bảo cứ về sống bình
thường rồi mọi chuyện sẽ kết thúc. Với những trường hợp cần cắt mộng, ông tôi lập
một bàn cúng, bảo người cần cắt mộng đọc theo những lời ông nói. Tiếp sau, họ cần
ngồi xếp tròn (thiền) khá lâu, để ông tôi nói gì đó bên cạnh. Hết bài cúng người
đó được mời lại ăn cơm và đêm đó ngủ lại nhà của tôi.
Trước khi đi ngủ, họ được uống một bát nước bùa do ông tôi pha chế. Tất cả những người đến xin cắt mộng, hôm sau đều vui vẻ ra về, họ đều nói đêm qua ngủ rất ngon và chẳng mộng mị gì. Cũng từ đó tinh thần họ rất tốt, mọi ám ảnh, u sầu đều biến mất.
Theo ông tôi, giấc mộng của một người còn sống giống như một cái hồ nước. Ở đó những linh hồn có thể bơi vào và nhắn những “thông tin” cần thiết với hy vọng chuyển tải nó đến thế giới trần tục. Bởi khi ta ngủ say, cái “vách ngăn” âm dương thường không được kiểm soát, tùy thuộc vào độ mỏng dày của từng người. Nếu vách ngăn ấy quá mỏng, hoặc mở toang, sẽ rất nhiều linh hồn đi vào để “nhắn” thông tin thông qua ngôn ngữ, hay hình ảnh mà ta thường mơ thấy.
Đó cũng là mấu chốt của việc những giấc mộng thường không rõ ràng, lộn xộn, đôi
khi vô lý. Vì ông tôi cho rằng, chưa hẳn những “thông tin” trong giấc mơ đó là
của người thân mình ở thế giới linh hồn. Rất có thể những thông tin ấy là của
các âm hồn khác.
Đó là những âm hồn còn quá nặng nề với trần tục, họ luôn luôn muốn quay trở lại trần gian, hoặc chưa bao giờ tin mình đã chết. Cũng có thể họ muốn mượn người đang còn sống làm giúp những việc ở trần gian (chẳng hạn như những oan hồn). Điều này chẳng lợi cho ai, cả người còn sống lẫn linh hồn. Người sống sẽ hoang mang lo sợ, còn linh hồn cũng chẳng bao giờ thực hiện được điều mong muốn.
Vì thế, cắt mộng cũng đồng nghĩa với việc kiểm soát được “vách ngăn” âm dương của
người còn sống. Để kiểm soát được nó, cách tốt nhất ông tôi vẫn thường làm: tạo
cho họ một độ vững cần thiết của thần kinh. Ở đây không có gì thần bí, cũng chẳng
dùng đến phép thuật cao cường nào.
Bài thần chú, ông tôi vẫn đọc cho người cần cắt mộng nghe thường là một bài hát bằng tiếng Tày cổ, có âm điệu du dương như ru người ta ngủ. Sau đó, cho họ uống bát nước bùa, thực chất là một loại thảo dược có tác dụng làm dịu thần kinh, kéo độ sâu của giấc ngủ xuống mức độ cần thiết. Nếu ai đó vì quá căng thẳng vẫn bị mộng mị thì uống nhiều lần trước khi đi ngủ, chỉ một thời gian sẽ chẳng còn mộng mị nữa.
Có lần tôi hỏi rằng, nếu linh hồn có thể đi vào giấc mơ của mình, thì tại sao
không để cho linh hồn đi vào, biết đâu họ sẽ nói được với người còn sống những
điều oan uổng mà khi còn sống họ phải gánh chịu? Ông tôi bảo, điều này là tối kị!
Âm dương không thể lẫn lộn. Điều quan trọng với các linh hồn là đi đúng đường,
tới nơi cần tới, hay vẫn gọi là về với tổ tiên. Ngoài ra họ không cần thiết phải
làm gì, cũng như một đứa trẻ, cần ăn uống cho tốt, học hành cho tốt vì đích đến
là làm một con người tử tế và có ích.
Thông thường oan hồn vẫn được hiểu là linh hồn bị phát tán, bay vật vờ trong giới âm, họ đau đớn, tuyệt vọng, xót thương… chẳng khác nào đứa bé còi cọc, yếu về thể chất, kém về tinh thần sẽ khó trở thành người có ích. Vì thế cách tốt nhất vẫn là khuyên nhủ họ, cầu khấn cho họ - thực sự xót thương họ - cầu cho họ yên nghỉ…
Chỉ có những ý nghĩ chân thành, yêu thương ấy mới đủ sức mạnh xuyên qua “vách ngăn” tới được linh hồn, gom linh hồn lại, làm nhẹ mọi luyến ái, đưa họ bay lên tầng cao hơn, về với nơi cần về! Việc mở “vách ngăn” ấy để cho họ đi vào giấc ngủ của mình chẳng khác nào làm cho họ ngày càng nặng nề hơn, đau đớn, chẳng bao giờ đi đúng hướng (siêu thoát).
Ông tôi còn khẳng định: chỉ có người sống mới làm yên lòng linh hồn (người đã
chết), còn linh hồn hay giới âm hoàn toàn không thể làm gì cho người sống. Còn
những câu chuyện đại loại như linh hồn báo mộng để người còn sống tìm được một
kho vàng nào đó thì không bao giờ có thật. Những câu chuyện đại loại như thế, đều
xuất phát từ tham vọng thô thiển của người còn sống. Nếu những linh hồn ấy có
biết nơi cất giấu của cải, họ cũng không bao giờ chỉ cho người còn sống.
Vì họ tồn tại như ý nghĩ - cái ý nghĩ ấy không bao giờ muốn của cải bị chiếm đoạt bởi người khác, đơn giản vì bản thân linh hồn ấy đã bao giờ tin mình chết đâu! Còn với những linh hồn đã đi đúng hướng, mọi vật chất ở thế giới trần tục không còn quan trọng với họ nữa, điều họ cần ở người còn sống là những ý nghĩ chân thành dành cho họ, chỉ với sức mạnh của lòng từ tâm mới có ích cho họ ở thế giới xa xôi kia.
Nếu chiểu theo những quan điểm của ông tôi, mới thấy những linh hồn khác xa với suy nghĩ bình thường của chúng ta. Việc hy vọng vào sự phù trợ của những linh hồn, hay thần thánh ở cuộc sống trần tục sẽ chẳng bao giờ xảy ra. Sự hy vọng này chỉ xuất phát từ dục vọng của người đời.
Mục đích tối thượng của thầy Tào: cho linh hồn yên nghỉ bằng suy nghĩ chân thành. Nếu linh hồn ấy vẫn vật vờ “bay” vào giấc mơ của chúng ta cũng có nghĩa linh hồn ấy chưa tin mình đã chết, họ vẫn tưởng tượng rằng họ là con người, sống ngay cạnh chúng ta, họ vẫn ăn vẫn uống, vẫn làm việc (dù chỉ là lầm tưởng)… và như vậy họ sẽ không thể làm gì cho người sống, nếu có muốn cũng không thể vì khi đó họ chỉ tồn tại như ý nghĩ và ở một thế giới hoàn toàn khác biệt với thế giới trần tục này.
5/ Qua thời gian, thân xác không hoàn toàn quan trọng với linh hồn
Gần đây nhiều nhà ngoại cảm xuất hiện. Họ không trải qua bất cứ hình thức luyện
tập nào để khai mở nhãn thần. Có chăng chỉ là những chuyện mang tính huyền bí.
Chẳng hạn như bị tai nạn, rồi thoát chết - tự nhiên nhìn thấy thế giới linh hồn.
Việc gọi hồn người chết, được hiểu họ có thể “đối thoại” với một linh hồn nào
đó, đặc biệt với những linh hồn liệt sỹ, để chỉ ra những bộ hài cốt của mình bị
thất lạc đâu đó trong trần gian.
Khả năng đó ngoài tính huyền bí và vô lý còn mang tính vụ lợi - cái tính vụ lợi ở đây thể hiện rất rõ trong hành động có xu hướng chiếm đoạt vật chất. Còn với linh hồn, cái đích cuối cùng và ở nền văn hóa nào cũng chỉ mong họ được yên nghỉ, được đi đến nơi họ cần đến. Ngoài điều đó linh hồn chẳng cần thiết đem theo cái gì để đến thế giới của họ.
Việc tìm lại những bộ hài cốt, được hiểu đó là những gì còn lại của thân xác
cũng rất quan trọng, nhưng không quyết định sự siêu thoát của linh hồn. Hiểu một
cách khác, đó là những vật chất còn lại ở trần gian của linh hồn.
Theo quan điểm
của thầy Tào, nếu một linh hồn có mồ mả hẳn hoi, sẽ có một phần linh hồn như đã
nói được gọi là “Hén Mo”(trông mộ), phần linh hồn này có nhiệm vụ trông coi
ngôi mộ và liên lạc với người thân thông qua những giấc mơ. Nhưng đó chỉ có ích
khi linh hồn mới lìa khỏi thân xác.
Theo thời gian cái “vách ngăn” của người còn sống đã ổn định, cũng đồng nghĩa với
việc liên lạc ấy không còn, hoặc rất ít. Thực tế chỉ ra rằng, chúng ta sẽ hiếm
hoi mơ thấy cha mẹ, hoặc ông bà khi những người ấy mất khá lâu.
Cái bộ hài cốt
(thân xác còn lại) nằm ở ngôi mộ là nơi để chúng ta dễ nhớ đến họ, vào những dịp
tết lễ chúng ta đến đó thắp hương, cầu khấn, chính khi đó nếu thật thành tâm, hội
tụ đủ sức mạnh, ý nghĩ sẽ xuyên qua “vách ngăn” để linh hồn ở giới âm nhận được.
Và càng nhiều ý nghĩ chân thành thì linh hồn càng nhẹ nhõm, bay lượn ở tầng cao
của thế giới vĩnh hằng ấy.
Ở chừng mực nào đó, có thể hiểu ngôi mộ (chứa hài cốt) là nơi để ý nghĩ (sự thành tâm) xuất phát đi xuyên qua “vách ngăn” tới được linh hồn. Ngoài ra không còn ý nghĩa quan trọng nào khác.
Nhưng, ý nghĩ của chúng ta, có thể xuất phát bất cứ lúc nào, ở mọi hoàn cảnh đều
có thể nghĩ đến người thân đã mất. Vì thế việc có bộ hài cốt, hay ngôi mộ không
quyết định đến sự siêu thoát của linh hồn.
Nó chỉ mang nhiều ý nghĩa với người còn sống. Chỉ vì người còn sống vẫn quan niệm: thân xác ở đâu, linh hồn ở đó. Nên họ mong muốn tìm được thân xác người thân, chôn cất cẩn thận và thờ cúng để linh hồn được yên nghỉ. Điều này không sai, nhưng hoàn toàn không quan trọng và cần thiết.
Với những trường hợp chết không biết thân xác ở đâu, ông tôi vẫn làm ma cho họ
một cách bình thường. Và bao giờ cũng làm cho họ một ngôi mộ giả. Ở đó chỉ cần
chôn theo một di ảnh, hay một đồ vật nào đó của người chết.
Bởi khi làm ma, những phương pháp của thầy Tào đã gom đủ linh hồn, đưa vào bài vị, dẫn đi đúng đường, đến nơi cần đến. Thế nên ngôi mộ giả ấy chỉ mang tính chất tượng trưng, và sau này nếu tìm thấy thấy hài cốt (thân xác) có thể chôn xuống chính ngôi mộ ấy, chẳng ảnh hưởng đến linh hồn ở giới âm.
Không nên hiểu linh hồn cũng như con người. Có thể thân xác của người chết ở tận đâu đó rất xa, nhưng linh hồn họ khi ấy tồn tại như ý nghĩ, vì vậy không gian, thời gian chẳng còn ý nghĩa gì. Thân xác có thể ở tận nước ngoài, nhưng chỉ cần ta nghĩ đến họ, lập tức họ ở ngay cạnh ta vì họ là ý nghĩ.
Chỉ tiếc, thời nay có quá nhiều “thầy” không biết khả năng khai mở nhãn thần đến đâu, nhưng họ rất biết lợi dụng vào tâm lý của người còn sống để khoa trương thanh thế và trục lợi. Cũng có trường hợp, luyện tập chưa xong, hiểu biết còn ít đã nhảy ra làm thầy nên làm sai lệch những quy luật của âm dương.
Có vị “ngoại cảm” đã khăng khăng miêu tả rằng, nhìn thấy linh hồn và trò chuyện
được với họ. Và theo như vị đó miêu tả, linh hồn đó mờ ảo có hình như con người,
thậm chí còn miêu tả dung mạo của linh hồn ấy.
Điều này chứng tỏ, sức tưởng tượng của vị “ngoại cảm” rất nghèo nàn. Thế giới linh hồn không có hình thù nào cụ thể, đó là ý nghĩ: không hình, không màu, không mùi vị, không âm thanh, không vật chất… chỉ có ý nghĩ, rất trừu tượng, rất mơ hồ ngoài sức tưởng tượng của con người. Sự quả quyết của vị “ngoại cảm” ấy, chẳng qua chỉ liên tưởng từ thế giới trần tục rồi áp đặt vào giới âm. Như thế thật thô thiển và lộ rõ sự lòe bịp.
Hơn nữa, khi bước vào giới âm, có vô vàn linh hồn, ở nhiều tầng khác nhau, làm
sao có thể nhận ra một linh hồn cụ thể nếu như chỉ dựa vào tên tuổi, quê quán,
hay một số di vật mà người còn sống đưa cho.
Ở đây cũng thấy rõ họ “bắt chước” thế giới trần trục, theo kiểu tra hồ sơ. Đừng ngây thơ nghĩ rằng, nhắm mắt rồi đọc tên tuổi của họ thì họ sẽ hiện ra, hoặc đưa những di vật (quần áo, đồ đạc...) của linh hồn khi còn sống thì họ cũng hiện về. Nếu hiểu như thế chứng tỏ vị “ngoại cảm” đó chẳng biết gì về giới âm, cũng có nghĩa khả năng “giao tiếp” với linh hồn là sự bịa đặt. Nên nhớ linh hồn chỉ liên thông với thế giới trần tục bằng một “kênh” duy nhất – đó là ý nghĩ!
Những “thầy” kiểu ấy không chỉ riêng thời nay mới có, từ rất xa xưa vẫn cứ tồn
tại những vị như vậy. Ông tôi bảo, thầy Tào cũng có nhiều trường phái, mỗi trường
phái đều có cách thức riêng của mình để hiểu biết về linh hồn. Nhưng cái quan
trọng bậc nhất vẫn phải đưa được linh hồn về nơi cần đến.
Còn tất cả những ai không đi theo quan niệm này đều là tà giáo. Để phân biệt tà giáo hay chính giáo trong thế giới tinh thần con người rất khó khăn. Chỉ có điều, cho đến một ngày tất cả chúng ta đều trở thành linh hồn (chết đi), chỉ khi đó mới thực sự biết cái gì đang đợi linh hồn của mình.
6/ Lời kết: Hãy chân thành, trong sáng để bay lượn ở tầng cao nhất của thế giới linh hồn.
…Và khi còn sống nếu ý nghĩ của chúng ta chân thành, trong sáng, hành động của
chúng ta cao đẹp cũng có nghĩa linh hồn chúng ta sẽ nhẹ nhõm, dễ dàng siêu
thoát. Còn ai đó xấu xa trong ý nghĩ, nặng nề với dục vọng, nhiều hành động sai
trái, tất nhiên linh hồn nặng nề nằm ở tầng thấp nhất của giới âm. Và khi đó sự
đau đớn sẽ đến, cái tầng thấp nhất ấy nằm rất gần với thế giới vật chất phàm tục
của con người. Ông tôi - một thầy Tào - bảo thế!
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự