Loạn thuốc sinh lý
Năm nào cũng vậy cứ vào dịp sau Tết tại lễ hội lớn như Yên Tử có không ít người
dân địa phương đi kiếm đủ loại cây cỏ ít nhiều có tác dụng chữa bệnh, rồi thổi
phồng lên thành “thần dược” để lừa bán cho du khách hành hương nhẹ dạ, cả tin.
Ngay từ sớm ở chân núi dọc đường đi đã có đến cả chục sạp thuốc
Chỉ tay vào đống củ như củ lạc chưa bóc vỏ, một chủ sạp lại thao thao bất tuyệt:
“Nó mọc trên đỉnh núi, ăn sương đêm, uống khí trời, phải đi mất một tuần mới
tìm thấy. Loại cây này vô cùng công dụng có thể chữa đau lưng, mỏi khớp, tê thấp,
các bệnh về xương, với giá 300.000 đồng một túi 3 lạng, mang về ngâm với rượu”.
Vừa lễ xong ở chùa Đồng, anh Hùng (Vĩnh Phúc) đã hăm hở đi nhanh xuống núi tìm
thần dược. Không phải mất công, anh nhanh chóng gặp được người đứng bán thuốc
trên đường xuống chùa Hoa Yên.
Thấy ngoài mình ra, còn có khá nhiều người vây xung quanh tìm hiểu vị thuốc,
nên anh Hùng càng tin, vội vàng hỏi kỹ tác dụng của từng loại, cách thức chế biến
và bỏ ra 400.000đ mua 1kg hoa bách thảo và 300.000đ mua 1kg củ thiên mã.
Hệ thống cò mồi ở đây cũng đông như mắc cửi. Khi thấy có khách, họ giả vừa
tranh nhau mua không sợ hết làm cho khách thấy vậy cũng nhanh chóng mua. Với
dáng vẻ lịch sự, giọng nói nhỏ nhẹ, họ trò chuyện với nhau rất thoải mái, thân
tình, bề ngoài không có ý gì, song thực chất là cố để những người bên cạnh nghe
rõ.
Thực hư "thần dược"
Mua hết hơn 2 triệu tiền thuốc nhưng khi hỏi công dụng của nó thế nào, anh Phạm
Thành Hưng (Hưng Yên) cho biết: “Thấy họ quảng cáo vậy nên đông khách mua lắm,
tôi cũng phải mua lấy một ít đặc sản núi rừng Yên Tử này về ngâm rượu uống xem
bà xã tôi có khen không chứ có biết thuốc này có tác dụng gì đâu”.
Mọi người nhìn anh rồi bảo anh bị lừa, anh Hùng chưa thật tin. Chỉ đến khi thấy
bảng nhắc nhở của ban quản lý lễ hội anh mới ngã ngửa. Hóa ra mấy loại “thần dược”
anh kỳ công mang từ trên núi xuống chỉ là các thứ rễ cây linh tinh không có tác
dụng gì. Không còn cách nào khác, anh đành ngậm ngùi vứt những gói thuốc đó đi
kẻo về nhà uống lại mang bệnh vào người.
Cụ Nguyễn Thị Hoành, người có 20 năm ngồi bán nước tại bãi đỗ xe của khu di
tích Yên Tử, cho biết: “Ở Yên Tử chỉ có 3 thứ là dứa gai, măng trúc và rượu mơ
được coi là đặc sản, còn những thứ thuốc linh tinh trên núi tuy không độc hại
nhưng chẳng có tác dụng chữa bệnh. Thần dược gì mà tràn lan thế!”.
Anh Quang, lái xe khách du lịch tuyến Hà Nội – Quảng Ninh cho biết: “Nhiều người
bị lừa lắm, những loại thuốc này thật giả rất khó biết, có tác dụng ra sao thì
càng khó vì mang về ngâm rượu vài tháng sau mới được uống. Uống vào chắc là
không chết người nhưng cũng chẳng có tác dụng gì”.
Trao đổi vấn đề này với PV, đại diện Ban quản lý khu di tích Yên Tử cho biết:
“Phần lớn đó là những cây lá dễ kiếm, rẻ tiền và lành tính. Chúng tôi đã xử lý
nhiều lần nhưng vì lời rất lớn nên họ không từ bỏ. Những người bán đều là người
địa phương và họ không bày bán tràn lan như trước nữa. Hễ thấy cơ quan chức
năng, họ lại xách đi. Chúng tôi đã lắp những biển thông báo dọc tuyến đường cảnh
báo khách hành hương và thường xuyên đọc trên loa phát thanh để khách về Yên Tử
không mắc lừa”.
Mùa lễ hội Yên Tử vẫn còn dài, hơn ai hết những khách hành hương về lễ hội cần
tỉnh táo trước những trò lừa bịp này để khỏi tiền mất tật mang.
Nguồn tin: Phụ nữ Việt Nam
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự