Họ cho rằng, linh hồn của con người tồn tại như ý
nghĩ. Nếu ý nghĩ của bạn chân thành, trong sáng… khi chết đi, linh hồn bạn sẽ rực
rỡ ánh hào quan, bay lượn ở tầng cao nhất của thế giới thần linh. Còn khi sống
bạn có ý nghĩ xấu xa, cũng có nghĩa linh hồn bạn nặng nề, đen tối và bị chìm xuống
tầng thấp nhất của thế giới linh hồn. Và cái thế giới tối tăm đó rất gần với thế
giới vật chất của con người vì thế nó luôn đau đớn...
Ông nội tôi là thầy Tào nên từ bé tôi đã quen với cảnh
cúng bái, bùa chú, làm phép… Và trong bản mệnh tôi cũng có duyên với cái nghề đặc
biệt ấy, thế nên tôi thường được đi theo ông mình trong những buổi hành lễ. Nhiệm
vụ của tôi rất đơn giản: gõ não bạt. Đó là hai lá đồng có hình như cái đĩa,
chúng phát ra tiếng kêu khá dày và ngân dài theo từng nhát gõ. Ngày đó tôi mới
chỉ là đứa trẻ nên chưa hiểu lắm về nghề thầy Tào. Tôi chỉ thấy ông tôi được người
trong vùng kính trọng, họ luôn cúi chào mỗi khi nhìn thấy ông tôi.
Hằng đêm, tôi thường được ngủ với ông và nghe những
bài giảng về pháp thuật của thầy Tào. Đó là những câu chuyện liên quan đến linh
hồn người chết. Ông tôi bảo, muốn trở thành thầy Tào cần học khoảng 12 năm, đọc
thuộc mười vạn bài cúng, viết được mười vạn lá bùa… Nói chung rất trường kỳ chỉ
có những người kiên nhẫn và có duyên mới theo được. Trong họ Hoàng nhà mình, nếu
tính tướng số, chỉ cháu có duyên với nghề này - ông tôi bảo thế.
Có lần tôi hỏi con ma là cái gì? Ông tôi cười rồi nói,
con ma là linh hồn của vạn vật khi chết đi. Vạn vật trên thế giới này đều có linh
hồn, khi chết đi linh hồn ấy được gọi là con ma. Và trong vạn vật ấy, linh hồn
con người là quan trọng nhất, cũng phức tạp nhất, vì thế mới sinh ra thầy Tào.
Hồi đó, tôi chưa hiểu những câu nói đầy ý tứ sâu xa của ông tôi. Nhưng bây giờ
tôi thấy những lời của ông mình thật có lý.
Quả đúng thế, linh hồn của một cái
cây sẽ rất hiền từ như chính cái cây kia vậy, nó vẫn sẽ rì rào tỏa bóng mát, nở
những bông hoa thơm ngát, hát những khúc ca riêng của nó, vẻ đẹp của nó làm sao
loài người có được? Nó đẹp và đơn giản như chính bản thân nó mà thôi! Con ma
người – linh hồn người có cái gì liên quan đến nhau? Và tại sao phải xuất hiện thầy
Tào chỉ vì sự phức tạp của con người? Tất cả những câu hỏi đó phải cho đến bây
giờ tôi mới lờ mờ nhận ra.
Nói cách khác, nếu trên thế giới này không có con
người, cũng có nghĩa không còn sự phức tạp và đương nhiên chẳng cần thầy Tào
làm gì. Còn trước kia, khi theo ông nội đi hành lễ cho người chết, tôi chỉ nhận
được những bài giảng đơn giản của thầy mình.
Ông tôi giảng, khi người mới chết, linh hồn chưa dám
thoát ra, nó vẫn chưa tin thân xác đã chết, nó nằm im trong lồng ngực và thỉnh
thoảng thử bay ra ngoài. Nhưng bên ngoài – cái thế giới của riêng nó thật hãi
hùng.
Ở đó đã có vô vàn những linh hồn khác đang rình rập. Những linh hồn đó luôn
sẵn sàng lao vào cái thân xác mới chết kia để trở lại trần gian. Tất cả những
linh hồn xấu xa đều muốn quay lại trần gian vì sự tiếc nuối cuộc sống trần tục,
hoặc còn nhiều việc mà chúng chưa làm xong. Hơn nữa chúng bị đày xuống tầng thấp
nhất của thế giới linh hồn, vì thế nặng nề và đau đớn.
Và nhiệm vụ của thầy Tào là đưa những linh hồn yếu ớt ấy rời khỏi thân xác, đến
một nơi an toàn. Để làm được việc đó cần có hai nhãn thần nhìn rõ thế giới linh
hồn, hát chính xác những bài ca bùa chú… chỉ khi ấy mới đủ sức đưa linh hồn đi
đúng hướng, nếu không linh hồn kia sẽ không có cơ hội đầu thai. Khi tôi tò mò
muốn nhìn thấy linh hồn có hình thù như thế nào? Ông tôi cười rồi nói: “…
Cứ học
đi, đến bao giờ khai mở được nhãn thần sẽ thấy. Linh hồn không có hình thù cụ
thể, nó chỉ lờ mờ như một làn khói, nó như ý nghĩ của con người vậy, nghĩ thế nào
sẽ có hình thế nấy…”. Rồi ông tôi kết luận, đại loại cũng như đứa trẻ mới sinh
ra, cần một bà đỡ, nếu không sẽ rất nguy hiểm.
Những bài học kiểu thế diễn ra
hàng đêm, nhưng rất tiếc sau này tôi đã không theo học vì nhiều lý do. Trong đó
có sự sai lầm của tôi, khi tiếp xúc với nền văn hóa khác – đó là sai lầm thật
đáng tiếc. Nhưng cho đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ như in tất cả những nghi thức
và lý giải một cách chi tiết về cách thức đưa linh hồn của người chết về nơi cần
đến.
1- Khâm liệm
và nhập quan
Người Tày quê tôi, mỗi khi có người chết, nhất thiết họ
phải mời thầy Tào đến nhà. Việc đầu tiên là khâm liệm cho người chết. Công việc
này cực kỳ quan trọng, nếu để xảy ra sơ xuất sẽ vô cùng khó khăn cho thầy Tào
và linh hồn yếu ớt kia.
Người con trưởng trong nhà phải đi cõng nước từ một
cái mỏ thật sạch sẽ, sau đó đun sôi cùng lá bưởi. Khi nước đã chuẩn bị xong, thầy
Tào bắt đầu làm phép với những bài hát thần bí. Nội dung của những bài hát đó
khuyên nhủ linh hồn đừng nên luyến ái cuộc sống trần tục, hãy đi về với thế giới
riêng của mình, cái thân xác này cần được gột rửa và cất kỹ trong áo quan để những
linh hồn xấu xa bên ngoài không thể xâm nhập… Thầy Tào cần hát để linh hồn tin
rằng, cái thân xác kia đã chết, không còn gì để luyến ái nữa.
Người nhà sẽ phải thay quần áo mới cho người chết, lau
rửa sạch sẽ bằng nước là bưởi. Sau đó sửa lại tư thế cho thật ngay ngắn. Đặc biệt
miệng phải được ngậm bạc trắng do thầy Tào yểm bùa, nếu không sẽ là nơi rất dễ
bị linh hồn xấu xa xâm nhập. Tiếp sau, thầy Tào cần vẽ một bài vị - nó như một
cái nôi đón linh hồn của người chết và bảo vệ nó khỏi sự phiền nhiễu của những
linh hồn bên ngoài.
Thầy Tào một tay cầm bài vị, tay kia cầm kiếm, miệng
niệm thần chú, nhãn thần rực rỡ, tỏa hết hào quang… xua đuổi những con ma xấu
đang vật vờ rình rập. Theo sau ba đệ tử: một cầm chiêng, một cầm não bạt, một cầm
cờ phướn (cờ hiệu riêng của thầy Tào), theo sau nữa là đám người nhà. Họ không
được phép khóc, nếu chưa có lệnh của thầy Tào.
Có lần tôi đã hỏi, tại sao người nhà không được phép
khóc, nếu như thầy Tào chưa cho phép? Ông tôi giải thích: tiếng khóc của người
nhà có một sức mạnh ghê ghớm, nó như một lực hút cực mạnh, càng làm linh hồn tiếc
nuối, khi đó linh hồn sẽ không còn nghe theo lời hát của thầy Tào, có những lúc
nó bay ra khỏi bài vị muốn trở lại thân xác vì sự luyến ái trần gian.
Và khi ấy
tất cả những linh hồn xấu xa bên ngoài sẽ lao vào nó, lợi dụng sự yếu ớt của nó
để quay lại thân xác. Nếu thầy Tào không kịp xoay sở, linh hồn yếu ớt ấy có thể
tan ra và không bao giờ có cơ hội đầu thai.
Thầy Tào bắt đầu vòng quanh áo quan. Mỗi bước đi là một
câu hát, kiếm vung lên đầy uy lực, đám đệ tử cần gõ các nhạc cụ theo đúng nhịp
đưa của lưỡi kiếm. Âm thanh lúc này thường chầm chậm, êm ái như một bài ru của
người mẹ.
Tiếng não bạt phải thật dài như gió chạy qua hang núi, tiếng chiêng
cũng ngân lên thật ấm áp. Âm điệu của bài hát thật chậm rãi, tỉ tê, dỗ dành.
Cũng có lúc thật dứt khoát với tiếng thét đầy uy lực, cùng nhát kiếm vung lên
sáng ngời .
tiếng não bạt phải căng ra để thị uy trước đám ma quỷ
bay lượn bên ngoài.Sau khi đã vòng áo quan đủ 36 lượt, làm nên một vòng hào
quang đủ sức xua đuổi đám ma quỷ quấy nhiễu, thầy Tào dừng lại và ra lệnh cho
người nhà được khóc. Lúc này tiếng khóc lại có sức mạnh thật huyền diệu. Tiếng
khóc ấy (tất nhiên phải khóc thực lòng) sẽ như một đám mây êm ái, bao bọc lấy
linh hồn yếu ớt kia, nó như một cái áo mềm mại che phủ lên linh hồn.
Và bốn người
đàn ông được phép nhấc cái thân xác không còn linh hồn ấy vào trong áo quan.
Sau khi đã sửa sang tư thế nằm cho thân xác, người ta phải lấy bốn viên ngói trên
mái nhà, kê hai bên đầu thân xác, cấm kị việc đầu người chết bị nghiêng. Hơn nữa
người ta rất sợ khi chôn thân xác ấy xuống đất, cùng năm tháng rễ cây có thể ăn
sâu vào áo quan, chui vào lỗ tai của người chết – sẽ làm đau đớn linh hồn và ảnh
hưởng đến con cháu.
Khi đã hoàn thành việc đưa thân xác vào áo quan, tất cả
người nhà phải lùi ra xa, thầy Tào ngậm một bát nước bùa, thổi ba lần lên thân
xác kia rồi lệnh đóng nắp áo quan lại. Và tại sao thầy Tào lại thổi ba lần nước
bùa lên thân xác? Đây cũng là điểm quan trọng khi hành nghề thầy Tào. Việc thổi
nước bùa ấy không chỉ mang tính hình thức, cũng không hẳn là gột rửa thân xác.
Cái bát nước bùa ấy là cả một bí quyết mà chỉ những thầy Tào có đủ nhãn thần mới
tinh luyện được nó. Vì khi thổi bát nước đó lên thân xác người chết, cũng có
nghĩa thầy Tào đã đưa một phần linh hồn được gọi là “hen mo” (trông mộ). Nếu
không đưa được một phần linh hồn này vào áo quan cũng có nghĩa cái thân xác kia
và cả ngôi mộ sau này không còn ý nghĩa. Linh hồn này được giao nhiệm vụ ở lại
thân xác, chăm bẵm ngôi mộ và liên lạc với con cháu thông qua những giấc mơ... (Còn tiếp)
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự