Bên cạnh con đường liên xã thuộc thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, Hà Nội có một ngôi mộ vô danh cây cối um tìm rậm rạp đứng một mình chơ vơ. Không rõ ngôi mộ là của ai nhưng người dân gọi chung một cái tên là “mả ông thiêng”. Ngôi mộ này cũng được đồn thổi có sự kỳ lạ là không ai đắp nhưng tự lớn dần lên một cách rất khó tin.
Cụ Vinh, năm nay đã hơn 80 tuổi, cho biết: “Ngôi mộ này có từ lâu lắm rồi, từ thời dân ta còn đang bị đô hộ”. Theo lời cụ Vinh thì đó chính là năm 1945, khi xảy ra nạn đói khủng khiếp, những người ăn xin đói khát la liệt chật kín đường, họ kéo về đây rất đông. Lúc đó, cụ Vinh còn nhỏ nhưng nhớ rõ là người ăn xin tụ tập kín ở đầu làng.
Trong số những người ăn xin đó có một cụ già tuy rách rưới, gầy còm nhưng có phong thái khác hẳn. Những người ăn xin thì hàng ngày vào trong thôn, còn cụ cứ ngồi xếp bằng ở cạnh gốc cây đầu làng mà không đi. Cụ cũng không tranh cướp đồ ăn với những người ăn xin khác, mà chỉ để cái nón trước mặt, ai thương tình thì bỏ vào đó chút gì.
Nhiều người thấy thương cảm mang đồ ăn ra cho cụ, cụ cảm ơn và rồi ăn một cách từ tốn. Người ta nghe giọng cụ đoán chừng là người ở tỉnh Thái Bình lánh nạn đói trôi dạt về đây. Trong cái bị ăn xin của cụ còn có vài quyển sách chữ Hán nên mọi người nghĩ cụ chắc là nhà nho thất thế.
Vì nhiều người ăn xin những ngày tháng đó nhiều vô kể, cụ không đi xin ăn, chỉ ngồi một chỗ nên sau một thời gian ngồi ở gốc cây thì cụ đã mất. Lúc mất, cụ vẫn ngồi xếp bằng, đầu dựa vào gốc cây và ánh mắt nhìn lên trời. Lý trưởng trong làng thấy vậy thì sai người khiêng xác cụ ra cạnh ven đường vứt xuống đó rồi vùi lấp qua loa vì người chết quá nhiều nên chôn chẳng kịp.
Có một điều kỳ lạ là ngôi một tuy lấp sơ sài nhưng qua một thời gian người ta cứ thấy mộ cứ cao dần lên dù chẳng ai đắp mộ cả. Những năm ấy con đường còn rất thấp, lúc chôn còn chưa cao bằng mặt đường nhưng bây giờ mộ lại cao hơn cả mặt đường. Theo mọi người nhận định thì từ đó đến nay ngôi mộ đã cao lên hàng mấy mét so với lúc đầu vì con đường mới giờ đã được làm cao lên hơn một mét rồi nhưng cũng chưa cao bằng mộ. Và bây giờ nó trở thành một gò đất cao, cây cối rậm rạp.
Thấy mộ “tự lớn lên” như vậy, người dân cho rằng có sự lạ và cụ già ăn xin là một người phi thường nên khi sống tuy đi xin ăn nhưng vẫn có phong thái đường hoàng như thế, chết mới tự làm mồ cho mình. Vì thế mà người dân nơi đây không ai bảo ai thờ cúng rất cẩn thận.
Ngôi mộ còn được mệnh danh là “thần tài” cho những người buôn bán nên hầu như người nào đi chợ búa qua đây đều dừng lại thắp hương cầu khấn. Người ta cho rằng nếu cứ sáng ra đi chợ buôn hay bán gì cứ thắp hương cầu lộc sẽ thì rất đắt hàng, buôn được lời lãi rất cao.
Sự việc này bắt nguồn từ câu chuyện từ lâu lắm có một người đàn bà thôn khác sáng dậy gánh rau đi chợ sớm. Vì nhà nghèo chẳng còn hạt gạo nào con cái thiếu ăn đói nên phải nhổ rau vừa non, chưa đến kỳ thu hoạch đem đi bán kiếm gạo. Đi ra chợ chẳng bán được mớ nào, ngồi đến tận trưa tan chợ vẫn nguyên hai quang rau, người đàn bà đành lòng gánh mang về.
Khi đi ngang đường qua chỗ ngôi mộ của cụ ăn mày, chị ngồi nghỉ vì nắng nóng. Thấy nấm mồ vô danh cây cỏ um tùm tiện có quả ổi nhặt được ở chợ định mang về cho con liền đặt lên đó khấn vái cầu xin cho có thể kiếm được bữa cháo cho con.
Khi dậy gánh rau đi tiếp về thì bỗng có mấy người đi đường qua đó dừng lại hỏi mua rau. Người đàn bà mừng quá bán vơi đi được một nửa gánh, nhẩm tính có đủ tiền đong gạo cho con. Trên quãng đường về nhà, chị đã bán hết sạch rau. Mừng vì có tiền mua gạo nên hôm sau người đó lại nhổ rau đi bán và không quên đi qua mộ khấn vái cầu đắt hàng. Ra chợ lần này mặc dù rau xấu nhưng chị vẫn bán đắt như tôm tươi.
Tin rằng được người dưới ngôi mộ “phù hộ độ trì” nên mới được vậy nên mỗi lần đi chợ qua chị khấn vái, khi về lại mua chút lễ mọn thắp hương trả ơn. Từ đó, người ta biết chuyện nên ai đi chợ búa cũng cầu xin ngôi mộ vô danh đó cho buôn bán được trôi chảy và đều được toại nguyện. Không chỉ riêng những người đi chợ mới đến ngôi mộ cầu lộc mà còn có cả những cô cậu học sinh trong mùa thi cử qua “mả ông thiêng” ghé vào để cầu xin cho việc học hành được trôi chảy, đỗ đạt. Vì thế ngôi mộ còn được mệnh danh là “thần tài” cho những người đi đường qua lại trên tuyến đường này.
Ngôi mộ không chỉ nổi danh và được mọi người kính cẩn thắp hương vì được coi là “thần tài”, mà còn nổi tiếng với những câu chuyện rùng rợn liên quan đến việc quở phạt những người dám xâm phạm đến ngôi mộ.
Cách đây khoảng hơn chục năm, có người tên là Toàn vì thấy có hai cây xoan rất to mọc trên gò đất của ngôi mộ liền mang dao ra chặt đem về bán cho một gia đình khác làm củi đun. Nhưng chẳng lâu sau, tự dưng anh Toàn mắc bệnh, bệnh cũng quá không nguy hiểm nhưng chữa trị mãi lại không khỏi, không lâu sau đó anh Toàn mất.
Gia đình người mua hai cây xoan của anh Toàn đem về dùng làm củi đun lò gạch thì lò đắp rất chắc chắn nhưng đang nung gạch thì bị sập hỏng hết cả. Khi lò dựng lại lần thứ hai vẫn đem hai cây xoan chưa cháy hết ấy ra đun, gạch thì lại bị hỏng. Một người trong nhà đi xem bói thì thầy bói cho biết gia đình bị quở vì dám dùng hai cây xoan chặt ở “mả ông thiêng” để đốt lò. Nghe theo gia đình bèn đem ra trả lễ thì lò gạch lần sau mới được mẻ gạch thành công.
Khi hai cây xoan được đốn đi còn trơ lại gốc, có người thôn bên chẳng tin vào ma quỷ, lại gần Tết mà nhà chẳng có củi đun bánh chưng nên hai bố con cùng nhau ra đào gốc xoan đem về phơi làm củi đốt. Nhưng củi chưa kịp khô bỗng cả hai bố con bỗng dưng lăn ra ốm, khám xét cũng chẳng ra bệnh. Người con sau một vài hôm đổ bệnh thì qua đời, còn người bố thì phải lăn lóc mãi mới dậy được khỏi giường bệnh.
Một thời gian sau thì con đường được rải nhựa. Vì đường mới mở rộng nên phải cuốc mất một phần của ngôi mộ đi để tiện cho công việc thi công. Máy xúc được mang ra để làm việc nhưng không hiểu sao máy đang chạy bình thường cứ đến gần là lại hỏng. Đội thi công liền thay máy khác, thợ máy xoay xở tiến lùi máy điều chỉnh để chuẩn bị xúc thì bỗng dưng ngã xuống. Mọi người từng nghe tiếng về ngôi mộ linh thiêng nên sợ hãi chẳng còn ai dám động đến nữa.
Từ những câu chuyện đó mà người dân càng tin vào sự linh thiêng và truyền tai nhau rất nhiều câu chuyện ly kỳ của ngôi mộ nên chẳng còn ai dám xâm phạm và càng ngày càng có nhiều người đến để cúng khấn, nhiều nhất là ngày rằm và mùng một. Thấy khó khăn cho việc cúng khấn người dân còn đổ bê tông, xây một cái bàn thờ nhỏ ở giữa trong khu gò mộ cho mọi người có thể dễ dàng thắp hương.
Lý giải cho những chuyện ly kỳ này, ông Việt, một người sống gần ngôi mộ thiêng, nói: “Ngôi mộ lớn dần lên là cũng có nguyên do, ngày trước tôi không biết nhưng từ lúc tôi còn bé thấy người ta hay đi qua dừng lại đặt một hòn gạch hay hòn đá vào mộ của cụ ăn mày này vì thương cảm cho cụ phải chết đói lúc tha hương cầu thực. Vào những ngày tảo mộ nhiều người còn đến đắp đất tu sửa cho mộ nên nó cứ to dần theo thời gian”.
Về việc mọi mọi người đi chợ qua đây thắp hương hằng ngày ông cho biết là có thật, nhưng toàn là người buôn bán vì họ tin vào sự linh thiêng của ngôi mộ, chứ không phải ai đi qua cũng dừng lại thắp hương.
Khi được hỏi về những câu chuyện rùng rợn liên quan đến việc xâm phạm ngôi mộ thì ông Việt cười nói: “Đó chỉ là những sự trùng lặp ngẫu nhiên, người ta bệnh tật mà chết sao lại đổ cho thần thánh được. Tôi là người được chứng kiến những sự việc đó, tất cả xảy ra đều có nguyên do của nó, ví dụ như lò gạch bị sập là chuyện thường vì thỉnh thoảng vẫn có trường hợp đó xảy ra. Còn máy móc hỏng hóc hay đổ lúc thi công là do người ta không cẩn thận lúc làm việc”.
Theo An Ninh Thủ Đô
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự