Nổi danh nhờ đánh bại Chiêm Thành, khiến vua Chiêm Chế Bồng Nga tử trận
Trần Khát Chân (1370-1399) là danh tướng nhà Trần, dòng dõi Trần Bình Trọng, cha là Trần Vi Nhân làm nghề thầy thuốc, mẹ là Đặng Thị Thục. Quê ông ở Hà Lãng, phủ Vĩnh Ninh, nay là xã Hà Lương, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Trần Khát Chân là tướng quân có công lao to lớn khi giúp triều đình nhà Trần đánh tan quân Chiêm Thành. Vào thời điểm ấy, vua Chiêm Chế Bồng Nga nhiều lần cho quân tiến đánh nhà Trần, vào thành Thăng Long như chốn không người.
Năm 1389, quân Chiêm lại tiến đánh nhà Trần, Hồ Quý Ly đem quân đi đánh nhưng bị trúng kế của Chế Bồng Nga, thiệt hại nặng nề phải bỏ chạy về kinh thành.
Trần Khát Chân lúc này chỉ là một Đô tướng (quan võ cấp thấp) trẻ tuổi đem quân đi chặn Chiêm Thành. Nhờ biết được thuyền chở vua Chiêm, Trần Khát Chân liền cho hỏa pháo tập trung bắn vào thuyền vua Chiêm khiến Chế Bồng Nga chết tại chỗ, quân Chiêm bại trận phải rút về nước. Từ đó quân Chiêm không còn dám đánh Đại Việt nữa.
Sau chiến công này, Trần Khát Chân được phong làm Long Tiệp Bổng thần Nội vệ Thượng tướng, tước Vũ tiết quan Nội hầu và được cấp hai tổng Đông Thành và Nguyễn Xá làm thái ấp.
Hồ Quý Ly muốn đổi kinh đô nhằm cướp ngôi nhà Trần
Năm 1397, Hồ Quý Ly làm Thái sư, tước Tuyên Trung Vệ quốc Đại vương, giữ chức Bình Chương phụ chính, nắm mọi quyền hành trong tay. Quý Ly muốn dời kinh đô về Thanh Hóa, nhiều người phản đối đều bị ông ta tìm cách diệt đi.
Khi triều thần đang bàn bạc việc xây thành với yêu cầu chọn vị trí hiểm yếu, quan khu mật chi sự là Nguyễn Như Thuyết nói rằng “đức bất tại hiểm”, tức ý nói rằng cốt là ở “đức” chứ không phải ở việc xây thành hiểm yếu, nhưng Hồ Quý Ly đã không nghe.
Đầu năm 1397, Hồ Quý Ly cho xây thành ở Thanh Hóa để làm kinh đô mới và đặt tên là thành Tây Đô. Đến ngày nay một số đoạn tường thành vẫn còn tương đối nguyên vẹn.
Để đáp ứng yêu cầu quân sự, thành Tây Đô được xây dựng ở địa thế khá hiểm trở, có sông nước bao quanh, có lợi để phòng thủ hơn là một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa.
Trần Khát Chân ngầm phá thế phong thủy thành Tây Đô
Là người tinh thông phong thủy, lại không muốn Hồ Quý Ly lấn át mà cướp mất nhà Trần, nên khi thành Tây Đô xây xong, Trần Khát Chân đã tấu lên rằng:
“Chọn đất vàng để xây thành hay lắm, phía trước có Cung sơn làm án. Thiết tưởng cung mà không có tên thì cũng như vua không có uy, theo ý thần nên đắp một con đường từ Cung Sơn chạy đến trước cửa thành Tây Đô như một mũi tên. Có cung, có tên mới đủ vẻ hùng tráng của đức Thiên tử. Đường ấy thần sẽ đặt tên là Tiễn Lộ”.
Hồ Quý Ly nghe lời nên cho đắp đá hoa cương gọi là Hoa Nhai (Tiễn Lộ). Thế nhưng xét về phong thủy thì việc đắp Tiễn Lộ là rất tệ hại vì mũi tên chạy xuyên thẳng vào điện của vua chẳng khác nào một mũi tên đâm thẳng vào tim. Sau này nhiều người cho rằng chính con đường như mũi tên này làm nhà Hồ nhanh chóng bị diệt.
Lời thề ứng nghiệm hay phong thủy ứng nghiệm?
Khi Thượng Hoàng Trần Nghệ Tôn còn sống có nói với Hồ Quý Ly rằng: “Nhà ngươi là thân tộc nên bao nhiêu việc lớn nhỏ trong nước Trẫm đều ủy thác cho cả. Nay quốc thể suy nhược, Trẫm thì già rồi, ngày sau con Trẫm có lên ngôi được thì giúp, không thì nhà ngươi tự làm lấy”.
Là Thượng hoàng mà lại mù quáng đến mức cho Quý Ly “tự làm lấy”, lời của Trần Nghệ Tôn đã ứng nghiệm. Giả bộ trung thành mà thề thốt trước trời đất, Hồ Quý Ly cũng chẳng thể tránh khỏi thảm cảnh…
Nguồn tin: Tinhhoa.net
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự