Hé mở sự thật kinh hoàng về những hầm mộ tập thể khổng lồ
Hành trình tìm kiếm hài cốt lớn nhất trong lịch sử Việt Nam bắt đầu bằng cuộc viếng thăm của hơn một trăm cựu tù nhân Phú Quốc.
Buổi sáng hôm đó (ngày 30/4/2008), tại nghĩa trang liệt sĩ huyện đảo Phú Quốc, giữa nghi ngút khói hương, trong sụt sùi nước mắt, các cựu tù nhân nghẹn ngào kể lại những năm tháng kinh hoàng trong địa ngục trần gian.
Những căn phòng biệt giam ngột ngạt, những chuồng cọp rợn người, những ngón đòn tra tấn tàn độc, những cái chết tức tưởi của hàng ngàn bạn tù… Nhiều người bật khóc oà khi chợt nghe tiếng ai thảng thốt gọi: “Đức ơi! Trung ơi! Hoá ơi! Chúng mày có ở đây không? Anh em trại 10, trại 12 đây…”.
Đồng chí Trương Tấn Sang, uỷ viên Bộ Chính trị (thời điểm năm 2008 là Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng)-một cựu tù Phú Quốc, nghèn nghẹn nói, mắt đỏ hoe: “Chúng ta phải gắng tìm cho được hơn 4.000 hài cốt của các anh em tù, đưa họ về đây, dù chỉ là một dúm xương tàn. 35 năm nằm chìm khuất dưới cỏ hoang, đồi lạnh, không một nén hương tàn, anh em chắc tủi thân lắm”.
Nhà lao Cây Dừa với hàng trăm dãy nhà tôn san sát, trùng trùng lớp lớp hàng rào kẽm gai “đâm nát trời chiều” năm xưa giờ chỉ là vùng đất mênh mông gần 400 ha rậm rạp cối cây, cỏ lau ngút ngàn, chẳng để lại một dấu vết gì. Tìm ư? Khác gì mò kim đáy bể.
Đồng chí Nguyễn Trọng Dư, phó Giám đốc Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày ở Phú Xuyên (Hà Nội), một cựu tù binh Phú Quốc, thành viên trong đoàn ra thăm viếng chợt nhớ đến nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, người đã từng giúp gia đình ông tìm được mộ Tổ của gia tộc ở Hải Phòng. Đứng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện đảo Phú Quốc, ông liền bấm máy điện thoại liên lạc với Bích Hằng, ngỏ lời cầu giúp. Bích Hằng nhận lời tiếp ông ở Hà Nội.
8h sáng ngày 5/6/2008, cựu tù binh Nguyễn Trọng Dư đã có buổi làm việc với nhà ngoại cảm Bích Hằng tại số nhà 25 phố Thợ Nhuộm.
Sau khi nghe ông Dư kể về nhà lao Cây Dừa, về cuộc sống của hơn 40.000 tù nhân cộng sản năm xưa, về chế độ nhà tù hà khắc, tàn độc và cái chết đau đớn của hơn 4.000 chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng vô cùng xúc động. Nước mắt chan chan, chị nghẹn ngào nói: “Cháu sẽ cố gắng hết sức để giúp các chú sớm tìm lại đồng đội xưa”.
Sáng 18/10/2008, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, ông Nguyễn Trọng Dư cùng một số người trong Ban liên lạc cựu tù binh Phú Quốc đã có mặt ở “thiên đường du lịch”.
Hôm đó cũng là ngày Giáo hội Phật giáo Việt Namtổ chức đại lễ cầu siêu cho các liệt sĩ ở đảo và Bích Hằng là khách mời. Nhưng tạm gác lại những nghi thức của buổi đại lễ thiêng liêng ấy, Bích Hằng vội vã đến Tượng đài Nắm Đấm với mong muốn: sớm nhận được thông tin cho cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ mà theo chị dự cảm: sẽ lớn nhất trong lịch sử Việt Nam.
Song điều kỳ lạ là xe ô tô vừa đỗ trước cửa Tượng đài, Bích Hằng vừa bước chân xuống thì như có một thế lực nào huyền bí, ngăn không cho chị vào mà kéo tuốt chị đến cánh rừng rậm rạp phía trước.
Cho đến khi cánh cửa sắt lừng lững với hàng rào kẽm gai hiện ra trước mặt, chị và đoàn tìm kiếm mới dừng lại. Đây là địa phận bí mật, chứa đựng nhiều kho vũ khí của Hải quân vùng 5 nên nghiêm cấm mọi sự đột nhập.
Ông Nguyễn Trọng Dư liền rút điện thoại, trao đổi với Đại tá Ngô Văn Phát, Bí thư chính uỷ vùng 5. Đã từng đọc, nghe nhiều về nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, thấu hiểu tâm nguyện thiêng liêng của ông Dư và đồng đội, Đại tá Ngô Văn Phát đồng ý cho đoàn vào vùng cấm, thậm chí ông còn hồ hởi nói: “Tôi tự nguyện làm người dẫn đường cho đoàn”.
Chừng 10 phút sau, Đại tá Phát có mặt cùng một chiến sĩ hải quân trẻ, trên tay cầm một chùm chìa khoá lúc lỉu và chiếc búa đinh to đoành. Đại tá cười xoà: “Các bác thông cảm. Khoá cổng này gần hai mươi năm nay không mở. Tôi sợ khoá bị hỏng nên phải mang sẵn búa đinh theo”.
Cậu hải quân trẻ sau một hồi tìm kiếm trong mớ chìa khoá lúc lỉu, bước về phía cổng sắt, nhẹ nhàng tra thìa. “Toạch”. Khoá bật mở. Mọi người đồng loạt ồ lên đầy kinh ngạc. Gần 20 mươi năm dầm mưa dãi nắng trong gió mặn mòi của biển, bình thường, chỉ một vài năm là khoá đã hoen gỉ. Vậy mà…. Một cảm giác linh thiêng chợt ùa đến khiến mọi người trong đoàn lặng đi.
“Các chú ơi! Hài cốt nhiều quá. Nằm ngang, nằm dọc, tầng tầng lớp lớp. Toàn hầm mộ tập thể các chú ơi!”. Đi bộ vào sâu trong rừng chừng 100 m, bất chợt, nhà ngoại cảm Bích Hằng kêu lên thảng thốt.
Cả đoàn như bừng tỉnh. Đâu đó bật lên tiếng sụt sùi. Tìm một bãi đất trống, trải tấm ni lông, đoàn tìm kiếm bày đặt lễ vật, thắp hương. Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, chắp tay thành kính, giọng run run.
Chị khấn thần núi, thần sông, thần biển, khấn vong linh các anh hùng liệt sĩ, những tù nhân cộng sản đã hy sinh thân mình vì dân, vì nước. Chợt chị reo lên: “Chú Bảy Ni về. Chú ấy muốn nói chuyện với các chú”.
Đồng chí Bảy Ni, (tức Nguyễn Văn Ni) là Bí thư Đảng uỷ phân khu B2 đã lãnh đạo phân khu đấu tranh giành thắng lợi trong việc đánh đuổi tên trung sĩ giám thị trưởng ra khỏi phân khu. Chính vì chiến công này mà ông đã bị tên Bảy Nhu tra tấn, đánh đập bằng những ngón đòn tàn độc, man rợ. Trước khi chết, ông còn hô: “Đả đảo Mỹ - Thiệu. Hồ Chí Minh muôn năm”.
Sự linh ứng kỳ lạ
Cuộc trò chuyện giữa vong linh của đồng chí Bảy Ni và đoàn tìm kiếm hài cốt kéo dài chừng một tiếng đồng hồ.
Cuộc nói chuyện vừa kết thúc, Bích Hằng đã phăm phăm vạch cây rừng chạy lên trên đồi, nơi đồng chí Bảy Ni vừa chỉ dẫn có hầm mộ số 2. Thấy vậy, trung tá Nguyễn Văn Cao, đội phó đội K92 (Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Kiên Giang), hét to: “Bích Hằng. Dừng lại. Ở đây nhiều rắn độc lắm”.
Kệ! Bích Hằng cứ phăm phăm chạy. Mọi người ùa theo. Chạy chừng 50 m, cả đoàn đứng sững lại. Cạnh ụ đất trên có mấy bao tải cát, có 3 gốc cây thông mục nằm theo thế chân kiềng. Tín hiệu mà vong linh đồng chí Bảy Ni cho hoàn toàn chính xác.
Buổi chiều hôm ấy, cả đoàn kéo đến Tượng đài (nghĩa trang) Nắm Đấm (Hình quả đấm to và cao như toà nhà ba tầng nện lên nền trời xanh vòi vọi. Đây có lẽ là quả đấm lớn nhất thế giới) thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ.
Chính tại nơi đây, vài năm trước, khi đào móng khởi công tượng đài này, người ta đã vô tình bới được hàng trăm bộ hài cốt. Có bộ xương được “đóng” tới… 16 cái đinh mười (đinh to như ngón tay), có bộ được chằng trói bằng dây thừng, dây nhựa dẻo rất tàn độc. Hàng trăm chiếc đinh tra tấn người tù được nhặt ra khỏi các mớ xương, trung tá Nguyễn Văn Cao, đội phó đội K92 đem giao nộp cho cán bộ văn hóa địa phương để trưng bày tại Bảo tàng, ai trông thấy cũng lạnh sống lưng.
Đang thắp hương lầm rầm khấn vái, chợt Bích Hằng ngưng bặt. Mắt chị hướng về phía bãi cây vòi voi, to như cây mía, mọc lúp xúp bên phía tay phải, ngoài hàng rào nghĩa trang. Chị bảo trung tá Cao: “Ở kia có nhiều hài cốt liệt sĩ đấy anh ạ. Ngày mai là ngày phụ nữ Việt Nam20/10. Ngày này năm ngoái, em đã tìm được mộ cụ Nguyễn Đức Cảnh - một vị tiền bối cách mạng, một trong 7 đồng chí thành lập chi bộ Đảng đầu tiên và nhận trọng trách Bí thư xứ ủy Bắc kỳ. Em muốn chào mừng ngày phụ nữ năm nay bằng cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở đây. Ngày mai anh cho anh em đội K.92 đào trước ở chỗ bãi cây vòi voi kia nhé”.
Quả đúng như sự chỉ dẫn của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, sáng hôm sau, đội K.92 đã tìm được 30 hài cốt, trong đó, có hai hài cốt vẫn bị trói chặt với nhau bằng sợi dây dù.
Niềm tin về một thế giới thiêng liêng, huyền bí trong anh em đội K.92 được củng cố, để rồi bắt đầu bước vào cuộc hành trình tìm kiếm hơn 4.000 hài cốt liệt sĩ lớn nhất, xúc động nhất trong lịch sử Việt Nam./.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự