Rút quẻ - phong tục lâu đời
Đi lễ chùa đầu năm và xin quẻ là phong tục lâu đời của người Việt. Theo tục cũ, người đi chùa sau khi dâng lễ chọn lấy một quẻ thẻ thường làm bằng tre có ghi số hiệu hoặc ghi một câu ngắn gọn bằng tiếng Hán nêu tổng quát về cuộc đời, vận hạn của người rút quẻ trong năm đó. Ngày nay, thay vì thẻ tre, các chùa thường dùng thẻ giấy và chữ quốc ngữ để người xem dễ hiểu, không cần nhờ đến các thầy đồ luận giải.
Tại một số đình chùa, người đi lễ được rút thẻ miễn phí. Còn lại phần lớn mọi người phải bỏ từ 3.000 - 5.000 - 10.000 đồng để rút một quẻ thẻ hoặc lá số tử vi. Nội dung các quẻ thẻ tập trung nói đến vận hạn của mọi người trong năm. Quẻ tốt hay xấu thể hiện ngay ở tên quẻ: quẻ đại cát, quẻ thượng thượng, quẻ hạ hạ.... Cũng có những quẻ luận giải cụ thể các vấn đề hôn nhân, cầu tài, cầu danh, gia trạch.... và tổng giải.
Người đi lễ chùa rút quẻ đầu năm xuất phát từ mong muốn sẽ gặp nhiều may mắn, an lành trong cả năm trước mắt. Đây là phong tục đã được nhân dân ta lưu giữ từ lâu và trở thành nét đẹp văn hóa mỗi dịp tết đến, xuân về.
Không nên quá tin vào quẻ
Nhiều người rút được quẻ thẻ phản ánh đúng tâm trạng, hoàn cảnh hiện tại của mình thấy như được chia sẻ và an ủi phần nào. Tuy nhiên, nhiều quẻ thẻ xấu lại khiến người rút quẻ lo lắng, buồn phiền đến mất ăn mất ngủ. Nhiều trường hợp các quẻ thẻ nói chung chung, khó hiểu, người rút quẻ tự vận vào hoàn cảnh của mình để suy đoán, tin theo....
Chị Vân (Tân Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Mỗi năm rút một quẻ dịp đầu xuân mới để biết năm nay mình cần làm gì và nên phòng tránh gì. Đi lễ chùa và rút quẻ vào những ngày đầu năm thấy tâm hồn được thư thái trước khi bước vào một năm tất bật với công việc, với gia đình....".
Từ đầu năm đến nay, khắp các chùa trên địa bàn Hà Nội luôn tấp nập cảnh người người đến lễ chùa cầu an. Hầu hết mọi người đều không quên rút một quẻ thẻ xem vận hạn trong năm trước khi ra về. Chùa Phúc Khánh - vốn nổi tiếng là ngôi chùa linh thiêng bậc nhất Hà thành luôn nườm nượp người đến khấn vái, cầu an, giải hạn và rút quẻ. Trong khi đó, chùa Hà thuộc khu vực Cầu Giấy lại là chốn dừng chân của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên đến cầu duyên. Nga - nhân viên văn phòng - vừa bước ra khỏi chùa với tấm quẻ trên tay vui vẻ khoe với chị bạn đi cùng: "Đang đắn đo chuyện hôn nhân lại rút được quẻ phán Trăm năm là việc vợ chồng/Phải đâu tạm bợ mà lòng đắn đo/Cùng nhau giao ước hẹn hò/Đôi bên nhất trí ắt là thành công thấy vững tin để "theo chàng về dinh" hơn".
Trong khuôn viên chùa Phúc Khánh, bác Liên (Hà Đông) không giấu nổi vẻ lo lắng trên khuôn mặt khi vừa lầm rầm đọc tờ quẻ rút được "Năm nay tôi "gặp" sao Thái Bạch, lại rút được quẻ xấu, chắc phải làm lễ cúng sao giải hạn...".
Có lẽ sau rằm tháng giêng, các đền chùa, lăng tẩm sẽ bớt xô bồ hơn nhưng thói quen lên chùa cầu an, rút quẻ sẽ vẫn diễn ra thường xuyên, đặc biệt trong các dịp lễ hội. Thiết nghĩ, nên xem việc đi lễ chùa, rút quẻ là một phong tục đẹp giúp tinh thần lạc quan, thanh thản hơn chứ không nên quá tin vào nội dung quẻ thẻ.
Dưới đây là một số tâm trạng buồn vui, lo lắng của mọi người sau khi rút quẻ thẻ đầu năm do PV Laodong.com.vn ghi lại:
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự